Theo Từ điển Tiếng Việt thì: cán bộ là người làm công tác nghiệp vụ chuyên môn trong cơ quan Nhà nước, đoàn thể; người làm công tác có chức vụ trong một cơ quan, một tổ chức, phân biệt với người không có chức vụ.
Theo cách hiểu thông thường, cán bộ được coi là những người thoát ly, làm việc trong bộ máy chính quyền, đảng, đoàn thể và lực lượng vũ trang.
Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về cán bộ nhưng về cơ bản, cán bộ là khái niệm dùng để chỉ những người có chức vụ, vai trò cương vị trong một tổ chức, có tác động ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và quan hệ trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành góp phần định hướng sự phát triển của tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng” [41, tr.269].
Ở nước ta hiện nay cán bộ của hệ thống chính trị được phân thành bốn cấp: cán bộ trung ương; cán bộ tỉnh, thành phố; cán bộ quận, huyện và cán bộ cấp cơ sở.
Cán bộ cấp cơ sở là cán bộ có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các đường lối, chính sách, phương hướng, kế hoạch của Trung ương và cấp quản lý trực tiếp cho phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương.
Cấp cơ sở Theo quy định tại Điều 118, Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, bao gồm: xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã. Đây là nơi nhân dân
cư trú, sinh sống gắn bó chặt chẽ với các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội, huyết thống, phong tục, tập quán, nghành nghề và những sinh hoạt chung khác. Nó có vị trí rất quan trọng, là nơi trực tiếp giải quyết các mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân; là nơi cụ thể hóa các Nghị quyết, Nghị định, hướng dẫn của cấp tỉnh và cấp huyện, đi sâu, đi sát với địa phương; lãnh đạo, quản lý địa phương về mọi mặt. Hiện nay trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đây là nơi có tiềm năng lớn về kinh tế, sản xuất ra nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Vậy cán bộ cấp xã là gì?
Theo Khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ Công chức năm 2008, cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cán bộ cấp xã bao gồm các chức vụ: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trong khuôn khổ luận văn này tác giả chỉ đề cập đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã như: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân.
Với những chức danh như vậy thì đội ngũ cán bộ cấp xã có những vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thuộc hệ thống chính trị cấp cơ sở. Đồng thời họ là những người giữ cương vị chính phụ trách trong một tổ chức, một tập thể, quyết định đến việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và họ cũng chính là những người “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.