Ảnh hưởng của Ấn Độ giáo

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 29)

2. Sự ảnh hưởng của tôn giáo

2.2 Ảnh hưởng của Ấn Độ giáo

Các tài liệu, bia kí Chămpa trước thế kỉ VII cho chúng ta biết nhiều về sự sự hiện diện của Ấn Độ giáo tại xứ sở này. Bốn bia kí bằng chữ Phạn kiểu Pallaya tìm thấy ở Quảng Nam và Phú Yên của ông vua có tên là Bhadravarman có ghi chép về vị thần Bhadresvaraman. Ba trong bốn bia kí đó ghi nhận lãnh địa dành cho vị thần này. Còn bia kí Mỹ Sơn thì nói đến sự thành kính dành cho “Mahesvara, Brahma, Visnu…”

Từ đầu thế kỉ VII, chúng ta đã biết về tôn giáo Chămpa qua những bia kí của vua Sambhuvarman. Theo các gia kí, dưới thời ông, một thánh đường (hoặc lãnh địa) thần của các thần nghĩa là của Bhadresvara – đã bị đốt phá và đã được nhà vua khôi phục lại. Từ đây, vị thần được đổi tên là Sambhubhadresvara, còn thánh đường thì trở thành thánh đường quốc gia của nước Chămpa. Bia kí nói rằng Sambhu bhadresvara có thể “đem lại hạnh phúc cho đất nước Chămpa” (ghi chép xưa nhất về cái tên Chămpa trong bia kí). Một bia kí khác nói tới việc xây dựng một bàn thờ, một bệ (vedi) bằng gạch bọc bạc và trên có đặt một bức tượng của Laksmi. Như vậy, cho đến thế kỉ VII, Ấn Độ giáo mà chủ yếu là Siva giáo đã trở thành tôn giáo chính thống của các vua chúa Chămpa, đã ra đời cả một thánh địa tôn giáo – khu Mỹ Sơn, đã mọc lên nhiều đền thờ các thần Ấn giáo và nhiều tượng thần dưới nhiều dạng khác nhau để thờ phụng. Các sử liệu Trung Quốc, như Tống thư cho biết, năm Nguyên gia thứ 23 (446), thứ sử Giao Châu là Đàn Hoà Chi đã phá các đền đài, nấu các bức tượng vàng của Lâm Ấp thành thỏi được 100 ngàn

cân. Nam Tề thư và Lương thư còn cho biết, sau đó Đàn Hoà Chi lâm bệnh và chết vì đã thấy các vị thần của người Mandi (người Lâm Ấp) đến hại ông.21

Sau thời vua Sambhuvarman (595 – 629), đất nước Chămpa trải qua một thời kì bất ổn. Chỉ từ năm 653, khi vua Vikrantavarman I (653 - 685) lên ngôi thì Chămpa mới ổn định và phát triển. Sự thịnh đạt của Chămpa tiếp tục kéo dài sang hết cả thời kì trị vì của vị vua tiếp sau. Qua những bia kí còn lại của hai vị vua Vikrantavarman I và Vikrantavarman II, chúng ta biết thêm nhiều về ảnh hưởng của Ấn Độ đối với tôn giáo Chămpa, đặc biệt là đối với Bàlamôn giáo. Các bia kí chứng minh tầm quan trọng của khu vực Mỹ Sơn và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Siva: “Đáng kính trọng hơn Brahma, Visnu, Indra, Surya, Asura, hơn những vị Bàlamôn và hơn những vị Rsi, các vua chúa”. Một bia kí khác còn viết: “Vua, sau khi đã làm một kosa Isanesvara, còn làm một mukuta cho Bhadresvara. Và cặp kosa – mukuta này có thể sánh với hai trụ chiến thắng tồn tại trơ trơ trên thế giới này như mặt trời và mặt trăng”. Thế nhưng qua các bia kí của Vikrantarman I và II, chúng ta được biết, Visnu giáo đã song song tồn tại bên cạnh Siva giáo. Có hai bia kí nói tới Visnu Purusottama (đấng tối cao), “vị thầy của các thế giới được dựng lên theo lệnh nhà vua”. Bia kí kia tìm thấy ở Trà Kiệu thuật lại việc xây dựng lại một thánh đường của đại Rsi Valmiki (tác giả bộ sử thi Ramayana). Chi tiết này chứng minh tính quan trọng của Ramayana ở Chămpa thời Prakasadharaman.

Như vậy, dưới vương triều đầu tiên của vương quốc Chămpa – vương triều Gangaraji (cuối thế kỉ II – đầu thế kỉ IX), những tôn giáo chính của Ấn Độ, trong đó có Ấn Độ giáo đã phổ biến rộng ở khu vực phía Bắc (vùng Amaravati xưa) của Chămpa.

Người ta còn tìm thấy ba bia kí (hai của Indravarman I (trước 787 – 801) và một của Vikrantavarman III (829 – 854)) ở Phan Rang nói nhiều tới Visnu giáo. Nhà vua tự so sánh mình với Vikrama “nâng quả đất lên bằng hai cánh tay” hoặc với Narayana “nằm trên con rắn và nâng thế giới lên bằng bốn cánh tay”. Ngoài ra, các bia kí còn nói tới việc phục hồi lại một cái linga mà cái cũ “đã từng tồn tại kéo dài trên trái đất hàng nghìn năm” đã bị quân Giava phá vào năm 787, nói tới việc làm cho Indravarman “một Sankara – Narayana” tức hình tượng Harihara (hình tượng kết hợp Siva và Visnu) – ghi chép duy nhất về Harihara trong bia kí Chămpa. Tấm bia của Vikrantavarman III nói tới việc trao tặng đất đai cho Vikrantadura, guru của 3 thế giới, và cho Vikrantadevadhibhavesvara hai cơ sở của Siva giáo

Một tấm bia khác được tìm thấy ở Bò Mưng xuất xứ từ một lâu đài đã bị phá huỷ cách Đà Nẵng 15 km về phía nam là của một vị thượng thư của vua Indravarman II (875 – 890) tên là Manicaitya. Văn bản tấm bia mang màu sắc Siva giáo. Nội dung tấm bia nói rằng vị thượng thư đã dựng một tượng Mahađevi (Đại nữ thần) cho mẹ ông. Còn em ông thì dành một Isvadevadideva cho cha ông và ông. Rõ ràng l2 bia kí đã nói tới những cơ sở tôn giáo dành cho tổ tiên và ngẫu tượng để thờ phụng. Với nội dung mang tính thần tôn giáo Siva giáo, còn có một

tấm bia ở Bàn Lãnh (cách Trà Kiệu 10 km về phía tây bắc) của một triều thần của Indravarman II dựng năm 898, bia nói về việc dựng hai ngôi đền thờ Siva là Rudra -malingesvara và Sivalingesvara.

Giai đoạn tiếp theo là một giai đoạn đầy biến động của lịch sử Chămpa,22 thông qua tấm bia kí Hoá Quê, Nhan Biểu, Hà Trung – tất cả được phát hiện ở Quảng Trị, chúng ta có thể phác thảo được một cách sơ khởi về bức tranh hỗn dung tôn giáo lạ kì ở Chămpa. Nếu như ở các thời kì trước, hai tôn giáo Ấn Độ luôn song song tồn tại, thì đến thời kì này, cả hai không chỉ vẫn cùng tồn tại mà còn như cùng hoà vào, không bài xích nhau trong ý niệm của người theo tôn giáo này hoặc tôn giáo khác. Dường như ở Chămpa thời này có một cái gì đó gần như nhị giáo đồng nguyên.23

Lịch sử Chămpa suốt từ cuối thế kỉ X (cụ thể là từ năm 986) cho đến năm 1074 là cả một giai đoạn rối ren với những cuộc chiến tranh và nổi dậy liên miên. Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo vẫn được thể hiện rõ nét qua những bia kí tìm được.

Bia kí ở Pô Nagar của Rudravaman III có niên đại 1064 kể về những tặng phẩm của vua dâng cho vị thần Yan Pu Nagara. Ngoài ra, vua còn xây cho thần một bên tượng, một cổng (torana), chi phí hết nhiều, và đã cầu nguyện Bhagavati – nữ thần của đô thị, “người vợ thần thánh có trăng lưỡi liềm toả sáng” (vợ Siva).

Từ năm 1074, khi Harivarman IV lên ngôi, Chămpa mới bắt đầu yên ổn. Theo các tài liệu bia kí, ông đã đem hết sức ra để đem lại cho Chămpa sự tráng lệ xưa, đã phục hồi cố đô Simhapura (Trà Kiệu), lập nhiều đền thờ ở Mĩ Sơn. Bia Mỹ Sơn D3 ca ngợi và so sánh vua với các thần Ấn Độ: Krisna, Kama, Indra, Brahma và Siva – gần như tất cả các vị thần chính của Ấn Độ giáo (cả Siva giáo và Visnu giáo).

Đến đời vua Jaya Harivarman I (1147), ông đã cho xây dựng nhiều đền thờ thần ở Mỹ Sơn và Pônagar (hai thánh địa lớn nhất của Chămpa ở bắc và nam). Bia kí Mỹ Sơn của vua nói, ông thuộc dòng họ những dũng sĩ có hai cánh và là “hình thức có thể thấy được của thần Visnu”, tấm bia khác ở Mỹ Sơn G5 có niên đại 1157 cho biết ông dựng thần Siva trên một quả núi rồi đặt tên núi là Vugran.

Một tấm bia kí khác của vua Suryavarmadeva (1192 – 1203) lại chứng minh sự tôn trọng tín ngưỡng Siva giáo thông qua việc nhà vua dâng cúng tặng phẩm cho vị thần Siva Mỹ Sơn là Bhadresvara “để được công lao ở thế giới này và thế giới bên kia”. Tặng vật của ông là một kosa có sáu mặt nặng 510 thoi, đây là một trong những kosa quan trọng nhất mà ta được biết qua minh văn cổ Chămpa.

Với sự kiện năm 1471, những bia kí xuất hiện rất ít, nhưng qua vài bia kí ít ỏi còn lại cộng thêm với các nguồn tài liệu khác, chúng ta vẫn biết khả năng khá rõ là cho đến tận ngày cuối cùng, những tôn giáo Ấn Độ vẫn ngự trị ở Chămpa. Bia kí ở Pô Sah nói về sự nhiệt thành của vua Chế Chí (hoàng tử Harijit) – lên ngôi năm 1307, trong việc tôn thờ đấng Siva toàn năng. Bia ở Bình Định lại cho biết cha ông, Sri Jaya Simhavarman, đã đi tới chỗ lưu trú của thần Siva. Bia kí trên tượng Visnu tìm thấy ở Biên Hoà có niên đại 1421 của Nauk Klaim Vijaya lại là

bằng chứng về Visnu giáo ở Chămpa. Đó là một trong những bia kí cuối cùng được tìm thấy có nội dung về sự ảnh hưởng của Bàlamôn giáo đến Chămpa.

Từ những khái quát về du nhập cũng như sự tiếp nhận những tôn giáo Ấn Độ ở Chămpa trong suốt quá trình lịch sử, có thể nhận thấy suốt hơn 12 thế kỉ tồn tại, Chămpa liên tục lấy những tôn giáo Ấn Độ làm tôn giáo của mình (giai đoạn sau Chămpa tiếp nhận thêm Hồi giáo và bản địa hoá thành Bàni giáo). Cũng như nhiều quốc gia cổ đại khác ở Đông Nam Á, ở Chămpa không có kì thị tôn giáo, mà ngược lại, bao trùm lên toàn bộ lịch sử Chămpa là sự hỗn dung giữa tất cả các tôn giáo và giáo phái của Ấn Độ. “Người dân Chămpa tiếp nhận tất cả: Tư duy triết học tâm linh, đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo, tình thương của Visnu giáo và cả tính hung bạo và quyền lực của Siva giáo. Tôn giáo Ấn Độ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của người Chăm, hướng tới quan niệm sự đồng nhất con người và vũ trụ, với thần linh, giữa tiểu ngã Átman và đại ngã Brahma”.24

Những đặc điểm tôn giáo trên đã chi phối và tác động rất lớn đến đời sống văn hoá của Chămpa. Hầu như trong mọi lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật Chămpa đều có những dấu ấn sâu sắc của tất cả tôn giáo lớn Ấn Độ. Bức tranh tâm lí của người Chămpa cũng thể hiện rõ những sắc thái của từng tôn giáo: người dân thì hiền lành, vua chúa thời xưa thì tính chất bạo lực mạnh hơn…

Thế nhưng, người Chăm không bao giờ từ bỏ tất cả những gì mình có để theo các tôn giáo Ấn Độ một cách thụ động và rập khuôn. Lịch sử đã chứng minh, ngay từ đầu ngày lập quốc, người dân Chămpa đã dùng những hình thức của tôn giáo Ấn Độ phủ lên những tín ngưỡng tôn giáo bản địa của mình để tạo ra một thứ tôn giáo khá riêng cho Chămpa, mà một trong những biểu hiện rõ nét là việc thờ phụng tổ tiên và các thần bản địa dưới dạng các vị thần Ấn Độ.

Do hoàn cảnh địa lí, lịch sử và văn hoá chi phối, Chămpa là một trong những nơi ở Đông Nam Á giữ được những truyền thống tôn giáo Ấn Độ một cách “trung thành” và lâu nhất. Thế nhưng, Chămpa cũng đã tuyển lựa, chọn lọc những yếu tố Ấn Độ cần thiết phù hợp với những sắc thái tôn giáo tín ngưỡng vốn có của bản thân mình. Một trong những biểu hiện điển hình cho sự kết hợp những yếu tố Ấn Độ và những truyền thống tín ngưỡng bản địa là những nghi lễ tôn giáo mà người Chăm hiện nay còn tiến hành ở Yang Tikuh và Núi Đá Trắng ở Ninh Thuận.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w