5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
2.2. KHÁI NIỆM TIỀN ĐIỆN TỬ
Tiền điện tử, được biết đến với thuật ngữ digital cash (tiền số) phân biệt với một loại tiền giấy truyền thống - paper cash. Tuy nhiên, giống như tiền giấy, mỗi đồng tiền điện tử được gắn với một số se-ri duy nhất, do một tổ chức phát hành (thường là một ngân hàng), nó biểu diễn cho một lượng giá trị tiền thật nào đó.
Quá trình sử dụng tiền điện tử được thực hiện bằng cách truyền đi các con số thể hiện các thông tin cần thiết gắn với mỗi đồng tiền điện tử, thông qua mạng máy tính và những hệ thống lưu trữ giá trị dạng số, nó cho phép người sử dụng có thể thanh toán khi mua hàng hóa, sử dụng các dịch vụ được cung ứng trên mạng…
Tiền điện tử có dạng số hóa, tức là nó được lưu trữ dưới dạng các bit số, tại cơ sở dữ liệu của tổ chức phát hành, là một ngân hàng. Giá trị của tiền điện tử được thể hiện trên tài khoản của khách hàng mở tại tổ chức phát hành đồng tiền điện tử ấy (ngân hàng).
Về mặt kỹ thuật, quá trình thương mại điện tử phải được kèm theo quy trình thanh toán theo phương thức điện tử, thông qua đồng tiền điện tử.
Tiền điện tử được bảo mật bằng chữ ký điện tử, tuy nhiên cũng giống như tiền giấy, tiền điện tử có chức năng là phương tiện trao đổi và tích lũy giá trị. Đặc trưng về tính ẩn danh và có thể sử dụng lại là hoàn toàn giống nhau giữa tiền điện tử và tiền giấy, điều này là khác biệt đối với hệ thống thanh toán thẻ tín dụng điện tử.
Tiền điện tử được chia thành hai loại:
+ Ẩn danh: có đặc tính như tiền giấy thông thường, đồng tiền điện tử không tiết lộ thông tin của người sử dụng, nó có thể được rút từ một tài khoản người dùng để tiêu dùng hoặc lưu chuyển cho người khác mà không để lại dấu vết.
+ Định danh: có đặc tính như thẻ tín dụng điện tử. Thẻ tín dụng này ngoài một số thông tin như mã số thẻ, ngày hết hạn…, còn có các thông tin về tên chủ thẻ, địa chỉ chủ thẻ… được lưu trữ và được các nhà bán hàng sử dụng để xác minh tài khoản chủ thẻ. Việc sử dụng thẻ tín dụng điện tử cho phép ngân hàng lưu dấu vết của tiền khi tiền được lưu chuyển.
Trong quá trình thực hiện thanh toán điện tử, việc có cần hay không cần bên thứ ba (thường là đơn vị phát hành đồng tiền điện tử, ngân hàng) tham gia vào quá trình thanh toán, sẽ hình thành nên 2 loại đồng tiền điện tử, đó là tiền điện tử trực tuyến và tiền điện tử không trực tuyến.
+ Tiền điện tử trực tuyến: cần phải tương tác với phía thứ ba (ngân hàng) để kiểm soát giao dịch, thông thường là việc xác thực đồng tiền điện tử ấy là hợp lệ hay không. Khi đó, trong quá trình giao dịch, bên bán hàng sẽ yêu cầu bên thứ ba này kiểm tra đồng tiền mà bên mua hàng chuyển cho, trước khi chấp nhận thanh toán.
Do có khả năng kiểm soát được tính hợp lệ, tin cậy của đồng tiền ngay trong quá trình giao dịch, hệ thống thanh toán sử đồng tiền điện tử dạng này thích hợp cho những hợp đồng giao dịch có giá trị lớn, tính rủi ro thấp. Tuy nhiên, vì bao gồm nhiều công đoạn nên hệ thống tiền điện tử trực tuyến sẽ mất chi phí nhiều về thời gian cũng như tiền bạc.
+ Tiền điện tử không trực tuyến: không cần phải tương tác với phía thứ ba (ngân hàng) để kiểm soát giao dịch. Trong quá trình giao dịch, bên bán hàng phải tự kiểm tra tính hợp lệ của đồng tiền, không cần đến sự tham gia của phía thứ ba. Vì quá trình giao dịch không có sự tham gia của bên thứ ba, nên hệ thống tiền điện tử không trực tuyến sẽ mất ít hơn chi phí về thời gian hơn so với hệ thống tiền điện tử trực tuyến ở trên.
Hệ thống thanh toán tiền điện tử không trực tuyến thích hợp với những hợp đồng giao dịch có giá trị thấp, trong thực tế nó dễ gặp phải vấn đề người mua hàng gian lận khi cố tình tiêu một đồng tiền điện tử nhiều lần.
Do đó, yêu cầu về sự phát triển đa dạng của các hệ thống thanh toán sao cho đảm bảo về tính thuận lợi, hiệu quả và cả sự an toàn, bảo mật, các hệ thống thanh toán không trực tuyến cần được thiết kế để đảm bảo tính an toàn cho tổ chức phát hành đồng tiền điện tử (bên thứ ba - ngân hàng), cũng như yêu cầu về sự đảm bảo tính bí mật cho người sử dụng.
Như vậy, có thể hiểu rằng, truyền thống con người thích, quen sử dụng tiền giấy thông thường bởi có thể dễ dàng được đem nó bên mình, có thể thực hiện việc thanh toán ngay mà không cần thiết lập kết nối tới bên thứ 3 (ngân hàng phát hành). Tuy nhiên, tiền giấy lại có thể bị đánh cắp và khi đó sẽ không được bồi hoàn.
Với hình thức thẻ tín dụng, nó làm giảm bớt những rủi ro của việc tiền giấy bị đánh cắp, tuy vậy việc sử dụng tiền điện tử theo kiểu này lại đánh mất sự riêng tư, tính cá nhân của người sử dụng bởi quá trình khai báo các thông tin cá nhân trên thẻ trong quá trình thanh toán. Bên cạnh đó, các công ty thẻ tín dụng và các ngân hàng đã vẫn mất một lượng tiền lớn dành cho việc bồi hoàn những thẻ bị mất, hỏng cũng như những khoản tiền liên quan đến những gian lận lừa đảo và lỗi sử dụng của con người.
Do đó, bên cạnh sự thâm nhập của các dịch vụ điện tử đang ngày càng tăng nhanh trên môi trường mạng Internet, việc phát triển những hình thức thanh toán điện tử hiệu quả hơn là một yêu cầu thực sự cần thiết, tiền điện tử có thể thỏa mãn được các yêu cầu này.
Tiền điện tử là giải pháp tổng thể đối với những vấn đề của tiền giấy thông thường và thẻ tín dụng. Tiền điện tử an toàn, bảo vệ được sự riêng tư của người dùng, phù hợp với phương thức thanh toán mới trong sự phát triển của công nghệ.