Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết“Báu vật của đời”

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Báu vật của đời (Mạc Ngôn (Trang 59)

5. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết“Báu vật của đời”

Việc khảo sát không gian trong “Báu vật của đời” đã cho thấy có các loại không gian cùng tồn tại là: không gian hiện thực, không gian huyền ảo, không gian tâm tưởng. Các loại không gian này được miêu tả trong sự đan xen và chuyển hóa linh hoạt.

3.1.2.1. Không gian hiện thực

Như Mạc Ngôn đã từng trả lời phỏng vấn: “Mọi thứ tôi có đều moi từ trong cái bao tải rách của vùng Đông Bắc Cao Mật”, trong tất cả các sáng tác của ông, ta luôn nhìn thấy dấu ấn của quê hương Cao Mật. Theo Mạc Ngôn, đó “là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất, siêu thoát nhất, thế tục nhất, trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất mà ông đã từng “yêu thương đến cực điểm, căm thù đến cực điểm”. Bước vào không gian trong “Báu vật của đời” là thêm một lần nữa đến với quê hương Đông Bắc Cao Mật của nhà văn. Và qua ngòi bút của Mạc Ngôn, không gian ấy trở nên sống động, hấp dẫn lạ thường.

Nhà là một không gian trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm. Không gian nhà trong “Báu vật của đời” bao gồm: Không gian nhà thờ, không gian nhà Thượng Quan, không gian nhà Phúc Sinh Đường...

Không gian nhà thờ vốn là nơi thanh tịnh và uy nghiêm, là nơi siêu thoát khỏi cõi tục. Trong “Báu vật của đời”, không gian nhà thờ đã trở thành một không gian trần tục hóa, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống. Không có vẻ thánh thiện trên khuôn mặt Đức mẹ Maria và chúa Hài đồng mà thay vào đó là vẻ ngắn ngủn, đần độn và nanh nọc. Trên đầu chúa Giêsu đầy bụi và cứt chim. Cổng nhà thờ đầy dòng chữ phỉ báng thần linh. Nơi thiêng liêng này cũng trở thành nơi uế tạp nhốt lừa của đội Hỏa Mai Lừa Đen. Đây cũng là nơi phát động phong trào phụ nữ bỏ tóc đuôi sam để tóc ngắn, phong trào cải giá và đặc biệt triển lãm giáo dục giai cấp “tố cáo tội ác của bọn Hoàn Hương Đoàn” được diễn ra ở chính trong nhà thờ này. Những câu chuyện về “cuộc sống phè phỡn của Tư Mã Khố”, tội ác tày trời của bọn Hoàn Hương Đoàn đã được quy chụp theo thiên kiến chính trị, mất đi sự đánh giá công bằng, khách quan. Điều đáng nói là sự thật được thổi phổng ở nơi con người cần phải sống thật với lòng mình nhất. Ở cuối tác phẩm, Kim Đồng đưa mẹ đến nhà thờ nghe giảng Kinh. Những lời răn dạy của Kinh thánh về đạo đức sống nhằm hướng thiện cho con người. Thế nhưng những âm thanh xô bồ của cuộc sống vẫn len lỏi nơi đây: cậu thanh niên dùng tiền lau giầy thực ra là một tên tội phạm bị truy bắt, thiếu phụ trẻ đợi bạn, thiếu tá không quân đến làm công đức lấy danh, người phụ nữ

bị thương quấn băng ở đầu đang cho con bú, ông già với cái chân đầy mụn nhọt, tiếng loa tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch. Một câu hỏi đặt ra, giữa nhịp sống gấp gáp liệu có một không không gian thật sự yên tĩnh dành cho tâm hồn con người. Dường như ở đây ta bắt gặp tấm lòng cảm thông và xót xa của Mạc Ngôn trước cuộc sống ồn ào thời hiện tại. Xã hội càng phát triển, con người càng khó có giây phút thảnh thơi để sống chậm.

Không gian nhà Thượng Quan là không gian được chú ý miêu tả nhiều nhất trong tác phẩm. Đó là hình ảnh ngôi nhà với chái đông, chái tây, gian chính, cây lê ngoài sân, ang nước... Một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác ở vùng Đông Bắc Cao Mật. Xuyên qua lớp bụi thời gian, cùng với những thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà đã trở thành một dấu ấn, ghi giữ lịch sử gia tộc Thượng Quan. Đó là không khí nặng nề, u ám đè nặng Thượng Quan Lỗ Thị khi chị mãi không sinh hoạt được con trai, không khí tang thương khi chồng chết, bố chồng chết, mẹ chồng ngã bệnh trong trận càn của quân Nhật. Ngôi nhà ấy có lúc mẹ con quây quần bên nhau, nghe kể chuyện vùng Cao Mật, có lúc ồn ào náo nhiệt với những công việc sinh hàng ngày: tiếng dội nước, tiếng thùng nước kêu, khói bếp... có lúc chỉ có “nồi canh rau dại có thể soi gương”, có lúc đông vui, có lúc vắng vẻ lạnh lẽo. Nhà Thượng Quan đã từng là nơi đóng quân của của đội Hỏa Mai Lừa Đen, của đại đội bộc phá, đã từng rất vẻ vang dưới thời Tư Mã Khố, cũng là nơi trú chân của anh hùng quân đội Tôn Bất Ngôn và anh hùng huyền thoại Hàn Chim. Ngược lại, trong thời Cách mạng văn hóa, trên cổng nhà Thượng Quan đầy dòng chữ: “Nhà Hán gian”, “Sào huyệt của bọn Hoàn Hương Đoàn”, “Nhà thổ”. Nhưng hơn hết thảy, nhà Thượng Quan là nơi cội nguồn yêu thương. Số phận của những đứa trẻ: Sa Tảo Hoa, Tư Mã Lương, Câm Anh, Câm Em, Lỗ Thắng Lợi, Tư Mã Phượng, Tư Mã Hoàng, Hàn Vẹt không biết sẽ ra sao nếu không nhận được sự đùm bọc, che chở dưới mái nhà Thượng Quan. Những đứa con trong gia đình này đều coi đây là bến đỗ bình yên để họ tìm về. Người con thứ tư của gia đình Thượng Quan Tưởng Đệ sau bao năm lưu lạc “làm vợ khắp người ta” đến lúc cuối cùng vẫn nhớ tìm về nhà. Hay Thượng Quan Phán Đệ đã thay tên đổi họ để được thăng quan tiến chức nhưng khi chết ước nguyện cuối

cùng là được đưa về nhà mẹ. Khi không còn nơi nào để đi nữa, Kim Đồng nghĩ tới nơi sẽ giang rộng vòng tay đón nhận mình chính là nhà của mẹ.

Không gian nhà Phúc Sinh Đường- nhà của Tư Mã Đình và Tư Mã Khố là một không gian mang tính công cộng. Không gian này được miêu tả rất ồn ào, náo nhiệt với đèn nến sáng trưng, tiếng trống điểm, tiếng thanh la nhát gừng, tì bà, nhị, sáo, tiếng hát cùng nổi lên trong buổi biểu diễn kịch ăn mừng thắng lợi chiến công phá cầu của anh em nhà Tư Mã. Tại sân phơi nhà Tư Mã, người dân Cao Mật, lần đầu tiên được tiếp xúc với “văn minh phương Tây”- được xem phim Mỹ, được tận mắt chứng kiến ánh đèn điện sáng trưng. Không gian nhà Tư Mã cũng là không gian chứa đầy sát khí. Đó là “hình ảnh mười tám cái đầu nhà Tư Mã vẫn treo lủng lẳng trên giá gỗ ngoài cổng nhà Phúc Sinh Đường” [34;127] sau trận càn của quân Nhật. Và ngay chính trong đêm Tư Mã Khố cho chiếu phim, cảnh chiếu phim mới lạ, hấp dẫn mọi người nhanh chóng bị thay thế bằng một cảnh hỗn loạn: “Những bộ mặt hoảng sợ trong luồng ánh sáng. Đôi nam nữ đang đùa rỡn trong nước trên màn ảnh bị xé lẻ ra từng mảnh vụn. Chớp. Sấm. Máu tươi, xương thịt tung tóe. Phim Mỹ. Lựu đạn. Đầu nòng súng phụt ra những con rắn lửa. Anh em, không được mất trật tự! Lại một loạt tiếng nổ! Ối mẹ ơi! Ối con ơi! những cánh tay giãy đành đạch. Chân vướng ruột người. Những hạt mưa to như đồng bạc trắng. Những ánh chớp chói mắt” [34;245]. Liền sau đó, nhà Tư Mã Khố lập tức trở thành nhà giam. Không gian nhà Tư Mã còn là không gian của cuộc đấu tố giai cấp tàn nhẫn bất luận phải trái, trắng đen. Triệu Giáp bị xử bắn. Kim Một Vú bị đấu tố vì buôn bán dầu thơm. Thầy giáo Tần Nhị bị đấu tố vì “thiên vị” cậu con trai nhà giàu Tư Mã Khố. Từ Tiên Nhi tố cáo Tư Mã Khố bức hại dẫn đến cái chết của vợ và mẹ anh ta, yêu cầu phải mạng đổi mạng, đòi xử bắn con cái của Tư Mã Khố. Mặc dù biết rõ nguyên nhân cái chết của mẹ, vợ Từ Tiên Nhi, chính Từ Tiên Nhi cũng thừa nhận “mẹ tôi không thắt cổ chết, vợ tôi chết không phải hoàn toàn do Tư Mã Khố” [34;307] nhưng chính quyền khu vẫn tuyên xử bắn Tư Mã Phượng, Tư Mã Hoàng. Cái chết của hai đứa trẻ Tư Mã Phượng, Tư Mã Hoàng đã hạ màn không khí “dân chủ quá trớn”.

Người dân mơ hồ cảm nhận sự độc đoán đến lạnh lùng tàn nhẫn của chính quyền mới thành lập.

Không gian hiện thực trong “Báu vật của đời” còn là không gian trên đường. Đầu tiên là không gian trên đường đi chôn xác chết. Đó là không gian trải dài theo con đường tới nghĩa trang: những địa điểm quen thuộc như nhà thờ, nhà Phúc Sinh Đường... những cánh đồng lúa mạch dập dìu sóng, nắng, gió, mưa, từng đàn từng đàn quạ, diều hâu tranh nhau xác chết. Thiên nhiên Cao Mật vẫn đẹp bình thản đối lập với tâm trạng đau xót của những người có thân nhân tử nạn.

Không gian trên con đường người dân Cao Mật tới huyện lị để được ăn cháo bố thí xao xác cái đói, cái rét và những bóng người dật dờ. Không ít người đã bỏ mạng trên con đường “xin ăn”. Để cứu mọi người, ông Ba Phàn đã dùng trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường thúc giục mọi người tiếp tục cuộc hành trình hướng về bát cháo bố thí. Qua không gian này, người đọc động lòng trắc ẩn trước cuộc sống khốn khó của người dân Cao Mật và cảm thông với niềm mong ước giản dị “được bữa no” của họ.

Không gian trên đường người dân Cao Mật đi sơ tán không chỉ đơn thuần là chống chọi với cái đói, cái rét mà còn là sự hỗn loạn, tranh giành lẫn nhau. Người ta tranh giành thức ăn nước uống, tranh giành chỗ ngủ và tranh giành đồ với cả người chết. Anh thợ cắt tóc Vương Siêu bị cưỡng bức phải trưng dụng chiếc xe kéo đã tự sát. Những ngày tháng rút chạy theo chính quyền có thể nói là những ngày tháng người dân phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn thiếu thốn về vật chất, mệt mỏi, hoang mang sợ hãi về tinh thần. Không khí trên con đường người dân đi sơ tán cũng đã phần nào tái hiện lại không khí thời đại lúc bấy giờ.

Cũng là không gian trên đường, không gian trên đường Kim Đồng bị giải đi diễu phố mang một sắc thái khác lạ- một sự hỗn loạn từ phía những người giữ vai trò trấn áp trật tự công cộng- Hồng vệ binh. Trái với vẻ cam chịu hiền lành của những người dân (những người bị giải đi diễu phố và những người trên đường phố), Hồng vệ binh mặc sức ra oai, thị uy quyền lực. Đối với kẻ trộm đồ của Phòng Thạch Tiên- kẻ gây ra cảnh nhốn nháo trên đường phố thì Hồng vệ binh không truy

bắt. Đối với Phòng Thạch Tiên tội nghiệp sắp chết đuối, chết rét ở giữa đầm nước thì Hồng vệ binh cũng bàng quan mặc kệ. Nhưng đối với Thượng Quan Lỗ Thị- người phụ nữ duy nhất trong số những người có mặt ở đó hôm ấy đã cứu giúp Phòng Thạch Tiên thì Hồng vệ binh lại cho rằng đó là hành động “lừa bịp” và thực hiện bằng hành động khẩu hiệu “đánh kẻ thù giai cấp ngã lăn ra đất, đạp thêm một đạp”. Trận hỗn chiến giữa hai đám Hồng vệ binh do Vu Vân Vũ đứng đầu và một đám Hồng vệ binh do Quách Bình Ân đứng đầu đã khiến dân chúng “sợ cháy thành vạ”, chạy tán loạn vào các ngõ”. Không gian này đã thể hiện được không khí trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Và qua đây có thể thấy cuộc sống của người dân trong thời kỳ này vô cùng ngột ngạt, đầy bạo lực và nhiễu nhương.

Trong “Báu vật của đời”, chúng ta còn bắt gặp không gian chợ, có hai loại không gian chợ: chợ Người và chợ Tuyết. Con người giữ vị trí chủ đạo trong không gian này. Nổi lên trên gam màu ảm đạm của không gian chợ Người là hình ảnh những con người mặt xanh nanh vàng, đói khát “đàn ông nhăn nheo như cây khô, quá nửa là bị mù màu, không mù thì toét mắt”[34;146], phụ nữ thì con cái vây quanh, trẻ con đen nhẻm. Khi xuất hiện người phụ nữ ngoại quốc, những con người khổ sở bị cái đói hành hạ này ùa tới như định giành lấy về mình, rao bán con cái như rao một thứ hàng. Họ coi đây là cơ may cứu thoát gia đình và cả cho đứa trẻ. Gia đình bớt một miếng ăn, đứa bé từ nay có cái ăn cái mặc không phải chịu đói, chịu rét. Chút thoáng buồn, xót xa của ngòi bút nhà văn đọng lại ở không gian chợ Người này. Cái ồn ào thoáng qua của phiên chợ không át được cái không khí ảm đạm thê thảm mà khi nó qua đi càng tăng thêm vẻ thê lương đến thảm hại. Tình cảnh khốn khó phải bán con của người dân được tái hiện phần nào qua bức tranh chợ Người.

Tương phản với không gian chợ Người là không gian chợ Tuyết vùng Đông Bắc Cao Mật. Một không gian hoàn toàn câm lặng tiếng người nhưng không khí phiên chợ vẫn rất “sống”. Con người trao đổi thông tin với nhau bằng cử chỉ, bằng ánh mặt. Dù có tức giận, không vừa ý hay hồ hởi trong lòng thì ngôn ngữ của họ cũng chỉ là là một thứ ngôn ngữ câm đầy biểu cảm. Không gian chợ Tuyết là không

gian bình yên nhất trong “Báu vật của đời”, không xô bồ, hỗn loạn, không ồn ào, náo nhiệt, không tranh giành thị phi. Người dân tự nguyện sống theo khuôn khổ được bình thản đi chợ, trao đổi hàng hóa, nhịp sống trôi đi nhẹ nhàng. Đó có thể là không gian sống mơ ước của người dân.

Một mảng không gian hiện thực đã được tái hiện qua không gian ở nông trường quốc doanh Thuồng Luồng. Không gian này mặc dù chỉ được miêu tả trong 36 trang thuộc chương V nhưng cũng đủ đem đến cho người đọc những ấn tượng về cuộc sống ở nông trường quốc doanh. Ở đội chăn nuôi của nông trường diễn ra thí nghiệm khoa học động trời. Mã Thụy Liên- đội trưởng đội chăn nuôi dựa vào quyền hành đã ép các kỹ sư thuộc phần tử phái hữu làm theo “sáng kiến” của cô: lấy tinh trùng của ngựa thụ tinh cho trâu, trâu cho cừu, cừu cho thỏ. Các kỹ sư kịch liệt phản đối nhưng cuối cùng cũng phải thực hiện. Đây chính là sự sai lầm của nền khoa học cách mạng Trung Hoa. Không gian nông trường quốc doanh Thuồng Luồng còn là không gian bị ngập chìm trong nước lũ “những căn nhà mái ngói tường đất của nông trường Thuồng Luồng lần lượt đổ ụp, nhận chìm trong nước lũ”, “tiếng khóc như ri trong khu nhà tập thể nông trường, từng đám người ngụp lặn trong nước” [34;520]. Và người đọc cũng bắt gặp một không gian nông trường đầy đói khát trong những năm 60. Đói đến nỗi mà các “phần tử phái hữu trong đội phái hữu của nông trường Thuồng Luồng đều biến thành động vật ăn cỏ” [34;525]. Đói đến nỗi “phụ nữ thì tắt kinh, vú lép kẹp, còn đàn ông thì hai hòn dái rắn như đá cuội treo tòn ten trong cái bìu trong suốt, không còn khả năng đàn hồi”[34;529]. Cái đói khiến cho Hoắc Lệ Na, Kiều Kỳ Sa vì miếng ăn phải khuất phục trước Trương Rỗ, vì nó phải đánh đổi cả sinh mệnh. Tuy nhiên cái đói cũng là cơ hội kiếm lợi của một số người có quyền có chức của nông trường. Có thể nói không gian ở nông trường quốc doanh Thuồng Luồng là không gian thu nhỏ của xã hội đương thời, là hậu quả Công xã nhân dân làm cho cuộc sống con người rơi vào hoàn cảnh bí bách, dở sống dở chết.

Qua khảo sát, không gian chiến trường cũng là không gian hiện thực được Mạc Ngôn chú ý miêu tả. Mặc dù xuất hiện ở một số đoạn trong chương 4 của tác

phẩm nhưng không gian chiến trường đã trở thành một nỗi ám ảnh ghê rợn đối với người đọc. Đó là không gian hãi hùng đầy chết chóc: tiếng máy bay gầm rú, pháo nổ rền vang như sấm, đạn chát chúa, nhà cửa đổ nát vỡ vụn, cây cối cháy xém, xác người không toàn thây ngổn ngang... Chiến trận thì liên miên “quần nhau đến tối mịt, hai bên đều thấm mệt ngồi xuống nghỉ, nghỉ một lát lại đánh, lửa sáng rực trời, băng tan mặt đất” [34;349]. Nói như ngôn ngữ của Mạc Ngôn thì không gian đó chính là “địa ngục trong truyện cổ tích”.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Báu vật của đời (Mạc Ngôn (Trang 59)