Kết luận vấn đề nghiên cứu

Một phần của tài liệu Phân tích chi phí lựa chọn bất lợi trên Thị trường chứng khoán TP.HCM (Trang 39)

Tác giả đã thực hiện mô hình đo lường chi phí lựa chọn bất lợi của Glosten và Harris (1988) với bộ dữ liệu là các chỉ số giá và lượng, chỉ số tài chính,… của các công ty niêm yết trên TTCK TP.HCM trong năm 2011. Tác giả đã tính được chi phí lựa chọn bất lợi của 181 mã cổ phiếu trong năm 2011, cũng như tính được chi phí lựa chọn bất lợi trung bình của toàn TTCK TP.HCM năm 2011 là 81.69%. Kết quả này phù hợp với tình trạng TTCK TP.HCM hiện nay: thị trường đang tiếp tục xu thế giảm điểm và việc công bố, minh bạch hóa thông tin vẫn còn chưa hiệu quả.

Theo kết quả tính toán và so sánh chi phí lựa chọn bất lợi của từng nhóm ngành trên thị trường, tác giả kết luận rằng trên TTCK TP.HCM tồn tại những nhóm ngành có chi phí lựa chọn bất lợi cao hơn mức trung bình của thị trường. Kết quả cho thấy các nhóm ngành Khai khoáng, Chế biến thực phẩm, Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ viễn thông, Bán và sửa chữa ô tô là những nhóm có chi phí lựa chọn bất lợi cao hơn thị trường. Tác giả cho rằng việc công bố thông tin của những công ty thuộc nhóm ngành này chưa thực sự minh bạch, các NĐT chưa thực sự biết rõ thông tin cần thiết về công ty khi đầu tư, tuy nhiên nhận định này chưa được đối chiếu và phân tích với các sự kiện thực tế.

Dựa trên kết quả tính toán chi phí lựa chọn bất lợi của toàn thị trường và mỗi nhóm ngành trong hai thời kì thị trường đi lên và đi xuống, có thể kết luận rằng nhìn chung đa số các cổ phiếu có chi phí lựa chọn bất lợi cao hơn trong thời kì giá lên và ngược lại đối với thời kì giá xuống. Tác giả cũng nhận thấy rằng chi phí lựa chọn bất lợi của cổ phiếu dẫn dắt (độc lập) cao hơn cổ phiếu bị dẫn dắt trong cùng nhóm ngành.

Đối với mô hình hồi quy kiểm định tác động của các yếu tố khác nhau đến chi phí lựa chọn bất lợi, tác giả chỉ thực hiện được 1 trong 3 phương trình của mô hình do nhiều biến thông tin không có số liệu đầy đủ. Biến ANALYST, PINST, INST, và RDSALES không có số liệu trên miền dữ liệu công khai của thị trường. Hai biến ERRE và DISP cũng không đưa vào mô hình do số quan sát quá ít. Các biến LEVG và INTGTA không có thông tin đầy đủ do đó chỉ được chấp nhận là biến giả trong mô hình. Tác giả biến đổi mô hình gốc của Ness và cộng sự (2001) theo hướng: đặt biến phụ thuộc là ASC (thay cho TC ban đầu) và loại bỏ biến VAR

(do về mặt lý thuyết và thực nghiệm biến này có tương quan cao với biến SIGR, khi đưa vào mô hình sẽ gây hiện tượng đa cộng tuyến). Đồng thời tác giả đưa thêm hai biến định tính nhằm đánh giá tác động của các yếu tố thay đổi thế nào với những cổ phiếu ở trạng thái khác nhau. Kết quả hồi quy 3 mô hình cho thấy, biến MVE có tác động chắc chắn nhất đến chi phí lựa chọn bất lợi của các cổ phiếu. Đây cũng là biến duy nhất thuộc chỉ tiêu tài chính công ty có ý nghĩa thống kê. Các biến còn lại có khả năng giải thích cho chi phí lựa chọn bất lợi đều liên quan đến yếu tố thị trường của cổ phiếu. Đó là biến SIGR, SIGVOL và VOL. Biến PRI chỉ có tác động đối với với cổ phiếu ở nhóm có chi phí lựa chọn bất lợi cao hơn mức trung bình thị trường. Các biến không có ý nghĩa thống kê trong bất kì mô hình hồi quy nào là LEVG, INTGTA, MB.

Dựa trên những phân tích về kết quả hồi quy của 3 mô hình, tác giả cho rằng giá trị thị trường của vốn cổ phần (MVE) có thể là chỉ tiêu tốt để chọn lựa những công ty có chi phí lựa chọn bất lợi thấp. NĐT nên đầu tư vào những công ty đầu ngành, có giá trị thị trường cao, có khối lượng giao dịch lớn và ổn định. Đồng thời, tác giả đề xuất sử dụng MVE làm chỉ tiêu cho các công cụ chính sách, nhằm giảm thiểu bất cân xứng thông tin, cũng là giảm thiểu chi phí lựa chọn bất lợi trên thị trường. Các biện pháp Chính phủ có thể áp dụng là: nâng cao quy định vốn pháp định, khuyến khích cổ phần hóa…

Một phần của tài liệu Phân tích chi phí lựa chọn bất lợi trên Thị trường chứng khoán TP.HCM (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w