Khái niệm về cảnh huống ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Khảo sát chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam (Trang 30)

Nếu chính sách ngôn ngữ là phạm trù thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thì cảnh huống ngôn ngữ thuộc phạm trù văn hóa tinh thần. Tuy vậy cảnh huống ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ có mối quan hệ vô cùng khăng khít, không thể tách rời và khái niệm này là một trong những phạm trù rất cơ bản của ngôn ngữ học xã hội.

Chính sách ngôn ngữ chỉ đạt hiệu quả khi tính đến tất cả các nhân tố của cảnh huống ngôn ngữ. Vì cảnh huống ngôn ngữ là một trong những nhân tố quan trọng nhất, quan trọng đến mức không thể không tính đến, không dựa vào quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ. Nếu đánh giá cảnh huống ngôn ngữ không đầy đủ, không chuẩn xác thì khó có thể có một chính sách ngôn ngữ có tính toàn diện và đúng đắn. Vì vậy việc nghiên cứu, điều tra, đánh giá và xác định cảnh huống ngôn ngữ phải hết sức thận trọng và nếu xác định được cảnh huống ngôn ngữ chuẩn xác thì mới có được một chính sách ngôn ngữ toàn diện, hợp lý, đúng đắn. Và ngược lại, một chính sách ngôn ngữ có tính toàn diện và đúng đắn sẽ có tác dụng sâu sắc đến đời sống ngôn ngữ của đất nước, làm cho cảnh huống ngôn ngữ biến đổi theo chiều hướng lành mạnh, tích cực, có lợi cho đất nước. Đối với quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ thì cảnh huống ngôn ngữ có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc xác định địa vị các ngôn ngữ trong quốc gia đó.

Bàn về khái niệm cảnh huống ngôn ngữ có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Tác giả Hoàng Văn Hành trong cuốn “Mấy vấn đề về cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp” đã khái lược: “ Cảnh huống ngôn ngữ là phạm trù thuộc văn hóa tinh thần của cộng đồng tộc người hay liên công đồng tộc người, định hình trong tiến trình lịch sử lâu dài trên một vùng lãnh thổ

(một quốc gia, một khu vực) phản ánh trạng thái tồn tại và các hình thái thể hiện sự hoạt động và tác động qua lại của các ngôn ngữ”.

Nguyễn Như Ý thì cho rằng cảnh huống ngôn ngữ là: “Toàn bộ các ngôn ngữ hoặc toàn bộ các hình thức tồn tại của một ngôn ngữ có quan hệ tương hỗ về mặt lãnh thổ và xã hội, có sự tác động qua lại với nhau về mặt chức năng trong phạm vi một vùng địa lý hoặc một thể thống nhất về chính trị - hành chính nhất định”.

Nguyễn Văn Khang trong cuốn: Kế hoạch hóa ngôn ngữ” viết: “Thông thường cảnh huống ngôn ngữ được hiểu là toàn bộ các hình thái tồn tại (kể cả phong cách) của một ngôn ngữ hay của các ngôn ngữ trong một quốc gia hay một khu vực địa lý nhất định”. [10, tr. 266].

Như vậy từ những định nghĩa trên chúng ta thấy rằng cảnh huống ngôn ngữ chính là các chức năng và các hình thức tồn tại của ngôn ngữ có liên quan chặt chẽ với các điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Cảnh huống ngôn ngữ của một quốc gia hay một khu vực luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong việc xác định địa vị của các ngôn ngữ, nhất là ở các ngôn ngữ đa dân tộc. Có thể nói cảnh huống ngôn ngữ gắn bó trực tiếp và mật thiết với chính sách ngôn ngữ như Mikhailichenco đã nhận định: Chính sách ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với cảnh huống ngôn ngữ. Việc thực thi chính sách ngôn ngữ có thành công hay không thì những người làm nghiên cứu phải xác định được cảnh huống ngôn ngữ của quốc gia đó. Theo B.H. Mikhailichenco, khái niệm cảnh huống ngôn ngữ gồm có bốn nhân tố, đó là: Nhân tố dân tộc - nhân khẩu (thành phần dân tộc của cư dân trong một khu vực, cách cư trú của những người thuộc các dân tộc khác nhau, sự phân hóa xã hội, trình độ học vấn của họ…); Nhân tố ngôn ngữ học (trạng thái cấu trúc và chức năng của một ngôn ngữ như sự hiện hữu ở ngôn ngữ này các phong cách chức năng, hệ thống thuật ngữ, truyền thống chữ viết…); Nhân tố con người ( những định hướng có giá trị của người bản ngữ

tài năng ngôn ngữ, sự sàng lọc ngôn ngữ mới của họ); Nhân tố vật chất (các cuốc từ điển, sách hội thoại, tài liệu, giáo viên, hệ thống lớp học ngôn ngữ…). Cảnh huống ngôn ngữ luôn có quan hệ mật thiết với một xã hội nhất định. Sự tồn tại của cảnh huống các ngôn ngữ đều có nguyên nhân của nội tại (ngôn ngữ) và ngoại tại (ngoài ngôn ngữ) là hàng loạt các nhân tố như văn hóa, lịch sử, nhân khẩu, địa lý, chính trị, xã hội….và nó là một khái niệm mang tính hệ thống. Xác định được cảnh huống ngôn ngữ thì mới đề ra được chính sách ngôn ngữ, lập pháp ngôn ngữ và kế hoạch hóa ngôn ngữ một cách thích hợp.

Một phần của tài liệu Khảo sát chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam (Trang 30)