6. Bố cục nghiên cứu
2.1.2. Phản ứng của nhóm Nam Phong với chính sách giáo dục thực dân
Nam Phong tạp chí là cơ quan ngôn luận của chính phủ Pháp ở Bắc Kì, quan điểm của báo không thể hiện thái độ chống đối lại nhưng luôn đưa ra được những đóng góp quan trọng để tăng tính dân tộc trong nền giáo dục lúc bấy giờ, nhiều khi trái ngược với chủ đích giáo dục của thực dân.
Đối với chính sách của thực dân Pháp muốn hướng giáo dục Việt Nam đến mục đích đào tạo hệ thống viên chức phục vụ cho chính quyền, Phạm Quỳnh ít nhiều cũng đã có phản ứng. Khi bàn về thể chế trường Hậu bổ, ông phê phán cách đào tạo cho những người sắp ra cai trị dân mà chương trình chẳng khác gì lớp nhất, lớp nhì các trường Pháp - Việt. Dùng cách học thuộc dành cho trẻ em để dạy người lớn. Từ đó, Phạm Quỳnh đưa ra kiến nghị cho trường Pháp chính sắp đi vào hoạt động. Ý kiến của ông được đăng trong bài “Trường Hậu bổ với trường Pháp chính mới” (Nam Phong tạp chí, số 3):
35
“Thứ nhất là trường Pháp chính không dạy làm quan nữa.
Thứ nhì là trường Pháp chính sẽ gồm các học trò Bắc Trung Nam kỳ đề đạt cho tư cách nhà hành chính, nhà tư pháp.
Thứ ba là học trò Bắc kỳ muốn ra làm quan phải tốt nghiệp nhà trường rồi vào Kinh ứng thí.” (tr.155)
Mục đích của Phạm Quỳnh là muốn hướng cho trường Pháp chính dạy cho người Việt tri thức về pháp lý chứ không đơn thuần là đào tạo những kỹ năng để họ bước vào quan trường.
Các tác giả khác thuộc nhóm Nam Phong cũng nhiều lần nhắc đến một nền giáo dục quốc dân, tức là giáo dục phổ thông, giáo dục dành cho tất cả mọi người. Điều này rõ ràng đi ngược với ý muốn của người Pháp trong tham vọng nô dịch văn hóa nước ta. Trên thực tế, Pháp có lập các trường gọi “trường phổ cập” nhưng thực chất chỉ là biện pháp đối phó với sự xuất hiện trở lại của các trường Hán học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Theo đó, ở Bắc Kỳ, mở mỗi làng 1 trường, Trung Kỳ thì 2-3 làng một trường. Chương trình học có ba năm với mục đích cho người học đọc thông, viết thạo, biết một số kiến thức cơ bản trong vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày.
Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1917-1929) nằm trong khoảng thời gian hoạt động của Nam Phong tạp chí. Giáo dục do đó hẳn nhiên luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng trên mặt báo.
Tạp chí Nam Phong xuất bản số đầu tiên ngày 1-7-1917. Đây là thời điểm chữ Nho, văn tự chính thức của triều đình đã được sử dụng hàng ngàn năm sửa soạn bị thay thế. Nam Kỳ hoàn toàn không còn các kỳ thi Nho học. Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định ngày 6-4-1878, theo đó kể từ 1-1-1882, ở
36
Nam Kỳ, tất cả các giấy tờ như công văn, nghị định, quyết định, bản án, lệnh… đều viết bằng mẫu tự la tinh, tức chữ Pháp hay Quốc ngữ, chứ không còn viết bằng chữ Nho, nghĩa là chữ Nho chính thức hoàn toàn chấm dứt và được thay thế bằng chữ Pháp hay Quốc ngữ. Tại Trung và Bắc Kỳ, ngày 21- 12-1917, toàn quyền Albert Sarraut công bố “Quy chế chung về ngành giáo dục công cộng ở Đông Dương” (Règlement général de l‟instruction publique en Indochine), thường được gọi là Học chính tổng quy, áp dụng cho toàn cõi Đông Dương. Phần cuối của bản tổng quy định rằng các trường chữ Nho của tư nhân hay của triều đình, kể cả Quốc tử giám, đều được xếp vào loại trường tư và phải tuân theo quy chế của chính quyền Pháp. Nói cách khác, tổng quy này đã dứt bỏ hẳn chương trình Nho học.
Bộ Học chính tổng quy có hiệu lực từ năm 1917 hướng vào việc Pháp hoá nền giáo dục bản xứ, đưa môn học tiếng Pháp vào chương trình ở bậc học tiểu học, không những giới hạn tối đa lớp học chữ nho mà còn đặt lớp học này dưới sự kiểm sát giám thị. Mục đích cuối cùng của tổ chức giáo dục theo bộ Học chính tổng quy vẫn là đánh bạt ảnh hưởng Hán học, đồng thời khai hoá tạo ra một lớp người mới chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp.
Chủ trương này trên thực tế đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ và dẻo dai của các trường học cổ truyền hay chữ nho. Ngay cả Nam Phong, tờ báo đã giới thiệu và ca tụng bộ Học chính Tổng quy, vẫn còn nêu điều thắc mắc qua việc đăng bài “Bàn về việc học của quốc dân. Chữ nho có bỏ được không?”của Nguyễn Tất Tế, tri phủ Mĩ Đức, Hà Đông, viết năm 1915, in trong Nam Phong số 19 (trang 197- 201). Dưới đây là những đoạn trích dẫn:
“Từ khi khởi ra cái nghị lấy chữ Pháp đổi hẳn chữ Nho, thì ngoài đồn rằng Chánh phủ sợ dân học nho rồi lại theo Tàu nên phải đổi.”
37
“Nhiều người thấy các trường Đốc học, Giáo, Huấn, hầu không có nghe tiếng đọc sách, mà nghĩ lầm rằng: chữ nho là số liệt bại (...) nghĩ thế là chưa xét kỹ. Trường Đốc học, Giáo, Huấn không học trò là vì thơ, phú, sách, luận không thi nữa, có phải dân không học nho đâu; chúng ta nên biết chữ nho trong nước ta, cha đủ sức dạy con, anh đủ sức dạy em, không cần mượn thầy, tôi thường đi chơi các làng, chẳng ngõ nào không nghe tiếng tiếng học Luận, Mạnh, thành ra mỗi xóm có một trường, mà mỗi làng có năm bảy trường, trước hợp lại học các trường công, chẳng được bao, nay ta về học các trường riêng càng nhiều lắm. Hoa nho tàn hay chửa, hãy xin xem chốn nhà quê.”
“Không phải dân nhà quê cố ý thủ cựu, bởi vì ngôn ngữ phong tục trong nước, hết thảy là đạo nho, nếu ai không học, đối với người thì khế khoán không tường, đối với nhà thì phổ chúc không biết, như mù, như điếc, thành một người ngu ngốc ở đời, vậy nên không cứ giàu nghèo, ai có con cũng phải cho học.”
“Nhiều khi tôi bảo các tổng sư dạy trẻ thuần bằng quốc ngữ, cho trẻ chóng khôn, không cần học nho, thì bố mẹ đem con ngay về tìm thầy khác dạy ; hỏi cớ sao thế ? Người ta đáp rằng : „Quốc ngữ mất dấu, chữ nọ ra chữ kia, nếu không học nho, chắc sau con cháu lẫn cả tên ông vải.‟ Thế mới biết chữ nho có nhiều mối vướng vít, làm cho dân gỡ không ra.”
“Chữ nho bỏ không xong, chữ Tây thay cũng khó nước nào chẳng thế, mà nước ta càng hơn nữa, trăm người đến 99 người nghèo, bới đất vạch cỏ cả đời, hai tay không đủ vun vào lỗ miệng, nom thấy trường Pháp Việt Chánh phủ mở cửa, cũng biết cho con học đó thì dễ kiếm ăn, mà ngặt về nỗi nghèo không sẵn đồng tiền, một quyển Lecture giá 7 hào, đắt hơn 4 quyển Tứ
38
truyện ; một tập giấy tây giá hào rưỡi, đắt bằng trăm tờ giấy nam ; tính mình (...) không đủ tiền gửi con vào trường học một tháng, (...) đành cho con học nho vậy...”
“Phương chi thượng lưu học chữ Pháp, chửa hẳn đã phát đạt (...) nhưng khi cắp sách vào trong lớp học, chả ai không có lòng mơ tưởng cao xa, thế mà Chánh phủ mở trường 40 năm nay kết quả đến Thông ngôn là cùng dẫu rằng Tân học cử nhân, Tân học tú tài, đổi danh hiệu sang để mới tai mắt người, mà kỳ thực chửa khỏi hai chữ Thông ngôn được.”
Trên đây là tóm lược các lý lẽ về văn hoá, lịch sử, kinh tế của viên tri phủ Nguyễn Tất Tế đưa ra để bênh vực cho các trường dạy chữ nho cổ truyền. Sức sống còn của các trường này khá vững bền đến mức năm 1938, nghĩa là hơn hai mươi năm sau khi áp dụng bộ Học chính Tổng quy, theo dẫn liệu thống kê cuộc điều tra về nạn mù chữ ở Thanh Hoá, ta có những con số không ngờ. Như tại ba làng không có trường tiểu học là Thọ Lộc, Nam Thôn và Ninh Thôn chỉ có 3% đàn ông ở lứa tuổi 30 biết đọc một trong ba thứ tiếng, quốc ngữ, Hán, Pháp. Còn lứa tuổi cao hơn, tức là lứa tuổi theo học trường dạy nho cổ truyền thì đến 48 % đọc thông chữ Hán. Nhưng sự trường tồn và sức hấp dẫn của các trường thầy đồ chắc chỉ xảy ra ở nông thôn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chứ càng đi vào Nam thì tình hình có đổi khác: giai đoạn 1916- 1920, học trò các trường Nhà nước đã đông; chữ quốc ngữ đã thông dụng; chữ Hán đã bắt đầu bị chữ quốc ngữ và chữ Pháp thay thế.
Sau kỳ thi hương tại Nam Định năm 1915, Bắc Kỳ ngưng tổ chức các kỳ thi Nho học. Tại Trung Kỳ, các khoa thi hương năm 1918 và thi hội năm 1919 là những khoa thi Nho học cuối cùng. Từ đây, nền giáo dục đã hoàn
39
toàn chuyển qua tân học với hai loại chữ viết chính thức là Pháp ngữ và Quốc ngữ.
“Kịp đến năm 1915, bãi thi hương ở Bắc Kì, tức là hồi trống sau cùng để báo từ nay chợ văn chương thôi không còn họp nữa.”(tr.323)
Trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, người Pháp đã tiến hành song song hai hệ thống giáo dục trên đất Việt Nam: Pháp - Việt và Nho học. Nhìn lại về cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, những bất cập của sự tồn tại song song hai hệ thống giáo dục được nhắc đến trong một bài luận thuyết “Cái vấn đề giáo dục ở nước Nam ngày nay” của Phạm Quỳnh đăng trên Nam Phong số 12: “Sự học cũ cải cách lại không những là không tốt hơn mà còn xấu kém đi, trình độ học trò không những là không cao hơn trước mà lại thấp kém xưa, thật đủ khiến cho những người còn có bụng tồn cổ sinh thất vọng trong lòng” (tr.324)
Tuy vậy, trong khi bàn về tương lai của Hán ngữ và Quốc ngữ, Phạm Quỳnh cũng đề đạt dành cho Hán văn một vị trí xứng đáng. Ở bậc phổ thông, chữ Hán không được đưa vào giảng dạy như thời gian trước nhưng không phải vì thế mà bỏ rơi giá trị của một “nền học cổ điển” (chữ dùng của Phạm Quỳnh đối với nền Nho học cũ). Do vậy, ông đề xuất xây dựng bộ môn Cổ điển học ở bậc học cao hơn: cao đẳng và Đại học. Trong đó, ông đã đề ra một chương trình Ngôn ngữ và văn chương Hán Việt khá chi tiết. Chương trình bày bao gồm việc nghiên cứu từ chữ nôm chữ Hán tới văn học sử Tàu, Tống nho, Minh nho, ảnh hưởng của tâm tư, rồi các lối tản văn mới các báo chí viết bằng quốc ngữ.
Một trong những điểm đáng lưu ý trong bộ Học chính Tổng quy là các môn ở bậc Tiểu học đều phải dạy bằng tiếng Pháp. Địa vị lu mờ của tiếng
40
Việt ngay ở cấp bậc sơ học đã gây nên một luồng dư luận xin xem xét lại vấn đề này.
Ở tiểu mục “Sự dạy học bằng tiếng Pháp”, Nam Phong số 18, trang 339-341, có nhắc đến tờ chu tri của Toàn quyền Sarraut, với đoạn:
“Từ nay phải hết sức làm cho chữ Pháp thông dụng trong các trường tiểu học, bắt đầu ngay từ lớp ba (...) Vả từ xưa đến nay vẫn thi tiểu học tốt nghiệp bằng chữ Pháp thì đủ biết sự dạy học bằng tiếng Pháp ở các trường đã là một sự cố nhiên rồi (...)”
“Vì những thứ chữ như chữ quốc ngữ, (...) đã thành ra văn tự gì có tiếng trong thế giới đâu, vả ai cũng biết rằng hãy còn khuyết điểm nhiều lắm, chưa có đủ những danh từ về khoa học để diễn những môn học mới của Thái Tây.”
Xem qua những lời kể trên ta thấy ngay chủ trương bành trướng tiếng Pháp, lấn áp tiếng Việt, thật rõ ràng làm người chủ bút báo Nam Phong cũng phải nhận xét: “Cho nên cứ như ý riêng của người bàn đây thời dạy học bằng tiếng Pháp trong suốt các trường tiểu học hiện nay e còn chưa được tiện lợi lắm (...)” (tr. 340)
Phạm Quỳnh thấy rõ đường hướng giáo dục có tính cách “đồng hoá” này của thực dân Pháp rất nguy hại cho tiền đồ của dân tộc. Nó làm cho dân ta dần dần sẽ bị “Tây hoá”, “mất gốc”. Vả muốn dạy khắp quốc dân không có chữ quốc ngữ không xong, mà không có khoa thi quốc ngữ thì lấy gì mà thưởng lệ cho người ta. Do đó ông đã vận động ở báo Tây, vì báo ta vô hiệu, để xin lấy chữ quốc ngữ dạy các trường tiểu học và cho thi tốt nghiệp tiểu học bằng quốc ngữ.
41
Nguyễn Khắc Khiêm trong bài “Vấn đề việc học nước ta bây giờ” (Nam Phong, số 48) đã phản ứng: “Phải có cái bằng tiểu học về quốc ngữ để làm cách giáo dục có cái tư cách quốc dân đã, không phải là bắt đầu đi học chữ Pháp ngay được...” (tr.507)
Trong Tập kỷ yếu của Hội Khai Trí Tiến Đức:
“… Cứ như thế thì sự học ở các trường sơ học (tức là trường Pháp - Việt) của Chính phủ bây giờ không bao giờ đạt được cái mục đích ấy: học trò trong mấy năm ở nhà trường chỉ nhồi óc bằng những tiếng tây mập mờ không hiểu rõ, còn nghĩa lý không biết một tí gì cả, thậm chí những người thuần học tiếng tây ở các trường Chính phủ đối với xã hội đã mang tiếng là người ngây ngô nhố nhăng. Nay muốn trừ sự hại đó thời phải xin Chính phủ thay đổi hẳn cái học chế về bậc sơ học, lấy chữ quốc ngữ làm chữ chính, chữ Pháp làm chữ phụ và tốt nghiệp thời thi một cái bằng "tiểu học tốt nghiệp bằng quốc ngữ", gọi là bằng khoá sinh” (tr.413)
Trước phản ứng, thỉnh cầu của các giới cấp, và nhất là trước sự thất bại quá rõ trên thực tế của chương trình giáo dục bậc tiểu học, Toàn quyền Ðông Dương lại ra nghị định 18/1924 sửa đổi lại ba điều 134, 135 và 136 trong Học chính Tổng quy. Việc sửa đổi này được thông báo trong Nam Phong số 87:
“Ðiều 134. Lý ưng thì các món tiểu học phải dạy bằng tiếng Pháp cả. Song vì lẽ thực tế thì dùng tiếng bản xứ để dạy ba lớp bậc tiểu-học… Ðiều 135. Ðặt ra một cái „bằng sơ-học yếu-lược‟ để chuẩn chứng cho sự học trong ba lớp đầu bậc tiểu-học...
42
Ðiều 136. Phàm học trò ứng thí bằng „tiểu học tốt nghiệp‟ tất phải có bằng „sơ học yếu lược bằng tiếng bản xứ‟ như điều trên đã định mới được.”
Nói tóm lại là trong ba lớp dưới tiểu học, bất phân là trường nhà quê hay trường kẻ chợ, trường yếu lược hay trường kiêm bị, từ nay trở đi đều phải dạy bằng tiếng An Nam cả, học hết ba lớp ấy phải thi lấy một cái bằng tức như bằng “tuyển sinh” năm xưa, học trò nào có bằng ấy mới được lên lớp nhì lớp nhất và ra thi “tiểu học tốt nghiệp”. (tr.185)
Như vậy tiếng Việt bây giờ tiến được một bước đáng kể, trở thành ngôn ngữ giáo dục ở cấp tiểu học, một địa vị hẳn là còn khiêm tốn nhưng không kém phần quan trọng. Trong khi chờ đợi tiếng Việt bước vào ngưỡng cửa đại học năm 1945 trong một nước Việt Nam độc lập, cái bằng sơ học yếu lược đánh dấu sự thắng lợi lớn của tiếng Việt trước sức chèn ép lần lượt của chữ Hán và của tiếng Pháp. “Lệ thi ấy chẳng qua là một lệ thi thấp hèn nhỏ mọn nhưng có bậc nhỏ mọn thấp hèn ấy rồi dần dần về sau mới lên được cõi vẻ vang, rực rỡ, đăng cao tất tự nhi” (Nam Phong, số 122, tr.362)