Sự hiện hữu linh hồn

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Báu vật của đời (Mạc Ngôn (Trang 39)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Sự hiện hữu linh hồn

Mạc Ngôn đã đưa cảm giác của người đọc chạm ngõ thế giới mông lung ma mị bằng sự xuất hiện của ma qua cái nhìn của Kim Đồng và việc Trương Thiên Tứ dẫn độ xác chết về quê.

Thế giới luôn hàm chứa những điều thần bí. Vấn đề tâm linh, ma quỷ luôn là một ẩn số của loài người. Từ đó, rất nhiều câu chuyện được thêu dệt làm tăng thêm sự huyền bí. Trong những lần đi chăn dê ở vạt cỏ ven đầm, Kim Đồng được nghe ông già Uông Tuấn Quý kể một kho chuyện về ma quỷ. Đằng sau mỗi câu chuyện là nỗi sợ hãi, hoang mang của loài người trước những điều chưa lý giải được. Nét tâm lý đó được ăn sâu, bám rễ và lưu truyền từ đời này qua đời khác hình thành nên vô thức tập thể.

Mặc dù trong tác phẩm này, chiến tranh chỉ được thể hiện qua vài nét phác thảo: xác chết đầy đường, cỏ cây cháy xém, mùi thuốc súng khét lẹt, nhà cửa đổ vụn… nhưng đã làm sống dậy hoàn cảnh trong chiến tranh đói khát, chết chóc. Những điều này hình thành tâm lý bất an. Trong đêm đầu tiên trên đường rút chạy trở về nhà, Kim Đồng và gia đình ngủ lại ở ngôi nhà đổ nát bên cạnh chiếc quan tài, trên đầu là tia chớp đạn pháo, trong lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Những trải nghiệm ghê rợn đã đánh thức tâm lý hoang mang sợ hãi trong tiềm thức Kim Đồng và chập chờn trong giấc ngủ mộng mị, Kim Đồng đã thấy ma hiện hình “chiếc quan tài bị đội lên từ từ, hai bàn tay xanh lét bám hai bên mép thành. [34;340]. Dưới con mắt của Kim Đồng, con ma có hình dáng hết sức kì quái “mặt xanh lét”, “quần áo là hàng vạn vảy bạc liên kết lại với nhau hoặc giả đó là lông mao phát ra ánh sáng lạnh và những tiếng leng keng”, “móng tay dài và cong như mỏ diều hâu, khuôn mặt dễ sợ, răng trắng nhởn, sắc nhọn như dùi thép”, “hai mắt phát ra những tia sáng xanh”[34;341]. Kim Đồng cũng cảm nhận “mùi dây nho bị thối rữa, chua chua ngòn ngọt”[34;341] từ bộ quần áo của con ma, anh cảm nhận luồng khí lạnh và ẩm từ miệng nó phả vào mặt. Khi những ngón tay lạnh lẽo của con ma cào xước trên da thịt, nỗi sợ hãi bị ăn tim hút máu ngự trị khiến Kim Đồng bỏ chạy. Câu chuyện về ma quỷ thoạt nghe thì mang yếu tố hoang đường nhưng tinh thần của nó thì lại hướng về xã hội hiện đại. Nỗi sợ hãi thần linh, ma quỷ phán ánh vô thức tập thể trong cá nhân mỗi con người. Đồng thời, quang cảnh chiến trường với chết chóc, bạo lực đã gây ra những dư chấn tinh thần khoét sâu vào trí não trẻ thơ Kim Đồng.

Hành trình đuổi bắt giữa con ma và Kim Đồng thực chất cũng là hành trình rượt đuổi cảm giác của những lo âu, sợ hãi và trốn tránh hiện thực khắc nghiệt.

Nếu như ma chỉ xuất hiện qua cái nhìn của Kim Đồng thì việc Trương Thiên Tứ dẫn độ xác chết về quê được chứng kiến bởi rất nhiều người dân trong thôn. Lối viết hư hư ảo ảo của nhà văn đã tạo nên vẻ đẹp lung linh thực ảo cuốn hút độc giả. Cái xác của người khách thương Quan Đông làm nghề buôn bán tranh niên họa chết ở thôn Ngải Khưu vùng Cao Mật được con trai đưa đến nhà Trương Thiên Tứ nhờ dẫn độ về quê. Xác chết to bằng con trâu, bụng to bằng cái chum nước do bốn trai tráng khênh đến nhà Trương Thiên Tứ. Với thân hình nặng nề quá khổ, lúc còn sống việc đi lại để về quê đã khó khăn huống hồ lại là một xác chết vượt hàng ngàn dặm đường về quê mà không xảy ra chuyện gì và về đúng ngày hẹn thì đây quả là một điều không tưởng. Tuy nhiên cái điều phi thực ấy đã diễn ra. Sau khi được Trương Thiên Tứ tiếp linh khí và niệm chú, “cái xác hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Thiên Tứ một cách miễn cưỡng chậm rãi đi theo ông ta”[34;365]. Câu chuyện thấm đẫm yếu tố hoang đường và đậm chất nghi lễ dân gian đã cuốn hút độc giả vào thế giới ma mị. Thế giới với những điều thần bí khó nắm bắt, lí giải đây cũng chính là tâm lý ẩn sâu trong vô thức loài người từ thời sơ khai.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Báu vật của đời (Mạc Ngôn (Trang 39)