Sự ảnh hưởng đến nghệ thuật kiến trúc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 32)

3. Sự ảnh hưởng đến kiến trúc, điêu khắc.

3.1 Sự ảnh hưởng đến nghệ thuật kiến trúc

Trước khi ảnh hưởng Ấn Độ tới, ở Chămpa chưa có truyền thống xây dựng đền tháp bằng vật liệu bền, mang tính biểu tượng sâu sắc và chưa quen với việc thể hiện các hình tượng lên mặt đá một cách gợi cảm như của Ấn Độ, nên người dân Chămpa đã tiếp nhận triệt để nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ. Hầu như tất cả mô hình đền tháp cũng như các hình tượng thần linh… của kiến trúc và điêu khắc Chămpa đều có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Kiến trúc Chămpa được trải khắp mọi miền người Chăm cư trú. Lao động sáng tạo của nhân dân đã tạo nên một nền kiến trúc độc đáo, mang bản sắc dân tộc đậm nét. Nghệ thuật kiến trúc Chămpa có vào loại sớm ở Đông – Nam Á. Điều này được chứng minh qua nhiều công trình đã được xây dựng từ thế kỉ I.

Người Chămpa đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc, có cả những thành luỹ quân sự như thành Khu Túc, thành Lồi, thành Hồ… Tuy nhiên ngày nay, kiến trúc Chăm cổ còn lại chủ yếu là đền tháp. Nếu tính cả hai khu kiến trúc lớn là thánh địa Mỹ Sơn và khu Đồng Dương thì suốt trải dài Miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận có tất cả là 19 khu tháp và 40 kiến trúc lớn nhỏ hiện còn và có niên đại từ thế kỉ IX đến XVI. Tháp cổ Chămpa ảnh hưởng từ Ấn Độ bởi phần lớn nó mang hình núi Mê ru (còn gọi là núi vàng, nằm ở sườn dãy Himalaya thu nhỏ). Các vị thần của Ấn Độ giáo ngự ở trung tâm thế giới trên núi Mê ru nên đền thờ ngài ở hạ giới phải thể hiện như vũ trụ Mê ru và phải tuân theo bố cục: hướng tâm, các trụ quay ra bốn hướng, mặt tiền quay về hướng Đông (hướng mặt trời mọc - nguồn gốc của sự sống).

Theo quan niệm của những người Ấn Độ giáo, thánh đường hay đền thờ là dinh thự của thần. Bởi vậy người Ấn Độ cũng như người Chăm gọi thánh đường bằng từ devàlaya (nơi thờ thần) hay devàkutidve (nơi ngự của thần). Vị thần cư ngụ rất cụ thể ở đền thờ dưới dạng một tượng thờ. Đền thờ của Ấn Độ giáo không phải là nơi để các tín đồ đến tụ hội và cầu nguyện. Chỉ có các vị Bàlamôn đã thụ pháp mới được vào đền thờ để tổ chức tế lễ. Điều này giải thích lí do vài sao mà nội thất các đền thờ ở Chămpa rất chật hẹp. Mỗi đền thờ trong khu vực thánh địa đều có những chức năng riêng: có đền thờ lớn thờ các vị thần chính, bên cạnh đó có đền thờ nhỏ dành cho các vợ, cả tuỳ tùng, các vật cưỡi của thần chính hoặc dành cho các thần phụ. Ngoài ra, trong khu đền thờ còn những kiến trúc phụ trợ dùng làm kho chứa đồ thờ, chứa kinh sách, dùng làm nơi ở cho các tăng lữ, nhạc công và vũ nữ thiêng.

Nếu ở Ấn Độ, kiến trúc là cái nền cho những hình chạm khá dày đặc thể hiện những câu chuyện thần thoại, thì ở Chămpa, các hình chạm khắc chủ yếu lại được thể hiện trên các đài thờ đặt trong lòng tháp – nơi thờ tự, chứ mặt ngoài của kiến trúc chỉ được trang trí vừa phải bằng các hoạ tiết hoa lá, hình học… Vì vậy, vẻ đẹp của tháp Chămpa là vẻ đẹp của kiến trúc, ấn tượng của tháp Chămpa là ấn tượng trang nghiêm, thành kính. Việc các hình chạm khắc chủ yếu được đưa vào bên trong tháp dưới dạng tượng thờ hoặc đài thờ chứng tỏ vua chúa Chămpa đã sử dụng nghệ thuật phục vụ cho việc thờ phụng chứ không nhằm mục đích diễn tả một hình tượng hay một hình ảnh nào đó của tôn giáo Ấn Độ. Khi đề cập đến tháp Chăm, nhà nghiên cứu mỹ thuật phương Đông B. Groslier có nhận xét: “về cấu trúc, các tháp Chăm đẹp hơn tháp Khơme […] Nghệ thuật kiến trúc Chăm cân bằng, có nhịp độ và sáng sủa hơn, nó tạo cho tháp Chăm có một vẻ đẹp không thể bỏ qua”.25

Hiện nay cụm tháp còn tương đối hoàn chỉnh là Tháp Chàm Pô Klong Garai ở Ninh Thuận. Có thể thấy các tháp Chămpa được xây dựng theo mô hình

tháp Ấn Độ, nhưng là một khối vững chắc xây bằng gạch, có cửa chính và cửa giả. Tháp gồm nhiều tầng, xếp nếp, tầng trên lặp lại tầng dưới nhưng nhỏ dần và tụ lại thành đỉnh nhọn vươn lên cao. Tháp Chămpa nhỏ hơn, gọn hơn và đơn giản tháp Ấn Độ hay tháp Campuchia. Người Chămpa ít trang trí bằng đá hay dùng vật gia cố mà dùng nếp xếp tinh vi thay cho tầng bệ, lợi dụng gò cao thay cho nền đá lớn. Phần lớn tháp được xây dựng bằng một loại đất sét đặc biệt. Đất sét được nung chín và dính liền với nhau bằng một lớp dầu rái.26 Trên các bức tường, các trần của tháp thường có những hình vẽ trang trí, chạm trổ tinh vi, độc đáo. Điều đặc biệt là phía trên và phía trước phần lớn tháp đều có tượng các vũ nữ nhảy múa bên cạnh những nhạc công thổi kèn, đánh trống trong khuôn hình tam giác. Không phải bây giờ các nhà khoa học mới khâm phục trước tài nghệ xây dựng bằng vật liệu gạch của người Chăm cổ, mà ngay từ những thế kỉ V – VI, sử liệu Trung Quốc đã phải công nhận người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch.27 Nhìn bề ngoài Tháp Chăm là một cấu trúc nhiều tầng. Tầng cuối cùng làm cái vỏ cho gian điện, bên ngoài là những hình ốp có trang trí nằm giữa hai bộ gờ trên và dưới. Các tầng tháp nối nhau nhỏ dần lên tận đỉnh, mỗi tầng lại có hoa văn và các lá nhĩ mang nhiều phong cách khác nhau, ở tháp Pô Klong Garai, mỗi tầng lại có tượng Siva làm bằng đá, và ở trên đỉnh tháp là một hòn đá hình bầu dục (giống như hồn đá trên cát “Kut”) đầu nhọ hướng lên trời. Có ý kiến cho rằng đây là biểu tượng bia đá cho Kalăn (lăng mộ) cho chiếc lăng mộ lớn và tháp gạch.

Các bia kí Chămpa đều nói tới việc họ dựng các đền thờ các bậc tiền bối mình dưới dạng các thần linh. Một số tượng mặt vua như Pô KLong Garai, Pô Rômê được gắn vào cây linga (gọi là Mukhalinga) và đặt thờ trong lòng các tháp. Từ đây hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng Vua – Thần gắn với thờ biểu tượng Siva giáo trên các tháp Chàm.

Những khu đền tháp lớn của người Chăm tập trung ở các trung tâm lớn như Thánh địa Mỹ Sơn, vùng Vijaya, vùng Kauthara và Pandurangara thờ các thần ở Ấn Độ giáo như Brahma, Visnu, Siva. Người Chăm gọi các tháp Chăm là Kalăn có nghĩa là đền lăng và những cụm tháp đền thờ thần được kết hợp với lăng mộ thờ vua chúa: Tháp Pô Tầm ở Phan Rí (Bình Thuận) thờ vua Pô Tầm, tháp Pô Rômê và tháp Pô Klong Garai ở Ninh Thuận thờ vua Pô Rômê và vua Pô Klong Garai.

Như vậy, các tháp đền khi đến với Chămpa không chỉ để thờ thần nữa mà kèm theo thờ phụng vua chúa, hay nói rộng ra là thờ cúng tổ tiên. Vì chủ yếu mang chức năng thờ phụng dưới dạng đền lăng, nên đền tháp Chămpa hầu như không có sự thay đổi về mặt hình dạng và cấu trúc trong suốt cả nghìn năm tồn tại. Nếu so với đền tháp Ấn Độ hay đền núi của người Khơme thì “đền tháp Chămpa đơn giản hơn nhiều về kiểu dáng, nhưng chính vì thế lại mang tính nguyên mẫu ban đầu của Ấn Độ hơn”.28 Một điều đáng lưu ý nữa ở các tháp Chămpa là sự trung thành từ đầu đến cuối với chất liệu gạch. Chính hai đặc trưng vừa nói trên: không thay đổi cấu trúc, hình dáng và sự trung thành với chất liệu đã khiến các nghệ sĩ Chămpa có thời gian để hoàn thiện kiểu kiến trúc cũng như kỹ thuật xây

dựng. Vì thế mà cho đến nay các tháp Chămpa vẫn là những hình tháp gạch chuẩn mực hiếm có cả về kiến trúc lẫn kĩ thuật ở Đông - Nam Á. Cả nghìn năm trôi qua mà màu gạch của các tháp Chămpa không hề phôi pha, các lớp vữa vẫn bền gan cùng năm tháng như một thách đố, các hình chạm khắc trên gạch vẫn còn là đối tượng đáng khâm phục với các nhà điêu khắc tài ba. Ở các tháp cổ Chămpa, vẻ đẹp của kiến trúc luôn được đề cao chứ không bị các hình chạm khắc nuốt chửng hoặc mang tính chất đơn điệu khô cứng. Vẫn theo một nguyên mẫu bất biến, nhưng chỉ cần một vài thay đổi nhỏ ở tỉ lệ, ở cửa vòm, ở cột ốp gạch hoặc ở kiểu dáng của các trang trí thôi là cả một phong cách mới xuất hiện. Đó chính là vẻ đẹp độc đáo và giá trị nghệ thuật hiếm có của các tháp Chămpa.

Ngoài các khu kiến trúc phục vụ cho tín ngưỡng Ấn Độ giáo, Chămpa còn có một khu kiến trúc và điêu khắc rất quan trọng là khu Phật giáo Đồng Dương (Quảng Nam). Đồng Dương theo tiếng Chăm là Indrapura, được xây dựng vào năm 875 trước triều vua Indravarman II mà bia kí mô tả là “một thành phố được trang hoàng và lộng lẫy như thành phố của Indra”. Điêu khắc Phật giáo ở Đồng Dương tạo nên cả một thành đường Phật giáo: Có tượng Phật, tượng các vị La Hán và các tu sĩ. Đặc biệt, tượng các vị thần được coi là đẹp nhất và độc đáo nhất.

Trong vòng 8 thế kỉ, người Chăm đã xây dựng rất nhiều đền tháp với những phong cách khác nhau, tháp và những phế tích tháp còn lại hôm nay là rất ít ỏi so với những gì đã có nhưng vẫn là những viên ngọc quý của nền kiến trúc cổ Việt Nam và Đông Nam Á.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w