Nguồn cung ứng

Một phần của tài liệu Môi trường Nhật Bản & Đánh giá cơ hội Marketing của sản phẩm đồ gỗ và phuơng thức thâm nhập (Trang 61)

III. Môi trường vi mô cho sản phẩm gỗ

4. Nguồn cung ứng

Nguồn cung ứng gồm nguyên vật liệu và các ngành công nghiệp phụ trợ

a. Nguyên vật liệu

Nếu mỗi năm ngành chế biến điều nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến thì con số này với ngành chế biến gỗ những năm trước 80%-90%. Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, ngành chế biến gỗ là nước xuất khẩu dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, số 2 châu Á và số 6 thế giới. Thế nhưng theo cách nói của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, nếu chưa chủ động được vùng nguyên liệu, vẫn nhập khẩu cung ứng cho chế biến thì 2 ngành này vẫn phải “thở” nhờ “lỗ mũi” người khác – chưa bền vững trong phát triển. Khi ngành điều vẫn loay hoay vùng nguyên liệu, chưa tìm ra lời giải để người trồng giữ lại diện tích điều, dù chất lượng hạt điều Việt Nam được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới thì ngành gỗ dường như câu trả lời đã có khi tỷ lệ gỗ nhập khẩu giảm dần. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu chế biến năm 2012 chỉ còn 66%, nhưng nếu tính cả lượng gỗ dăm xuất khẩu (5 triệu tấn, tương đương 11 triệu m3), tỷ lệ này chỉ còn 20%-30%. 2 tháng đầu năm 2013 giảm 30% về lượng so với cùng kỳ năm 2012.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2010, các doanh nghiệp nước ta đã nhập khẩu từ Gabon 6 triệu USD mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, còn trong 9 tháng đầu năm 2011, con số này là 9,3 triệu USD.

Trong khi thị trường đang được mở rộng và kim ngạch tăng nhanh thì nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ gỗ nhất là các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định cho biết họ đang rất khó khăn trong tìm kiếm gỗ nguyên liệu để duy trì sản xuất. Theo Bộ Công Thương, nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ XK đang thiếu trầm trọng. Hàng năm chúng ta phải nhập 80% gỗ nguyên liệu, chiếm tới 37% giá thành sản phẩm. Hơn nữa 90% gỗ nhập khẩu từ Lào và Campuchia thì nguồn này đang cạn kiệt. Kể từ năm 2005 đến nay, 2 nước Malaysia và

Indonesia đã đóng cửa mặt hàng gỗ xẻ, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5% - 7%, đặc biệt gỗ cứng đã tăng từ 30% - 40%, làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp.

Đối với nguồn gỗ trong nước, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, các dự án phát triển rừng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sản lượng gỗ phục vụ cho chế biến XK không được cải thiện. Chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 - 2020 đặt mục tiêu phát triển 825.000 ha rừng nguyên liệu cho ngành gỗ Việt Nam, trong đó có sự kết hợp giữa các loại cây có chu kỳ kinh doanh ngắn 7-10 năm và chu kỳ kinh doanh dài từ 15 năm trở lên. Sản lượng dự kiến khai thác để phục vụ ngành gỗ vào năm 2020 sẽ đạt 20 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn), mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Theo tính toán của Hiệp hội gỗ, còn phải chờ ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng chủ động được một phần nguyên liệu trong nước khi các khu rừng trồng gỗ lớn do các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cho khai thác. Còn trong tương lai gần, không có cách nào khác là phải tiếp tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Hiện tại phần lớn đất rừng (gần 5 triệu ha) là do các lâm trường quốc doanh và chính quyền địa phương quản lý, trong khi khoảng 3,1 triệu ha đã được giao cho hơn một triệu hộ gia đình và cá nhân, nhưng có 20-30% diện tích được sử dụng đúng mục đích, 70% còn lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn muốn đầu tư vào rừng trồng thì lại không có đất trồng rừng. Tuy nhiên, đến nay cũng đã xuất hiện một số mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và các chủ rừng (hộ dân, nông lâm trường) để trồng rừng sản xuất. Có doanh nghiệp chọn hình thức đầu tư tiền, giống, kỹ thuật cho các hộ dân trồng rừng, khi đến kỳ khai thác, hộ dân sẽ hoàn trả cho doanh nghiệp sản lượng gỗ nhất định, phần sản lượng tăng thêm sẽ thuộc về người trồng rừng.

Ngành Lâm nghiệp cần có chiến lược phát triển rừng bền vững, với những chủng loại cây trồng phù hợp cho khai thác gỗ. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng: Việc phát triển quá nhiều các doanh nghiệp chế biến gỗ có thể dẫn đến tình trang khó kiểm soát trong khai thác lâm sản. Nếu như năm 2005, cả nước chỉ có 26 nhà máy chế biến gỗ (chủ yếu sản xuất ván dăm), thì hiện nay đã lên tới 64 nhà máy. Thêm nhiều nhà máy, nguồn nguyên liệu sẽ khan hiếm, người trồng rừng có thể bán “gỗ non” làm ván dăm, nguy cơ sẽ không có gỗ to để xuất khẩu. Hơn thế, có thể làm gia tăng nguy cơ chặt phá rừng bừa bãi.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng gỗ từ rừng trồng tại các nước trên thế giới còn rất lớn. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ, các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời có chiến lược quy hoạch rừng nguyên liệu, hạn chế khai thác “gỗ non”, đem lại hiệu quả lâu dài cho Nhà nước, doanh nghiệp và người trồng rừng.

Để khắc phục phần nào việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập sàn giao dịch gỗ điện tử với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, hiện Hiệp hội gỗ và lâm sản đang triển khai các công việc cụ thể. Dự kiến, sàn giao dịch sẽ cung cấp thông tin giá cả thị trường gỗ trong nước và thế giới, các vấn đề về pháp luật khi các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ra

nước ngoài. Việc thực hiện các giao dịch qua mạng của các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ được kết nối qua cổng thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Còn vấn đề thành lập chợ gỗ đến nay vẫn không có một phương án khả thi nào được triển khai cho dù nếu liên kết để nhập khẩu gỗ với khối lượng lớn, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm ít nhất 10% chi phí.

Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp hợp tác liên kết với chủ rừng để khai thác nguyên liệu gỗ một cách chắc chắn, thông qua các hiệp định song phương đã ký kết giữa Việt Nam và các nước có rừng. Đồng thời xây dựng một trung tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia để hỗ trợ việc thiết kế mẫu mã, định hướng thị trường phù hợp.

b. Công nghiệp phụ trợ

Ông Đinh Ngọc Minh - Vụ phó Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ở một số ngành nghề khác nhau, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp phụ trợ có thể lên đến 90-95% tùy theo tính chất kỹ thuật của từng ngành. Trong công nghiệp chế biến gỗ, các loại vật liệu hay phụ tùng như keo gắn gỗ, các loại sơn, bản lề, ốc vít… giữ vai trò rất quan trọng trong chế biến gỗ xuất khẩu. Đặc biệt, đối với sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất hiện đại, các vật liệu, phụ kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chất lượng, giá trị gia tăng. Đơn cử, để sản xuất ra 1m3 sản phẩm ván nhân tạo cần sử dụng 100kg keo dán, 8-10 kg chất chống ẩm, 02 kg chất đóng rắn… Đối với đồ gỗ nội ngoại thất, mỹ nghệ, lượng keo sử dụng khoảng 20 kg/m3 sản phẩm, đó là chưa kể đến sơn phủ bề mặt (trung bình mỗi m2 sản phẩm cần sử dụng khoảng 250g chất sơn phủ bề mặt và nhiều phụ kiện khác như ngũ kim, ốc vít, bản lề…). Tuy nhiên, đến nay, các loại nguyên liệu phục vụ cho ngành này tại Việt Nam vẫn chủ yếu phải nhập khẩu. Theo thống kê sơ bộ hàng năm, Việt Nam phải nhập các loại phụ kiện cho chế biến đồ gỗ với giá trị khoảng 200 – 300 triệu USD. Trên thực tế đến nay ngoài một số nhà máy chế biến keo, vật liệu ở Bình Dương và

một số địa phương khác chỉ có thể sản xuất được khoảng 10% nhu cầu của ngành gỗ trong nước, còn lại 90% vật liệu loại này phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, đến nay nước ta vẫn chưa có ngành phụ trợ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu khi 90% phụ kiện cho ngành này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Mặc dù, trong nước đã có một vài DN đầu tư sản xuất phụ liệu phục vụ chế biến gỗ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường chứ chưa nói gì đến việc cạnh tranh với sản phẩm và DN nước ngoài.

Một số chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, để công nghiệp phụ trợ ngành gỗ phát triển, đáp ứng nhu cầu cần có sự đầu tư thỏa đáng vào khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do việc đầu tư này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó cho các DN, nhất là DN có quy mô nhỏ. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng rào thuế quan giữa các nước giảm xuống, chi phí nhập khẩu rẻ hơn nên nhiều DN lại có xu hướng nhập khẩu nguồn nguyên phụ kiện từ nước ngoài, do đáp ứng được yếu tố giá cả, chất lượng. Điều này, khiến cho công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ càng khó khăn trong việc cạnh tranh và khó phát triển đồng bộ. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), để công nghiệp phụ trợ ngành chế biến gỗ có thể đóng góp lớn hơn trong việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho ngành, trước hết cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế thông qua những chính sách ưu đãi về thuế, vốn… thu hút đầu tư của DN trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần coi công nghiệp phụ trợ trong chế biến gỗ là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ để từ đó có chiến lược phát triển phù hợp, song hành và đồng bộ, làm nền tảng thúc đẩy ngành chế biến gỗ đóng góp giá trị ngày càng cao cho kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Một phần của tài liệu Môi trường Nhật Bản & Đánh giá cơ hội Marketing của sản phẩm đồ gỗ và phuơng thức thâm nhập (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(84 trang)
w