Trong bài viết này, tác giả mới chỉ đưa ra những kết quả tính toán và so sánh về chi phí lựa chọn bất lợi trên TTCK TP.HCM, mang tính chất đánh giá và khảo sát thị trường. Tác giả chưa có những phân tích sâu nhằm lý giải các kết quả, cũng như liên hệ kết quả với các sự kiện thực tế. Do đó những kết quả đưa ra trong đề tài chỉ có thể làm tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn chứ chưa có ý nghĩa thực tiễn.
Bên cạnh đó, tác giả cũng áp đặt một số ý kiến chủ quan trong quá trình thực hiện đề tài. Những ý kiến này chưa hẳn đã chính xác, và có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu. Cụ thể, trong khâu phân nhóm cổ phiếu, tác giả không dựa hoàn toàn vào một tiêu chí nhất định mà tham khảo 3 tiêu chí khác nhau (danh sách phân ngành của Ủy ban Chứng khoán TP.HCM, website cafef.vn và cophieu68.vn) rồi xây dựng nhóm theo ý mình. Việc phân nhóm chỉ mang tính chất tương đối, do nhiều công ty hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau và các công ty cũng thay đổi lĩnh vực hoạt động chính theo thời gian. Tuy nhiên, việc phân nhóm ảnh hưởng chặt chẽ đến việc xác định cổ phiếu dẫn dắt và bị dẫn dắt trong nhóm
ngành. Kết quả nghiên cứu trong đề tài sẽ có ý nghĩa hơn nếu tác giả có thể xây dựng tiêu chí phân ngành hợp lý và xác định được mối quan hệ trong hoạt động của các công ty và các nhóm ngành.
Ngoài ra, tác giả không có điều kiện kiểm nghiệm các mô hình đo lường chi phí lựa chọn bất lợi khác nhau, do thiếu thông tin về một số biến. Mẫu quan sát mà tác giả áp dụng tương đối nhỏ so với số cổ phiếu niêm yết trên toàn thị trường (181 mã cổ phiếu lọc ra từ 314 mã toàn thị trường), và trong đề tài tác giả chỉ xét TTCK TP.HCM chứ không xét tới TTCK. TP.HN.
Trong mô hình phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí lựa chọn bất lợi, tác giả nhận thấy rằng có thể phân các biến độc lập thành ba nhóm: nhóm yếu tố thị trường (gồm các biến SIGR, SIGVOL), nhóm quản trị tài chính (VOL, LEVG, PRI), nhóm quy mô công ty (MB, MVE, INTGTA). Do đó nhằm giảm bớt các biến độc lập và tăng khả năng giải thích của mô hình đối với biến phụ thuộc là chi phí lựa chọn bất lợi, tác giả đề xuất sử dụng mô hình đa nhân tố cho thay cho mô hình hồi quy trong chương III.