B. NỘI DUNG
2.2.5 Làng Kim Quất Hạ và truyền thuyết “sản vật thời vua Hùng”
Tương truyền là vùng trồng nhiều quýt thơm ngon nổi tiếng thời Hùng Vương. Truyền thuyết về làng quýt và cái tên Kim Quất Hạ liên quan đến thần Đại Nại Cao Sơn được thờ tại đình. Chuyện dân gian kể rằng: khi vùng đất này chưa có tên, dưới là đầm sâu nước trong văn vắt, tiếp đến là đồi núi xanh tươi, dân cư thưa thớt sống bằng nghề săn bắt cá tôm, muông thú và trồng quýt. Mỗi nhà một quả đồi, một vườn quýt, quả ra tứ thời, trái to, đỏ, mọng nước, mùi thơm ngát.
Vào cuối đời Lạc Long Quân có người con trai thứ của Hùng Hiền Vương tên là Đại Nại. Đại Nại bản tính nhẫn nại, cần cù, thông tường thiên văn địa lý, thích du ngoạn sơn thủy. Một ngày tháng 8, khí trời mát mẻ, cảnh vật tươi vui, Đại Nại du thuyền đó đây từ Bến Gót qua chùa Hoa Long ngược tới Đầm Sú, vào Đầm Tiên Cát địa đầu là thôn Hương Lan. Chưa biết đi hướng nào thì một làn gió đưa mũi thuyền về phía Tây. Khi thuyền dừng lại, nhìn lên đồi núi xanh tươi, cành lá chen nhau, gió thổi rì rào, Đại Nại hứng khởi đọc luôn hai câu thơ:
“ Sáo đàn hào tấu âm ngàn dặm Hoa cỏ đan thành sách vạn trăng”
Đại Nại lên bờ, leo lên một ngọn đồi cao ngắm cảnh, trời cao nắng đẹp song thấy khát nước, người đọc thơ:
“ Vườn quất nhà ai chín đỏ au
Nước non ngàn dặm nước tìm đâu?”
Tiếng ngâm của Đại Nại vọng từ núi này sang núi kia, bỗng có người con gái cổ cao ba ngấn, má phấn môi son, tóc dài óng mượt bưng đến một mâm quýt, quỳ trước mặt mà nói rằng:
“ Nước nôi thì có chửa kịp pha Tiện quýt vàng đây có thiếp hầu”
Đại Nại cầm quả quýt lên ngắm nghía và bẻ đôi đưa quýt lên miệng ăn, khi đã qua cơn khát bèn đọc tiếp:
“ Quýt ngọt mát lòng cơn khát nước Lấy gì trả được nghĩa tình sâu”
Người con gái đỡ lấy mâm quýt đáp:
“ Đất này chưa chủ còn hoang dã Như cánh hoa kia chưa có mầu”
Đại Nại hiểu ý nàng muốn xin một cái tên cho vùng đất này. Người cười to và ngâm hai câu thơ:
“ Khi khát gặp ngay quả quýt vàng Thôi thì Kim Quất đặt tên trang”
Và từ đó, làng này có cái tên đẹp đẽ là Kim Quất. Đại Nại xin vua cha cho phép về mở trang trại ở vùng đất này thành vườn quýt. Vườn quýt phát triển xuống thôn dưới, gọi là thôn Hạ. Còn nơi Đại Nại ngồi ăn quýt là thôn thượng, nay gọi là Kim Quất Thượng.
Như vậy. địa danh Kim Quất Thượng hay Kim Quất Hạ là tên gọi đánh dấu sản vật nổi tiếng của thời Hùng Vượng. Nó cho thấy, cư dân thời Văn Lang không chỉ trồng lúa (Kẻ Sú) mà cũng đã biết trồng cây ăn quả (Kim Quất). Nói khác đi, thời Văn Lang, văn hóa nông nghiệp trồng trọt đã được đánh dấu đầy đủ qua một vài địa danh.