g) Quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
3.3.2.2. Dự báo xu hướng của vấn đề môi trường do tác động của thành phần dự án.
dự án.
-Xu hướng suy giảm chất lượng đất
Áp lực phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động tiêu cực trước hết lên việc sử dụng đất và chất lượng môi trường đất, trong đó đất nông nghiệp liên tục có xu hướng giảm mạnh qua các thời kỳ phát triển do được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp (phát triển giao thông, công nghiệp, các công trình công cộng...) dưới áp lực mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Suy giảm chất lượng đất là điều khó tránh khỏi, do nhiễm phèn, mặn bởi tình trạng mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất nông nghiệp bị giới hạn và được chuyển sang mở rộng các đô thị và vệ tinh đô thị, phát triển các khu, cụm công nghiệp, phần diện tích chuyển đổi này sẽ bị nhiễm bẩn và không có giá trị cho sản xuất nông nghiệp do nhiễm kim loại nặng, các hóa chất độc hại từ đô thị, chất thải công nghiệp.
- Xu hướng suy giảm chất lượng nước mặt
Quá trình phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa đảo Phú Quốc trong thời gian tới gây ra nhiều áp lực cho môi trường nước mặt tỉnh, quy hoạch dự án sẽ làm tăng hàm lượng BOD, COD, SS, vi sinh tại các đô thị, khu dân cư: Dương Đông , Khu đô thị cảng An Thới, khu đô thị khoa học, gây ra nhiều khó khăn cho việc dùng nguồn nước này cho mục đích sinh hoạt và sản xuất.
Quy hoạch thủy lợi làm cho hệ thống tiêu thoát nước nội đồng trong tỉnh thông thoáng và thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, giai đoạn xây dựng sẽ làm tăng hàm lượng Fe, Mn trong môi trường nước mặt các kênh rạch, gây ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh và các hệ sinh thái trong các thủy vực.
- Xu hướng suy giảm nguồn nước ngầm
Nếu tình trạng khai thác nước ngầm không khoa học, tính trạng nhiễm mặn các tầng nước ngầm đảo Phú Quốc vào mùa khô là điều rất dễ xảy ra.
Để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và các mục đích dân sinh khác đảo Phú Quốc đã khai thác tất cả các nguồn nước từ nước sông, nước mưa và nước ngầm. Tuy nhiên, trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nguồn nước lấy từ nước mưa, nước sông sẽ hạn chế. Vì thế, gây áp lực cho nguồn nước ngầm của tỉnh, trữ lượng nguồn nước ngầm sẽ suy giảm nhanh chóng, theo dự báo đây là điều kiện để quá trình nhiễm mặn các tầng nước ngầm bên dưới xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước ngầm đảm bảo chất lượng cho các mục đích khác nhau trên địa bàn đảo Phú Quốc.
- Xu hướng ô nhiễm không khí
Các đô thị tập trung, khu dân cư, các tuyến giao thông với lưu lượng xe lớn là những nơi sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí gia tăng tại các tuyến đường trên đảo và các tuyến nội thị tại các đô thị, khu dân cư: Dương Đông , cảng An Thới, khoa học.
Các khu, cụm công nghiệp sẽ thải ra hàm lượng các khí độc SO2, NOX, CO trong không khí ngày càng lớn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân trong vùng.
Khai thác tài nguyên, phát triển giao thông vận tải, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng suy giảm đa dạng sinh học tại đảo Phú Quốc trong thời gian tới.
Phát triển hoạt động giao thông vận tải biển và du lịch khi Phú Quốc thành đặc khu hành chính kinh tế càng làm cho các hệ sinh thái nhạy cảm vùng biển và hải đảo bị tổn thương và suy giảm. San hô và cỏ biển là các hệ sinh thái biển quý hiếm và có giá trị sinh thái cao. Nếu môi trường biển không được bảo vệ, nguy cơ suy giảm các hệ sinh thái này, kéo theo suy giảm các loài, số lượng sinh vật là không tránh khỏi.
- Xu hướng ô nhiễm môi trường biển
Chất thải từ các khu, cụm công nghiệp trong đất liền, chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp (thuốc BVTV, phân bón), hoạt động giao thông vận tải và du lịch biển là những hoạt động chủ yếu gây ô nhiễm biển. Ngoài ra, hoạt động nuôi cá lồng ven đảo Phú Quốc cũng gây ô nhiễm nặng môi trường nước biển ven bờ. Theo dự báo, tình trạng ô nhiễm nước biển ven bờ và suy giảm hệ sinh thái cỏ biển là điều dễ xảy ra tại các vùng biển Phú Quốc.
- Xu hướng biến đổi khí hậu
Tác động của việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đảo Phú Quốc đến biến đổi khí hậu có thể từ các nguyên nhân sau đây:
- Chuyển diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ sang nuôi trồng thủy sản, đất đô thị và đất xây dựng phát triển công nghiệp, khai thác rừng không hợp lý làm giảm khả năng hấp thụ CO2, dẫn tới tăng nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển.
- Phá huỷ lớp phủ thực vật khi xây dựng khu đô thị, dân cư, KCN, hệ thống hạ tầng kỹ thuật làm thay đổi khả năng hấp thụ và bức xạ nhiệt.
- Phát triển các khu đô thị và KCN; gia tăng hoạt động nông nghiệp, hoạt động giao thông và khu xử lý chất thải tập trung làm tăng tải lượng thải các khí thải nhà kính.
Hậu quả của biến đổi khí hậu là các hiện tượng nóng lên, hạn hán, lũ lụt, xảy ra ở quy mô khu vực và đóng góp vào những biến đổi ở quy mô toàn cầu. Dự báo trong những năm tới hầu hết những vùng ven sông, ven biển, đặc biệt những vùng có cao độ tự nhiên từ 0 – 0,6m
Trong những thập niên tới, khi nước biển dâng cao thì đất đai, nguồn nước bị nhiễm mặn cao, việc canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn có nguy cơ bị hủy diệt. Nước lũ sẽ cao hơn và thời gian ngập lũ sẽ kéo dài hơn hiện nay. Các hiện tượng cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn và hạn hán. Hiện tượng triều cường, nước biển dâng gây sạt lở bờ biển, bờ sông, ảnh hưởng của bão, ATNĐ, tố lốc sẽ nhiều hơn. Đất vốn đã bị thoái hóa do việc lạm dụng phân vô cơ, hiện tượng khô hạn sẽ dẫn tới tình trạng thoái hóa đất trầm trọng hơn ở một số địa phương. Tài nguyên nước trong tỉnh biến động mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến việc trữ nước và cấp nước.
- Xu hướng về sức khỏe cộng đồng
Tất cả những suy giảm chất lượng môi trường nêu ở trên đều dẫn đến hệ quả gây ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ cộng đồng. Nhiều bệnh tật gia tăng hoặc mới xuất hiện là nguyên nhân của bụi và khí thải công nghiệp, giao thông; do nguồn nước ô nhiễm; do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân tác động tới sức khoẻ cộng đồng được coi là có liên quan đến việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội sau đây:
- Phát triển công nghiệp và dịch vụ, phát triển phương tiện giao thông làm giảm các hoạt động thể chất, tăng các bệnh tật liên quan (béo phì,…);
- Cuộc sống đô thị hoá, công nghiệp hoá làm gia tăng các bệnh thần kinh, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm;
- Mất cân bằng sinh thái làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm từ sinh vật sang người.
- Thực phẩm cho con người sẽ tích luỹ với hàm lượng cao các kim loại nặng và hoá chất nông nghiệp, không khí có nhiều chất độc hại tất cả sẽ làm cho những bệnh hiểm nghèo gia tăng.
Trong thời gian tới, việc quan tâm đến sức khỏe người dân trước những biến động của điều kiện kinh tế - xã hội, việc giao thương với các vùng trong và ngoài nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trong địa bàn tỉnh, gây nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng.
Các ngành chức năng trong thời gian tới cần chủ động trong công tác phòng và chống các loại dịch bệnh có phạm vi khu vực và toàn cầu nhằm ngăn chặn kịp thời và có các giải pháp phù hợp đảm bảo sức khỏe cho người dân.
- Xu hướng phát triển kinh tế xã hội
Quy hoạch dự án nếu được thực hiện nghiêm túc bài bản sẽ phát huy được những lợi thế của tỉnh, từ đó đạt được những mục tiêu đặt ra của dự án. Phát triển kinh tế xã hội về cơ bản là sẽ có sự cải thiện và phát triển sâu sắc do các hoạt động quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ đẩy mạnh quá trình CNH, ĐTH, phát triển mạnh mẽ đô thị và nông thôn, các tiểu vùng kinh tế, không ngừng cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu về giáo dục, sức khỏe, việc làm … đạt chỉ tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa phương trên địa bàn đảo.
3.3.3. Dự báo xu hướng của vấn đề môi trường do tác động tích lũy của toàn bộ dự án
Khi dự án quy hoạch đi vào triển khai và hoạt động, tác động tích lũy từ các dự án thành phần là rất lớn, đặc biệt là các dự án phát triển công nghiệp và đô thị hóa tại các địa phương. Ô nhiễm các thành phần môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước mặt, ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm môi trường biển, suy giảm nhanh tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH là đáng kể hơn cả.
a) Môi trường đất
Thay đổi chế độ thuỷ văn (do khai thác quá mức nguồn nước phục vụ nhu cầu của các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh) sẽ tạo điều kiện để nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, mở rộng diện tích đất nhiễm mặn. Đất bị nhiễm mặn còn xảy ra do sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản. Tích tụ các chất hữu cơ khó phân huỷ, kim loại nặng do dùng các hoá chất trong nông nghiệp. Sử dụng phân bón hoá, thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt cũng như sử dụng các thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản đều dẫn tới nguy cơ gây tích tụ kim loại nặng và các chất hữu cơ khó phân huỷ.
b)Môi trường nước
Phát triển công nghiệp và đô thị hóa, hoạt động phát triển nông lâm thủy sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến việc suy giảm chất lượng môi trường nước. Suy giảm môi trường nước ngầm do sự cố rò rỉ hoá chất, xăng dầu là nguyên nhân làm nước ngầm ô nhiễm bởi các chất hữu cơ khó phân huỷ, trong đó một số chất là tác nhân gây ung thư. Suy giảm do việc khai thác quá mức nguồn nước phục vụ phát triển đô thị, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Kèm theo việc sụt giảm trữ lượng nước ngầm là hiện tượng xâm nhập mặn.