MÔ HÌNH ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN: TRƯỜNG HỢP TẠI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
4.1. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG CỔ PHIẾU VIỆT NAM
4.1.1 Tổng quan tình hình TTCK và thị trường cổ phiếu nước ta qua hơn mười năm hình thành và phát triển
4.1.1.1 Quy mô thị trường ●Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000, với ban đầu chỉ có vài công ty niêm yết, nhưng chỉ sau 5 năm, đã có 183 công ty niêm yết vào năm 2006, và con số không ngừng tăng lên cho các năm tiếp theo. Đến 5 năm tiếp theo, tức là vào năm 2010, số công ty niêm yết là 627 công ty, gấp hơn 3.4 lần so với 5 năm trước đó. Đến năm 2012 tỷ lệ tăng hơn 113% so với năm 2010. Các kết quả này thể hiện tiềm năng của TTCK tại nước ta còn rất lớn, tốc độ phát triển nhanh đã tạo vốn cho các doanh nghiệp đầu tư, đồng thời cũng tạo ra kênh đầu tư hấp dẫn.
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Nếu tính vào các năm đầu hình thành và phát triển, TTCK nước ta còn rất hạn chế, quy mô thị trường nhỏ bé, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán còn dưới 1% so với GDP. Thì 10 năm sau, mức vốn hóa TTCK đã đạt 19,2% và đến năm 2012 mức vốn hóa đã trên 20%, đạt mức 23.2% so với GDP. Tỷ lệ vốn hóa thị trường tăng nhanh cũng chứng tỏ kênh đầu tư vào TTCK ngày càng được chú trọng, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng mức vốn hóa của chúng ta vẫn còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng. Vì theo các chuyên gia chứng khoán nhận định vào năm 2005 thì: thị trường chứng khoán nước ta đến năm 2010 sẽ đạt tỷ lệ vốn hóa là 50% so GDP và đến năm 2020 con số này là 70%. Cũng trong năm 2007, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường vốn đa dạng để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của nền kinh tế. Đến 2010, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đến 2020 đạt 70% GDP. Theo đề án mới được phát triển, thị trường chứng khoán là thành phần chủ đạo để đưa thị trường vốn trở thành một cấu thành quan trọng của thị trường tài chính Việt Nam. Đến năm 2020, thị trường vốn Việt Nam phát triển tương đương thị trường các nước trong khu vực. Số liệu thực tế so với đề án còn chênh lệch quá lớn, mức vốn hóa so với GDP ở nước ta dù có tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, nếu so sánh với một số nước mới nổi ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Philippines thì tỷ lệ này của nước ta vẫn còn thấp, còn nếu so sánh với các nước có TTCK phát triển như Hoa Kỳ, Úc hay Singapore thì chúng ta còn quá thấp. Như vậy nếu chúng ta muốn đạt kế hoạch thì trong các năm còn lại (từ 2014 đến 2020) cần có nhiều biện pháp mang tính đột phá mới có thể đạt mục tiêu đã đề ra.
Bảng 4.1: Mức vốn hóa thị trường chứng khoán so với GDP (%)
Quốc gia 2008 2009 2010 2011 2012
Một số Quốc gia phát triển
Úc 64.20 136.30 127.80 86.60 84.60 Canada 66.70 125.70 137.00 107.20 110.70 Pháp 52.70 75.30 75.60 56.40 69.80 Đức 30.60 39.30 43.50 32.90 43.70 Hồng Kông 606.00 427.90 472.10 357.70 420.90 Singapore 100.60 160.10 170.40 125.60 150.80 Nhật Bản 66.40 67.10 74.60 60.00 61.80 Hoa Kỳ 82.50 108.50 118.90 104.30 119.00
Một số Quốc gia mới nổi
Barazil 35.60 72.10 72.10 49.60 54.60 Trung Quốc 61.80 100.30 80.30 46.30 44.90 Ấn Độ 52.70 86.40 94.40 54.20 68.60 Hàn Quốc 53.10 100.30 107.30 89.20 104.50 Malaysia 81.00 126.60 166.30 137.20 156.90 Philippines 30.00 47.60 78.80 73.60 105.50 Thái Lan 37.60 52.40 87.10 77.70 104.80 Indonesia 19.40 33.00 50.80 46.10 45.20 Việt Nam 10.50 21.80 19.20 14.80 23.20 Nguồn:http://data.worldbank.org/indicator/CM.MKT.LCAP.GD.ZS ●Thị trường cổ phiếu
Mặc dù thị trường có lúc trải qua những thăng trầm do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nhìn chung thị trường vẫn trong đà tăng trưởng, quy mô thị trường ngày càng tăng, số lượng các công ty niêm yết và niêm yết mới tăng
nhanh trong các năm gần đây, đặc biệt là vào các năm 2009 và 2010, năm 2009 có 116 công ty và năm 2010 có 189 công ty niêm yết mới.
Bảng 4.2: Số lượng công ty niêm yết mới qua các năm
Sàn giao dịch 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012
HSX 63 30 29 46 78 30 14
HNX 87 24 56 70 111 29 14
Tổng cộng 150 54 85 116 189 59 28
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trong các năm gần đây cũng tăng đáng kể. Mặc dù do tác động của khủng hoảng tài chính, nhưng vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng từ 214.694 tỷ đồng năm 2008 lên 514.145 tỷ đồng (tức tăng 139.5%), tương tự các năm sau cũng tăng, chỉ giảm chút ít trong năm 2011, tuy nhiên năm 2012 mức vốn hóa lại tăng đáng kể (tăng 46.6%) so với năm 2011 và đạt mức 685.136 tỷ đồng. Các kết quả này cho thấy thị trường cổ phiếu vẫn còn là một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút vốn trong và ngoài nước tham gia.
Bảng 4.3: Vốn hóa thị trường cổ phiếu (tỷ đồng) Sàn giao dịch Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 HSX 179.700 370.714 169.355 392.666 491.802 383.400 602.904 HNX 39.008 107.060 45.339 121.479 126.035 80.636 82.232 Tổng 218.708 477.774 214.694 514.145 617.837 464.036 685.136
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Hình 4.2: Số lượng cổ phiếu được giao dịch (Tỷ cổ phiếu)
Hình 4.2 minh họa toàn bộ số lượng cổ phiếu được giao dịch tại hai sở giao dịch trong các năm gần đây. Kết quả tương tự như đối với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu, chính nhờ số cổ phiếu được giao dịch tăng liên tục góp phần làm tăng mức vốn hóa thị trường. Trong đó tốc độ tăng ở sàn giao dịch TP.HCM tăng đáng kể về số lượng, năm 2006 chỉ khoảng 2.03 tỷ cổ phiếu được giao dịch thì đến năm 2012 đạt 24.67 tỷ cổ phiếu, trong vòng 6 năm đã tăng hơn 12 lần, chính điều này làm số lượng cổ phiếu cả hai sàn tăng tương ứng từ 2.66 tỷ cổ phiếu năm 2006 lên 32.69 tỷ cổ phiếu năm 2012 (tăng gần 13 lần).
Bảng 4.4: Số tiền mua cổ phiếu mới phát hành và tiền chi trả cổ tức qua một số năm (Tỷ đồng)
Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 Tiền mua cổ phiếu
phát hành mới 1.273 11.740 3.644 4.178 31.192 14.010 4.782 Tiền trả cổ tức 1.260 3.768 10.958 9.212 22.405 24.775 35.309
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Như chúng ta đã biết, nhà đầu tư cổ phiếu thường kỳ vọng vào hai vấn đề, một là được hưởng cổ tức, hai là sự tăng giá trên thị trường. Khi thị trường xuống dốc, sự
kỳ vọng về tăng giá là rất khó, do đó để thu hút nhà đầu tư, các công ty đã gia tăng việc chi trả cổ tức. Bảng 4.4 cho thấy các năm trước 2008 số tiền chi trả cổ tức là không đáng kể, bởi vì trong giai đoạn này sự tăng giá trên thị trường là rất lớn, trong khi các năm sau 2008, do thị trường đi xuống nên doanh nghiệp cũng phải tăng chi trả cổ tức để thu hút nhà đầu tư. (xem thêm minh họa hình 4.3 và hình 4.4 bên dưới)
Nguồn: http://www.cophieu68.vn/chartsymbol.php?id=^vnindex[102] Hình 4.3: Diễn biến chỉ số VN-Index từ 28/07/2000 đến 9/7/2013
Nguồn: http://www.cophieu68.vn/chartsymbol.php?id=^hastc[102] Hình 4.4: Diễn biến chỉ số HNX-Index từ 4/1/2006 đến 9/7/2013
4.1.1.2 Suất sinh lời và rủi ro thị trường cổ phiếu
Trở lại hình 4.3 và 4.4 miêu tả diễn biến thị trường cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. Diễn biến các hình cho thấy thị trường tăng từ lúc hình thành cho đến các năm 2007-2008, mà đỉnh điểm rơi vào năm 2007-2008, kết quả này cho thấy nhà đầu tư vào giai đoạn này rất tốt, mang lại suất sinh lời rất cao. Ngược lại giai đoạn từ sau 2008 đến nay, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động làm các chỉ số chứng khoán đều giảm.
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Hình 4.5: Diễn biến suất sinh lời từ tháng 1/2006 đến tháng 12/2012 Bảng 4.5: Suất sinh lời và rủi ro các chỉ số tính trung bình theo tháng (%) Chỉ số Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 HSX Suất sinh lời trung bình 8.12 2.27 -7.67 4.31 -0.75 -2.79 1.54 Rủi ro 14.82 14.95 13.98 11.43 4.92 6.33 6.23 HNX Suất sinh lời trung bình 0.91 3.82 -6.69 4.63 -3.72 -5.08 0.39 Rủi ro 11.19 18.27 19.90 11.45 7.40 6.46 8.13
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Hình 4.5 mô tả suất sinh lời tính theo tháng từ tháng 1/2006 đến tháng 12/2012, kết quả này cũng giống như phần trình bày bên trên: suất sinh lời biến động rất mạnh giai đoạn trước năm 2008, sau đó suy giảm và dao động ít dần sau năm 2008. Bảng
4.5 tính toán suất sinh lời và rủi ro của hai chỉ số, kết quả tính trung bình từng tháng theo năm cũng cho kết quả tương tự. Bình quân tính theo tháng trước năm 2008 mang lại suất sinh lời trung bình khá lớn, như năm 2006 suất sinh lời trung bình là 8.12%/tháng, năm 2007 bình quân là 2.27%/tháng, nếu quy suất sinh lời trung bình theo năm thì rất lớn: năm 2006 là 97.44%/năm và năm 2007 là 27.24%/năm. Đây là các mức sinh lời rất hấp dẫn cho đầu tư, tuy nhiên chúng ta cũng lưu ý là mức sinh lời cao thì rủi ro cũng lớn (rủi ro tính trung bình của độ lệch chuẩn của 12 tháng trong từng năm). Suất sinh lời âm lớn trong năm 2008, sau đó năm 2009 có hồi phục (suất sinh lời +4.31%/tháng), sau đó hai năm liên tiếp lao dốc (suất sinh lời -0.75%/tháng năm 2010 và -2.79%/tháng năm 2011) và năm 2012 có dấu hiệu hồi phục mặc dù không lớn (suất sinh lời trung bình đạt +1.54%/tháng tương đương 18.5%/năm), sự biến động của thị trường ít, suất sinh lời không cao nên rủi ro cũng thấp năm 2012 là 8.13%/tháng tương đương 97.56%/năm.
4.1.1.3.Các nhà đầu tư tham gia thị trường
● Các nhà đầu tư cá nhân: Các số liệu thống kê quá khứ cho thấy đến hết năm 2006 tổng số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư vào khoảng 100.000 [99], tăng 3 lần so cuối năm 2005 và tăng trên 30 lần so với năm 2000 lúc thị trường mới hình thành. Mặc dù hiện tại chưa có số liệu thống kê chính thức tổng số lượng nhà đầu tư trên toàn thị trường, tuy nhiên, theo đánh giá của UBCKNN thì số lượng nhà đầu tư đến hết năm 2012 có thể đạt gần 1 triệu [99]. Trong đó có hơn 80% là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài có 16.001 tài khoản giao dịch, trong đó nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm ưu thế chiếm tỷ lệ 87.3% năm 2012 , doanh số giao dịch nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường.
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo[119],[120],[121],[122]
Hình 4.6: Số lượng mã giao dịch nhà đầu tư nước ngoài
● Các nhà đầu tư tổ chức: Hình 4.6 cho thấy xu hướng tăng lên về số lượng nhà đầu tư nước ngoài, trong đó tăng nhanh là nhà đầu tư nước ngoài tổ chức với tỷ lệ tăng nhanh hơn so với nhà đầu tư cá nhân, năm 2008 có 889 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thì năm 2012 là 1.979, tăng 122%. Thị trường cũng thu hút hàng loạt các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài nổi tiếng như: JP Morgan, Merryll Lynch, Citigroup,… đầu tư vào TTCK nước ta.
Các quỹ đầu tư chứng khoán thời gian qua cũng góp phần tích cực cho sự phát triển của thị trường, thống kê đến tháng 7/2013 còn tồn tại 24 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 2 quỹ mở, còn lại là dạng quỹ đóng, tổng vốn điều lệ đăng ký là gần 14.500 tỷ đồng, với số vốn cũng khá cao, cộng với tiềm lực tài chính và quản trị tốt, các nhà đầu tư có tổ chức đã trở thành “cầu tàu” dẫn dắt thị trường và nếu bỏ qua những lối đầu tư riêng thì chính các tổ chức đầu tư này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo lập tính đầu tư chuyên nghiệp và “đào tạo” những kinh nghiệm đầu tư quý báu cho nhà đầu tư trong nước.
4.1.1.4 Các tổ chức trung gian
Tính đến ngày tháng 7/2013 còn 106 công ty chứng khoán hoạt động (so với cuối năm 2006 chỉ có 41 công ty). Có thể nói chưa bao giờ mà các công ty chứng khoán lại hình thành nhanh chóng như tại TTCK nước ta, điều này đã dẫn đến một số
bất cập như: thiếu nhân lực cả nhân viên lẫn cấp quản lý ở trình độ cao, nhiều công ty hình thành dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh,....Các công ty quản lý quỹ đầu tư cũng ra đời nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, từ 15 công ty quản lý quỹ đầu tư, vốn điều lệ đạt trên 528 tỷ đồng vào năm 2007 thì đến tháng 7/2013 tổng số công ty này là 47, vốn điều lệ trên 2.800 tỷ đồng.
Tính đến tháng 7/2013 đã có 7 ngân hàng hoạt động lưu ký chứng khoán (6 ngân hàng nước ngoài và 1 ngân hàng trong nước), và 1 ngân hàng chỉ định thanh toán (ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa,TP.HCM).
Bảng 4.6: Các ngân hàng lưu ký chứng khoán
Stt Tên công ty
1 Ngân hàng Citibank N.A, chi nhánh Hà Nội
2 Ngân hàng Deutsche Bank AG- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh
3 Ngân Hàng Far East National Bank – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
4 Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải - Chi nhánh TP.HCM
5 Ngân Hàng JPMorgan Chase N.A – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
6 Ngân hàng Standard Chartered - Chi nhánh Hà Nội
7 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong.
Nguồn: www.ssc.gov.vn
4.1.1.5 Các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán
● Ủy ban chứng khoán Nhà nước:
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.Việc
thành lập cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trước khi thị trường ra đời là bước đi phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam, có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của TTCK nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng.
Với vị thế là cơ quan quản lý chuyên ngành về chứng khoán và TTCK, UBCKNN có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK với mục tiêu chính là tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động vốn phục vụ đầu tư phát triển, đảm bảo cho TTCK hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai minh bạch và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN được quy định theo Quyết định số 112/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. UBCKNN là cơ quan thuộc Chính phủ, có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của một cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
● Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh
Ngày 20/07/2000, TTGDCK TP.HCM chính thức khai trương đi vào vận hành, và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000 với 02 loại cổ phiếu niêm yết. Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (SGDCK TP.HCM), tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, được chuyển đổi theo Quyết định 599/QĐ-TTg ngày 11/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh là pháp nhân thuộc sở hữu Nhà nước, được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo Luật Chứng khoán,