Việt Nam là một trong những nước đã tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, công ước ICCPR năm 1966. Hiểu đặc điểm của người chưa thành niên có nhiều hạn chế về thể chất, tâm sinh lý. Đồng thời đã quán triệt các tư tưởng, quan điểm mà pháp luật quốc tế đã đề cập về thủ tục xét xử đối với trẻ em vị thành niên phạm tội. Hiểu được mục đích của việc xét xử đối với trẻ vị thành niên chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm. Do đó, trong pháp luật hình sự nước ta, thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội đã được ghi nhận riêng tại chương X của BLHS: “Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội”, chương XXXII BLTTHS “thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội”. Tại Chương XXXII BLTTHS quy định tương đối đầy đủ về các thủ tục đối với người chưa thành niên phạm tội từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, cả thủ tục xóa án tích sau khi đã thi hành xong bản án. Theo đó, khi tiến hành điều tra, truy tố, và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định rõ độ tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, điều kiện sống và giáo dục, nguyên nhân và điều kiện phạm tội… (khoản 2 điều 302BLTTHS). Đồng thời quy định về điều kiện, tố chất của những người tiến hành tố tụng gồm điều tra viên (ĐTV), kiểm sát viên (KSV), thẩm phán
khi tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục (khoản 1 điều 302 BLTTHS), thành phần Hội đồng xét xử có một hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn quy định về điều kiện bắt tạm giam, tạm giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, chỉ được tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời phải thông báo cho gia đình, đại diện hợp pháp của họ biết (Đ303 BLTTHS). Tại chương này còn quy định về bào chữa đối với người chưa thành niên phạm tội, theo đó người chưa thành niên phạm tội bắt buộc phải có người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng và đối với tất cả các loại tội phạm. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự bào chữa cho bị can, bị cáo. Nếu họ không có lựa chọn được bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa (Điều 305 BLTTHS). Ngoài ra, tại chương này còn quy định về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức, về việc chấp hành hình phạt tù, việc xóa án tích…
Tại chương X BLHS quy định về các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, các biện pháp tư pháp, các loại hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên trong trường hợp phạm nhiều tội. Theo đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc án tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Đối với hình phạt tù có thời hạn thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá ½ mức phạt tù mà điều luật quy định (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi).
Như vậy so với những chuẩn mực của pháp luật quốc tế thì thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam là tương đối hoàn thiện và đầy đủ, thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta.