Phạm vi bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ

Một phần của tài liệu Bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng theo pháp luật Việt Nam (Trang 56)

Tùy theo thỏa thuận giữa ngân hàng và Khách hàng vay vốn mà phạm vi bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ khác nhau. Nếu Khách hàng vay vốn được đánh giá ở mức độ xếp hạng tín nhiệm cao, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, Bên nợ Khách hàng vay vốn cũng có năng lực tài chính tốt thì Khách hàng vay vốn có thể được vay với số tiền tương ứng 50% hoặc 70% hoặc thậm chí 100% giá trị tài sản phát sinh từ quyền đòi nợ.

Trong quy trình nhận tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ của các TCTD, việc định giá quyền đòi nợ được thực hiện ngay sau khi hoặc đồng thời với việc xác định các điều kiện của quyền đòi nợ. Khi quyền đòi nợ đáp ứng đủ các điều kiện để nhận làm tài sản bảo đảm thì quyền đòi nợ cũng được TCTD định giá tức là xác định giá trị của nó.

Việc định giá quyền đòi nợ là cơ sở để xác định phạm vi nghĩa vụ mà quyền đòi nợ "có khả năng" đảm bảo tức là xác định mức cho vay hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật. Vì theo quy định của BLDS năm 2005 thì nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Nên, các TCTD phải định giá quyền đòi nợ để xác định mức cho vay bao nhiêu là đủ để chắc chắn rằng phạm vi nghĩa vụ cần được bảo đảm luôn nằm trong "khả năng bảo đảm" của quyền đòi nợ. Việc cho vay vượt quá "khả năng bảo đảm" của quyền đòi nợ là quyền của TCTD, do TCTD quyết định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp pháp luật cũng có quy định hạn chế việc cho vay không có tài sản bảo đảm (kể cả không có bảo đảm đối với một phần hay toàn bộ nghĩa vụ trả nợ) hoặc cho vay với điều kiện ưu đãi. Ví dụ như theo quy định tại Quy chế cho vay của các TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2007 và theo Luật Các TCTD thì TCTD không được cho vay không có bảo đảm đối với một số đối tượng

51

khách hàng cụ thể như cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát.

Thực tế, việc xác định giá trị quyền đòi nợ được lập thành văn bản định giá tài sản bảo đảm riêng biệt kèm theo hợp đồng bảo đảm hoặc được ghi trong hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng cho vay kiêm bảo đảm tiền vay. Trong hợp đồng bảo đảm và hợp đồng cho vay thường có điều khoản xác định rõ giá trị của quyền đòi nợ sau khi đã định giá, phạm vi nghĩa vụ trả nợ tiền vay mà quyền đòi nợ bảo đảm là toàn bộ hay một phần, cụ thể ở mức bao nhiêu. Việc định giá tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ tại giai đoạn cho vay chỉ để làm cơ sở xác định mức cho vay chứ không làm căn cứ để xử lý quyền đòi nợ để thu hồi nợ vay.

Việc định giá quyền đòi nợ có ý nghĩa rất quan trọng khi TCTD phải xử lý quyền đòi nợ để thu hồi nợ vay. Nếu quyền đòi nợ được định giá chính xác thì khi xử lý quyền đòi nợ sẽ có khả năng thu hồi đủ khoản tiền vay mà bên vay đáng lẽ phải trả cho TCTD vì quyền đòi nợ được bám sát với giá đã được định giá. Ngược lại, nếu quyền đòi nợ được định giá quá cao so với giá thực tế khi xử lý quyền đòi nợ thì khả năng thu hồi đủ nợ sẽ khó đạt được như mong muốn.

Phương thức định giá mà các TCTD thường áp dụng là phương thức tự định giá bằng cách căn cứ vào khoản nợ (số tiền phải thanh toán trên hợp đồng) kết hợp với tham khảo giá trên thị trường và tự phân tích tình hình hoạt động cũng như các thông tin liên quan bên có nghĩa vụ trả nợ, trong đó có tính đến xu hướng biến động giá trong tương lai.

Trong Hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ của các TCTD quy định như sau: Các TCTD khi xác định được giá trị của quyền đòi nợ sẽ áp dụng mức cho vay dựa trên giá trị và "uy tín" của quyền đòi nợ nhận bảo đảm và trong mọi trường hợp số tiền cho vay luôn phải đảm bảo nguyên tắc: khi đến thời

52

điểm thu nợ giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn nợ gốc cộng (+) toàn bộ lãi khoản vay phát sinh tức là nghĩa vụ trả nợ cần được bảo đảm luôn nhỏ hơn giá trị tài sản bảo đảm. Tùy thuộc vào việc đánh giá, nhận định mức độ rủi ro về biến động giá trị của tài sản phát sinh từ quyền đòi nợ, các TCTD đưa ra cách thức xác định và áp dụng các mức cho vay khác nhau so với giá trị quyền đòi nợ.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex quy định về việc định giá quyền đòi nợ như sau: “Trị giá định giá được xác định tối đa không vượt quá số tiền mà bên thứ ba phải trả cho Bên thế chấp. Trong trường hợp có quy định lãi suất chậm trả, giá trị quyền đòi nợ có thể bao gồm cả phần lãi phát sinh theo thỏa thuận.”

Và việc kiểm tra quyền đòi nợ được quy định như sau tại PG Bank:

a.Việc xác định giá trị quyền đòi nợ dựa vào giá trị mà bên thứ ba phải thanh toán cho khách hàng của PG Bank trên cơ sở phần nghĩa vụ đã hoàn thành của Bên thế chấp theo thỏa thuận giữa hai bên theo hợp đồng.

b.Giá trị quyền đòi nợ phải có căn cứ xác định rõ ràng. Căn cứ xác định giá trị quyền đòi nợ bao gồm:

- Hợp đồng giữa khách hàng của PG Bank và bên thứ ba,

- Các chứng từ có nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thực tế của Bên thế chấp theo hợp đồng: Biên bản bàn giao hàng hóa, biên bản nghiệm thu công trình…

- Các chứng từ liên quan đến việc xác nhận công nợ của bên thứ ba đối với khách hàng của PG Bank: Biên bản đối chiếu công nợ.

- Các chứng từ khác chứng minh giá trị đã thanh toán của bên thứ ba cho Bên thế chấp theo phần nghĩa vụ đã hoàn thành (nếu có).

53

c. Việc xác định giá trị quyền đòi nợ cần gắn liền với yếu tố thời gian và việc kiểm tra phương thức thanh toán của quyền đòi nợ. Do việc giá trị quyền đòi nợ tại thời điểm đối chiếu công nợ/phát sinh công nợ và thời điểm thế chấp có thể khác nhau (bên thứ ba có thể đã thực hiện thanh toán một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ cho khách hàng của PG Bank trong khoảng thời gian từ khi đối chiếu công nợ/phát sinh đến thời điểm thế chấp quyền đòi nợ) nên việc kiểm tra yếu tố thời gian và phương thức thanh toán nhằm xác định được việc thay đổi giá trị quyền đòi nợ nếu có.

d.Kiểm tra thời gian thực hiện quyền đòi nợ: thời hạn bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho khách hàng của PG Bank phải rõ ràng (thể hiện trong hợp đồng mua bán, biên bản đối chiếu công nợ, bản cam kết thanh toán…). Tránh những trường hợp thời hạn này không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc ràng buộc trách nhiệm của bên thứ ba hoặc thời hạn quá dài ảnh hưởng đến giá trị của quyền đòi nợ.

e. Kiểm tra bên thứ ba là bên có nghĩa vụ trả tiền cho khách hàng của PG Bank:

- Kiểm tra tư cách pháp nhân của bên thứ ba: bên thứ ba phải có tư cách pháp nhân đầy đủ, được phép thực hiện giao dịch phát sinh ra quyền đòi nợ.

- Kiểm tra thẩm quyền của người ký các biên bản đối chiếu công nợ kiêm giấy cam kết thanh toán ba bên: người ký phải là đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được ủy quyền hợp pháp.

- Kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh và khả năng tài chính của bên thứ ba, lịch sử thanh toán các khoản nợ của bên thứ ba.

54

- Kiểm tra mối quan hệ mua bán, thanh toán và công nợ giữa bên thứ ba và Bên thế chấp có chịu sự chi phối của các mối quan hệ khác: đảm bảo việc thanh toán của bên thứ ba sẽ thực sự xảy ra chứ không bị cấn trừ công nợ giữa hai bên theo các giao dịch khác.

- Kiểm tra phương thức thanh toán của quyền đòi nợ [15, Điều 8].

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho vay thế chấp quyền đòi nợ với mức tối đa bằng 50% giá trị của quyền đòi nợ.

Còn Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) lại cho vay tối đa 65% giá trị của quyền đòi nợ. Mức cho vay cao nhất mà PG Bank áp dụng là 70% giá trị định giá.

Nhìn chung, các TCTD đều cho vay với mức tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá trị định giá của quyền đòi nợ để chắc chắn rằng nghĩa vụ trả nợ tiền vay được bảo đảm toàn bộ.

Vì pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về phương thức, căn cứ định giá để làm cơ sở cho vay, nên mỗi TCTD đã tự thực hiện định giá quyền đòi nợ theo cách của riêng TCTD đó. Vì vậy, mặc dù các TCTD luôn có tính toán, dự liệu các biến động về giá trị của quyền đòi nợ trên thị trường và đưa ra các quy định, hướng dẫn chi tiết để việc định giá được chính xác và sát nhất với thực tế, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thì việc các TCTD căn cứ vào số tiền phải thanh toán trên hợp đồng của Bên nợ Khách hàng vay vốn để xác định giá trị quyền đòi nợ và mức cho vay tương ứng vẫn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro nên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ của Khách hàng vay vốn. Ngoài ra, đối với việc định giá quyền đòi nợ, việc phải xem xét đến khả năng trả nợ của Bên nợ Khách hàng vay vốn trong việc định giá dựa vào các thông tin về tình hình hoạt động và kết quả tài chính

55

của Bên nợ Khách hàng vay vốn chưa hoàn toàn minh bạch, có tình trạng "nhiễu thông tin" trên thị trường không chính thức, sẽ làm cho việc đánh giá khả năng trả nợ của Bên nợ Khách hàng vay vốn trở nên thiếu chính xác. Tức, TCTD đòi nợ của Khách hàng vay vốn đã khó, lại phải đòi nợ của Bên nợ Khách hàng vay vốn đối với khoản nợ lại càng khó hơn.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong việc định giá quyền đòi nợ, làm cơ sở xác định mức cho vay hợp lý, pháp luật cần có quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng theo pháp luật Việt Nam (Trang 56)