Sự ảnh hưởng đến nghệ thuật điêu khắc.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 35)

3. Sự ảnh hưởng đến kiến trúc, điêu khắc.

3.2 Sự ảnh hưởng đến nghệ thuật điêu khắc.

Trong suốt hơn một thế kỉ qua, rất nhiều tác phẩm điêu khắc cổ Chămpa đã đuợc tìm thấy. Ngay từ năm 1919, đã có 268 tác phẩm điêu khắc cổ Chămpa được cất giữ và trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). Những pho tượng đồng ở Đồng Dương, Phú Ninh, Phú Yên… chứng minh tính phân bố trên diện rộng và thể hiện các tinh thần tôn giáo khác nhau. Ngoài ra, chúng lại mang những nét đặc trưng rời rạc như phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách Hoà Lai, phong cách Mỹ Sơn A1, phong cách Chánh Lộ, phong cách Tháp Mắm hay Bình Định, phong cách Yang Mun, phong cách Pô Rômê… chứ không thống nhất. Tuy vậy, có thể thấy một điều rõ ràng là điêu khắc Chămpa trước thế kỉ VII gần gũi một cách lạ kì với truyền thống nghệ thuật Amaravati của Ấn Độ. Chỉ từ nửa thế kỉ thứ VII, nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa mới bộc lộ những cá tính riêng biệt của mình.

Ngay từ những thế kỉ đầu công nguyên, nghệ thuật điêu khắc tôn giáo của Ấn Độ đã du nhập vào Chămpa và được người Chăm tiếp nhận. Cũng như ở Ấn Độ, những tác phẩm của nghệ thuật điêu khắc Chămpa chủ yếu phục vụ tôn giáo, cụ thể là mang đậm ấn tượng của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Thế nhưng, ở Chămpa tôn giáo và vương quyền gần như hoà quyện vào nhau: tôn thờ thần linh đồng nghĩa với thờ vua. Vì vậy, nghệ thuật điêu khắc Chămpa có thêm một chức năng mới: phụng sự vương quyền và vì vậy rất được vua chúa và tầng lớp trên coi

trọng. Các vua chúa Chămpa thường xuyên dâng cúng tượng thờ cho các đền tháp và luôn quan tâm tới việc bảo vệ, gìn giữ các hình tượng thờ cúng.29 Đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nghệ thuật điêu khắc vốn mang tính tôn giáo của Ấn Độ có điều kiện phát triển nhanh chóng ở Chămpa. Vì mang thêm chức năng phục vụ vương quyền, nên mặc dù vẫn tuân theo những cách thức của Ấn Độ, điêu khắc Chămpa đã nhanh chóng chuyển sang một hướng mới: Tập trung thể hiện các biểu tượng và các hình ảnh các thần, vì thần chính là vua, là các tổ tiên của hoàng gia. Cho nên, khác với Ấn Độ, điêu khắc Chămpa ít mang tính minh họa hay diễn kể các thần thoại và huyền tích mà tập trung vào thể hiện các biểu tượng, các hình tượng thờ phụng.30 Vì lí do đó mà ở Chămpa rất ít có những bộ kinh Phật trên đá như ở Bôrôbuđu hay những trang sử thi bằng điêu khắc ở Ăngco Vát và Lôrô Giôngrang, phần nhiều chỉ gồm có những tác phẩm riêng lẻ thể hiện hình tượng và biểu tượng của từng vị thần. Cho nên, cũng như kiến trúc, nếu so với Ấn Độ và Inđônêxia cùng thời, điêu khắc Chămpa nghèo hơn về đề tài cũng như thể loại. Nhưng, cũng chính vì thế mà ở một vài khía cạnh nào đó, điêu khắc Chămpa có một sắc thái riêng, một đặc thù riêng không phải không có giá trị. Vì không chú trọng vào việc tạo ra những minh họa mang tính diễn kể liên hoàn, mà chủ yếu tập trung vào thể hiện các hình tượng, nên nghệ thuật điêu khắc Chămpa ít kịch tính, ít mạnh mẽ sôi nổi. Thay vào điểm yếu đó và cũng do nội dung quy định, điêu khắc Chămpa lại mang những thế mạnh và vẻ đẹp riêng: Tính cô đọng của hình tượng và tính biểu hiện cao. Mỗi tác phẩm hay mỗi hình ảnh của điêu khắc Chămpa dường như hút vào mình tất cả những gì cần thiết nhất để thể hiện cho được cả một hình tượng. Cho nên, nhìn vào mỗi tác phẩm điêu khắc Chămpa, người xem có thể hình dung ra tất cả những gì có liên quan tới hình tượng nhưng lại không được thể hiện ra. Để đạt được mục đích đó, các nghệ nhân Chămpa đã sử dụng loại hình điêu khắc hợp lí: phù điêu nổi cao. Mỗi hình tượng của điêu khắc Chămpa vừa thể hiện ra như một tượng thờ dưới dạng tượng tròn, lại vừa như là cả một khung cảnh đầy biểu tượng để minh họa cho hình tuợng. Chính vì vậy mà ta thấy phổ biến nhất trong điêu khắc Chămpa là những phù điêu nổi cao dưới dạng lá nhĩ, dưới dạng bia, dưới dạng đền thờ và tượng dưới dạng phù điêu nổi. Hầu như đa số những kiệt tác của điêu khắc Chămpa là những phù điêu nổi cao, như đài thờ Mỹ Sơn E1, vũ nữ Trà Kiệu, đài thờ Đồng Dương…

Một mảng đề tài điêu khắc rất lớn của Chăm là thờ các thần Ấn Độ giáo. Như đã phân tích, Siva giáo có lúc được đẩy lên thành quốc giáo, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại Visnu, Brahma và cả Pônagar. Kèm theo các tác phẩm điêu khắc Siva, Visnu, Brahma là các con vật được thờ như rắn Sera, bò thần Nađin…

Ngoài những đề tài phản ánh các vị thần, trong điêu khắc Chăm còn có đề tài sinh hoạt xã hội, những tác phẩm phản ánh sinh hoạt xã hội với nhiều dạng và nhiều khía cạnh khác nhau như hình ảnh những chiến binh, những kị mã, những vũ nữ, những trò chơi cưỡi ngựa đánh cầu. Cuộc sống sinh hoạt của dân tộc Chăm còn được thể hiện qua các chạm trổ ở các bệ bàn thờ. Cảnh sinh hoạt, nhảy múa, thổi kèn, gảy đàn, đánh trống cũng xuất hiện đậm nét. Một số hình ảnh về sinh

hoạt hàng này được ẩn dưới các điển tích như Siva hoặc hình ảnh tiễn vua và chiến binh ra trận. Hình ảnh ca múa khi các chiến binh trở về, những cuộc hẹn hò tình tự của trai gái cũng có trong điêu khắc Chămpa. Tất cả những đề tài ấy được phản ánh, khắc họa trên những bệ thờ bằng đá ở Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu…

Trong lịch sử, ở Đông Nam Á có ba nền điêu khắc có tầm cỡ là Giava, Khơme và Chăm. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá những bức tượng cổ Chămpa. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đều công nhận vẻ đẹp kì lạ độc đáo của phong cách nghệ thuật Đồng Dương, một cách được đánh giá là rất Chăm. Lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc Chăm được coi là chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ nhưng vẫn chứa đựng nhiều nét Chăm hoá.31 Vũ nữ thiên thần Ápsara (lượn trong nước) có dáng mềm mại, uyển chuyển đã hoá thân vào nghệ thuật múa, nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ và nhiều nước khác, nhưng qua bàn tay nghệ thuật của các nghệ nhân Chăm, Ápsara đã trở thành biểu tượng hàm chứa mọi vẻ đẹp rất riêng của cô gái Chăm. Nàng không có bộ ngực đồ sộ quá lớn như nàng Ápsara Ấn Độ vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo thờ mẫu thiêng liêng vĩ đại, cũng không giống như các Ápsara Khơme với vẻ trang nghiêm đến gầy guộc giữa núi rừng cỏ cây và các thần thánh… Nàng luôn thể hiện chân thực và gần gũi với tính nhân chủng và hình ảnh người phụ nữ Chăm tươi tắn, tràn đầy sức sống nhưng cũng thầm kín, đầy quyến rũ.

Tất nhiên không phải không có khuyết điểm. Ví dụ, bàn tay quá to, cánh tay quá cong là hoàn toàn phi thực tế. Những khuyết điểm kiểu như ở vũ nữ Trà Kiệu có mặt ở hầu như mọi tác phẩm điêu khắc Chămpa như tượng chiến binh Mỹ Sơn, Quảng Nam thế kỉ VII – VIII, tượng thần Siva múa thế kỉ VII – VIII Trà Kiệu, tượng nữ thần Lashmi thế kỉ VII – VIII Trà Kiệu, tượng Dan-seur thế kỉ VII – VIII Trà Kiệu… Thế nhưng, khi nhìn vào từng tác phẩm một, những khuyết điểm đó hầu như bị tan biến đi trước vẻ đẹp toàn cục hay trước ấn tượng chung do từng tác phẩm gây ra. Nhà điêu khắc Chămpa, trong từng tác phẩm cụ thể, đã chỉ tập trung chú ý và tài nghệ của mình để thể hiện cho được cái ý chính hay biểu tượng chính của tác phẩm chứ không đi vào lột tả tất cả mọi chi tiết. Tất nhiên, các văn bản, các hình tượng của Ấn Độ là nguồn đề tài chính cho điêu khắc Chămpa, nhưng các nhà điêu khắc Chăm lại dường như chỉ tập trung thể hiện cái thần thái của hình tượng chứ không mô phỏng xít xao các nguyên mẫu. Chính vì thế mà “điêu khắc Chămpa mang tính của nền nghệ thuật ấn tượng nhiều hơn là tả thực”.32 Bên cạnh tính hoành tráng, tính ấn tượng có thể nói là đặc điểm lớn thứ hai tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa. Điêu khắc Chămpa cho chúng ta ý thức được rằng quan niệm thẩm mĩ Chăm rất tinh vi, rất sắc sảo trong cái đẹp tạo hình của cơ thể con người. Những cổ vật điêu khắc được tập hợp nhiều ở địa bàn cư trú của dân tộc Chăm, chủ yếu là dọc miền Trung trở vào.

Như vậy, điêu khắc Chămpa cổ vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo Ấn Độ vừa in đậm dấu ấn văn hoá Chămpa bản địa, đồng thời có sự sáng tạo, phát triển hình thành nên phong cách riêng của mình. Vì vậy cũng không nên kết luận

như một số nhà nghiên cứu khi cho rằng điêu khắc Chămpa là cái bóng của văn hoá Ấn Độ.

Tài liệu khảo cổ học hiện có còn quá ít nên cho đến nay nền điêu khắc cổ Chămpa vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Do vị trí địa lí và hoàn cảnh lịch sử quy định, nền nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa luôn chịu tác động rất mạnh của những ảnh hưởng từ bên ngoài tới. Chính những tác động đó đã trở thành những động lực quan trọng để tạo ra những nấc lớn trong lịch sử điêu khắc Chămpa, vốn chịu ảnh hưởng rất mạnh của Ấn Độ như đã phân tích ở giai đoạn trước thế kỉ VII, của Chân Lạp trong phong cách Mỹ Sơn E1, của Giava trong phong cách Trà Kiệu… Tuy nhiên, điêu khắc cổ Chămpa vẫn tạo được những nét riêng biệt, đó là cả một chặng đường luôn vươn tới sự hoành tráng và sự lột tả thần thái của hình tượng và chủ đề, bằng cách tạo ra ấn tượng chính cho từng tác phẩm. Chính những điểm đó đã làm cho điêu khắc Chămpa có được một vị trí riêng biệt và đáng kể ở khu vực Đông - Nam Á. Sự kiện thời nhà Lý, nhiều thợ điêu khắc Chăm đã được đưa về Đại Việt tạo nên nhiều bức phù điêu… ở các chùa đền có thể phần nào chứng tỏ đẳng cấp của điêu khắc Chămpa trong một giai đoạn nhất định.33 Nghệ thuật điêu khắc là di sản quý báu trong nền văn hoá Chămpa, tồn tại qua nhiều trận cuồng phong lịch sử và thời gian, vẫn sáng chói và vĩnh viễn không phai mờ.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w