Bản sắcvăn hóa Kinh Bắc và những đặc trưng của bản sắcvăn hóa

Một phần của tài liệu Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 32)

văn hóa Kinh Bắc

Kinh Bắc – một địa danh vốn tồn tại và phát triển ở địa bàn là diễn trường lịch sử tiêu biểu của dân tộc, con người Kinh Bắc – Bắc Ninh đã tạo lập những truyền thống, sắc thái văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú bản sắc, phẩm hạnh con người và văn hóa Việt Nam, kết tinh thành “văn hóa Kinh Bắc”. Có thể nói xứ Bắc – Kinh Bắc là mảnh đất “địa linh” như nhận xét của sử thần Phan Huy Chú trong công trình khảo cứu “Lịch triều hiến chương loạn chí”, bộ Bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông vòng quanh là mạn trên của nước ta. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với

mọi nơi” [32,]. Sự khác biệt với mọi nơi chính là sắc thái văn hóa riêng, tạo thành bản sắc riêng có của vùng Kinh Bắc, khiến xứ Bắc – Kinh Bắc trở thành một trong những vùng đất tiêu biểu của nền văn hóa và nhân cách Việt Nam như: tinh thần đoàn kết cộng đồng được hình thành sớm và bền chặt, có lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, tính cần cù, năng động, tài khéo trong làm ăn buôn bán, truyền thống hiếu học và khoa bảng, lòng say mê và sáng tạo trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tinh thần nhân ái và nghĩa tình trong quan hệ ứng xử “tứ hải giao tình”, “tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”… Điều đó đã được viết trong công trình khảo cứu đồ sộ về địa chí của nước ta mang tên “Đại Nam nhất thống chí” của các sử thần triều Nguyễn: “Trong toàn hạt người chuyên nghề sĩ và nông có ba phần, chuyên nghề thương mại có một phần; phong tục cũng hơi giống như ở Hà Nội… Phong tục ấy cũng gần được trung hậu vậy, còn những câu ca dao trong làng xóm, có quan hệ đến phong hóa thì có tính đoan chính vậy”. Không thể hiểu được văn hóa Bắc Ninh nếu không cắt nghĩa nó là một hiệu quả giao thoa, giao hòa văn hóa Việt, Hán, Ấn, Chàm… trong suốt một thời gian lịch sử từ thời cổ đại đến thời Lý – Trần… Không có Sỹ Nhiếp, Khâu Đà La, Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và nhiều tù binh - nghệ sỹ Chàm đến tụ cư ở Luy Lâu, Long Biên, Phù Đổng… thì cũng khó mà có một truyền thống văn hóa Kinh Bắc của thời tự chủ như ta hiện thấy. Đằng sau một Nguyễn Nộn cư sỹ Phù Đổng là một người Chàm Phan Mã Lôi “giỏi cưỡi ngựa như thần”. Những pho tượng Phật bằng đá và những điêu khắc đá tuyệt vời ở chùa Phật Tích, đấy là nghệ thuật Việt, cái đẹp Đại Việt đã biết hội nhập nhiều yếu tố ngoại sinh Hán, Đường, Chăm…

Văn hóa Kinh Bắc - một nền văn hóa từ rất lâu đời được kết tinh bởi những giá trị vật chất và tinh thần của con người trên quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh trong trường kỳ lịch sử góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng nền văn minh sông Hồng thời mở nước, nền văn minh Đại

Việt thời phong kiến tự chủ, nền văn minh thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Đó là sản phẩm lịch sử - xã hội của con người trên vùng quê xứ Bắc – Kinh Bắc với vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đó là mảnh đất vốn là một trong những cái nôi sinh của dân tộc Việt, trung tâm diễn ra cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt của dân tộc chống xâm lược và đồng hóa trong suốt thiên niên kỷ đầu công nguyên. Đây chính là quê hương triều Lý – triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt, miền đất phên giậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, nơi thi triển nhiều chính sách kinh bang đất nước của các triều đại phong kiến, miền quê sớm có phong trào cách mạng và là nơi sinh thành những chiến sỹ cộng sản xuất sắc, lãnh tụ tiền bối của Đảng cộng sản Việt Nam như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ…

Từ những tìm hiểu về khái niệm bản sắc văn hóa và văn hóa Kinh Bắc tác giả luận văn xin đưa ra cách hiểu của mình về khái niệm bản sắc văn hóa Kinh Bắc như sau: “Bản sắc văn hóa Kinh Bắc là kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc, đậm đặc của vùng Kinh Bắc. Nó được hình thành, tồn tại, phát triển trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước và biểu hiện ở các sắc thái văn hóa như: chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cộng đồng, tinh thần lạc quan, cởi mở dễ hòa hợp, thích ứng trong giao lưu văn hóa…, tính duy tình trong các cư xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với tự nhiên…

Bản sắc văn hóa Kinh Bắc thể hiện ở những đặc trưng tiêu biểu, những đặc trưng ấy nảy sinh, tồn tại và phát triển cùng với lịch sử trường kỳ của quê hương Kinh Bắc và lịch sử dân tộc cũng giống như ở bất cứ nơi đâu, ở bất kỳ vùng quê nào trên đất nước Việt Nam; song với một xứ sở vốn là một trong những cái nôi sinh thành dân tộc và văn hóa Việt Nam thì các yếu tố đó giường như biểu hiện một cách đậm đặc hơn, rõ nét hơn. Trong công trình “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”, do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia

xuất bản năm 2000, với chuyên luận “Vài nét văn hóa vùng Kinh Bắc”, tác giả Trần Đình Luyện – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phân tích những nét đặc trưng nhất của văn hóa vùng Kinh Bắc tạo thành bản sắc văn hóa Kinh Bắc: “ Xứ Bắc – Kinh Bắc với vị trí địa lý và vị thế lịch sử - xã hội riêng đã là nôi sinh thành dân tộc và tảng nền văn hóa tộc người Việt, địa bàn trung tâm diễn ra các cuộc đấu tranh chống xâm lược và đồng hóa của phong kiến phương Bắc, là trung tâm diễn ra sớm nhất và liên tục các cuộc giao lưu tiếp xúc, hội nhập kinh tế, văn hóa, tôn giáo giữa nước ta với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Á. Với vị thế và đặc điểm lịch sử - xã hội đặc biệt đó, đã khiến xứ Bắc – Kinh Bắc trở thành một trong những vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến và nhân cách Việt Nam, với những sắc thái, đặc trưng riêng, phản ánh trong truyền thống của con người vùng Kinh Bắc: tinh thần đoàn kết cộng đồng được hình thành sớm và bền chặt; có lòng yêu nước và tinh thần cách mạng; tính cần cù, năng động, tài khéo trong làm ăn buôn bán; truyền thống hiếu học và khoa bảng; lòng say mê và sáng tạo trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật; tinh thần nhân ái và nghĩa tình, lịch lãm trong quan hệ ứng xử “tứ hải giao tình”, “tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”…”[39, tr. 36-37].

Theo tôi, có thể khái quát thành 4 đặc trưng tiêu biểu của bản sắc văn hóa Kinh Bắc, là:

Thứ nhất, tinh thần cộng đồng bền chặt dựa trên mối liên kết đặc biệt giữa con người và cộng đồng như gia đình, họ mạc, làng nước biết tổ chức cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng có kỷ cương nề nếp…, trên cơ sở tình yêu thương gắn bó máu thịt với quê hương đất nước.

Đó là mối liên kết vừa bền chặt, vừa rộng mở, tạo cho cộng đồng có sức mạnh đoàn kết to lớn, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm cao của con người trước cộng đồng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Chính nhờ đó từ rất xa xưa, con người vùng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh đã kiến lập nên những

làng xã tiêu biểu, điển hình cho làng xã Việt Nam, trở thành pháo đài vững chắc, chống lại và giành thắng lợi trước bao hiểm họa của thiên tai và địch họa. Làng quê Bắc Ninh không chỉ trù phú sầm uất các hoạt động giao lưu kinh tế, buôn bán mà đặc biệt còn là sự gắn kết, liên kết chặt chẽ của các thành viên trong làng với nhau trên nền tảng văn hóa tinh thần Việt Nam với nội dung nhân văn sâu sắc, nhân ái cao cả.

Thứ hai,những đức tính, phẩm hạnh của con người Kinh Bắc như: cần kiệm, tháo vát, năng động, sáng tạo, khéo léo trong làm ăn kinh tế, giao lưu buôn bán, sản xuất các mặt hàng thủ công gia dụng và mỹ nghệ, làm các món ăn đặc sản có giá trị văn hóa và kinh tế cao.

Có thể nói con người nơi đây có những “bàn tay vàng”, “bàn tay tiên”. Nhờ đó mà họ đã lập nên những làng quê trù phú, phố, chợ sầm uất; sáng tạo nên dòng tranh Đông Hồ, giấy dó Đống Cao…; dựng nên những công trình kiến trúc quy mô cùng những tác phẩm đặc sắc mà nay ta còn được gặp lại với số lượng lớn và đậm đặc các di tích lịch sử, cách mạng, kiến trúc nghệ thuật thể hiện sự tài khéo, tinh tế và sáng tạo của con người Kinh Bắc. Theo thống kê ban đầu, có tới 1029 di tích các loại trong đó gần 200 di tích đã được Nhà nước công nhận và cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa; nhiều di tích mang tầm quốc gia như: chùa Dâu, đền Đô, chùa Dạm, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, đình Diềm, đình Đình Bảng… Di sản văn hóa vật chất là bằng chứng sinh động phản ánh tài năng sáng tạo dồi dào, trình độ thẩm mỹ tinh tế và tâm hồn nghệ sỹ của con người Kinh Bắc, mà ngày nay có thể nhận biết qua các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ vô cùng khéo léo, những tác phẩm điêu khắc, trang trí đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật dân tộc như: Tượng phật Bà bằng đá của chùa Phật Tích, tháp đá, tượng Quan Thế Âm bằng gỗ chùa Bút Tháp, cột đá chùa Dạm, cửa võng đình Diềm,… Đó là những kiệt tác độc nhất vô nhị trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, những đức tính và phẩm hạnh của con người Kinh Bắc đã và đang được phát huy tích cực và có hiệu quả, trở

thành nguồn lực mạnh mẽ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra một ưu thế của kinh tế Bắc Ninh trên lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao nhờ áp dụng những thành tựu văn hóa, khoa học tiên tiến.

Thứ ba,truyền thống hiếu học và khoa bảng.

Nơi đây là đất học, miền quê của những trí thức với số lượng lớn các danh nhân khoa bảng, đứng đầu các địa phương trong cả nước thời kỳ phong kiến về số người đỗ Tiến sỹ và Trạng nguyên. Kinh Bắc là nơi sinh thành, nuôi dưỡng và cung cấp số lượng lớn nhân tài cho đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, Kinh Bắc đều không ít những danh nhân lịch sử - văn hóa. Đó là những bậc hiền tài đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp cho công cuộc bảo vệ, kinh bang đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, tạo thành diện mạo của bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Có thể kể đến các danh nhân như: Cao Lỗ, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Nguyên phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ….

Những phong tục và phẩm hạnh của con người Bắc Ninh – Kinh Bắc đã được học giả Đỗ Trọng Vỹ đánh giá nhận xét khái quát trong công trình khảo cứu mang tên “Bắc Ninh dư địa chí” như sau: “Nếu nói một cách khái quát thì về phong tục tuy quê mùa, chất phác, nhưng thiên về có trước, có sau, ít sự đảo điên, suy tệ. Xưa có câu nói về phong thổ đất Bắc Ninh như sau: Đất Bắc Ninh là đất bậc trung với khí tinh anh tốt đẹp, sỹ phu phần nhiều ngay thẳng, trung thực…” [Bắc Ninh dư địa chí ]. Mỗi khi nhắc tới những bậc danh nhân ấy không chỉ là niềm tự hào của miền quê Kinh Bắc mà con là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Đức tính thông minh, hiếu học, phẩm hạnh hiền tài của con người Kinh Bắc là tài sản tinh thần quý giá để các thế hệ của Bắc Ninh – Kinh Bắc hôm nay góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, xây dựng đất nước phồn vinh.

Thứ tư, sự tinh tế trong hoạt động nghệ thuật, lịch lãm trong quan hệ ứng xử,giao tiếp.

Đó là sự kết tinh trí tuệ dân gian sâu sắc và vô cùng phong phú, thể hiện quan niệm nhân sinh vị tha, nhân ái cùng những kinh nghiệm quý giá trong làm ăn, tổ chức đời sống cộng đồng, lịch lãm trong quan hệ ứng xử, giao tiếp: quan hệ ứng xử giữa người với người, với gia đình, họ mạc, làng xóm, quê hương đất nước. Và còn cả một kho tàng quý giá là ca dao, ngạn ngữ, truyền thuyết dân gian, truyện cười, những lễ hội truyền thống rực rỡ sắc màu và sôi động âm thanh, nhạc điệu, các sinh hoạt văn hóa văn nghệ quần chúng diễn ra ở khắp các làng quê như chèo, tuồng, múa rối nước, hát ca trù, hát trống quân, mà tiêu biểu nhất là dân ca Quan họ, phản ánh sắc thái văn hóa Kinh Bắc và sự yêu say, khả năng hoạt động và sáng tạo nghệ thuật của người Kinh Bắc vô cùng phong phú và đặc sắc trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy Kinh Bắc là quê hương chùa tháp “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”, là xứ sở của hội hè đình đám và sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong các hoạt động tâm linh tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là lễ hội, tiêu biểu là lễ hội Quan họ. Con người nơi đây thể hiện khá tập trung tâm hồn, bản sắc, tình cảm, quan niệm nhân sinh, nhân ái cao cả của mình.

Một phần của tài liệu Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 32)