Mục tiêu phát triển ATTT số Bắc Kạn đến năm 2015 cơ bản đạt được cấp độ phát triển thứ 3 (cơ bản tuân thủ) theo mô hình phát triển ATTT đã đề ra trong chương III của quy hoạch này. Khi đạt tới mức độ này, tỉnh Bắc Kạn phải đảm bào thực hiện được các tiêu chí sau:
An toàn ứng dụng và an toàn mạng bước đầu được tổ chức và thực hiện một cách có hệ thống tuy nhiên các thay đổi trong hệ thống chưa bắt buộc nhất thiết phải được quản lý chặt chẽ và những yêu cầu ATTT nhỏ lẻ đôi khi vẫn còn phát sinh. Các chương trình nâng cao nhận thức về ATTT cũng được tổ chức thường xuyên
nhằm liên tục nâng cao nhận thức về đảm bảo ATTT cho mọi đối tượng người sử dụng.
Các quy chế, chính sách ATTT của các đơn vị được đề ra một cách không chính thức và đã có một số đánh giá các rủi ro được tiến hành. Bên cạnh đó, bộ phận chuyên trách về ATTT phải được thành lập và có nhưng các hoạt động tích cực trong việc đảm bảo ATTT trong đơn vị mình.
Khi đạt được mức độ này, việc đảm bảo ATTT cho các đối tượng khác nhau sẽ đạt được tối thiểu các tiêu chí như sau:
3.1. Đảm bảo an toàn thông tin cho cơ sở hạ tầng thông tin
Hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến, cổng thông tin điện tử đều được trang bị các giải pháp thiết bị và phần mềm đảm bảo an toàn thông tin phù hợp, đồng bộ, trung lập về nhà cung cấp, có khả năng nâng cấp và được kiểm tra định kỳ, đánh giá và kiểm định hàng năm về mức độ đảm bảo an toàn thông tin theo các tiêu chuẩn do nhà nước quy định
Hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm những rủi ro và khắc phục sự cố về an toàn thông tin được xây dựng và đưa vào triển khai.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và internet (ISP) cam kết đảm bảo an toàn dữ liệu trên đường truyền với chuẩn chất lượng đã công bố, khắc phục kịp thời các sự cố về đường truyền kết nối.
3.2. Đảm bảo an toàn dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nướctrên địa bàn trên địa bàn
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công điện tử, các giao dịch điện tử xây dựng được quy chế, quy trình đảm bảo an toàn thông tin phù hợp với các tiêu chuẩn do Nhà Nước ban hành.
Cơ sở dữ liệu về thống kê, địa chính, doanh nghiệp và người dân được trang bị giải pháp bảo mật và sao lưu dữ liệu cần thiết, được quản lý theo quy trình chuẩn hóa về đảm bảo an toàn thông tin
3.3. Phát triển nhân lực và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin số
100% cán bộ quản lý CNTT, kỹ sư hệ thống, quản trị mạng, lập trình viên được đào tạo, nâng cao kiến thức, được thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về an toàn thông tin.
Đội ngũ cán bộ đảm bảo ATTT tại các Trung tâm tích hợp dữ liệu của Tỉnh được trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết tuân thủ theo quy chế, chính sách đảm bảo ATTT của đơn vị.
Chương trình đào tạo đảm bảo an toàn thông tin số được lồng ghép với các chương trình đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin và phổ cập CNTT cho cộng đồng người sử dụng tại Tỉnh.
Người sử dụng Internet và các dịch vụ trực tuyến thường xuyên được cảnh báo, thông báo và cập nhập mới về những rủi ro mất an toàn thông tin
3.4. Môi trường pháp lý về an toàn thông tin số.
UBND Tỉnh thành lập đơn vị chuyên trách đảm bảo cấp tỉnh, đơn vị này chịu trách nhiệm nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chế, chính sách đảm bảo ATTT cho các hệ thống ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan nhà nước có ứng dụng CNTT phải có quy chế, chính sách đảm bảo ATTT cho đơn vị mình và thường xuyên cập nhật các quy chế này. Quy chế đảm bảo ATTT phải được giám sát bởi cơ quan chuyên trách đảm bảo ATTT cấp tỉnh.
Các đơn vị ứng dụng CNTT ngoài nhà nước, nhận thức được tầm quan trọng của quy chế, chính sách đảm bảo ATTT của đơn vị mình và có kế hoạch xây dựng và triển khai quy chế này.