Tình hình phát triển kinh tế, xã hội huyện Thanh Trì

Một phần của tài liệu Áp dụng pháp luật hộ tịch ở cơ sở - thông qua thực tiễn địa bàn huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nộ (Trang 62)

Sau 28 năm đổi mới (1986- 2014), Thanh Trì đã phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế đã liên tục phát triển, tăng trưởng luôn ở mức cao. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ sở hạ tầng được chú ý đầu tư; văn hóa - xã hội có nhiều thay đổi khả quan. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị đạt được những thành tựu đáng tự hào.

2.1.2.1. Về kinh tế

Là huyện sản xuất nông nghiệp có nhiều ngành, nghề truyền thống, tập trung ở một số làng tích lũy được nhiều kinh nghiệm như các làng nuôi trâu, làng lúa gạo, làng làm rau, trồng hoa, làng nuôi cá và một số cây ăn quả, làng làm một số sản phẩm thủ công… Về công nghiệp có nhà máy phân lân Văn Điển, nhà máy pin Văn Điển, nhà máy chế tạo biến thế ABB, khu công nghiệp Ngọc Hồi.

Từ năm 2000, huyện đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một hecta đất canh tác. Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như ở các xã: Đông Mỹ (90 ha), Vĩnh Quỳnh (27 ha), Đại Áng (17 ha). Mô hình trồng rau an toàn đã được thực hiện ở 03 xã Lĩnh Nam (đã chuyển về Hoàng Mai), Yên Mỹ và Duyên Hà. Huyện đã đầu tư hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi diện tích cấy hai vụ lúa bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản được 255 ha (đạt 102% kế hoạch, tăng hiệu quả kinh tế so với trồng lúa từ 1,96 đến 2,6 lần. Trong những năm qua, huyện gặp phải nhiều khó khăn do lạm phát, khủng hoảng kinh tế và thiên tai, đặc biệt là

những hậu quả của việc mưa lũ, úng lụt; nhưng nhìn tổng thể, Thanh Trì đã có những bước phát triển khá vững chắc cả về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Tổng giá trị sản xuất theo giá cố định năm 2010 đạt 663.633 triệu đồng, đến năm 2012 đạt 906,5 tỷ đồng, tăng 27%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ. Thống kê số liệu năm 2012 cho thấy: chỉ tiêu về công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 63%, thương mại và dịch vụ đạt 19,7%, nông nghiệp đạt 17,2%. Thu nhập bình quân đầu người của Thanh Trì là 520.000 đồng/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 235 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch, tăng 28,2% so với năm 2011. Tổng chi cân đối ngân sách 334 tỷ đồng, đạt 136,7% kế hoạch, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2011. Thu 97 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, đạt 122,4% kế hoạch. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và những khó khăn chung của nền kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai, thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; giành 8 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế của huyện được duy trì và tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Thương mại dịch vụ tăng từ 20,5% lên 20,8%, nông nghiệp giảm từ 16,5% xuống còn 15,8%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 759.478 triệu đồng, tăng 57,9% so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2012. Lâu nay, Thanh Trì vẫn được coi là cái "rốn" hứng nước thải, ô nhiễm môi trường của Hà Nội. Chính vì vậy, lãnh đạo huyện đã quyết tâm thay đổi chất lượng và cảnh quan môi trường. Tuy cơ cấu kinh tế đã dần chuyển đổi nhưng nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện. Nếu như trước đây, rau do người dân Thanh Trì trồng, cá người dân Thanh Trì nuôi thường bị nghi ngại vì được

tưới và sống bằng nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ thì hiện nay, Thanh Trì lại là địa phương đi đầu của Hà Nội trong việc thực hiện dự án "Lấy nước sạch sông Hồng từ hệ thống kênh dẫn Hồng Vân" cho các xã. Với kinh phí đầu tư trên 6,2 tỉ đồng, huyện đã xây dựng, cải tạo, đào đắp, xây mới kênh mương bê tông; cống điều tiết để lấy nước sông Hồng sử dụng trồng rau, nuôi cá, thậm chí cho cả diện tích lúa của 5 xã vùng trọng điểm. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu thủy sản sạch. Hiện nay, khu công nghiệp Ngọc Hồi là khu công nghiệp đầu tiên của Hà Nội xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại chỗ. Nước sau khi đã xử lý được dùng để nuôi cá ngay trong khu công nghiệp.

Hướng phát triển trong những năm tới của huyện tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao; xây dựng nông thôn mới hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, đô thị, nâng cao đời sống, dân trí, môi trường sinh thái, tăng cường xây dựng khối liên minh công nông trí thức, đặc biệt, quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Khắc phục những khó khăn do đặc thù khách quan, như quy hoạch, ô nhiễm môi trường...; phát huy truyền thống cách mạng, năng động, tiếp tục chủ động khai thác nguồn lực, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa dịch vụ lên hàng đầu, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, tạo ra hàng hóa có sức cạnh tranh, phát triển bền vững, xây dựng Thanh Trì thành điểm sáng về nông thôn đô thị.

2.1.2.2. Về y tế, văn hóa - xã hội

- Về y tế: Mạng lưới y tế trong toàn huyện gồm có 16 trạm y tế xã, thị trấn đạt 100% số xã, thị trấn trên toàn huyện có trạm y tế. Các trạm y tế đều đảm bảo về cơ sở vật chất và có bác sĩ. Hàng năm đã tổ chức khám chữa bệnh

cho hơn 15.000 lượt người, chủ động phòng chống dịch bệnh, tổ chức các hoạt động truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số. Năm 2012, tỷ suất sinh là 12,5%0, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 6,55%; Năm 2013 tỷ suất sinh năm 2013 ước đạt: 16,8%0, tăng 0,3%0 so với năm 2012, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 6,3% tăng 0,8% so với năm 2011 công tác chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em được quan tâm thường xuyên. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm 2012 là 12,2%, phấn đấu giai đoạn 2011-2020 giảm còn từ 8% - 10% các trẻ em lang thang cơ nhỡ được giúp đỡ kịp thời, các lớp học tình thương được sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội. Theo số liệu tổng hợp của Phòng thống kê huyện: đến hết năm 2012, dân số toàn huyện là 167.370 người. Đến hết năm 2013 dân số Thanh Trì là 208.686 người.

- Về văn hóa - xã hội: Trình độ dân trí tại huyện không đồng đều, khu vực thị trấn và các xã trung tâm có trình độ dân trí cao hơn khu vực nông thôn; chất lượng lao động của huyện nhìn chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục được giữ vững ổn định và có bước phát triển đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Số trẻ em trong độ tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 93%. Toàn huyện đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở từ năm 1998 và là huyện hoàn thành sớm nhất thành phố. Phát huy truyền thống của một huyện giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và hiếu học. Năm 2004, sau khi 9 xã tách về quận Hoàng Mai, huyện không có trường chuẩn quốc gia. Qua 10 năm xây dựng, đến nay huyện đã có 30/57 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 52,6% và huyện có tỉ lệ trường chuẩn cao nhất thành phố. Thành lập Hội khuyến học từ huyện tới các cơ sở xã, thị trấn, thôn, xóm; khuyến khích các sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc cho quê hương. Năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục và đào tạo huyện được Ủy ban nhân dân thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối huyện. Là một trong những địa phương dẫn đầu trong nhiều

phong trào thi đua yêu nước trên toàn thành phố Hà Nội. Trong tổng số 29 quận, huyện của Thủ đô, Thanh Trì luôn hoàn thành xuất sắc các kế hoạch của thành phố giao, đảm bảo an ninh trật tự, làm tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa", chăm lo cho người nghèo; Xây dựng các mô hình, chuyên đề về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh, an toàn địa bàn, được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Một phần của tài liệu Áp dụng pháp luật hộ tịch ở cơ sở - thông qua thực tiễn địa bàn huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nộ (Trang 62)