5. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Phóng đại hình ảnh Bầu vú
Xuất hiện 803 lần trong “Báu vật của đời”, hình ảnh bầu vú được miêu tả một cách trần trụi từ cấu tạo sinh học, kiểu dáng đến công năng. Tác phẩm nói đến sự phì nhiêu của người phụ nữ Trung Quốc mà tiêu biểu là Thượng Quan Lỗ Thị. Bà là mẹ, người mẹ vĩ đại “Người mẹ nguyên thủy”, “Người mẹ trái đất”, “Người mẹ dân gian”. Người đàn bà nông dân này đã trải qua tất cả vinh nhục, bi hoan li hợp; cuộc đời và bầu vú của bà tượng trưng cho chết chóc và phục sinh, hoan lạc và thống khổ. Bà từng ngoại tình, loạn luân, bán con, ăn mày, trộm cắp, giết mẹ chồng, bị cưỡng hiếp nhưng những điều ấy không làm mờ đi vẻ đẹp hình tượng của người phụ nữ này. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng trên thân thể người phụ nữ này, Mạc Ngôn đã phơi bày một cách hình tượng mối quan hệ giữa xâm phạm và bị xâm phạm của các trường phái chính trị Trung Quốc thế kỷ XX với cuộc sống người dân.
Tất cả con cháu đều lớn lên nhờ bầu vú của Lỗ Thị, có đứa là thổ phỉ, đứa là anh hùng, đứa là gái điếm, đứa theo Quốc, đứa theo Cộng, đưa yêu thương, đứa bội bạc với bà. Là một người phụ nữ mang nặng nỗi đau thân phận nhưng hơn hết thảy ở bà là lòng ham sống mãnh liệt: “Chết thì dễ, sống mới khó, càng khổ càng phải sống” [34;436]. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm thông qua hình tượng người phụ nữ này. Dưới con mắt của Kim Đồng- đứa con trai luyến nhũ yếm thực của bà, bầu vú mẹ là đôi chim bồ câu, là bầu nước cam lồ, là sự yêu thương, là thơ ca, là bầu trời cao vời vợi, là mảnh đất hiền lành dập dềnh sóng lúa. Suốt đời treo tư tưởng của mình trên bầu vú, Kim Đồng say mê tôn thờ bầu vú của mẹ và của tất cả phụ nữ: “Tôi khát khao được quỳ trước những bầu vú đẹp đẽ trên đời này, được làm đứa con trung thành của chúng”. “Trên đời này không ai hiểu bầu vú, yêu bầu vú, biết bảo vệ bầu vú như tôi”. Với Kim Đồng “vú là châu báu, là bản nguyên của thế giới, là thể hiện tập trung nhất sự dâng hiến một cách đẹp đẽ nhất, vô tư nhất cho nhân loại” [34;666].
Không chỉ dừng lại là một bộ phận trên cơ thể nữ mà hình ảnh bầu vú đã được nâng lên thành biểu tượng với nhiều hàm nghĩa. Theo nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh: “Báu vật của đời” chính là bầu vú, ở tính nữ thể hiện bằng hình tượng người mẹ - người sáng tạo, nuôi dưỡng và bảo vệ cuộc sống, là tình yêu, cái đẹp, sự hi sinh – nguồn sức mạnh chiến thắng, chiến tranh chết chóc”. Có thể mượn lời của Dostoiski, A. Tolstoi, B. Pasternak để nói về báu vật này: chiến tranh rồi sẽ qua đi, lịch sử cũng sẽ qua đi, chỉ còn lại Tình yêu, Tính nữ và Cái đẹp mà thôi.
Đáng lưu ý là hình ảnh bầu vú đã được phóng đại theo chiều kích của vũ trụ, bao bọc cả không gian rộng lớn. Vũ trụ chính là bầu vú vĩ đại chứa đựng trong nó hàng ngàn thiên thể vận hành mang hình dáng của bầu vú, cặp mông. Ý nghĩa của bầu vú được khuếch đại và nhấn mạnh trong sự so sánh trong khả năng sinh thành và nuôi dưỡng vạn vật. Phép phóng đại này khiến bầu vú trở thành một sinh vật vừa cụ thể, vừa trừu tượng và vũ trụ xa xôi cũng dần xích lại với con người. Bầu trời lạnh giá đã trở nên ấm áp hơn với hơi thở sự sống của con người. Nó mang đậm ý
nghĩa nhân bản và nhân văn. Bầu vú được đồng nhất với vũ trụ, cả hai đều là nơi “chảy ra sự sống”.
Tiểu kết:
Mạc Ngôn đã sử dụng hiệu quả các thủ pháp nghệ thuật: lạ hóa, kỳ ảo, phóng đại. Đây chính là sự tiếp nối đặc trưng kỳ lạ của tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc kết hợp với thủ pháp lạ hóa của văn học Phương Tây.
Sự hòa trộn nhuần nhuyễn của các yếu tố nghệ thuật kể trên đã tạo nên một thế giới nhân vật trong “Báu vật của đời” sống động, tự nhiên và mang đậm chất nhân bản. Đó là những con người rất thực và cũng rất ảo, rất quen mà cũng rất lạ, rất con nhưng cũng rất người. Mỗi nhân vật trong xã hội “Báu vật của đời” đều mang nét đặc trưng riêng, không giống ai và cũng không lẫn với nhau.
Bằng việc sử dụng các yếu tố nghệ thuật trên, Mạc Ngôn đã cung cấp chìa khóa cho người đọc để mở cánh cửa giải mã hình tượng nhân vật trong “Báu vật của đời”. Nếu như nghệ thuật “lạ hóa” đem lại sự kinh ngạc về mối tương giao giữa con người – vạn vật thì nghệ thuật phóng đại mang lại những cảm xúc quá tải, cuồng nhiệt. Với yếu tố kì ảo, người đọc đã cùng với nhân vật phiêu diêu vào thế giới đầy ma mị hay khám phá những miền vô thức khuất lấp trong tâm hồn con người. Đặc biệt nhân vật trong “Báu vật của đời” luôn luôn được khoác lên chất thơ của huyền thoại và vươn lên thành những hình tượng nhân vật có sức khái quát lớn và mang lại nhiều hàm nghĩa biểu tượng. Đằng sau những hình tượng nhân vật ấy là suy tư thao thức của nhà văn về thân phận người, kiếp người. Đây cũng là một cách tiếp cận của nhà văn với vấn đề “lịch sử rốt cuộc là gì?”. Anh hoàn nguyên lại lịch sử cận đại hoặc thu nhỏ lại thành sự từng trải của số phận những thành viên trong một gia đình, đem lịch sử trả lại dân gian, viết về đời người của dân gian, viết về số phận của họ trong rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại thời kì cận đại bằng quan niệm dân gian thuần túy.
Chương 3: KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT