Chính sách đối với chữ Nôm

Một phần của tài liệu Khảo sát chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam (Trang 47)

Văn hóa là một khái niệm mang tính nội hàm rất rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, rất khó để các nhà nghiên cứu tìm một định nghĩa bao quát, nhưng nó cũng rất gần gũi vì nó liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần và cách ứng xử của mỗi dân tộc, tạo nên nền văn hóa khác nhau. Vì vậy văn hóa đang được xem là một nhân tố quan trọng của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Trong mọi nền văn hóa, ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất để chuyển giao văn hóa, làm cho văn hóa có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một hệ thống các ký hiệu có ý nghĩa chuẩn, giúp cho các thành viên trong xã hội có thể truyền đạt được với nhau. Ngôn ngữ ảnh hưởng đến những cảm nhận, suy nghĩ của con người về thế giới, đồng thời truyền đạt cho cá nhân những chuẩn tắc, giá trị, sự chấp nhận quan trọng nhất của một nền văn hóa, tạo tiền đề cho sự sáng tạo. Chính vì thế việc thay đổi hay du nhập một ngôn ngữ mới vào một xã hội đã trở thành vấn đề nhạy cảm tại nhiều nơi trên thế giới và là tiêu điểm cho các cuộc tranh luận về vấn đề xã hội. Xét ở khía cạnh này, trong lịch sử hình thành văn hóa Việt Nam, sự xuất hiện chữ Nôm đã trở thành một bước ngoặt lớn, có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến văn hóa Việt, và do đó, đến đời sống dân tộc Việt Nam kéo dài hàng thế kỷ .

Chữ Nôm là tên gọi của cách viết biểu ý trong thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt dựa trên những thành tố của chữ Hán thường để viết những tiếng thuần Việt. Rất có thể trong lịch sử chữ Nôm được tạo ra từ những năm đầu khi người

Trung Hoa chinh phục nước ta. Những chữ Nôm đầu tiên được sử dụng để chỉ cách gọi địa danh, hoặc những khái niệm không có trong tiếng Hán. Có rất nhiều ý kiến tranh luận về sự ra đời chữ Nôm. Như Phạm Huy Hổ trong “Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào” cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối Đông Hán thế kỷ thứ II. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ “bố cái” trong “Bố cái đại vương” do người dân suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ thứ 8. Có ý kiến khác lại dựa vào chữ “cồ” trong “ Đại Cồ Việt” để đoán định chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng. Một số tác giả nghiên cứu vào thập niên 90 thì căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới kết luận rằng âm Hán Việt ngày nay bắt nguồn từ thời Đường Tống (thế kỷ 8-9). Và nếu âm Hán Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi cố định cách đọc Hán Việt (nếu xét chữ Nôm với tư cách là hệ thống văn tự) và chỉ có thể ra đời sau khoảng thế kỷ X khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Băc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938.

Như vậy, dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia ra làm hai giai đoạn:

+ Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn “đồng hóa chữ Hán”, tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên đất, tên vật xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán.

+ Giai đoạn sau: ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ XI đến thời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Đến thế kỷ XVIII-XIX chữ Nôm đã có những bước phát triển mới. Các tác phẩm như hịch Tây Sơn, khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm, Truyện Kiều của Nguyễn Du là những minh chứng cho sự phát triển của chữ Nôm.

Như vậy có thể thấy chữ Hán và chữ Nôm có những khác nhau cơ bản về lịch sử ra đời, mục đích sử dụng và mỗi chữ có bản sắc văn hóa riêng.

Trên cơ sở của chữ Hán, dựa vào những nguyên tắc cấu tạo chữ Hán, người Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm, một thứ chữ ghi lại tiếng nói của dân tộc Việt. Chữ Nôm ra đời có ý nghĩa hết sức lớn lao, đánh dấu bước phát triển của nền văn hóa dân tộc, ý thức tự cường và khẳng định vai trò địa vị tiếng Việt. Ban đầu chữ Nôm chỉ là những kí tự dùng để phiên âm các tự ngữ nước ngoài, những địa danh, nhân vật ở Việt Nam mà vốn chữ Hán không thể hiện được. Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ tư tưởng chống Hán hóa, là ý thức phản vệ của dân tộc trước những gì có tính ngoại lai.

Vào thời kỳ Bắc thuộc, người phương Bắc tràn vào Việt Nam với dụng ý đồng hóa dân tộc Việt, chữ Nôm ra đời chống lại xu hướng Hán hóa của người phương Bắc, đồng thời khẳng định tinh thần dân tộc. Chữ Nôm trước hết là sự thể hiện nhu cầu dân tộc về mặt ngôn ngữ văn tự. Trên cơ sở dùng chính những nét viết của chữ Hán để ghi lại tiếng nói của dân tộc, chữ Nôm ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của đời sống.

Chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự cổ của Việt Nam từ khi xuất hiện đến đầu thế kỉ XX đã là một phương tiện quý giá dùng để ghi chép bằng tiếng mẹ đẻ của người Việt trên tất cả các lĩnh vực văn học, lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ trong hàng 7, 8 thế kỉ trước khi chữ Quốc ngữ được sử dụng và thay thế nó.

Nhu cầu ghi chép tiếng mẹ đẻ chắc chắn phải có từ rất sớm. Việt Nam xét về mặt địa lý là trung tâm của Đông Nam Á cổ đại với tính chất là một thể cộng đồng văn hóa chạy dọc từ sông Trường Giang đến Inđônêxia từ bắc xuống nam và từ Assam đến Philipin từ tây sang đông, lại là nơi gặp gỡ của hai nền văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. Trước khi tiếp xúc với văn hóa Hán, Việt Nam đã có sẵn một cơ tầng văn hóa Đông Nam Á với hệ thống công xã, tục thờ cúng tổ tiên, cúng tế thần hoàng làng, làm lễ cầu mùa, cầu hồn lúa. Việc chia đất cho các suất đinh trong công xã cần ghi rõ tên tuổi người nhận, tên các thửa ruộng, việc thờ cúng các linh vật cần ghi rõ tên núi, sông mà các tên này khá xa lạ với tiếng Hán. Khi tiếp xúc với văn tự Hán và dùng chữ Hán để ghi chép chắc hẳn họ phải dựa vào loại văn tự khối vuông Hán, mượn khuôn âm của văn tự Hán mà tạm ghi lấy các tên người tên vật thuộc ngôn ngữ Nam Á kia để thỏa mãn nhu cầu của mình. Đấy là khởi thủy của việc xuất hiện chữ Nôm.

Với dân tộc Việt, chữ Nôm ra đời không phải để phủ định chữ Hán mà để bổ khuyết vào những mảng còn thiếu của ngôn ngữ đời sống. Chữ Nôm là phần bổ sung cho nhu cầu tối quan trọng của đời sống một dân tộc khi đã có quyền tự chủ của mình. Vì thế nó dần dần lớn mạnh như chính sự vững vàng của dân tộc đó trước kẻ đã từng đô hộ mình hàng ngàn năm lịch sử.

Chữ Nôm thuộc loại hình văn tự khối vuông, nghĩa là toàn bộ chữ được cấu tạo một ô vuông, được xây dựng trên cơ sở chất liệu là chữ Hán và được đọc theo âm Việt. Việc dùng chữ Hán chính thức trong tầng lớp cai trị đất nước là

điều dễ hiểu, nhưng chữ Hán ngoài việc là một loại chữ khó học và khó phổ biến, không thích hợp với đại đa số dân chúng trong việc dùng để biểu đạt ý tưởng trong cuộc sống thường ngày nó còn là thứ chữ không đủ vốn từ để ghi âm những từ thuần Việt. Và kho chữ Nôm có được là do sự dày công của người Việt, do du cầu nội tại của đời sống.

Chữ Nôm xuất hiện ở Việt Nam khi chữ Hán đã vào Việt Nam và đã được hình thành một cách có hệ thống âm Hán Việt, nên ban đầu chữ Nôm thuần túy ghi âm Việt. Dần dần có những chữ Hán không ghi được âm Hán Việt cho nên các chữ Nôm sáng tạo được ra đời. Khi ý nguyện sáng tạo ra một dạng chữ riêng của người Việt trở nên mạnh mẽ hơn trong thời Lê, những chữ Nôm được tạo ra một cách có ý thức hơn đã giúp cho sự hình thành thêm nhiều chữ Nôm mới đủ để biểu đạt tâm tư, nguyện vọng, tâm hồn và khí phách dân tộc trong các tác phẩm văn chương như thơ, phú, chiếu, cáo, biểu. Sự sáng tạo đó đã để lại cho đời sau những di sản thơ Nôm vô giá từ những bài thơ của Nguyễn Thuyên đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, từ Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông đến Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ những bài thất ngôn bát cú thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đến dạng song thất lục bát trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, thơ lục bát với Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Rồi thi văn hát nói của Nguyễn Khuyến, Tú Xương và không ít những tác phẩm truyện Nôm khuyết danh khác như Thạch Sanh, Trê Cóc, Tấm Cám, Nhị Độ mai. Lưu Bình Dương Lễ.

Khi hệ thống văn tự Nôm được hình thành và việc sáng tác thơ văn bằng chữ Nôm trở thành phong trào thì đã có sự phân công giữa chữ Hán và chữ Nôm về mặt chức năng: chữ Hán được dùng trong hành chính, giáo dục, trong giao tiếp triều chính còn chữ Nôm thì được dùng trong giao tiếp, văn chương bình dân. Chữ Nôm chưa bao giờ được nhà nước phong kiến điển chế hóa, đó là một thực

tế. Và một thực tế khác nữa là chữ Nôm vẫn tồn tại bên cạnh chữ Hán, bổ khuyết cho những mảng đời sống mà chữ Hán không quan tâm hoặc không cho là quan trọng. Chữ Nôm có vai trò trong hình thành, phát triển và bảo lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy quá trình thuần thục văn hóa trong biến chuyển kinh tế từng giai kỳ. Chữ Nôm qua các thế kỷ là một điều đáng tự hào về sức sống mạnh mẽ của dân tộc, một biểu hiện cụ thể và phong phú về sự diễn tiến nhịp nhàng, vững chắc của Việt Nam ta từ ngàn xưa cho đến ngày nay, mở ra một triển vọng mới cho sự phát triển ngôn ngữ và tiếng nói dân tộc.

Nếu nhìn lịch sử thành những giai đoạn lớn thì có thể khẳng định rằng chữ Nôm là thành tựu văn hóa của nhà nước phong kiến đang khẳng định độc lập. Chữ Nôm là sản phẩm tất yếu của sự tiếp xúc với nền văn hóa Hán. Nước ta nằm trong khu vực thuộc địa bàn ảnh hưởng văn hóa Hán, nhằm phục vụ một ngôn ngữ cũng thuộc loại hình cơ bản như tiếng Hán mà biết dựa vào văn tự Hán, tạo ra được một lối chữ như chữ Nôm, đó là một sự kiện rất phù hợp với điều kiện của lịch sử. Đây là sự khởi đầu tạo tiền đề cho sự phát triển chữ Nôm các giai đoạn tiếp theo.

Chữ quốc ngữ được các nhà truyền giáo chế tác vào thế kỷ XVII với mục đích là truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam và học tiếng Việt. Muốn truyền bá đạo của mình, cần phải có phương tiện giao tiếp. Trong thực tế rất ít người Việt biết chữ Nôm và không thể dựa vào chữ Nôm để truyền bá đạo Thiên Chúa. Các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra hệ thống ký tự ghi tiếng Việt dựa trên chữ cái La Tinh. Thời gian này bắt đầu tồn tại ba loại chữ viết đó là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Trong đó chữ Hán vẫn chiếm ưu thế nhưng bên cạnh đó có khá nhiều tài liệu văn học, triết học, sử học, luật học, y khoa, tôn giáo được viết bằng chữ Nôm, mặc dù rất hiếm có những giai đoạn chữ Nôm được coi trọng và chưa từng được sử dụng một cách có ý thức trong các văn bản hành chính của

chính quyền, thậm chí có những khi nhà cầm quyền e ngại chữ Nôm và đã có những hoạt động tiêu cực đối với chữ Nôm. Năm Cảnh Trị nguyên niên (1663) Chúa Trịnh sai Phạm Công Trứ soạn 47 điều giáo hóa bằng Chữ Hán để chỉnh đốn trật tự phong kiến bị suy vong non hai trăm năm loạn lạc. Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), viên lang trung thuộc Lại bộ tuyên khảo ty là Nhữ Đình Toản đem ra diễn Nôm 47 điều giáo hóa ấy. Cùng với việc ban hành 47 điều giáo hóa, Trịnh Tạc cho thu thập nhiều sách Nôm “có hại cho giáo hóa” đem đốt đi. Việc làm ấy của Trịnh Tạc hồi cuối thế kỷ XVII lại được Trịnh Cương tiếp tục vào hồi đầu thế kỷ XVIII. Những văn bản hành chính như sổ sách, công văn giấy tờ, thư từ, khế ước chỉ đôi khi có xen chữ Nôm khi không thể tìm được một chữ Hán mang nghĩa tương đương để chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán Việt bởi quan điểm của giới sĩ đại phu các triều đại bấy giờ là “nôm na là cha mách qué”. Nhưng ngược lại nhằm tăng cường tính tự tôn và tinh thần dân tộc, triều đại Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã chủ trương dùng Tiếng Việt và chữ Nôm trong hành chính, trong giáo dục, thi cử và trong tế lễ thiêng liêng. Dưới triều đại nhà Tây Sơn, nhằm tăng cường tính tự tôn và tinh thần dân tộc cùng sự hậu thuẫn của chính quyền Quang Trung hoàng đế, toàn bộ các văn kiện hành chính buộc phải viết bằng chữ Nôm trong 24 năm (từ 1788 đến 1802). Chữ Hán đối với họ, có thể coi là những món xa lạ, không sát với thực tế. Vì vậy chữ Nôm bấy giờ, vì nhu cầu của thời đại, vì sở năng của cá nhân đã được đóng một vai trò lịch sử khá quan trọng.

Chứng cớ là vua Thái Đức từ khi lên ngôi (Mậu Tuất, 1778) đến năm Mậu Thân (1788) đã tổ chức nhiều cuộc thi tuyển chọn nhân tài để giúp việc thảo sắc thư, viết chiếu chỉ. Trong đó có Bình vương Nguyễn Huệ, lúc đó đang làm đại nguyên súy tổng quốc chính.

Đây là tờ chiếu do Bình vương Nguyễn Huệ gửi cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp năm Thái Đức thứ mười một (1788) cũng viết bằng chữ Nôm:

“Chiếu truyền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp khâm tri:

Ngày trước ủy cho phu tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi ngự. Sao về tới đó chưa thấy đặng việc nhỉ? Nên hãy giá hồi Phú Xuân kinh, hưu tức sĩ tốt.

Vậy chiếu ban hạ, phu tử tảo nghi dữ trấn thủ Thận cộng sự, kinh chi, doanh chi, tướng địa tu đô tại Phú Thạch hành cung sao hậu cận sơn. Kỳ chính địa phỏng tại dân cư chi gian hay là đâu cát địa khả đô, duy phu tử đạo nhãn giám định, tảo tảo tốc hành .

Uỷ cho trấn thủ Thận tảo tập cung điện, kỳ tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự. Duy phu tử vật dĩ nhân hốt thị.

Một phần của tài liệu Khảo sát chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam (Trang 47)