0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Khái niệm hành vi giữ gìn nghề truyền thống

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HÀNH VI ĐỐI VỚI VIỆC GIỮ GÌN NGHỀ LÀM BÚN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN LÀNG PHÚ ĐÔ - MỄ TRÌ - TỪ LIÊM - HÀ NỘI (Trang 26 -26 )

Từ việc phân tích và đưa ra khái niệm hành vi và khái niệm, đặc điểm nghề truyền thống, chúng tôi đưa ra khái niệm “hành vi giữ gìn nghề truyền thống” như sau:

“Hành vi giữ gìn nghề truyền thống là toàn bộ những hành động của

con người được thể hiện ra bên ngoài gắn với mục đích, động cơ cụ thể nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển nghề đã tồn tại lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ và chịu sự tác động của những điều kiện hoàn cảnh xã hội - lịch sử nhất định. ”

Như vậy, hành vi giữ gìn nghề truyền thống là hành vi xã hội vì nó chịu sự ảnh hưởng, tác động của điều kiện xã hội, lịch sử nhất định. Theo tác giả Vũ Gia Hiền thì: Khi nói đến hành vi xã hội, phải hiểu mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Hành vi cá nhân tuyệt nhiên không phải là sản phẩm của một sự “tuỳ tiện” hay “tự do” mà bao giờ cũng phát triển trong mối quan hệ xã hội mà chủ thể hành vi tham gia vào. Hành vi cá nhân tuy phụ thuộc vào ý định, động cơ, nhu cầu của cá nhân, nhưng lại bị chế ước bởi những điều kiện cụ thể của xã hội, lịch sử. Hành vi xã hội bao hàm các hằng số trong bối cảnh văn hoá khác nhau, chính những hằng số văn hoá này hợp thành bản tính con người. Hành vi xã hội gồm có hành vi xã hội của cá nhân và hành vi xã hội của tập thể [13, tr. 309].

1.2.4. Những biểu hiện của hành vi giữ gìn nghề làm bún truyền thống 1.2.4.1. Nhận thức, mong muốn giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân.

Nhận thức là một trong ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người (nhận thức, tình cảm, hành động). Nó quan hệ chặt chẽ với các mặt kia và có quan hệ mật thiết với các hiện tượng tâm lý khác. Nhận thức là một quá trình thường gắn với những mục đích nhất định, đặc trưng nổi bật của hoạt động này

là phản ánh hiện thực khách quan và mang lại những sản phẩm khác nhau về các hiện tượng khách quan. Thông qua các quá trình nhận thức khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, con người hiểu biết được sự vật, hiện tượng từ tính chất bên ngoài đến các bản chất, quy luật bên trong tạo điều kiện cho con người định hướng, điều chỉnh hoạt động, phát hiện ra các quy luật mang tính bản chất để con người làm chủ tự nhiên và xã hội. [21,tr.68]

Nhận thức của người dân về việc giữ gìn nghề truyền thống được thể hiện trong hành động tìm hiểu về nghề làm bún truyền thống và từ đó hiểu biết được tính chất của nghề nhằm duy trì và phát triển nó.

1.2.4.2. Hành động tham gia hoạt động sản xuất của người dân đối với việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống

Hành động tham gia vào sản xuất bún tại làng nghề là thời gian và cách thức, phương pháp mà người dân sử dụng để làm bún. Qua quá trình này, người dân trực tiếp thực hành nghề, cách thức sản xuất truyền thống , cải tiến của những người thợ mà được sử dụng hiện nay tại thôn Phú Đô.

Quá trình này thể hiện sự tham gia hoạt động sản xuất bún của người dân ở đây, điều này cũng là sự đánh giá về việc giữ gìn, duy trì nghề làm bún của làng. Khi mà người dân trực tiếp tham gia hoặc chọn nghề làm bún là nghề chính có ý nghiã duy trì nghề truyền thống.

1.2.4.3. Hành động lôi cuốn người khác cùng tham gia làm bún của người dân đối với việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống

Sự lôi cuốn người khác cùng tham gia làm bún là biểu hiện rõ nét trong các biểu hiện của hành vi giữ gìn nghề làm bún truyền thống. Điều này thể hiện sự mở rộng, duy trì nghề làm bún ở nhiều hộ gia đình, khuyến khích nhiều người cùng tham gia vào hoạt động nghề làm bún. Điều này có ý nghĩa to lớn nói lên sự bảo

tồn nghề. Việc bảo tồn này không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mỗi người dân mà còn đối với sự lan toả sang người khác cùng tham gia như mình.

1.2.4.4. Nhu cầu, động cơ, hứng thú giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân

 Nhu cầu giữ gìn nghề truyền thống:

Nhu cầu là trạng thái tâm lý, là mong muốn đòi hỏi con người cần được thoả mãn. Khi con người có nhu cầu nào đó thì các trạng thái tâm lý mà họ trải nghiệm là mất thăng bằng, căng thẳng hoặc nôn nao. Các trạng thái này nảy sinh do các tác nhân xã hội bên ngoài hoặc bên trong mang tính chất sinh lý (đói khát, hay thiếu hụt các chất vi lượng trong cơ thể) gây ra. Nhu cầu có thể mang tính chất tinh thần, xã hội do các tác nhân tinh thần, xã hội tạo ra. Ví dụ như: nhu cầu giao lưu với người khác, được thừa nhận, tôn trọng. Nếu chỉ dừng lại ở trạng thái tâm lý thì nhu cầu chưa thúc đẩy được hành vi theo hướng nhất định. Nhu cầu có vai trò hết sức quan trọng, không có nhu cầu thì con người không thể tồn tại với tư cách là chủ thể của hoạt động sản xuất. Nhu cầu là yếu tố cơ bản đầu tiên, quy định tính tích cực của hành vi. P.K. Anôkhin đã cho rằng bản chất của sự sống luôn phát triển tiến hoá không ngừng. Phần lớn nhu cầu của con người đều được xã hội hoá trong quá trình phát triển của cá nhân, ngay cả những nhu cầu sinh lý bẩm sinh ở một giai đoạn nào đó cũng mang dấu ấn xã hội. Nhu cầu của người đang phát triển trong suốt quá trình hình thành và phát triển nhân cách. [9,tr.318]

Nhu cầu giữ gìn nghề làm bún truyền thống là toàn bộ những mong muốn được tìm hiểu, được tham gia vào hoạt động theo nghề truyền thống địa phương nhằm bảo vệ và phát triển nó.

Động cơ của hành vi giữ gìn nghề truyền thống:

Hành vi giữ gìn nghề truyền thống là hành vi xã hội, hành vi có ý thức, vì thế nếu không có động cơ thúc đẩy thì hành vi này không thể thực hiện được.

Tuy động cơ là nguyên nhân bên trong và là động lực để thúc đẩy hành vi, những mối quan hệ giữa hành vi và động cơ hết sức phức tạp. Có thể cùng một động cơ lại thúc đẩy các hành vi khác nhau, và ngược lại có cùng một hành vi lại do nhiều động cơ khác nhau quy định.

Trên thực tế một hành vi thông thường không phải do một, mà do nhiều động cơ thúc đẩy, các động cơ này đan xen lẫn nhau, thậm chí là có những động cơ trái ngược nhau gây ra. Trong đời sống cùng một lúc, con người có nhiều động cơ khác nhau, trong đó động cơ nào có cường độ mạnh, có ý nghĩa quan trọng nhất trở thành động cơ chủ đạo, những động cơ nào có cường độ yếu, không quan trọng sẽ trở thành động cơ thứ yếu (không chủ đạo). Nói chung, thường thì hành vi của người dân là do động cơ chủ đạo quyết định.

Động cơ giữ gìn nghề truyền thống là toàn bộ những yếu tố thúc đẩy lôi cuốn con người vào hoạt động sản xuất theo nghề truyền thống tại địa phương nhằm thực hiện mục đích bảo vệ và duy trì nó .

Hứng thú của người dân đối với nghề làm bún truyền thống.

Hứng thú là những điều lôi cuốn, hấp dẫn con người vào một điều gì đó, tạo ra sự khát khao được tiếp cận và đi sâu vào tìm hiểu. Khi đã xuất hiện hứng thú tức là đã có hai điều kiện xảy ra: chủ thể đã hiểu rõ ý nghĩa của nó đối với đời sống của mình, thứ hai là đã có một tình cảm thiện cảm đặc biệt với đối tượng. [6,tr.320]

Hứng thú của người dân với nghề làm bún truyền thống là sự ý thức sâu sắc và niềm say mê vào các hoạt động sản xuất của nghề truyền thống nhằm bảo vệ và duy trì nghề phát triển.

1.3. Nghề làm bún truyền thống tại làng bún Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội và một số đặc điểm tâm lý nổi bật của người dân làng nghề Phú Đô.

1.3.1. Nghề làm bún truyền thống tại làng bún Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội

Quy trình làm bún nhìn chung khá cầu kỳ và mất nhiều thời giờ tuy về cơ bản trong mọi làng nghề, mọi gia đình làm bún thủ công đều có cách thức tương tự: gạo tẻ được lựa chọn kỹ càng để lấy gạo dẻo cơm, thường là gạo mùa. Gạo được vo, đãi sạch và đem ngâm nước qua đêm. Sau đó, đưa gạo đã ngâm vào máy xay nhuyễn cùng với nước để tạo thành bột gạo dẻo, nhão. Bột lại được ủ và chắt bỏ nước chua, rồi đưa lên bàn ép, xắt thành quả bột to cỡ bắp chân người lớn. Các quả bột lại tiếp tục được nhào, trộn trong nước sạch thành dung dịch lỏng rồi đưa qua màn lọc sạch sạn, bụi tấm để tạo thành tinh bột gạo.

Tinh bột gạo được cho vào khuôn bún. Khuôn bún thường làm bằng chất liệu dạng ống dài, phía đầu khuôn có một miếng kim loại đục các lỗ tròn. Công đoạn vắt bún thường được thực hiện bằng tay hoặc dùng cánh tay đòn để nén bột trong khuôn qua các lỗ. Bột chảy đều qua các lỗ khi khuôn bị vặn, nén, tạo thành sợi bún, rơi xuống nồi nước sôi đặt sẵn dưới khuôn. Sợi bún được luộc trong nồi nước sôi khoảng vài ba phút sẽ chín, và được vớt sang tráng nhanh trong nồi nước sạch, nguội để sợi bún không bị bết dính vào nhau.

Cuối cùng là công đoạn vớt bún trong nồi nước tráng và dùng tay vắt thành con bún, lá bún, hoặc bún rối. Bún thành phẩm được đặt trên các thùng tre có lót sẵn lá chuối, hong khô và ủ trước khi đem ra thị trường tiêu thụ.

1.3.2. Một số đặc điểm tâm lý nổi bật của người dân làng nghề Phú Đô.

Thôn Phú Đô là một trong ba thôn của xã Mễ Trì - Huyện Từ Liêm - Hà Nội vốn nổi tiếng với gạo tám thơm : “ Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì

Cư dân ở đây chủ yếu là là nông dân với nghề nghiệp chính là trồng lúa và làm một số nghề phụ khác. Tuy nhiên, trong vòng mười năm trở lại đây do quá trình đô thị hoá quá nhanh nên hiện giờ Phú Đô đã trở thành “làng của Phố”. Như vậy, trong một thời gian rất ngắn một bộ phận lớn người nông dân thổ cư ở đây bỗng dưng trở thành thị dân nên họ vẫn chưa chuẩn bị gì về mặt tâm lý, học vấn, văn hoá cũng như sự phát triển nghề nghiệp mới. Chính vì vậy, người dân ở đây vẫn mang những đặc điểm tâm lý nông dân nổi bật [28] :

Yêu quê hương, đất nước, gắn bó với quê cha đất tổ, với truyền thống gia đình, truyền thống của làng xã. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người nông dân vừa phải cày cấy, vừa phải chống chọi với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm dù hoàn cảnh nào họ vẫn bám trụ, bảo vệ và giữ gìn quê hương, truyền thống gia tộc, họ mạc, đây được coi như “thánh địa thiêng liêng” và không thể xâm phạm.

Đoàn kết gắn bó cộng đồng cao, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tình nghĩa thuỷ chung đã trở thành lẽ sống của họ, chính những công việc hàng ngày và sinh hoạt họ hàng, làng xã làm họ rất gắn bó và bênh vực, che chở cho nhau.

Tư duy tiểu nông manh mún, tản mạn là một biểu hiện tâm lý nổi bật của người nông dân, sống khép kín sau luỹ tre làng, canh tác trên những mảnh đất, thửa ruộng nhỏ lẻ, công cụ thô sơ dựa trên những thói quen, tập quán nhiều đời, thiếu khả năng khái quát tổng hợp, không nhìn xa trông rộng, chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài, bảo vệ quyền lợi cá nhân mang tính cục bộ, địa phương.

Tính ỷ lại bảo thủ cao, ngại suy nghĩ và tính toán, thủ cựu, tư hữu rời rạc, hệ thống tri thức thu được chủ yếu qua kinh nghiệm chủ quan, cảm tính, coi nhẹ lớp trẻ, nặng tình nghĩa nên coi nhẹ pháp lý. Hơn nữa, chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo nên “trọng nam khinh nữ”, coi nam giới là người có quyền lực tối cao trong gia đình, mọi mệnh lệnh đưa ra, mọi người khác phải phục tùng theo.

Thiếu ý thức kỷ luật lao động, có tính đố kỵ cục bộ, bản vị địa phương. Lao động mang tính “tuỳ hứng” và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Sống phụ thuộc vào tự nhiên nên người nông dân thường rụt rè, thụ động. Do bị quy định bởi tính tư hữu nhỏ, trình độ nhận thức thấp và điều kiện kinh tế – xã hội nên người nông dân tuy cần cù, thông minh, có sáng tạo nhưng thiếu tính tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, ngại làm theo nền nếp, quy củ.

Người nông dân do đề cao tinh thần gia tộc nên trọng cái tiếng (danh dự) hơn những thứ khác, dù nghèo đói nhưng vẫn mong muốn con cái, những người trong gia đình , họ tộc đỗ đạt cao, có vị thế xã hội để được mọi người nể trọng. Tâm lý sĩ diện dẫn đến tính khoa trương, trọng hình thức nên dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng họ vẫn sẵn sàng tuân theo các thủ tục, nghi lễ nặng nề, tốn kém.

Có thể nói, do nền kinh tế tiểu nông đã tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam, cùng với chế độ phong kiến, chế độ nửa thuộc địa, phong kiến, văn hoá làng xã, vị trí địa lý giao lưu đông tây, điều kiện lao động sản xuất canh tác phụ thuộc vào tự nhiên đã góp phần tạo nên đặc điểm tâm lý đa dạng, phong phú, phức tạp của người nông dân nói chung và người dân làng bún Phú Đô- Mễ Trì - Từ Liêm- Hà Nội nói riêng.

Ngoài những đặc điểm tâm lý trên, người dân ở đây còn có một số đặc điểm tâm lý mang “tính chất chuyển biến tâm lý” do quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá tạo nên:

- Rất nhiều người dân “tự nhiên” có một số tiền lớn do được đền bù giải toả, do bán đất nhưng không biết làm gì, hoặc không biết sử dụng vào các mục đích chính đáng như: để học nghề mới thay thế làm nông nghiệp trước đây, hoặc để đầu tư vào nghề truyền thống của địa phương mà chủ yếu dùng tiền mua sắm xe cộ, ăn chơi, cờ bạc, hút trích ma tuý, đánh lô đề, cá cược; hoặc một số đầu tư

vào kinh doanh nhưng không biết tính toán hiệu quả nên lại rơi vào “trắng tay”, thất nghiệp.

- Do có nhiều tiền một lúc một cách “tự nhiên” không trải qua lao động để kiếm ra được nên một bộ phận dân cư hình thành lối sống “xài sang”, “hợm hĩnh, đua đòi”, có tâm lý “ sùng ngoại”, có lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, coi nhẹ giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.

- Do tốc độ đô thị hoá “nhanh chóng mặt” nên có một lượng người dân nhập cư từ tỉnh khác tới, hoặc do lực lượng lao động cho các khu dịch vụ giải trí khác lân cận khiến cho người dân trong làng không phải chỉ có dân thổ cư như trước đây vì vậy có nhiều đặc điểm tâm lý vùng miền khác đan xen.

1.3.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi giữ gìn nghề làm bún Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội.

1.3.3.1. Những yếu tố khách quan

Vị trí địa lý, gia đình của người dân thôn Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm

- Vị trí địa lý: Đây là yếu tố quan trọng nhất , có ý nghĩa lớn lao quyết định tới sự hình thành và đảm bảo sự tồn tại và phát triển lâu dài đối với nghề truyền thống nói chung và của làng bún Phú Đô nói riêng. Yếu tố thuận tiện về giao thông và nguồn nguyên liệu được đánh giá rất cao. Ngoài ra, trong công cuộc đổi mới hiện nay thì vấn đề đô thị hoá, công nghiệp hoá các làng nghề

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HÀNH VI ĐỐI VỚI VIỆC GIỮ GÌN NGHỀ LÀM BÚN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN LÀNG PHÚ ĐÔ - MỄ TRÌ - TỪ LIÊM - HÀ NỘI (Trang 26 -26 )

×