đến năm 2005
Theo tiến trình phát triển pháp luật về thừa kế ở Việt Nam, chế định về thừa kế ngày được củng cố và bổ sung phù hợp với đời sống thực tế nhằm bảo vệ hiệu quả quyền thừa kế của công dân. Xuất phát từ tư tưởng chủ đạo đó, Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990 được ban hành là văn bản có hiệu lực pháp lý đầu tiên qui định khá đầy đủ về thừa kế ở nước ta từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến khi Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995 được ban hành. Về cơ bản các qui định của Pháp lệnh Thừa kế được pháp điển hóa từ Thông tư 81, điều chỉnh một số quan hệ thừa kế phù hợp với thời kỳ đổi mới, Pháp lệnh cho phép cá nhân có quyền để lại thừa kế những tư liệu sản xuất, di sản thừa kế đã được mở rộng phạm vi các loại tài sản, đặc biệt là các loại tư liệu sản xuất tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh. Một số điểm mới mà Pháp lệnh Thừa kế đưa ra như quan hệ giữa người quản lý di sản với người thừa kế và các chủ thể khác liên quan đến di sản, bởi vì thông thường sau khi mở thừa kế di sản chưa chia, những người thừa kế thỏa thuận giao cho một người quản lí di sản. Người quản lí di sản có nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản, tránh hư hỏng, mất mát. Để tạo cơ sở pháp lí cho người quản lí di sản có quyền đại diện cho những người thừa kế pháp lệnh đã có qui định liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra để hạn chế việc tranh chấp liên quan đến thừa kế kéo dài, Pháp lệnh Thừa kế có qui định về thời hiệu khởi kiện các tranh chấp
liên quan đến thừa kế là 10 năm, thời hiệu thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản là 3 năm.
Khi Pháp lệnh Thừa kế 1990 được ban hành, vấn đề người thừa kế không được hưởng di sản được qui định tại Điều 7 và được giữ nguyên tại Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 1995. Theo đó người thừa kế bị tước quyền hưởng di sản khi có các hành vi sau:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiệm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người để lại di sản.
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. - Người bị kết án về hành vi cố ý giết người thừa kế khác nhằm mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế khác có quyền được hưởng.
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Mặc dù theo qui định tại Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 1995 về người thừa kế không được hưởng di sản không thay đổi so với Pháp lệnh Thừa kế nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề này được qui định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất đó là Bộ luật Dân sự. Những hạn chế của Thông tư 81 đã được khắc phục tại Điều 7 Pháp lệnh Thừa kế và Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 1995, những hành vi vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật của người thừa kế như hành vi vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản, hành vi lừa dối, ép buộc, ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, hủy di chúc… đã được liệt kê khá đầy đủ, đây chính là căn cứ để Tòa án giải quyết những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này.