Ảnh hưởng của Phật giáo

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 25)

2. Sự ảnh hưởng của tôn giáo

2.1 Ảnh hưởng của Phật giáo

Bằng chứng cho thấy niên đại sớm nhất mà Phật giáo được truyền đến Chămpa là tấm bia kí Võ Cạnh viết bằng chữ Phạn có niên đại thế kỉ III – V được tìm thấy gần Kauthara (Nha Trang). Tấm bia cho biết về một triều vua đầu của Chămpa mà người sáng lập có tôn hiệu là Sri Mara. Bia còn nói tới ảnh hưởng rất rõ của văn hoá Ấn Độ, của các tăng lữ Ấn Độ đối với tôn giáo và xã hội của vương quốc này. Chỉ qua vài dòng chữ Phạn viết theo kiểu chữ Amaravati như “Lokasỳ- aya gatàgati” (Sự chết hoặc sự phục sinh của thế giới này) hay “Prajànàn karuna” (Từ bi trắc ẩn đối với chúng sinh), các nhà kho học cho rằng nội dung tấm bia toát lên tư tưởng của Phật giáo. Với tấm bia Võ Cạnh, chúng ta có một “bằng chứng vật chất đầu tiên và cũng là cổ nhất ở Đông Nam Á nói về Phật giáo ở khu vực này”.16

Dù tôn giáo chính của Chămpa là Siva giáo, tuy nhiên, trong những thời điểm nhất định trong lịch sử đất nước, dấu ấn Phật giáo vẫn rất quan trọng. Biểu trưng rõ nét là các tượng Phật. Khi nói đến điêu khắc Chămpa thời Phật giáo hưng thịnh không thể không nói đến nghệ thuật Đồng Dương. Không phải ngẫu nhiên mà danh xưng “Phật viện Đồng Dương” được dùng để đặt tên cho cả một phong cách nghệ thuật Chămpa ở một giai đoạn nhất định. Các hiện vật điêu khắc và trang trí Đồng Dương thật phong phú và đa dạng: Tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Môn thần (Dvarapala), tượng người lễ bái. Ngoài ra còn có những phù điêu tuyệt đẹp trang trí cầu kì. Chất liệu bằng đồng, đá, bằng đất nung bền chặt. Trong nền điêu khắc Chămpa, các nghệ phẩm thuộc phong cách Đồng Dương có những sắc thái đặc biệt: cung mày nối liền nhau gờ lên và lượn sóng, môi dày có viền, mũi rộng và dẹt… Đẹp nhất, độc đáo nhất trong phong cách Đồng Dương là các môn thần. Các vị thần này được tạc trong nhiều tư thế: Đứng trên khuôn mặt động

vật, hai chân dang ra bề thế, đầu quay về hướng động tác. Sự quan tâm của các nhà điêu khắc tập trung nhiều ở khuôn mặt, thể hiện đúng chi tiết ở từng nhân vật. Đó là những nét tiêu biểu nhất.

Khảo cổ học, thông qua việc khai quật và nghiên cứu cũng đưa ra được cái nhìn khách quan về ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ trong giai đoạn đầu.

Một pho tượng Phật bằng đồng đã được tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam – Đà Nẵng). Đây là pho tượng bằng loại đồng thau cũ khá lớn (chiều cao đến 1.08m), không có phần bệ đỡ phía dưới như những tượng Phật khác. Tượng thể hiện Đức Phật đứng, hai tay hướng cân xứng nhau, ra phía trước. Phật mặc một tấm áo tu hành dài để hở một vai (phải), lại khoác thêm bên ngoài một tấm áo khoác. Tóc Phật là những vòng xoắn ốc đều đặn. Trên trán có một Urna lớn. Tuy làm cùng một động tác như tay phải, nhưng bàn tay trái cầm một phần vải kéo ra đằng trước. Theo nhà nghiên cứu người Pháp, giáo sư J. Boisselier thì bức tượng Phật “Áo ướt” theo phong cách Ganhara nhưng tóc lại xoăn của Natura “tuy không khẳng định tượng Phật ở Đồng Dương là tác phẩm du nhập, vẫn phải công nhận là tượng này cũng là tác phẩm có quan hệ sâu sắc với truyền thống Ấn Độ, đến nỗi không thể nào phát hiện ra vết tích của một truyền thống bản địa”.17 Như thế, dù là tác phẩm du nhập hay tại bản địa, pho tượng Phật Đồng Dương là một bằng chứng về sự ảnh hưởng của Phật giáo Amaravati của Ấn Độ đối với tôn giáo Chămpa nói chung và vùng Đồng Dương nói riêng. Dựa vào tiêu chí về phong cách tượng Phật Đồng Dương, các nhà nghiên cứu cho rằng: Niên đại của tượng Phật kể trên là từ khoảng giữa thế kỉ IV cho đến đầu thế kỉ thứ VI.

Một sự trùng hợp có ý nghĩa là vùng đất Chămpa – nơi tìm thấy pho tượng đồng này, xưa kia có tên là Amaravati – nơi sinh ra phong cách nghệ thuật Amaravati nổi tiếng của Ấn Độ. Trong khi đó theo các nhà nghiên cứu, thân tượng Phật ở Quảng Khê lại rất gần với phong cách Gupta (thế kỉ IV – V) của Ấn Độ.18

Các nhà khảo cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFFO) đã khai quật và phát hiện ra được một nhóm tượng Phật khoác áo che kín cả hai vai ở Quảng Khê (Quảng Trị), khác hẳn với tượng Đồng Dương kể trên. Tượng Phật Quảng Khê có lồng ngực hẹp, hai cánh tay trần, y phục xiết chặt vào cơ thể. Nhiều phần của pho tượng đã không còn. Căn cứ vào những chi tiết còn lại, những điều này nêu ra đặc trưng có khả năng cho thấy được rằng: Tượng Phật Quảng Khê gắn với các loại đồng thau của nghệ thuật Môn – Dvaravati hóa hòa với phong cách Gupta của Ấn Độ. Thể loại tượng Phật này còn được tìm thấy ở vùng Sumatra (Inđônêxia) và Theno (Malaixia). Đặc điểm của pho tượng Quảng Khê là có vầng hào quang được gắn biểu trưng đằng sau vai. Cũng chưa đoán định được một cách chính xác là vầng hào quang này được gắn vào thời sau hay cùng thời. Dựa vào những nét tiêu biểu kể trên chúng ta có thể đoán định rằng: Niên đại tượng Quảng Khê tương đương với tượng Pongtuk (Thái Lan) và Sumatra, tức là thuộc vào giai đoạn thế kỉ IV đến thế kỉ VI.

Ở Mỹ Đức (Quảng Bình), người ta cũng tìm thấy một pho tượng Phật bằng đồng thau, tượng cao 0,44m, áo cà sa phủ kín hai vai, thân áo cũng uốn nếp làn sóng, nhưng không thẳng như pho tượng lớn Đồng Dương, được đoán định niên đại thế kỉ IX; một tượng Lokesvara (Quan Âm) cao 0,33m (cả đế); một tượng Lokesvara bằng đồng mạ vàng…

Về mảng bia kí, các giai đoạn trước đã xuất hiện rất nhiều, tuy nhiên, chưa có những bia kí mang nội dung thuần riêng biệt về Phật giáo mà có sự pha trộn với Siva giáo. Đến thời đại Inđrapura đã tìm thấy một số bia thuần mang nội dung Phật giáo Đại Thừa. Bia thứ nhất trong số này là bia An Thái (Quảng Nam) có niên đại năm 902 của một vị triều thần có tên là Sthavira Nagapuspa. Mục đích dựng bia là việc cúng hiến một Lokanatha cho tu viện Pramuđitalokesvara. Đoạn trình bày về tôn giáo ca ngợi Avalokitesvara xuất hiện như một đấng đại từ bi trắc ẩn đã cho phép tất cả những người phạm tội thoát khỏi địa ngục để Vajrapani giải phóng họ và đưa họ vào con đường của Phật. Ngoài ra, trong bia kí này, có những đoạn rất vắn tắt nói về ba vị Phật là Sakyamuni, Amitabha và Vairocana. Theo nội dung của bia kí thì từ ý chí của ba vị Phật trên mà đã nảy ra ba “chỗ hội tập của Phật” (Buddhanamalya – Kim cương giới; Padamadhatu – Liên hoa giới và Cakradhatu – Tầm sét giới). Từ những đoạn bia kí An Thái, có thể nghĩ chính Nagapuspa là người đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lập ra một tông phái Phật giáo của Chămpa.19

Tấm bia thứ hai hoàn toàn mang tư tưởng Phật giáo Đại Thừa là bia kí Kon Klor (Kontum) có niên đại 914 của một triều thần tên là Mahindravarman, bia kí nói về một cơ sở Phật giáo của ông có tên là Mahindra – Lokesvara.

Một pho tượng Phật được đoán định thời gian vào thế kỉ XII cũng được tìm thấy ở Bình Định. Tượng có chiều cao 95 cm, chiều rộng 70cm. Được thể hiện bằng kiểu ngồi bán già trong nghệ thuật Ấn Độ cũng như nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Pho tượng đã không còn phần đầu, kể từ khi trưng bày. Phật ngồi xếp tròn, tay trái đặt ngửa ở chỗ gặp nhau của hai bàn chân, tay phải chắp lên ngực, các ngón tay chĩa thẳng lên, được gọi là “thế Anjali Mudra”. Tư thế này được biểu hiện cho sự “cát tường”.

Y phục trên pho tượng Bình Định này là loại cà sa quấn chung quanh người, đầu vải, còn lại thì xếp lại vắt qua vai trái, vai phải để trần. Ở đầu vải này xếp lại nhiều nếp đẹp buông xuống ở vai. So sánh với những tượng Phật khác thì loại y phục này cũng là một khổ vải dài và rộng rất đơn giản; chiều dài phủ xuống tận chân; chiều ngang xếp lại nhiều nếp xếp phủ cho đến cổ tay như được thấy ngày nay. Nhiều phần đã bị mất từ khi khai quật, ngón tay cái và một phần của bàn tay trái đã bị vỡ mất. Đức Phật ngồi trên toà sen, những cánh sen được cách điệu thành những ngọn lửa mềm mại toả ra đều đặn nhau. Kích thước của tượng Phật này gần bằng với kích thước của người thật; thân hình thì mập mạp và cân đối trong mọi thành phần cơ thể.

Thêm nữa, năm 1901, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ở tu viện Phật Đồng Dương 229 pho tượng Phật. Hiện nay, những bức tượng Phật và các mảng điêu khắc liên quan đến dấu ấn Phật giáo được trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Tượng Đồng Dương cũng như các tượng Phật cùng kiểu khác đã được tìm thấy ở Đông Nam Á như tượng Phật ở Kô Rạt (Thái Lan), tượng Phật Sikendung (Selebes – Inđônêxia), tượng Phật Jember (Java – Inđônêxia), tượng Phật Ăngko Bôray (Campuchia)… tất cả những pho tượng này đều mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ. trong khi đi sâu vào các chi tiết khác, một số nhà nghiên cứu lại nhấn mạnh: Tượng Phật Đồng Dương lại giống với các tượng Phật của Amaradhapura (Sri Lanka). Căn cứ vào đó, họ giả định rằng: Tượng Phật Đồng Dương có niên đại vào khoảng thế kỉ III – IV và đã được nhập trực tiếp từ Ấn Độ hay Sri Lanka. Như thế, đạo Phật đã đến Chămpa khá sớm, so với những nơi khác trong vùng.

Thêm nữa, các sử liệu Trung Quốc như Lương thư, Tuỳ thư, Nam Tề thư đều ghi rằng Chămpa là một quốc gia Phật Thích Ca. Nhà sư Nghĩa Tịnh (I Tsing) đã coi Chămpa thế kỉ VII là một quốc gia kính mến học thuyết Phật Thích Ca. Điều này có thể khẳng định thêm bằng câu chuyện viên tướng Trung Quốc là Lưu Phương vào năm 605, sau khi bình định Giao Châu, đã đem quân đánh Lâm Ấp. Lưu Phương vào quốc đô bắt hết dân làm tù binh, thu về 18 thần chủ bằng vàng trong miếu và hơn 1350 bộ kinh Phật và nhiều sách viết bằng chữ Côn Lôn 20 (được hiểu là kiểu chữ Nam Ấn Độ).

Nhìn chung lại, sự hiện diện của các tượng Phật của Chămpa ở những địa điểm khác nhau và qua những nguồn sử liệu trên chứng tỏ rằng: Ngay từ những thế kỉ đầu Công nguyên, Phật giáo đã đóng một vai trò đáng kể tại vương quốc Chămpa.

Giai đoạn tiếp theo, Phật giáo tiếp tục duy trì và phát triển, tuy nhiên, đã có sự du nhập của một số tôn giáo khác vào Chămpa. Điều này được thể hiện thông qua số lượng bia kí tìm được, các nhà khảo cổ học đã thống kê được trong tổng số 128 bia kí quan trọng nhất ở Chămpa thì 21 bia không đề cập cụ thể tới một vị thần nào, 92 bia nói về Siva và các thần Siva giáo, 3 bia nói về Visnu, 5 bia Brahma, và 7 bia nói về Phật.

Có thể dẫn bia kí của vua Jaya Paramesvaravarman I (lên ngôi năm 1044) ở Pô Nagar để chứng minh nhận định trên, trong đó, bia có nói đến việc vua đã xây dựng một tu viện Phật giáo và một chùa hang. Bên cạnh đó, tấm bia Mỹ Sơn nhóm E bên cạnh việc đề cập về Siva giáo, lại ca ngợi vua Harivarman IV (lên ngôi năm 1074) đã đánh bại đạo quân của sáu phiền não là tham sân, si, mê muội, nghi, tà kiến, đã tu theo Yoga, ngồi thiền và tuệ để xứng với pháp. Bia còn nói, vua đã dựng một tu viện Phật giáo cho Indralokesvara. Điều đó đã chứng tỏ, Harivarman IV là một phật tử nhiệt thành.

Từ thời vua Jaya Harivarman I (lên ngôi năm 1145) bắt đầu một cuộc chiến tranh trăm năm giữa bắc và nam Chămpa và giữa Chămpa với Campuchia. Tuy bận chinh chiến, các vua Chămpa vẫn chăm lo đời sống tôn giáo của đất nước. Các bia kí thời kì này đều nói tới vai trò quan trọng của Phật giáo Đại thừa ở Chămpa. Bản thân vua Suryvarmadeva, sau khi ổn định đất nước vào năm 1193, đã tuyên bố theo đạo pháp của Phật giáo Đại Thừa.

Từ năm 1220, sau khi quân Khơme rút khỏi đất nước, công cuộc tái thiết mới lại tiến hành. Người ta tìm thấy bia của vua ở Bình Định mang đậm màu sắc Phật giáo Đại Thừa qua các danh xưng: Sri Lingalokesvara, Sri Jina, Paramesvari, Subhapatri. Tấm bia ở làng Kiếm Ngọc (Bình Định) có niên đại 1265 mở đầu lời tôn kính Đức Phật rồi nói tới việc vua Indravarman V được phong tên thụy là Sivaloka – tên thụy cuối cùng ở Chămpa.

Đó là một trong những bia kí quan trọng cuối cùng đề cập về Phật giáo. Với mốc thời gian 1471, Chămpa đã phải chấm dứt sự tồn tại của mình như một vương quốc. Những bia kí được tìm thấy ở giai đoạn này rất ít, và chủ yếu có chủ đề liên quan đến Ấn Độ giáo. Mặc dù vậy, với những luận cứ đã dẫn, có thể thấy Phật giáo đã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần Chămpa trong một quảng thời gian dài, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nền văn hoá của mình.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w