Cái phổ biến trong “Tƣ bản” với ý nghĩa là sự thống nhất cụ thể của các định

Một phần của tài liệu Sự phát triển quan điểm về cái phổ biến từ Hêghen đến Mác (Trang 49 - 58)

B. NỘI DUNG

2.2.2. Cái phổ biến trong “Tƣ bản” với ý nghĩa là sự thống nhất cụ thể của các định

của các định nghĩa đối lập

Nếu ở Hêghen, Khái niệm là cái phổ biến biểu hiện sự thống nhất cụ thể của tính phổ biến, tính đặc thù, tính cá biệt thì các phạm trù trong “Tư bản” của Mác cũng là những cái phổ biến cụ thể biểu hiện ở chỗ chúng là sự thống nhất của các định nghĩa đối lập. Để đi đến những phạm trù này thì không phải bằng con đường khái quát, trừu tượng hóa mà phải thông qua con đường phân tích hiện thực, nhờ đó, những định nghĩa, những phán đoán khác biệt thậm chí đối lập được quy về sự thống nhất. Trong “Tư bản” có thể thấy, “một khái niệm bất kỳ, cả khái niệm xuất phát lẫn từng khái niệm tiếp theo, vì thế được đặc trưng như sự thống nhất cụ thể của các định nghĩa đối lập, chứ không như cái chung trừu tượng mù quáng, không phải như sự phản ánh giản đơn “sự như nhau” của một loạt các hiện tượng. Cái phổ biến, tức là quy luật, được thực hiện trong hiện thực (và theo đó cả trong lôgic các khái niệm phản ánh hiện thực ấy) qua sự thống nhất cụ thể, tức là qua bước chuyển, qua sự chuyển hóa các mặt đối lập vào nhau. Do điều đó cái phổ biến được vạch ra qua sự thống nhất (đồng nhất) mâu thuẫn biện chứng giữa tính tất yếu và tính ngẫu nhiên, …của bản chất và hiện tượng,…của các đặc trưng chất lượng và số lượng…và v.v…”[6, 422]. Cái phổ biến ở đây được vạch ra qua sự thống nhất cụ thể của các định nghĩa đối lập theo nghĩa là sự gắn kết các mặt đối lập thành một chỉnh thể mà các bộ phận có quan hệ hữu cơ. Sự thống nhất ở đây cũng không phải là tạm thời, tương đối, mà là sự thống nhất có cơ sở từ chính bản chất nội tại của sự vật. Bản chất này được phân chia một cách đa dạng thành các mặt đối lập trong quá trình phát triển, nay được đi đến sự thống nhất như là kết quả của hoạt động lý luận phân tích hiện thực.

Ở Hêghen, sự vận động của Ý niệm đặc trưng bởi hoạt động tự thiết đinh thành những hình thức đặc thù, thành khác biệt và mâu thuẫn rồi sau đó lại thu hồi toàn bộ những thiết định đó trở về để khẳng định tính chủ thể cá biệt như cái phổ biến-cụ thể. Ở “Tư bản” của C.Mác, ta cũng thấy có sự phân

đôi của bản chất thành các mặt đối lập như thế. Sự vận động của các quan hệ kinh tế được ghi lại trong các phạm trù cũng có sự phát triển thành khác biệt và mâu thuẫn, chẳng hạn: sự phân đôi của thế giới hàng hóa thành giá trị sử dụng và giá trị, hình thái tương đối và hình thái ngang giá, hàng hóa và tiền tệ, sau đó thành tư bản và sức lao động, rồi thành tư bản ứng trước và giá trị thặng dư…Nhưng nếu ở Hêghen sự phân đôi của bản chất thành các mặt đối lập dị biệt hóa bị biến thành phương tiện làm trung giới cho sự tự khẳng định chính mình của Ý niệm thì ở “Tư bản”, sự phân chia như thế chính là phương tiện để giải quyết mâu thuẫn và vượt bỏ mâu thuẫn để tiến tới một cấp độ bản chất cụ thể hơn.

Sự vận động này thống nhất với quá trình nhận thức đi từ trừu tượng đến cụ thể. Sự phân đôi như thế trở thành giai đoạn tất yếu làm trung giới cho sự nhận thức về sự phát triển toàn diện của chỉnh thể trong sự thống nhất hữu cơ các bộ phận của nó. Ở đây có thể thấy: “sự thống nhất phổ biến-cụ thể các hiện tượng trong hệ thống bao chứa trong mình không chỉ những sự khác biệt, mà còn cả sự đối lập của các hiện tượng ấy với nhau. Đó là sự thống nhất mâu thuẫn biện chứng, được thực hiện qua bước chuyển, qua sự chuyển biến các mặt đối lập vào nhau. Cái phổ biến cụ thể, đối lập với cái phổ biến trừu tượng, có chứa trong mình những xác định loại trừ và đồng thời đòi hỏi lẫn nhau, liên tục xuất hiện trong sự vận động cũng liên tục được giải quyết bằng chính sự vận động ấy.”[6, 415-416].

Chẳng hạn, khi xem xét hình thái giản đơn của giá trị, ta thấy rằng, hình thái này nói lên quan hệ trao đổi trực tiếp giữa hàng hóa này và hàng hóa kia. Trong quan hệ trao đổi đó, một hàng hóa đóng vai trò là hình thái ngang giá chỉ dùng để đo giá trị của hàng hóa kia mà không biểu hiện giá trị của bản thân nó được, còn hàng hóa kia ở vào hình thái tương đối, vì tự nó cũng không thể biểu hiện giá trị của mình mà chỉ có thể biểu hiện giá trị đó qua giá trị sử dụng của một hàng hóa khác. Ở đây, một hàng hóa không thể đồng thời vừa ở vào hình thái tương đối, vừa ở vào hình thái ngang giá, không thể đóng

hai vai trò cùng một lúc vì những vai trò ấy loại trừ lẫn nhau. Tuy nhiên sự trao đổi hiện thực đặt ra đòi hỏi là: Mỗi một trong hai hàng hóa đó vừa có thể biểu hiện giá trị của mình qua giá trị sử dụng của hàng hóa kia và đồng thời cũng phải là một giá trị sử dụng, tức là chất liệu dùng để biểu hiện giá trị của hàng hóa kia.

Nhưng khi một hàng hóa nhất định có thể đóng cả hai vai trò như vậy thì điều đó nghĩa là bản thân hàng hóa đó phải là một mâu thuẫn, phải chứa đựng cả hai mặt đối lập đó trong chính bản thân nó, và mâu thuẫn bên ngoài giữa hàng hóa này và hàng hóa kia, trong đó một hàng hóa đóng vai trò là hình thái tương đối và một hàng hóa đóng vai trò là hình thái ngang giá, thành thử ra chỉ là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị bên trong một hàng hóa. Mâu thuẫn bên ngoài lúc này là sự phản ánh, là cái tấm gương phản chiếu mâu thuẫn bên trong, là hình thức biểu hiện của mâu thuẫn bên trong của hàng hóa với chính mình.

Như vậy là bằng sự phân tích tìm ra sự thống nhất của các định nghĩa đối lập, mâu thuẫn bên ngoài bị vượt bỏ để tiến vào nhận thức mâu thuẫn bên trong. Nhưng mâu thuẫn giữa giá trị và giá trị sử dụng bên trong mỗi hàng hóa lại được đặt trong quá trình vận động hiện thực của sản xuất qua sự phát triển của các hình thái giá trị để nhận thức sự chuyển hóa của nó thành mâu thuẫn giữa hàng hóa với tiền tệ, và sau đó là lao động với tư bản, cuối cùng là mâu thuẫn giữa lợi nhuận bình quân và tư bản ứng trước.

Ở Hêghen, sự phân đôi của cái phổ biến thành khác biệt và mâu thuẫn, thành những hình thức đặc thù bị quy định bởi những động lực lôgíc bên trong Ý niệm. Ở C.Mác, nó là sự phản ánh sự phát triển hiện thực của các quan hệ kinh tế. Chẳng hạn như, tiền tệ đứng tách ra (một cách tương đối) khỏi thế giới hàng hóa có nguồn gốc từ sự phát triển của các quan hệ sản xuất và trao đổi, hay sức lao động tách ra khỏi thế giới hàng hóa là do sự phát triển đặc thù của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa v.v…Từ đó quá trình nhận thức cái phổ biến cụ thể chính là quá trình vạch ra sự thống nhất của các mặt đối

lập của bản chất, sự thống nhất này đi đến sự gắn kết chúng vào trong một chỉnh thể mà các bộ phận có quan hệ hữu cơ. Quá trình này thực chất thống nhất với quá trình nhận thức đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ “tính phổ biến trừu tượng của quan niệm đến tính phổ biến cụ thể của khái niệm (tức là đến sự thống nhất của các định nghĩa)”[6, 456] mà thông qua đó, cái phổ biến lần lượt vượt bỏ những thể hiện đặc thù, “thu hồi” toàn bộ những hình thức đặc thù phong phú đó để trở thành cái phổ biến-cụ thể định hình như chỉnh thể hữu cơ.

Quá trình này diễn ra trong tư duy cũng là quá trình nhận thức khái niệm . Với tư cách là cái phổ biến cụ thể “một khái niệm bất kỳ, cả khái niệm xuất phát lẫn từng khái niệm tiếp theo, vì thế được đặc trưng như sự thống nhất cụ thể của các định nghĩa đối lập[6, 422], vì thế quá trình nhận thức khái niệm là quá trình nhận thức sự thống nhất cụ thể của các mặt đối lập của nó, hay nhận thức nó như là sự thống nhất của các định nghĩa đối lập.

Nhưng sự thống nhất của những quy định trừu tượng trong tính phổ biến cụ thể của khái niệm không phải ở chỗ các quy định đó được đặt cạnh nhau trong khái niệm, hoặc được tích hợp một cách đơn giản vào trong khái niệm làm cho khái niệm đó được diễn đạt với công thức: vừa là…vừa là… Trái lại, các quy định này tạo ra mối liên hệ bản chất, gắn bó chặt chẽ như những bộ phận trong một chỉnh thể hữu cơ. Trên thực tế, để có được sự gắn kết bản chất của những quy định trong cái phổ biến thì phải có sự nhận thức về những khâu trung gian mà theo đó, những quy định tưởng như hoàn toàn khác nhau hay thậm chí đối lập lại được quy về một sự thống nhất có lôgíc.

Chẳng hạn, không phải C.Mác, cũng không phải Ricácđô hay A. Xmít là người nhận thấy rằng bất kỳ hàng hóa nào trên thị trường cũng có thể được xem xét một cách hai mặt: một mặt, là giá trị sử dụng, và mặt khác, là giá trị trao đổi. Ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng, thóc gạo có thể dùng để ăn, cũng có thể dùng để bán. Tuy nhiên công thức: hàng hóa, một mặt, là giá trị sử dụng, mặt khác, là giá trị trao đổi thì chưa thể là sự thống nhất của các định nghĩa

đối lập được diễn đạt thống nhất về mặt lôgíc được. Công thức đó vẫn chỉ là hình thức trừu tượng trong đó các biểu tượng được đặt cạnh nhau trong một liên hệ ngữ pháp thôi.

Nhận thức lý luận về khái niệm không dừng lại ở đó mà đi tìm mối liên hệ bản chất từ những biểu tượng trực tiếp. Trong trao đổi hàng hóa, chúng ta vấp phải mâu thuẫn: Với tư cách là những giá trị sử dụng, các hàng hóa khác nhau về chất, giá trị sử dụng của hàng hóa này không giống giá trị sử dụng của hàng hóa kia, nhưng với tư cách là những giá trị trao đổi thì chúng lại đồng nhất với nhau, vì “một loại hàng hóa này cũng tốt như một loại hàng hóa khác nếu như giá trị trao đổi của chúng ngang nhau. Giữa những vật mà giá trị trao đổi ngang nhau thì không có một sự khác nhau, một sự phân biệt nào cả.”[9, 65]. Nhận thức ở đây phải giải quyết được hai vấn đề: Một là, sự ngang nhau, sự cân bằng giữa hai vật hoàn toàn khác nhau về thuộc tính tự nhiên của chúng có nghĩa là gì? Cái gì bị che lấp đằng sau sự ngang nhau ấy? Hai là, vì sao một lượng nhất định của hàng hóa này lại có thể đổi lấy một lượng nhất định của hàng hóa khác? Các nhà kinh tế học tư sản cổ điển chỉ quan tâm đến vấn đề thứ hai, còn vấn đề thứ nhất thì không được xét tới. Ở đây cái chung làm cơ sở cho sự trao đổi ở đây không thể là giá trị sử dụng, vì khi người ta trao đổi hàng hóa thì người ta không xét đến giá trị sử dụng của hàng hóa đó. Cái chung ấy là ở chỗ, các hàng hóa đều là sản phẩm của lao động, và sự bằng nhau của các hàng hóa với tư cách là các sản phẩm lao động cũng có nghĩa là sự bằng nhau của bản thân lao động, là lao động tạo ra giá trị. Vì “là những tinh thể của cái thực thể xã hội chung cho tất cả các vật ấy, cho nên các vật ấy đều là những giá trị - những giá trị hàng hóa”[9, 66]. Bằng cách đó, Mác đã lần ra vết tích của giá trị đằng sau giá trị trao đổi. Giá trị sử dụng của hàng hóa trên thị trường cũng đồng thời là vật mang giá trị trao đổi, nói cách khác, giá trị sử dụng của hàng hóa chẳng qua chỉ là hình thức thể hiện của giá trị trao đổi, hay giá trị của bản thân nó. Chính bằng sự phân tích này mà các quan niệm trừu tượng về hàng hóa lúc đầu vốn đặt cạnh nhau giờ

đã thống nhất lại trong khái niệm về hàng hóa. Sự thống nhất này được đem lại không phải từ sự liên hệ ngữ pháp mà từ sự phân tích hiện thực theo đó các định nghĩa khác biệt thậm chí đối lập được liên kết lại một cách bản chất và được diễn đạt một cách lôgíc.

Tính phổ biến của khái niệm, thể hiện ra là sự thống nhất của các định nghĩa đối lập còn thể hiện trong việc Mác vạch ra tính chất mâu thuẫn của hàng hóa sức lao động để lý giải về nguồn gốc của giá trị thặng dư. Khi xem xét công thức chung của tư bản, xuất hiện mâu thuẫn là: tư bản vừa sinh ra trong lưu thông vừa không thể sinh ra trong lưu thông. Sự trao đổi hàng hóa tương tự như sự trao đổi giữa tư bản và lao động. Sự trao đổi đó phải tuân theo quy luật giá trị, thế nhưng vẫn xuất hiện giá trị thặng dư cho nhà tư bản chiếm đoạt. Việc rút ra giá trị thặng dư không thể được tìm thấy trong hành vi bán, cũng như hành vi mua mà phải được tìm trong quá trình sử dụng hay tiêu dùng hàng hóa. Nhưng khi tiêu dùng các hàng hóa thông thường thì giá trị thặng dư cũng không thể sinh ra được. Vậy thì ở đây, “muốn rút được giá trị từ việc tiêu dùng hàng hóa thì người chủ tiền của chúng ta phải có được điều may mắn là phát hiện được trong lĩnh vực lưu thông, tức là trên thị trường, một thứ hàng hóa mà bản thân giá trị sử dụng của nó có cái đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị, - một thứ hàng hóa mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hóa được lao động, và do đó sẽ tạo ra được giá trị. Và người chủ tiền đã tìm được thứ hàng hóa đặc biệt ấy trên thị trường: đó là năng lực lao động, hay sức lao động”[9, 250-251]. Hàng hóa sức lao động là hàng hóa đặc biệt ở chỗ khi sử dụng hay tiêu dùng nó thì không những người ta tái sản xuất giá trị của nó mà còn tạo ra giá trị mới, giá trị thặng dư. Ở đây một lần nữa thấy rõ sự thống nhất của các định nghĩa đối lập như là đặc trưng của khái niệm với tư cách là cái phổ biến. “Thứ hàng hóa duy nhất, mà đồng thời “chịu tuân thủ” quy luật giá trị, và – không có bất kỳ sự vi phạm nào quy luật ấy - làm cho trở thành có thể và tất yếu dữ liệu thẳng thừng đối lập với nó (giá trị thặng dư) là sức lao động. Sự sử dụng hàng hóa đặc biệt ấy đồng thời là sự sản xuất hàng

hóa nói chung, tức là sản xuất ra giá trị. Một lần nữa lại bộc lộ ra sự hợp nhất các định nghĩa đối lập như là đặc trưng lôgíc quan trọng nhất của khái niệm”.[6, 420]

Cần nói thêm rằng trước C.Mác, không ai không biết đến thị trường lao động làm thuê, đến sự trao đổi tư bản và lao động, nhưng chỉ có Mác mới thấy lao động làm thuê là nhân tố tách chủ nghĩa tư bản khỏi sản xuất hàng hóa giản đơn và dựng lên một thời đại sản xuất xã hội hoàn toàn mới. Khoa kinh tế chính trị cổ điển cũng nói đến mua bán lao động, nhưng từ đó họ không thể lý giải được giá trị thặng dư từ lý luận giá trị của mình, lý do trước hết là ở chỗ, họ không phân biệt được sức lao động và lao động. Mặc dù có thể hiểu lao động theo hai nghĩa: một là, lao động là sự tiêu dùng sức lao động

Một phần của tài liệu Sự phát triển quan điểm về cái phổ biến từ Hêghen đến Mác (Trang 49 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)