0
Tải bản đầy đủ (.doc) (62 trang)

Phương pháp thẩm định sử dụng ở chi nhánh BIDV Bắc Hà Nội.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TẬP TỔNG HỢP TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM CHI NHÁNH BẮC HÀ NỘI (Trang 26 -26 )

Trong quá trình thẩm định có thể tiến hành theo nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nội dung và yêu cầu đối với dự án. Để dự án đầu tư được thẩm định đầy đủ, chính xác Chi nhánh đã sử dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp thẩm định sau:

Phương pháp so sánh các chỉ tiêu

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong thẩm định dự án. Nội dung của phương pháp này là so sánh đối chiếu nội dung dự án với các chuẩn mực luật pháp quy định, các định mức kinh tế kỹ thuật thích hợp cũng như các kinh nghiệm thực tế, phân tích so sánh để lựa chọn phương án tối ưu.

Trong quá trình thẩm định, cán bộ thẩm định có thể sử dụng những kinh nghiệm đúc kết từ quá trình thẩm định các dự án tương tự để so sánh, kiểm tra tính thực tế, hợp lý của các giải pháp lựa chọn, đồng thời phải vận dụng một cách phù hợp các chỉ tiêu với điều kiện và đặc điểm cụ thể của dự án và doanh nghiệp, tránh khuynh hướng so sánh máy móc, cứng nhắc.

Phương pháp thẩm định theo trình tự

Dự án sẽ được tiến hành thẩm định theo một trình tự từ tổng quát đến chi tiết, kết luận trước làm tiền đề cho kết luận sau.

Thẩm định tổng quát: cho phép hình dung khái quát dự án, hiểu rõ quy mô tầm quan trọng của dự án trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Là việc xem xét khái quát các nội dung của dự án và đánh giá một cách chung nhất sự phù hợp, đầy đủ, hợp lý của dự án như hồ sơ dự án, tư cách pháp lý của chủ đầu tư…dự án có thể bị bác bỏ nếu chủ đầu tư không đủ năng lực pháp lý…

Thẩm định chi tiết: Được tiến hành sau thẩm định tổng quát. Là việc tiến hành thẩm định một cách tỉ mỉ, chi tiết từng nội dung cụ thể ảnh hưởng tới tính khả thi, hiệu quả của dự án trên các khía cạnh pháp lý, thị trường, kỹ thuật, tổ chức quản lý, tài chính và kinh tế xã hội của dự án. Mức độ tập trung cho những nội dung cơ bản có thể khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm và tình hình cụ thể của dự án.

Phương pháp phân tích độ nhạy

Phương pháp này được dùng để kiểm tra tính vững chắc về hiệu quả tài chính của dự án đầu tư. Phân tích độ nhạy của dự án nhằm xem xét sự thay đổi của các chỉ tiêu hiệu quả tài chính (lợi nhuận, thu nhập thuần, tỷ suất hoàn vốn nội bộ…) trong điều kiện biến động của các yếu tố có liên quan đến các chỉ tiêu đó. Cơ sở của phương pháp là phải xác định được những yếu tố, dự kiến được một số tình huống bất trắc có thể xảy ra trong tương lai như vượt chi phí đầu tư, giá các chi phí đầu vào tăng và giá tiêu thụ sản phẩm giảm, có thay đổi về chính sách thuế theo hướng bất lợi… và đánh giá những tác động của các yếu tố đó đến hiệu quả đầu tư, tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án.. Nó cho phép lựa chọn được dự án có độ an toàn cao cho những kết quả được dự tính, có những biện pháp hữu hiệu khắc phục hay hạn chế những tình huống xấu có thể xảy ra.

Phương pháp triệt tiêu rủi ro

Dự án là một tập hợp các yếu tố dự kiến trong tương lai, từ khi thực hiện dự án đến khi đi vào khai thác, thời gian hoàn vốn thường rất dài, do đó có nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Để đảm bảo tính vững chắc về hiệu quả của dự án, phải dự đơán một số rủi ro có thể xảy ra để có biện pháp kinh tế hoặc hành chính thích hợp, hạn chế thấp nhất các tác động rủi ro hoặc phân tán rủi ro cho các đối tác liên quan đến dự án. Hiện tại một số loại rủi ro đã được quy định bắt buộc phải có biện pháp xử lý như: bảo hiểm xây dựng, bảo lãnh hợp đồng.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TẬP TỔNG HỢP TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM CHI NHÁNH BẮC HÀ NỘI (Trang 26 -26 )

×