Phương thức xử lý

Một phần của tài liệu Bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng theo pháp luật Việt Nam (Trang 71)

Do quyền đòi nợ là một loại tài sản đặc biệt, Điều 59 của Nghị định số 163 dành riêng khoản 3 để quy định về phương thức xử lý theo thỏa thuận tài sản bảo đảm này, theo đó, bên nhận bảo đảm nhận: (i) các khoản tiền; hoặc (ii) tài sản từ người thứ ba.

Cách thức liệt kê tại Điều 59 này được hiểu là đối với thế chấp quyền đòi nợ, trong hợp đồng các bên chỉ có thể thỏa thuận một trong hai phương thức xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, phương thức bán trực tiếp tài sản bảo đảm vốn được áp dụng rất phổ biến cho các loại tài sản thế chấp khác không được áp dụng để xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, bởi vì bản chất quyền đòi nợ là khoản tiền sẽ thu được trong tương lai khi đến hạn.

Như đã đề cập tại Mục 2.1.2.4, kể từ ngày 22/7/2014 – ngày Thông tư liên tịch số 16 có hiệu lực, việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư liên tịch số 16.

Theo đó, thủ tục đầu tiên mà Bên nhận thế chấp phải thực hiện đó là thủ tục thông báo. Trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ ít nhất bảy (07) ngày

66

làm việc, Bên nhận thế chấp gửi cho bên có nghĩa vụ trả nợ văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ. Đồng thời với việc gửi thông báo, Bên nhận bảo đảm phải gửi kèm 01 trong 03 loại giấy tờ sau:

- 01 bản sao có xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng đối với hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ đã được công chứng;

- Hoặc bản chính hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ của các bên;

- Hoặc Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền đòi nợ do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp.

Điểm đặc biệt của Thông tư liên tịch số 16 là đã giải quyết vấn đề xung đột về thời điểm đến hạn của quyền đòi nợ và thời điểm đến hạn của nghĩa vụ được bảo đảm bằng quyền đòi nợ, cụ thể như sau:

Trường hợp quyền đòi nợ đến hạn trước nghĩa vụ được bảo đảm

Nếu nghĩa vụ được bảo đảm còn chưa đến hạn trong khi quyền đòi nợ được thế chấp đã đến hạn thì bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng theo chỉ định của Bên nhận thế chấp.

Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Ngân hàng phong tỏa tài khoản này và chỉ được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Kể từ thời điểm nộp tiền vào tài khoản, bên có nghĩa vụ trả nợ không được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa và thực hiện giao dịch đối với số tiền này.

Trong thực tế, khi nhận quyền đòi nợ làm tài sản thế chấp và khi ký kết hợp đồng thế chấp, các TCTD thường quy định rõ nghĩa vụ của Bên thế chấp phải chuyển khoản tiền do bên có nghĩa vụ thanh toán vào một tài khoản được phong tỏa do thế chấp mở tại chính TCTD nhận thế chấp, khoản tiền này được coi như là nguồn trả nợ tiền vay của Bên thế chấp.

67

Nếu thời điểm đến hạn của quyền đòi nợ xảy ra sau thời điểm đến hạn của nghĩa vụ được bảo đảm bằng quyền đòi nợ đó thì Bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn.

Bên nhận thế chấp không được yêu cầu Bên thế chấp thanh toán khi nghĩa vụ trả nợ chưa đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về thế chấp quyền đòi nợ mới chỉ dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa giải quyết triệt để các khía cạnh khác nhau của biện pháp này. Vì vậy, khi nhận thế chấp quyền đòi nợ, các TCTD cần phải đặc biệt lưu ý: Phải xác định cụ thể, rõ ràng loại quyền đòi nợ nhận thế chấp; Phải có đủ cơ sở pháp lý chứng minh quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện trả nợ; Thỏa thuận rõ phạm vi nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của bên có nghĩa vụ để tránh trường hợp bên có nghĩa vụ viện cớ từ chối thực hiện nghĩa vụ trả nợ; Chủ động đăng ký thế chấp quyền đòi nợ để được ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ.

Một phần của tài liệu Bảo đảm tiền vay bằng quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng theo pháp luật Việt Nam (Trang 71)