Đánh giá hiện trạng quy trình công nghệ xử lý quặng của mỏ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tuyển quặng antimon mỏ Mậu Duệ, Hà Giang (Trang 29)

Công ty Cơ khí Khoáng sản Hà Giang được thành lập từ năm 1995 và được cấp giấy phép khai thác quặng antimon tại mỏ Mậu Duệ, Yên Minh, Hà Giang. Sau 7 năm thành lập (năm 2002) hệ thống khai thác, chế biến sâu quặng antimon bắt đầu cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên. Năm 2005, Công ty được cổ phần hóa,

trong đó Nhà nước vẫn nắm giữ 49 % cổ phần và được đổi tên thành Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM).

Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang đang khai thác thân quặng II, với trữ lượng ước tính là 371,818 tấn quặng, tương đương khoảng 36.000 tấn kim loại antimon [1]. Theo giấy phép của Bộ Công nghiệp cấp ngày 17/12/1996, HGM được phép khai thác tại mỏ Mậu Duệ trong thời gian 30 năm, với công suất khai thác quặng tinh là 10,500 tấn quặng/năm cấp cho nhà máy luyện antimon. Qua khảo sát thực tế tình hình khai thác, chế biến quặng Sb tại mỏ từ ngày 9/5/2011 ÷ 15/5/2011có thể đưa ra một số nhận xét sau đây:

Công tác đầu tư xây dựng mỏ không tuân thủ theo đúng trình tự từ thăm dò, khai thác đến nghiên cứu công nghệ chế biến, nên sau 9 năm sản xuất công tác chế biến quặng tinh antimon có một số ưu, nhược điểm sau:

Ưu điểm:

- Công nghệ tuyển đơn giản dễ thực hiện.

- Đầu tư xây dựng nhanh, sớm đưa vào sản xuất. - Chi phí sản xuất thấp.

Nhược điểm:

Việc tuyển thủ công đơn giản nhưng chưa thực hiện tốt đối với quặng độ hạt < 40 mm. Mặt khác quặng antimon mỏ Mậu Duệ với xâm nhiễm độ hạt 0,1 ÷ 1 mm khá nhiều, không thể chọn tay được nên khối lượng kim loại đi theo sản phẩm thải chọn tay khá cao. Thực thu kim loại khâu tuyển thủ công là rất thấp 25 ÷ 30 %, không xử lý triệt để tận để thu nguồn tài nguyên này.

Hiện nay, quặng Sb khai thác lộ thiên được đổ về bãi tuyển thủ công và được tuyển như sơ đồ hình 1.3, thu được quặng tinh Sb có hàm lượng ≈ 13 % Sb, ứng với thực thu Sb chỉ đạt ≈ 30%. Như vậy, khâu tuyển thủ công có hiệu quả tuyển quá thấp, gây mất mát Sb vào thải khá nhiều.

Với tình hình chế biến sâu như hiện nay của HGM cần 9.000 ÷ 12.000 tấn quặng tinh Sb/năm, hàm lượng Sb ≥ 13 % cung cấp cho nhà máy luyện Sb. Với công nghệ tuyển thủ công mà mỏ đang áp dụng, thực thu Sb của công đoạn này

đạt được thấp (khoảng 25 ÷ 30 %), khối lượng thải của quá trình nhặt tay ngày càng nhiều so với khối lượng quặng tinh thu được trên đây. Theo báo cáo địa chất hàm lượng trung bình thân quặng II khoảng 11 % Sb, với thực thu kim loại khâu tuyển thủ công 30 % thì hàm lượng Sb trong thải nhặt tay sẽ ≥ 4,35 % Sb.

Tuy nhiên, theo thực tế thải của quá trình nhặt tay, khai thác chọn lọc có hàm lượng antimon trung bình dao động Sb 1,3 ÷ 2,35 %. Quặng thải của quá trình tuyển thủ công còn chứa nhiều Sb nên chưa thể coi là quặng thải cuối cùng đòi hỏi phải lưu giữ lại, do đó sau gần 10 năm sản xuất, khối lượng quặng thải hiện đang lưu rất lớn gây khó khăn cho việc lưu giữ, bảo quản đồng thời là nguồn chất thải rắn có nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Việc nghiên cứu thu hồi lượng Sb còn tồn tại trong quặng thải nói trên sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho doanh nghiệp cũng như giải quyết được các vấn đề tồn tại đã nêu.

Kết quả sơ bộ sản xuất quí I, II, III năm 2011 của Công ty HGM.

1. Quặng tinh Sb các loại: 6.028,586 tấn; hàm lượng trung bình 13,87 % Sb. 2. Antimon kim loại 533,716 tấn; hàm lượng 99,95 % Sb.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tuyển quặng antimon mỏ Mậu Duệ, Hà Giang (Trang 29)