Như bất cứ một ngân hàng nào khác: thiếu vốn thì phải đẩy mạnh huy động vốn, nếu nguồn hiện có không thể huy động đủ thì phải mở rộng, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động khác. Vì yếu tố hiệu quả, việc đa dạng hóa các nguồn cần phải tính đến yếu tố chi phí nguồn vốn ( gồm lãi suất huy động, chi phí huy động, an toàn thanh toán…), có nghĩa là ngân hàng cũng cần khai thác các nguồn vốn rẻ có chi phí đầu vào thấp. Một số các giải pháp cụ thể như sau:
- Một là, để huy động được nguồn vốn dưới hình thức: cho, tặng, tiền gửi tự nguyện không phải trả lãi hoặc có lãi suất thấp:
+ Ngân hàng cần tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, các Bộ ngành tại TW và các cấp ủy chính quyền tại địa phương. Hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội cần phải được xã hội hóa, phải được xem là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền, đoàn thể mặt trận, các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Hơn nữa, mô hình của NHCSXH có Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh và huyện với thành phần gồm: UBND, các Sở, ban ngành và đoàn thể. Chính vì có thuận lợi này, ngân hàng cần phát huy để tranh thủ các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, chưa sử dụng, vốn quyên góp, ủng hộ, tiền gửi không lấy lãi,…. của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
+ Để góp phần thực hiện tốt mục tiêu này, Ngân hàng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, cùng các cấp ủy, chính quyền và ban ngành đoàn thể địa phương phát động, vận động tạo phong trào sâu rộng thường xuyên để thu hút tiền gửi không lãi hoặc lãi suất thấp nhằm thực hiện cho vay tới các đối tượng chính sách tại địa phương.
+ Dự kiến quy mô có thể huy động: Do tính chất nguồn được cho, tặng, gửi không lấy lãi…. nên quy mô nguồn vốn sẽ không lớn nên công việc này cần thực hiện thường xuyên.
- Hai là, cần thiết đẩy mạnh công tác huy động nguồn tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo vay vốn thông qua các hình thức: tiết kiệm ban đầu và tiết kiệm hàng tháng.
Mặc dù có quy mô không lớn nhưng tương đối ổn định và nhất là có chi phí đầu vào thấp = lãi suất loại không kỳ hạn ( 0.15%/ tháng) + phí huy động ( 0,11%/ tháng) = 0,26%/ tháng.