Từ những bước điều chỉnh quan trọng về chính sách đó, hoạt động ngoại giao của ta thời kì này đã có những bước đi thích hợp nhằm giải quyết những vấn đề gay cấn trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Giải quyết vấn đề Campuchia
Đây là vấn đề trong một thời gian dài đã gây ra những biến động phức tạp về chính trị - an ninh ở khu vực và là trở ngại to lớn trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. Giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia chính là điều kiện tiên quyết nhằm phá thế bị bao vây về chính trị, cấm vận về kinh tế, khai thông quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời còn là sự đóng góp quan trọng cho hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á. Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra chủ trương tiếp tục rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các bên để đi tới một giải pháp chính trị đúng đắn về Campuchia. Đến Nghị quyết 13, trong phần đổi mới quan điểm trong quan hệ với Lào, Campuchia, Đảng ta cho rằng hiện
nay ba nước đã trở thành ba quốc gia độc lập, có chủ quyền bình đẳng ... Việc Lào và Campuchia sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội hoặc phát triển theo con đường dân tộc dân chủ nhân dân là do Đảng và nhân dân hai nước đó quyết định. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ Sáu một lần nữa khẳng định: “góp phần tích cực giải quyết vấn đề Campuchia bằng chính trị, đồng thời chuẩn bị tốt việc rút hết quân sớm trong trường hợp chưa có giải pháp về Campuchia. Xây dựng mối quan hệ mới với các nước ASEAN, tham gia tích cực vào việc biến Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác”[35, tr.322].
Thực hiện các chủ trương đó của Đảng, Việt Nam đã chủ động tham gia đối thoại quốc tế, tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia và coi đây là bước đột phá cho toàn bộ hoạt động đối ngoại của mình. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nêu lên hai mặt của vấn đề Campuchia: mặt nội bộ của Campuchia phải do các bên Campuchia tự giải quyết và mặt quốc tế bao gồm việc Việt Nam rút quân và nước ngoài chấm dứt can thiệp vào Campuchia. Giải pháp về vấn đề Campuchia ở cả hai mặt trên phải đạt được mục tiêu là bảo đảm giữ vững về cơ bản thành quả cách mạng Campuchia, ngăn chặn chế độ diệt chủng trở lại và chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài vào Campuchia, đồng thời giữ vững quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia - Lào.
Trên tinh thần đó, Việt Nam tập trung giúp đỡ Cộng hoà nhân dân Campuchia củng cố lực lượng các mặt kinh tế, quân sự, chính trị và ngoại giao; tiếp tục rút quân tình nguyện Việt Nam về nước, tạo thuận lợi cho việc thực hiện một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Thực tế là quân đội Việt Nam đã bắt đầu rút khỏi Campuchia từ năm 1982, song lúc đó chưa nằm trong tính toán về một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, ta vẫn duy trì quân đội để giúp nhà nước và nhân dân Campuchia nên các lực lượng thù
địch vẫn vin vào cớ ấy để thực hiện chính sách bao vây cấm vận và phá hoại nhiều mặt đối với Việt Nam.
Đến năm 1987, Bộ Ngoại giao quyết định thành lập nhóm CP 87 do Thứ trưởng Trần Quang Cơ phụ trách để nghiên cứu và đề xuất các phương án đấu tranh trong việc giải quyết vấn đề Campuchia và các vấn đề đối ngoại cấp bách khác.
Chủ trương và biện pháp của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Campuchia đã tạo được bước đột phá trong quan hệ Việt Nam - ASEAN. Tháng 7 năm 1987, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam với tư cách đại diện cho nhóm nước Đông Dương và Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia đại diện cho nhóm nước ASEAN đã kí thông cáo chung, mở đầu cho quá trình đối thoại giữa hai nhóm nước và các bên hữu quan nhằm tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Ngày 26 tháng 5 năm 1988, Việt Nam tuyên bố rút Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam và 5 vạn quân tại Campuchia về nước. Đây là hành động thực tế của Việt Nam nhằm xúc tiến việc giải quyết thực chất vấn đề Campuchia. Từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 7 năm 1987, tại Bôgor (Inđônêxia) đã diễn ra cuộc gặp không chính thức đầu tiên giữa đại diện các nước ASEAN và đại diện các nước Đông Dương với các bên Campuchia (JIM1 - Jarkarta Informal Meeting). Tại Hội nghị này, các bên đã đi đến nhất trí về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia với các nội dung then chốt là: quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng và chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào Campuchia. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thúc đẩy việc tạo dựng diễn đàn cho các cuộc gặp riêng giữa Chủ tịch Hunxen và Hoàng thân Xihanúc nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nội bộ Campuchia.
Nhân dịp sang thăm và dự lễ kỉ niệm chiến thắng của cách mạng Campuchia (ngày 6 tháng 1 năm 1989), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam Nguyễn Văn Linh tuyên bố sẽ rút hết quân tình nguyện Việt Nam về nước sớm hơn dự kiến nếu có một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 2 năm 1989, JIM 2 họp tại Giacácta tiếp tục bàn về các vấn đề đã được nêu tại JIM 1. Nhờ sự phối hợp vận động và đấu tranh của Việt Nam, Lào và Campuchia, các bên tham gia cuộc họp đã nhất trí với những nguyên tắc của giải pháp: Việt Nam rút hết quân; loại trừ sự quay trở lại của chế độ diệt chủng; chấm dứt viện trợ quân sự và sự can thiệp của bên ngoài vào Campuchia. Để thực hiện những điều đã cam kết tại Hội nghị này, ngày 5 tháng 4 năm 1989, Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Campuchia dù có hay không có giải pháp chính trị về Campuchia.
Tuyên bố này thể hiện bước đột phá trong lập trường ngoại giao của ta quyết tâm giải quyết vấn đề Campuchia, tạo đà thúc đẩy xu thế đối thoại, đi tới thực hiện giải pháp và vô hiệu hoá con bài “rút quân Việt Nam” để chống Việt Nam của đối phương, làm thay đổi cơ bản tính chất cuộc đấu tranh ở Campuchia, biến nó thành cuộc đấu tranh nội bộ giữa các bên liên quan ở Campuchia. Đồng thời, tư duy mới trong đối ngoại của Việt Nam về vấn đề Campuchia còn thể hiện ở sự chấp nhận vai trò của Liên hợp quốc và các nước lớn trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Việt Nam còn tích cực, chủ động thúc đẩy đối thoại với tất cả các bên liên quan khác như Trung Quốc, Mỹ, ..., hoan nghênh sáng kiến của Ngoại trưởng Australia Evans về việc triệu tập một hội nghị quốc tế nhằm nhanh chóng tìm ra giải pháp chính trị công bằng và hợp lý cho vấn đề Campuchia.
Việt Nam đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Liên Xô để tác động vào diễn đàn P-5 (diễn đàn 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Campuchia). Cuộc họp vòng 5, 6 và thoả thuận của P-5 với 2 đồng chủ tịch Hội nghị quốc tế Pari diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 năm 1990 đã mang lại kết quả là dự thảo văn kiện về giải pháp toàn bộ cho vấn đề Campuchia
được thông qua. Đồng thời với tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia, quan hệ đối ngoại của Việt Nam từng bước được cải thiện: Mỹ chấm dứt việc ủng hộ chính phủ liên hiệp ba phái Campuchia, đàm phán với Việt Nam về vấn đề Campuchia và về bình thường hoá quan hệ hai nước (tháng 4 năm 1991); các nước tư bản chủ nghĩa và ASEAN vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ, bắt đầu làm ăn với Việt Nam từ năm 1990; Trung Quốc cũng nối lại đàm phán và chuẩn bị cho việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Sau những thoả thuận của Hội đồng dân tộc tối cao Campuchia (SNC) tại Bắc Kinh và Băng Cốc (tháng 7 và tháng 8 năm 1991) về thành phần SNC, Hội nghị quốc tế Pari về Campuchia vòng hai được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber (từ 21 đến 23 tháng 10 năm 1991) để kí kết các văn kiện về giải pháp chính trị toàn bộ cho vấn đề Campuchia do Pháp và Inđônêxia đồng chủ toạ. Tham gia Hội nghị có đại diện Australia, Canađa, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Bắc Ailen, Mỹ, Liên Xô, các nước ASEAN, Việt Nam, Lào và các bên Campuchia. Ngoài ra còn có sự tham gia của Chủ tịch Phong trào Không liên kết là Nam Tư, Tổng thư kí Liên hợp quốc Javier Perez de Cuella và đại diện đặc biệt của ông là Rafeendin. Hiệp định Pari về Campuchia được kí kết và thông qua ngày 23 tháng 10 năm 1991.
Hiệp định là một văn bản có giá trị pháp lí quốc tế cao, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân Campuchia, với hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á. Việc kí kết Hiệp định là nỗ lực to lớn của Việt Nam nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa nước ta với các nước muốn lợi dụng vấn đề Campuchia để thực hiện chính sách bao vây, cấm vận và tiến hành chống phá nhiều mặt nhằm làm suy yếu Việt Nam. Vấn đề Campuchia tồn tại trong hơn mười năm đến đây chấm dứt cũng là quá trình Việt Nam chủ động đấu tranh để thoát ra khỏi “thế kẹt” về lợi ích giữa ba nước lớn là
Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô. Các nước ASEAN sớm quan tâm và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Campuchia cũng là xuất phát từ mục tiêu an ninh, hoà bình, ổn định của mỗi nước và cả khu vực. Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình đối với nhân dân Campuchia. Đánh giá về ý nghĩa của việc kí kết Hiệp định Pari về Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng Hiệp định đã “giải toả những cản trở cuối cùng trên con đường triển khai chính sách đối ngoại của chúng tôi là bình thường hoá, đa dạng hoá và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, trước hết là các nước Đông Nam Á và rộng hơn ở châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”[4, tr. 79 - 80].
Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc
Song song với quá trình giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam chủ động, tích cực khôi phục quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, EU và Mỹ.
Tiếp tục triển khai chính sách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc mà Đại hội VI của Đảng đã đề ra, Đảng và Nhà nước ta tích cực tìm kiếm giải pháp cho việc bình thường hoá quan hệ Việt - Trung. Đặc biệt sau Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Việt Nam đã xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc và điều chỉnh sự nhìn nhận về Trung Quốc trên phương diện “đối tượng hay đối tác”. Từ chỗ coi Trung Quốc là “bành trướng, bá quyền”, là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” sang khẳng định Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa; nhân dân Trung Quốc là nhân dân cách mạng và có truyền thống hữu nghị lâu đời với nhân dân ta. Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với hoà bình của Việt Nam và của cả Đông Nam Á, đồng thời Việt Nam cũng có tầm quan trọng nhất định trong chiến lược của Trung Quốc; xác định việc bình thường hoá quan hệ Việt - Trung là phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân ta và nhân
dân Trung Quốc, phù hợp với mong muốn của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng anh em, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Từ những nhận định có ý nghĩa chiến lược đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra một chính sách toàn diện, lâu dài và những biện pháp nhằm từng bước khắc phục tình trạng đối đầu đang diễn ra giữa hai nước, kiên trì và chủ động tạo điều kiện để bình thường hoá quan hệ Việt - Trung và khôi phục quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đảng ta còn khẳng định: trong lúc quan hệ Việt - Trung chưa được bình thường hoá, chúng ta không để các vấn đề tranh chấp cụ thể, cục bộ và nhất thời ảnh hưởng đến chiến lược cơ bản và lâu dài của ta đối với Trung Quốc.
Để bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã sửa lại Lời nói đầu trong Hiến pháp năm 1980 (tháng 6 năm 1988); nêu đề nghị hai bên chấm dứt hoạt động vũ trang tại biên giới đất liền và hải đảo, không bên nào đóng quân trên các điểm cao dọc biên giới hai nước, dãn quân cách xa biên giới để tránh xung đột và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai vùng biên giới qua lại thăm hỏi bà con, họ hàng thân thích. Trên thực tế Việt Nam đã đơn phương mở cửa khẩu cho nhân dân hai bên qua lại và không tuyên truyền những vấn đề có thể làm phương hại tới việc bình thường hoá quan hệ hai nước. Việt Nam cũng đã xử lý không để việc Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đảo thuộc quần đảo Trường Sa tháng 3 năm 1988 cản trở quá trình cải thiện, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.
Việt Nam đã chủ động thúc đẩy khôi phục quá trình đối thoại với Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao bàn về bình thường hoá quan hệ hai nước. Những đề nghị thiện chí của Việt Nam cùng với tiến độ giải quyết vấn đề Campuchia và sự chuyển biến của tình hình thế giới đã làm thay đổi thái độ của Trung Quốc. Ngày 12 tháng 8 năm 1990, khi đang ở thăm chính thức Xingapo, Thủ tướng Lý Bằng tuyên
bố rằng Trung Quốc hy vọng sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và thảo luận về sự tranh chấp ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Hoan nghênh tuyên bố trên, ngày 13 tháng 8 năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười khẳng định Việt Nam sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, tiến tới giải quyết các vấn đề giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình và đề nghị tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nước càng sớm càng tốt. Với những nỗ lực của cả hai bên đã dẫn đến cuộc gặp cấp cao không chính thức giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Thành Đô (Tứ Xuyên) trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990. Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười; về phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và các quan chức cao cấp của hai nước. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo của hai nước đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và sâu rộng về bình thường hoá quan hệ Việt - Trung, giải quyết vấn đề Campuchia và các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai bên sau hơn mười năm. Với thoả thuận “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” Hội nghị đã mở đường cho việc tiến tới bình thường hoá, khôi phục quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Với tư cách là khách mời đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc tham dự lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á lần thứ XI diễn ra từ ngày 18 đến 28 tháng 8 năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ mong muốn sớm khôi phục tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Ngày 25 tháng 3 năm 1991, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tuyên bố: “cùng với đà tiến triển của việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, quan hệ Trung - Việt đã tan băng cũng sẽ được khôi phục từng bước”[17, tr. 17].
Sau cuộc đàm phán chính thức cấp Thứ trưởng Ngoại giao (từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 8 năm 1991) về bình thường hoá quan hệ hai nước và mặt