Yêu cầu thay đổi cơ chế quản lý đối với vùng kinh tế mới

Một phần của tài liệu Qúa trình di dân và định cư ở Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng (Trang 56)

Sự thành lập huyện Lâm Hà (tháng 10-1987) diễn ra khi xã hội nước ta bắt đầu có những chuyển động theo hướng tích cực mà công cuộc Đổi mới từ Đại hội VI khởi xướng.

Thời điểm 1986, tức 10 năm sau khi lớp cư dân Hà Nội đầu tiên đặt chân lên mảnh đất cao nguyên, thực hiện khai hoang xây dựng vùng kinh tế

57

mới, vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu quan trọng, tích lũy được nguồn nội lực cần thiết để có thể đứng vững trước những thử thách của cuộc sống và duy trì khuynh hướng phát triển.

Trải qua 10 năm, từ 125 lao động tiền trạm đầu tiên của huyện Gia Lâm đặt chân đến Lâm Đồng, năm 1987, dân số của vùng đã lên đến 23.665 người (5.124 hộ, 10.162 lao động), trở thành một vùng dân cư đông đúc trù phú. Số hộ bỏ đi nơi khác chỉ chiếm 5% tổng số hộ (so với 60-85% của các vùng kinh tế mới cả nước lúc đó) [1, 67], chủ yếu là do không chịu đựng nổi những khó khăn, thử thách vào giai đoạn đầu của công cuộc khai hoang. Càng về sau, khi các điều kiện kinh tế-xã hội của vùng trở nên ổn định và phát triển thì sức hấp dẫn các luồng dân di cũng tăng lên. Theo khảo sát, đến năm 1985, 35% số hộ trong vùng có thu nhập khá, 55% số hộ có thu nhập trung bình, 10% số hộ khó khăn (các hộ neo đơn, thiếu lao động, một số vì không tích cực làm ăn), có khả năng tự túc được 11 tháng lương thực/năm. Những gia đình thu nhập từ 10.000- 50.000 đồng/năm chiếm tỷ lệ đáng kể. Cơ sở hạ tầng tương đối, đời sống văn hóa khá phong phú so với mặt bằng chung của các vùng kinh tế mới đương thời [48, 65-66]. Có thể nói, vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng là một điểm sáng trong công tác xây dựng kinh tế mới thời kỳ 1976-1987. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng sau 10 năm, vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã có thể đứng vững được.

Trong khi đó, vào giữa thập niên 1980, kinh tế - xã hội của nước ta chìm sâu vào khủng hoảng. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp được áp dụng trong suốt một giai đoạn lịch sử dài, tuy đã phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong thời kỳ kháng chiến, nhưng đến sau khi giành lại hòa bình, đã bộc lộ những bất cập, kìm hãm nặng nề nền kinh tế đất nước.

Thủ đô Hà Nội, bộ mặt của đất nước, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, việc tiếp tục thực hiện “san người sẻ của”, bao cấp vùng kinh tế

58

mới tại Lâm Đồng càng làm chồng chất thêm gánh nặng lên vai người dân Thủ đô. Những bất cập, loanh quanh trong công tác quản lý một “huyện từ xa”, cách nhau đến 1.500km lúc này lại càng bộc lộ rõ. Thời điểm này cần phải có một cơ chế, phương thức quản lý mới để tương lai của vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng không bị nhấn chìm bởi các tầng bậc hành chính nặng nề và bất hợp lý. Như vậy, nhu cầu thay đổi cơ chế quản lý đối với vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng xuất hiện khi tự thân vùng đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để có thể đứng độc lập với sự bao cấp của Thủ đô, trong khi địa phương bao cấp (Hà Nội) cũng cần phải tập trung mọi nguồn lực cần thiết nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang ở mức đỉnh điểm này. Chính trong bối cảnh này mà lãnh đạo hai địa phương gặp gỡ nhau để đưa ra những quyết sách quan trọng.

Đại hội VI là đại hội vĩ đại trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử dân tộc, thổi bùng làn sinh khí làm vực dậy toàn thể dân tộc sau một thời gian dài chìm trong khủng hoảng toàn diện. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở đã có dịp cùng nhau nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, sai lầm trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách phát triển. Chính trong dịp này, lãnh đạo hai tỉnh Hà Nội và Lâm Đồng đã gặp gỡ và trao đổi với nhau về tương lai của “huyện Hà Nội từ xa” trên địa bàn Lâm Đồng. Có hai khả năng đặt ra đối với số phận của vùng kinh tế mới này: thứ nhất, vùng sẽ vẫn giữ nguyên mô hình là một vùng kinh tế mới như đương thời, tiếp tục định hướng phát triển theo hướng sản xuất lớn và Hà Nội sẽ thôi bao cấp đối với vùng. Phương án này giúp Hà Nội tập trung vào việc vượt qua cuộc khủng hoảng trong khi vùng kinh tế mới đã có thể tự đứng vững. Thế nhưng vẫn còn đó tình trạng “hai chiếc áo”cùng khoác lên vùng kinh tế mới, một của Hà Nội với những quy định không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện của “chiếc áo” Lâm Đồng. Khả năng thứ hai được tính đến đó là vùng sẽ được bàn giao hẳn cho Lâm Đồng

59

quản lý. Ưu điểm của khả năng này là giải thoát những khó khăn liên quan đến vùng kinh tế mới cho Hà Nội, trả hộ khẩu vùng về đúng nơi nó được sinh ra; công tác quản lý, kiểm tra của Lâm Đồng đối với bộ phận lãnh thổ của mình sẽ trực tiếp, dễ dàng và đồng bộ hơn. Vả chăng, đây cũng là cách làm truyền thống đối với các vùng kinh tế mới sau khi đã “đủ lông đủ cánh”. Đây là cách làm hợp lý được lãnh đạo hai địa phương thống nhất, tuy nhiên, những vướng mắc chưa phải đã được tháo gỡ hết.

Băn khoăn lớn nhất của người dân vùng kinh tế mới đó là vấn đề tâm lý. Đã từng có thời, tiếng “người Hà Nội” là niềm tự hào, vinh dự mà người dân Thủ đô dù đi đâu cũng luôn giữ gìn, trân trọng. Bản thân người dân Hà Nội đi làm kinh tế mới tại Lâm Đồng vẫn được bảo lưu hộ khẩu tại Hà Nội. Gốc gác của họ không mất đi và có thể quay về bất cứ lúc nào. Việc bàn giao hẳn vùng kinh tế mới cho Lâm Đồng quản lý, do đó, dễ làm nảy sinh tư tưởng “con đẻ, con nuôi” so với các huyện khác của tỉnh Lâm Đồng. Người dân vùng kinh tế mới lo ngại Lâm Đồng sẽ không hiểu được tình hình vùng đúng mức cần thiết; không trọng dụng hết/đúng mức đội ngũ cán bộ của vùng (“vắt chanh bỏ vỏ”);con đường phát triển kinh tế - xã hội của vùng sẽ bị điều chỉnh theo quy hoạch chung của tỉnh… [49] Chính những mối băn khoăn này đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu nhân sự của huyện Lâm Hà khi thành lập và một thời gian tiếp theo sau khi thành lập.

Phương án bàn giao vùng kinh tế mới Hà Nội cho Lâm Đồng quản lý đã được lựa chọn, nhưng cách thức bàn giao cũng là một vấn đề cần thảo luận. Nên bàn giao vùng kinh tế mới như một đơn vị hành chính độc lập (lập một huyện mới) hay sáp nhập vào huyện Đức Trọng, là nơi vùng kinh tế mới đứng chân? Thực tế, Đức Trọng cũng từng có ý kiến muốn sáp nhập vùng kinh tế mới vào địa bàn huyện mình, tuy nhiên đề xuất này không thật sự thích hợp. Bởi lẽ, nếu sáp nhập vùng kinh tế mới vào huyện Đức Trọng, tức vùng sẽ trở thành cấp xã thuộc huyện, trong khi diện tích của vùng lại quá lớn so với cấp hành chính đó.

60

Việc chia nhỏ vùng thành nhiều xã nhỏ gây nên mối quan ngại “tan đàn xẻ nghé” bởi tâm lý của một cộng đồng dân cư đã chung lưng đấu cật khai sơn phá thạch ròng rã 10 năm trời, lại cùng quê Hà Nội, là muốn được ở chung và ở gần nhau. Mặc khác, huyện Đức Trọng cũng còn đang phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình thì việc nhận vùng kinh tế mới về chỉ làm tăng thêm khó khăn, phức tạp cho chính bản thân Đức Trọng. Chính vì những lẽ đó, lãnh đạo hai địa phương Hà Nội và Lâm Đồng đã nhất trí sẽ bàn giao vùng kinh tế mới Hà Nội cho Lâm Đồng quản lý và thành lập vùng trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng.

1.3.2 Thành lập huyện Lâm Hà (24-10-1987)

Ngày 24-06-1987, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ra Thông báo số 82 về việc bàn giao vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng cho tỉnh Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo và quản lý toàn diện.Ngày 24-10-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 157-QĐ/HĐBT thành lập huyện Lâm Hà, gồm 16 đơn vị hành chính trên cơ sở lấy vùng kinh tế mới Hà Nội làm nòng cốt. Tổ chức hành chính của huyện Lâm Hà lúc này bao gồm:

- 8 xã và một thị trấn thuộc vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, là các xã Mê Linh, Gia Lâm, Đông Thanh, Tân Hà, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Tân Thanh và thị trấn Nam Ban;

- 4 xã và một thị trấn được tách ra từ huyện Đức Trọng, là các xãĐạ Đờn, Tân Văn, Phú Sơn, Phi Tô và thị trấn Đinh Văn;

- 3 xã lập mới là các xã Phi Liêng, Liêng Srônh, Romen [87]

Ngày 28-10-1987, lễ tổ chức ra mắt huyện Lâm Hà được tổ chức trọng thể tại thị trấn Đinh Văn với sự chứng kiến của lãnh đạo hai địa phương và người dân vùng kinh tế mới.

Công tác quan trọng hàng đầu khi thành lập huyện mới là công tác nhân sự. Từ chỗ là một đơn vị trực thuộc Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, việc

61

bàn giao vùng kinh tế mới cho tỉnh Lâm Đồng đòi hỏi phải có sự tái cơ cấu đội ngũ nhân sự của vùng theo hướng dung hòa cả hai yếu tố: vừa duy trì được tỷ lệ cán bộ thuộc vùng để guồng máy của huyện mới sẽ không bị sốc, được những người quen việc điều hành nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo một tỷ lệ cán bộ nhất định của tỉnh Lâm Đồng trong bộ máy nhân sự của huyện mới. Trong quá trình tồn tại suốt 10 năm, vùng kinh tế mới được hưởng những quy chế, chế độ đặc biệt do UBND thành phố Hà Nội quy định, không phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế của tỉnh Lâm Đồng, một kiểu “chính quyền trong chính quyền”. Trong thời gian đó, lực lượng nhân sự của vùng là do Hà Nội điều phái vào hoặc do vùng tự đào tạo. Việc sáp nhập do vậy đã gây nên tâm lý lo lắng, nhất là trong đội ngũ cán bộ vùng kinh tế mới như đã kể trên. Ngay cả với người dân trong vùng, bà con vẫn tín nhiệm những cán bộ đã cùng làm việc với mình trong 10 năm qua và có xu hướng ủng hộ những người này (người nhà) hơn so với những cán bộ mới do tỉnh Lâm Đồng tăng cường (người ngoài) [49]. Việc bố trí đội ngũ nhân sự của huyện mới Lâm Hà do vậy đã phải tính đến những đặc điểm trên, và do vậy làm nảy sinh cơ chế nhân sự độc đáo của bộ máy cán bộ huyện Lâm Hà trong những năm đầu sau khi thành lập.

Về phía đội ngũ cán bộ của vùng kinh tế mới, những người có nhiều băn khoăn nhất trong việc bàn giao này, đối với họ có hai sự lựa chọn: hoặc ở lại với khả năng có thể sẽ được tham gia vào cơ cấu nhân sự huyện mới hoặc trở về Hà Nội. Đây đều là những cán bộ được Hà Nội biệt phái tăng cường cho vùng kinh tế mới, đến thời điểm sáp nhập, nhiệm vụ của đội ngũ này đối với vùng đã kết thúc. Họ có thể lựa chọn quay về Hà Nội và sẽ được thành phố sắp xếp một công việc thích hợp. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống và làm việc tại vùng kinh tế mới, phần lớn trong số họ đã thích nghi với cuộc sống tại quê hương mới, đã tích lũy và xây dựng được cho mình một cơ ngơi khá giả, nhiều người đã mang cả gia đình vào định cư để yên tâm công tác và gần gũi, chăm sóc nhau. Sự rời bỏ vùng kinh tế mới sau khi sáp nhập đồng nghĩa với việc từ bỏ

62

công sức lao động của đội ngũ này trong suốt thời gian công tác. Mặt khác, đây chính là lực lượng cán bộ quen việc, biết người, là trụ cột chính đảm bảo cho guồng máy của vùng vận hành trơn tru. Thành phố Hà Nội do đó chủ trương động viên lực lượng cán bộ vùng tiếp tục ở lại sau khi bàn giao, tránh tình trạng gây nên lỗ hổng về nhân sự cốt cán. Đây chính là sự lựa chọn của đại đa số lực lượng cán bộ của vùng kinh tế mới [31, 139-153].

Về phía tỉnh, Lâm Đồng cũng có chủ trương động viên lực lượng cán bộ vùng an tâm, tiếp tục ở lại tham gia công tác trong huyện mới [49]. Đối với cán bộ cơ sở (xã, thôn), lực lượng đông nhất, có vai trò rất quan trọng trong cơ cấu nhân sự huyện mới, tỉnh chủ trương giữ nguyên hiện trạng. Theo đó, những cán bộ cấp xã, thôn đang công tác tại vùng kinh tế mới, những cán bộ của 5 xã huyện Đức Trọng tách ra để nhập vào huyện Lâm Hà vẫn sẽ tiếp tục công việc như cũ mà không có sự thay đổi đáng kể nào. Điều này giúp huyện Lâm Hà khi mới thành lập đã ổn định được 80% lực lượng nhân sự và không xảy ra bước hụt lớn trong giai đoạn chuyển tiếp [49]. Những điều chỉnh, bổ sung nhân sự chỉ diễn ra tại cấp lãnh đạo cao nhất, tức huyện ủy và UBND huyện.

Cơ cấu nhân sự Huyện ủy và UBND huyện được xây dựng trên cơ sở đảm bảo có sự cân xứng giữa cán bộ vùng kinh tế mới và cán bộ tỉnh Lâm Đồng (đồng thời là cán bộ huyện Đức Trọng phụ trách 5 xã tách ra từ huyện này). Cán bộ Đảng ủy vùng kinh tế mới được cử làm Bí thư huyện ủy, cán bộ tỉnh được cử vào vị trí Phó Bí thư kiêm Chủ tịch huyện. Các vị trí này được luân phiên thay đổi qua các kỳ đại hội đầu tiên bởi nhân sự của hai bên (vùng kinh tế mới và tỉnh). Tình hình nhân sự tại các cấp lãnh đạo cao nhất của huyện mới Lâm Hà được tóm tắt như sau:

63

Bảng 1.10.Cơ cấu BCH Đảng bộ lâm thời huyện Lâm Hà (1987-1988) và nhiệm kỳ I (1988-1991)

Họ tên Chức vụ (1)

Chức vụ trước khi đảm nhận (1)

Phan Hữu Giản Bí thư huyện ủy Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy vùng kinh tế mới

Nguyễn Văn Trí Phó Bí thư thường trực huyện ủy

Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đức Trọng

Hoàng Trọng Thể Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng

Nguồn: [5], [49]

Tháng 11-1988, Đại hội đại biểu BCH Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ nhất đã thông qua cơ cấu nhân sự cấp cao của huyện với những gương mặt của BCH Đảng bộ lâm thời (1987-1988) được giữ nguyên. Vùng kinh tế mới có 3 ủy viên (các ông Phan Hữu Giản, Nguyễn Quốc Triều, Nguyễn Gia Tình) nằm trong Ban Thường vụ huyện ủy (chiếm 1/3 số ghế trong Ban Thường vụ). Cơ cấu này đảm bảo có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau giữa lực lượng cán bộ vùng kinh tế mới với lực lượng cán bộ tỉnh Lâm Đồng.

Có thể thấy, cơ cấu cán bộ cấp cao huyện Lâm Hà trong những nhiệm kỳ đầu tiên thể hiện rõ tính chất kết hợp giữa lực lượng nhân sự vùng kinh tế mới và lực lượng nhân sự của tỉnh Lâm Đồng. Việc bố trí đan xen giữa hai lực lượng trong các nhiệm kỳ Đảng bộ đầu tiên nhằm giúp công tác mọi mặt của huyện Lâm Hà được thông suốt. Theo thời gian, khi những cán bộ của tỉnh Lâm Đồng được bố trí vào cơ cấu nhân sự huyện Lâm Hà trở nên thông thạo với công tác và nhân dân kinh tế mới, thì quá trình “tỉnh hóa” bộ máy nhân sự cũng diễn ra và dần dần thay thế vai trò của những cán bộ vùng kinh tế mới trước kia,

64

đưa đến sự kết thúc thời kỳ quá độ của huyện Lâm Hà. Cơ cấu nhân sự của huyện Lâm Hà là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa Hà Nội – Lâm Đồng.

1.4. Huyện Lâm Hà – điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư

1.4.1 Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Qúa trình di dân và định cư ở Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)