Nhìn lại chính sách ngôn ngữ của Nhà nước phong kiến độc lập

Một phần của tài liệu Khảo sát chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam (Trang 60)

Ngôn ngữ là tài sản, là biểu tượng của quốc gia đồng thời là biểu trưng cho nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, được sử dụng trong cả nước và được sử dụng trong công vụ thuộc cơ quan nhà nước. Cùng với ý thức quốc gia thì ngôn ngữ quốc gia tạo nên sự gắn kết về tinh thần, tình cảm giữa các thành viên trong quốc gia.

Cùng như nhiều dân tộc trên thế giới, chúng ta có văn hóa dân gian, ngôn ngữ dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian. Đó là những yếu tố rất quan trọng để bảo đảm tính trường tồn và phát triển của một nền văn hóa dân tộc. Nhưng vấn đề là phải có một nền văn hóa chữ viết. Có thể nói đó là một vấn đề rất lớn đã khiến cho những thành phần ưu tú nhất của dân tộc ta day dứt âm thầm chịu đựng trong suốt cả thời kỳ mất nước. Phải sáng tạo ra một thứ văn tự cho chính mình? Phải bắt đầu như thế nào và từ đâu?

Để có vật liệu sáng tạo, từ nhiều thế kỷ trước thời độc lập nhiều người Việt đã phải học chữ Hán với những người thầy từ Trung Quốc sang. Cùng giống như mục đích của người Pháp sau này trong việc dạy tiếng Pháp cho người Việt, những người Trung Hoa sống lâu với người bản xứ hoặc những người mới từ nội địa sang, khởi thủy họ đều muốn tuyên truyền văn hóa Trung Hoa, coi đó là như một sự “mở mang khai hóa”. Người Việt từ chỗ thụ động, cốt sao học cho biết chữ, lâu dần tiến đến chỗ biết lợi dụng phương tiện chữ viết ấy để đáp lại sự cần thiết của riêng mình.

Sau khi giành được giải phóng thoát khỏi ách thống trị ngoại xâm, giai cấp phong kiến Việt Nam bèn xây dựng một nhà nước Đại Việt. Muốn củng cố vị trí

độc lập của mình đối với giai cấp phong kiến phương Bắc thì giai cấp phong kiến Đại Việt chỉ còn cách dựa vào sức mạnh đoàn kết dân tộc. Chính sách của nhà nước phong kiến vì vậy mà có khi đã chú trọng phát huy những giá trị tinh thần dân tộc.

Giai cấp phong kiến Đại Việt được độc lập về mặt chính trị đối với gia cấp phong kiến phương Bắc nhưng mọi thiết chế của Nhà nước phong kiến Đại Việt vẫn ít nhiều phỏng theo nhà nước phong kiến phương Bắc. Cho nên chữ Hán rất được coi trọng. Hán học là biểu hiện của ý thức hệ chính thống là nội dung việc giáo dục và thi cử, là tiêu chuẩn lựa chọn người cho bộ máy chính quyền. Và chữ Hán được dùng làm văn tự chính thức của nhà nước. Chữ Hán trở thành chữ thông dụng trong các văn bản hành chính, trong học tập và trong sáng tác văn học. Tầng lớp trí thức của chế độ phong kiến được đào luyện trong lò Hán học đã dùng chữ Hán để “trước thư tập ngôn”.

Dường như trong suốt 10 thế kỷ của thời độc lập, tiến trình xây dựng ngôn ngữ viết thường được các nhà ngữ văn học hướng vào các giá trị mà người Việt Nam đạt được. Người ta đã hướng vào và ca ngợi giá trị cổ điển của Hán văn Lý Trần và giá trị của Hán văn các thế kỷ sau. Bên cạnh đó xu hướng chú ý đến ngôn ngữ đời thường, thông tục ghi bằng chữ Nôm, phát triển các chức năng xã hội cũng như cấu trúc ngôn ngữ cho tương ứng với diễn tiến của cấu trúc văn hóa Việt Nam các thế kỷ trung đại là một trong những phương tiện tạo nên đặc thù Việt Nam về ngôn ngữ viết. Bằng cách đó ngôn ngữ viết tiếng Việt đã góp phần quan trọng cho phát triển tư duy Việt Nam, mở mang văn hóa Việt Nam trung đại, tạo điều kiện nền tảng cho quá trình văn - ngữ nhất thể ở thời hiện đại.

Không một lời tuyên bố nào cả nhưng nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ trong xã hội đã ra sức bảo vệ ngôn ngữ của mình đó là Tiếng Việt, chống lại những người đã kinh rẻ nó mà tôn thờ tiếng nước ngoài. Và cũng không có một cơ quan nào, tổ chức nào đề ra chủ trương chung nhưng họ luôn có những việc làm, những

hành động bổ sung cho nhau để làm giàu cho ngôn ngữ của mình. Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến là không có thái độ ỷ lại mà luôn tạo ra từ mới bằng cách dịch từ Hán, mượn nội dung ý nghĩa, không mượn vỏ âm thanh. Có thể dùng từ Hán nhập tịch từ lâu và đã quen thuộc với người Việt. Bên cạnh đó mạnh dạn dùng tiếng Việt, bám sát ngôn ngữ nói kể cả những từ cửa miệng, không phân biệt từ thanh, từ thô, từ nào nói đúng ý mình là từ hay.

Có thể thấy rằng chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập luôn luôn nằm trong thế vận động, luôn nỗ lực và khát khao đến đích của sự ổn định và hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Khảo sát chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam (Trang 60)