B. NỘI DUNG
2.2. Vấn đề cái phổ với tƣ cách là phạm trù của lôgíc biện chứng
Trước hết, với tư cách là phạm trù của lôgíc biện chứng, cái phổ biến có ý nghĩa hoàn toàn khác với cái chung. Sự phân biệt giữa cái phổ biến với cái chung là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của lôgíc học biện chứng mà ở đây có thể thấy rõ sự khác biệt của hai phương pháp tư duy. Trong “Khoa học Lôgíc”, chính Hêghen đã nêu ra vấn đề trên một cách rõ ràng, khi ông coi Khái niệm là cái phổ biến cụ thể với tư cách là sự thống nhất được diễn đạt về mặt lôgíc giữa tính phổ biến, tính đặc thù và tính cá biệt. Theo đó, sự khái quát hóa cái chung là một bước cần thiết không thể thiếu của tư duy trên con đường xây dựng khái niệm, tuy nhiên nó lại là chưa đủ cho sự hình thành khái niệm của tư duy khoa học.
Tư duy hình thức xác lập cái chung qua tổng thể những dấu hiệu lặp lại trong thành phần của một lớp đối tượng. Quá trình xây dựng các thuật ngữ chung trừu tượng bằng con đường rút ra cái chung từ một lớp các sự vật đơn nhất, xét về mặt lịch sử, là có trước và là tiền đề cho sự hình thành khái niệm của tư duy khoa học, tuy nhiên quá trình hình thành khái niệm kiểu như vậy thực ra chỉ là một giai đoạn của nhận thức kinh nghiệm, theo đó nhà kinh nghiệm luận thoạt đầu thực hiện sự quy nạp những dấu hiệu chung lặp lại giữa các đối tượng để xây dựng những thuật ngữ chung trừu tượng. Những thuật ngữ chung này hoàn toàn chưa thể được coi là những khái niệm bởi về thực chất, nó không đi xa hơn lĩnh vực kinh nghiệm là bao vì chỉ là những biểu tượng được diễn đạt về mặt thuật ngữ. Bước đi này của tư duy thực ra
bắt đầu từ cái trừu tượng và cũng kết thúc ở sự trừu tượng, chỉ có điều nó thay thế cái trừu tượng chưa được diễn đạt một cách trực tiếp bằng cái trừu tượng được diễn đạt dưới hình thức thuật ngữ chung, mà về thực chất, chỉ là một bước đệm của tư duy để tạo ra sự thuận tiện cho nó trong quá trình thực hiện những thao tác tiếp theo.
Những thao tác của tư duy tiếp theo sẽ là: diễn dịch, kiểm nghiệm, mô hình hóa… thì đều là những thao tác thuần túy hình thức vì đều là những thủ thuật dựa trên các chất liệu đã bị làm cho hoàn toàn thụ động. Những chất liệu này trở thành mảnh đất mà từ đó nhà kinh nghiệm luận xây dựng nên những lâu đài khái niệm đồ sộ theo thứ bậc và không có mâu thuẫn. Tuy nhiên thì hệ thống những khái niệm này vẫn chỉ là những cái trừu tượng được rút ra từ nhau, được đặt cạnh nhau và chỉ không mâu thuẫn trong phạm vi của hệ thống đó hay trong phạm vi của cái hiện thực đã được diễn đạt bởi ngôn ngữ.
Nhận thức ở trình độ khái niệm tất nhiên phải vạch ra được bản chất của đối tượng, do đó sự trừu tượng hóa cái chung là chưa đủ. Vấn đề bản chất không thể được rút ra bằng con đường trừu tượng hóa cái chung một cách đơn thuần được thể hiện một cách hết sức rõ ràng trong luận điểm nối tiếng của C.Mác về bản chất con người trong “Luận cương về Phoiơbắc”: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội.”[14, 404]. Phoiơbắc quan niệm bản chất con người có tính bẩm sinh, đó là bản chất loài tồn tại sẵn có trong mỗi cá nhân, nhờ bản chất ấy mà các cá nhân mới liên kết với nhau thành xã hội. Từ luận điểm của Mác lập tức có thể thấy được là: bản chất con người không phải là cái chung trừu tượng, không phải là cái phổ biến của loài, tồn tại một cách câm lặng kiểu Phoiơbắc, do vậy không thể được rút ra từ sự trừu tượng hóa những cái chung được lặp lại giữa những cá nhân con người. Nói cách khác, bản chất con người không phải cái gì đó chung chung, trừu tượng mà tận sâu thẳm ai cũng có giống như ai. Trái lại, bản chất ấy có tính cụ thể, nên chỉ có thể được vạch ra bằng con đường
phân tích hiện thực, ở đây là những quan hệ xã hội, cơ bản nhất là quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích hình thành trong quá trình lao động sản xuất vật chất của con người.
Điều này trở thành nguyên tắc quan trọng nhất là khi xem xét những đối tượng phát triển đến cấp độ phức tạp. Chẳng hạn, trong xã hội tư bản, các quan hệ thường bị phản ánh xuyên tạc méo mó, thành thử cái bản chất lại thường đối lập với biểu hiện bên ngoài một cách trực tiếp. Do vậy việc sử dụng những thao tác thuần túy hình thức để xây dựng khái niệm sẽ đi đến chỗ nhận thức sai lệch về bản chất của đối tượng. Vấn đề trên được làm rõ khi xem xét khái niệm “giá trị” trong “Tư bản”. Ở đây rõ ra là, bản chất của “giá trị” hoàn toàn không thể được xác định qua tổng thể những dấu hiệu chung, trừu tượng được phát hiện lặp lại trong thành phần của tất cả các dạng giá trị đặc biệt như tư liệu sản xuất, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hóa hay sức lao động được. Mặc dù ở đây, cả máy móc, thiết bị, nguyên liệu hay sức lao động…đều biểu thị một lượng giá trị nào đó và có thể được quy về một lượng giá trị nhất định, nhưng tuyệt nhiên từ đây không thể tìm thấy bấy kỳ một dấu vết nào về bản chất của giá trị cả. Trái lại, khái niệm giá trị chỉ có thể đạt được bằng con đường phân tích hiện thực quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa, nghiên cứu lịch sử của quá trình trao đổi mà theo đó, sản phẩm của lao động được biến thành hàng hóa và lao động tạo ra sản phẩm đó được biến thành lao động tạo ra giá trị. Giá trị ở đây là một phạm trù lịch sử, hình thành trong một giai đoạn lịch sử nhất định, biểu hiện mối quan hệ xã hội của những người sản xuất hàng hóa, nên bản chất của nó chỉ có thể hiểu được bằng con đường phân tích lịch sử của sự trao đổi.
Tình hình cũng tương tự như vậy đối với khái niệm “tư bản”. Chẳng hạn, tư bản, dưới những hình thức biểu hiện cụ thể của nó, là hàng hóa, tiền tệ, máy móc, công cụ lao động…., nhưng sự trừu tượng hóa những cái chung được lặp lại giữa hàng hóa, tiền tệ, máy móc hay công cụ lao động không thể vạch ra được bản chất của tư bản. Để nhận thức được bản chất của tư bản, nếu
chỉ dừng lại ở sự trừu tượng hóa như vậy thì không thể nào tiến lên một bước nào trong tư duy, vì chỉ dừng lại ở chỗ coi tư bản như một vật tự nhiên thôi, bởi cái chung giữa các hình thái tư bản không thể là gì khác ngoài vật tự nhiên nào đó có khả năng đem lại thu nhập cho người sở hữu nó, chỉ là một giá trị đơn thuần trong tay nhà tư bản. Quan niệm tư bản như vậy thì tất cả mọi tư liệu sản xuất, không kể chúng còn thô sơ như mũi giáo bằng đá của người nguyên thủy, hay hiện đại như các máy móc tự động… đều là tư bản, vì nó đều đem lại thu nhập cho người sở hữu mà ở bất kỳ thời đại nào người ta cũng cần phải dùng đến nó như là điều kiện sống còn của mình. Nếu theo ý nghĩa này thì tư bản hóa ra chỉ là tên gọi mới của một vật cũng cổ xưa như loài người, và hóa ra, đã tồn tại trong tất cả các hình thái xã hội, là cái gì hoàn toàn phi lịch sử. Ricácđô cũng như các nhà kinh tế học tư sản cổ điển coi sự sản xuất tư bản chủ nghĩa là cái gì đó tự nhiên như bản tính của con người, bất phân biệt đối với mọi hình thái xã hội của nó mà ở đó, những người nguyên thủy đi săn cá và thú trao đổi với nhau cũng là những nhà tư bản. Quan niệm như vậy thì bản chất của tư bản không thể được làm rõ mà còn bị hiểu hoàn toàn sai lệch.
Sự trừu tượng hóa hay diễn dịch trong trường hợp này là không có nhiều ý nghĩa. Sự nhận thức lý luận về cái phổ biến hay khái niệm ở đây buộc phải trải qua con đường phân tích hiện thực một cách tỉ mỉ và liên tục. Thực ra mũi giáo của người nguyên thủy, khung cửi của người thợ dệt, cuốc, xẻng của người nông dân, đều chỉ là những công cụ lao động, không thể là tư bản. Ngay cả những máy móc tự động hiện đại nhất cũng chỉ là những công cụ trong tay con người, bản thân chúng không thể đẻ ra giá trị mới được. Tiền tệ với tư cách là vật ngang giá chung cũng không thể đẻ ra giá trị mới. Chỉ trong một mối quan hệ xã hội nhất định, trong đó nhà tư bản chiếm đoạt mọi tư liệu sản xuất, còn người trực tiếp sản xuất bị tước đoạt mọi tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động thì tiền tệ hay những tư liệu sản xuất mới biến thành tư bản. Bên ngoài mối quan hệ đó, tiền tệ và tư liệu sản xuất không thể là tư bản. Tư
bản ở đây “tuyệt nhiên không phải là một quan hệ đơn giản mà là một quá trình mà trong các yếu tố khác nhau của quá trình ấy tư bản luôn luôn là tư bản. Quá trình này do đó cần được phân tích”[10, 343]
Như vậy, nhận thức về bản chất của tư bản phải sử dụng phương pháp phân tích hiện thực. Chỉ thông qua sự phân tích hiện thực mới có thể vạch ra được bản chất của tư bản như một hiện tượng xuất hiện trong một giai đoạn nhất định của lịch sử sản xuất. Nó không phải một vật mà là một quan hệ xã hội giữa người với người, là quan hệ bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân làm thuê. Nhưng quan hệ giữa người với người này lại bị che giấu đằng sau quan hệ giữa vật với vật. Sự trừu tượng hóa hình thức tất nhiên không thể bóc trần điều đó, và nói chung, nó không thể lý giải được bản chất của những quan hệ xã hội đã được môi giới bằng các vận động trung gian gián tiếp. Nhận thức khái niệm tư bản phải phản ánh được bản chất của nó. Những hình thái tư bản như hàng hóa, tiền tệ, máy móc… thống nhất với nhau không phải ở chỗ chúng đều có một điểm chung là đem lại thu nhập nhất định cho người sở hữu nó mà ở một cơ sở khác bền vững hơn nhiều. Khái niệm tư bản phản ánh một cách khái quát toàn bộ hệ thống quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quan hệ bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân làm thuê bao hàm: chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, địa vị của các giai cấp xã hội - giai cấp tư sản thống trị và bóc lột, lao động làm thuê bị lệ thuộc và là nô lệ; chế độ phân phối bảo đảm lợi nhuận cho nhà tư bản và bớt xén thu nhập của người lao động và v.v… Trong bất kỳ lĩnh vực nào của sản xuất, trao đổi, phân phối hay tiêu dùng, ta cũng đều thấy xuất hiện quan hệ đối lập giữa tư bản và lao động làm thuê, nó trở thành cái nhân lõi mà toàn bộ xã hội tư bản quay theo, chứa đựng trong nó điều bí ẩn sâu xa nhất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà những hình thái cụ thể của tư bản như hàng hóa, tiền tệ, tư liệu sản xuất… chỉ là những vật mang của quan hệ xã hội này.
Sự nghiên cứu ở đây, như vậy, chủ yếu là sự nghiên cứu có tính chất thực tế và lịch sử chứ không phải sự nghiên cứu đơn thuần dựa trên sự diễn
dịch trừu tượng. Đối với vấn đề ngày lao động cũng vậy. Sản xuất tư bản chủ nghĩa biến một phần thời gian lao động thành thời gian lao động thặng dư, dẫn đến việc thời gian lao động trong ngày phải dài hơn thời gian lao động cần thiết. Nhưng vấn đề là dài hơn bao nhiêu hay những quy luật nào điều tiết số thêm đó thì bắt buộc phải có sự phân tích có tính lịch sử - hiện thực cuộc đấu tranh của người công nhân với nhà tư bản. Chính cuộc đấu tranh đó quyết định lượng của ngày lao động và lượng của thời gian lao động thặng dư, mà kết quả của cuộc đấu tranh đó trong các thời gian khác nhau thì lại không giống nhau, tùy thuộc vào sự so sánh thực tế giữa các lực lượng đấu tranh.
Như vậy, khái niệm của tư duy khoa học không thể được xây dựng một cách đơn thuần bằng con đường trừu tượng hóa cái chung. Khái niệm khoa học phải được hiểu ở cấp độ cái phổ biến - cụ thể. Mà cái phổ biến - cụ thể chỉ có thể nắm bắt được bằng con đường phân tích hiện thực, thông qua phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể mà phân tích những quan hệ hiện thực đang phát triển để trở thành phổ biến. Điều có ý nghĩa quan trọng là C.Mác đã sử dụng phạm trù cái phổ biến như một phương pháp để nghiên cứu hiện thực. Phương pháp đó không đơn giản là sự làm việc với những khái niệm trừu tượng có sẵn, không phải là sự phân loại, hệ thống hóa hay rút ra các khái niệm mới từ sự diễn dịch mà là phương pháp nghiên cứu bản chất sự vật bằng cách đặt sự vật trong những quan hệ hiện thực của nó và dõi theo sự phát triển đó. Cái phổ biến phản ánh “không phải sự đồng nhất trừu tượng của tất cả các hiện tượng với nhau mà là sự đồng nhất (thống nhất) cụ thể các hiện tượng ấy trong cái chỉnh thể cụ thể”[6, 415]. Do vậy sự nhận thức về cái phổ biến không thể nào được rút ra một cách giản đơn từ sự trừu tượng hóa hình thức những dấu hiệu chung được lặp lại giữa các đối tượng mà chỉ có thể đạt được thông qua con đường phân tích hiện thực gắn với sự phát triển lịch sử của đối tượng.