Tính đại chúng

Một phần của tài liệu Vấn đề thông tin và định hướng trên trang văn hoá văn nghệ của báo đoàn thanh niên (Trang 68)

Theo khảo sát những chuyên mục được đọc nhiều nhất trên báo Tiền Phong cho thấy, phần lớn thanh niên đều đọc báo Tiền Phong, Thanh niên, Tuổi trẻ và một trong những chuyên mục mà họ thích đọc nhiều nhất chính là “Nhân vật - nghệ sĩ” chiếm tỉ lệ rất lớn: Tiền Phong: 80%, Thanh niên 80% và Tuổi trẻ 70%. (Bảng khảo sát ở phụ lục 5)

Chúng tôi cho rằng lý do chuyên mục này được thanh niên đọc nhiều nhất chính vì đó là những con người thật việc thật, mà những cống hiến và thành tích họ đạt được trong cuộc sống chính là ao ước của bao thanh niên khi bước vào cuộc đời. Có thể hiểu đó chính là một cái nhìn về “thần tượng” của mỗi bạn trẻ. Ngoài ra còn có những lý do khác nữa, đó là vấn đề về đời tư nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng là một đề tài khá nhạy cảm luôn thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng, nhất là giới trẻ. Đa phần độc giả cho rằng người nghệ sĩ là người của công chúng, vì thế họ phải có lối sống mẫu mực hơn, phải hiểu biết hơn hoặc có trí tuệ hơn người thường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực lớn cho đời sống của người nghệ sĩ. Và cũng nhờ áp lực này mà người nghệ sĩ có thể sống hoàn thiện hơn cho cuộc đời của

mình, xứng đáng làm hình ảnh đẹp hay vươn được đến hai chữ “thần tượng” cho giới trẻ học tập.

Khảo sát phần “Ý kiến khác” cho thấy thanh niên rất thích các nhân vật vươn lên từ nghèo khó và những đau khổ trong cuộc sống. Đặc biệt các bạn đọc nữ rất thích được nghe những tâm tình của các nữ nghệ sĩ về đời sống trầm luân khổ ải mà họ phải vượt qua trước khi thành danh, nhất là những câu chuyện kết thúc có hậu. Điều này lý giải vì sao “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du lại vượt hàng trăm năm để sống mãi trong lòng độc giả.

Tuy nhiên khảo sát này cũng cho thấy ở độ tuổi từ 18 đến 25, phần lớn đều thích đọc những bài viết ở lĩnh vực âm nhạc, thời trang. Ở độ tuổi từ 25 đến 40 thích đọc văn học, điện ảnh, hội họa. Một số trường hợp ngoại lệ thích đọc báo chuyên ngành như anh Lê Thành Hưng, 26 tuổi làm kỹ sư xây dựng chỉ thích đọc báo kiến trúc. Anh Nguyễn Chương, PV báo Tuổi trẻ thì ghi thêm phần ý kiến khác như sau “Tôi quan tâm nhiều về lĩnh vực “đời sống văn hóa” và những bài báo có tính phê bình lý luận. Đây là điều còn ít trên các báo. Và tôi thích đọc nhân vật nghệ sĩ, đi sâu vào cái riêng tư sáng tạo sẽ “từ giọt nước chứa đại dương”. Cũng có những bạn trẻ chỉ ghi ngắn gọn “Tôi ít đọc báo” như bạn Tố Minh, 30 tuổi làm nhân viên quảng cáo với lý do là không có thời gian vì phải suốt ngày loay hoay tìm cách nào làm hết công việc để kiếm được nhiều tiền, ngoài ra trách nhiệm và lo lắng cho những người thân trong gia đình làm bạn không có thời gian cho riêng mình. Trái lại, bạn Hồ Thị Phượng, 23 tuổi là sinh viên Đại học Hồng Bàng lại có vẻ mê báo. Bạn viết “Tôi thích đọc báo Tiền Phong có nhiều chuyên mục hay, đề cập được tính thời sự nhưng hơi ngắn và chưa diễn đạt được tính sâu sắc của từng bài”. Bạn Nguyễn Chương và bạn Phượng có một đòi hỏi hoàn toàn chính xác và đó cũng là tình hình chung của các tờ nhật báo được khảo sát. Mặc dù có hai trang Văn hóa văn nghệ, nhưng ở các tờ nhật báo, những bài viết có tính

phê bình, lý luận rất ít. Đã có thắc mắc từ thư bạn đọc gửi về viết rằng “Tôi được biết ở Việt Nam hiện nay có trên 300 nhà phê bình lý luận, nhưng không hiểu sao trên báo chí lại rất ít những bài viết phê bình lý luận văn hóa văn nghệ sâu sắc và khúc chiết. Tin tức hàng ngày giúp chúng tôi có thêm thông tin, nhưng những bài viết phê bình lý luận âm nhạc, điện ảnh, văn học, mỹ thuật… lại giúp chúng tôi đào sâu được kiến thức, tiếp thu kho tàng văn hóa nghệ thuật trong nước một cách sâu sắc để còn truyền đạt cho con cháu mạch lạc và dễ hiểu. Đôi khi cũng cảm thấy xấu hổ vì không trả lời thấu đáo được những câu hỏi của con trẻ vì trình độ hạn hẹp của mình trước những đề tài về văn hóa nghệ thuật”.

Khảo sát này cũng đem lại một kết quả khá rõ về một số yêu cầu của người đọc khi họ tìm trên trang văn hóa văn nghệ thông thường như nguyện vọng của Ngô Văn Tân: “Tôi thường hay đọc báo Tuổi trẻ và Tiền Phong, lĩnh vực mà tôi quan tâm nhất là nghệ thuật âm nhạc và thế giới điện ảnh”.

Ngoài “Nhân vật nghệ sĩ”, các lĩnh vực khác như: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… đều thu hút sự quan tâm, chú ý của thanh niên. Chính vì vậy tác dụng qua lại của những phản hồi từ phía độc giả - thanh niên làm cho những diễn đàn mà các báo mở ra sau một số bài báo hay sự kiện nào đó, luôn luôn nhận được rất nhiều thư bạn đọc ủng hộ, trao đổi về đề tài mà báo vừa nêu.

(Nội dung và kết quả khảo sát xem thêm phụ lục 5).

Một phần của tài liệu Vấn đề thông tin và định hướng trên trang văn hoá văn nghệ của báo đoàn thanh niên (Trang 68)