Trên thế giới đã có một số nhà khoa học quan tâm tới các yếu tố ảnh hưởng lên sự phóng bào tử của rong mơ và cũng đạt được một số kết quả:
Ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh sáng lên quá trình phóng bào tử: + Nhiệt độ
Quá trình phóng thích của bào tử rong mơ phụ thuộc vào nhiệt độ, thời gian kích thích. Ở điều kiện bóng râm (30 ± 2oC, độ ẩm 48 – 61 %) thì thời gian “kích thích khô” ảnh hưởng lên quá trình phóng bào tử của rong S. wightii. Khi không “kích thích khô” thì rong phóng bào tử nhiều nhất, nếu thời gian kích thích kéo dài thì rong ngừng phóng, số bào tử phóng ra ở các ngày khác nhau thì cũng khác nhau. Thời gian kích thích là 0 phút (không kích thích) thì ở cả 3 ngày bào tử phóng ra là nhiều nhất so với thời gian “kích thích khô” kéo dài. Ngày 1, không “kích thích khô” phóng được lớn nhất là 8 bào tử/ thỏi, số bào tử phóng ra giảm dần khi tăng thời gian “kích thích khô” và thời gian “kích thích khô” là 15 phút thì rong không phóng nữa. Ở ngày thứ 2 không “kích thích khô” phóng được 30 bào tử/thỏi và giảm đột ngột khi thời gian kích thích tăng lên. Thời gian “kích thích khô” kéo dài 60 phút thì rong không phóng. Tới
ngày thứ 3 rong không được “kích thích khô” phóng cực đại (45 bào tử/thỏi) so với 2 ngày trước và cũng phóng nhiều nhất so với các nghiệm thức còn lại, nếu kéo dài thời gian kích thích là 45 phút thì không phóng [29]. Đối với rong S. ilicifolium khi “kích thích khô” ở điều kiện phòng thí nghiệm (32 ± 2oC, độ ẩm 62 – 67 %) 15 phút thì sự phóng bào tử giảm dần theo thời gian, lượng bào tử phóng ra là cao nhất (5. 1033 bào tử/thỏi) tại thời điểm bắt đầu cho rong vào môi trường nước, và giảm dần chỉ còn 0,4. 1033 bào tử/thỏi sau thời gian là 180 phút ngập nước [25].
Nếu kích thích rong S. wightii ở ngoài trời (33 ± 2oC, độ ẩm 41 – 46 %) với thời gian là (0, 5, 10, 15, 30, 45, 60 phút) sau đó chuyển vào đĩa peptri đã có sẵn nước biển. Kết quả là khi không được kích thích khô (thời gian kích thích 0 phút) thì ở cả 3 ngày bào tử phóng nhiều nhất so với các thời gian kích thích còn lại. Ngày 1 phóng 60 bào tử/ thỏi đối với không được kích thích, số bào tử phóng ra giảm dần khi tăng thời gian kích thích, thời gian kích thích kéo dài 30 phút thì rong không phóng bào tử. Tới ngày thứ 2 nếu “kích thích khô” 15 phút thì đã không phóng. Ngày thứ 3 thì “kích thích khô” 10 phút đã không phóng [29]. Tuy nhiên, đối với rong S. ilicifolium khi được kích thích 15 phút ở điều kiện ngoài trời (34 ± 2oC, độ ẩm 58 – 63 %) thì bào tử phóng ra là nhiều nhất 8. 103 bào tử, và lượng bào tử giảm đột ngột khi thời gian kích thích là 25 phút, thời gian kích thích lâu hơn thì rong ngừng phóng bào tử [25].
Còn kết quả của Hwang và cộng sự trên rong S. fulvellum cho thấy rằng rong bắt đầu phóng bào tử khi nhiệt độ nước giảm ở nhiệt độ 5, 10, 15, 20, 25oC, cường độ ánh sáng 80, 100 µmol photon/m2/s, thời gian chiếu sáng 16h sáng : 8h tối. Và ông cũng kết luận rằng nhiệt độ nước ảnh hưởng lên sự phóng bào tử. Sự phóng bào tử khác nhau ở nhiệt độ 5 - 25oC. Sau 9 ngày nuôi dưới điều kiện 20oC, 80 µmol photon/m2/s, bào tử phóng đạt 97 % [16].
Thời gian phóng bào tử kéo dài trong 1 tuần ở nhiệt độ 20 - 30oC. Khi nhiệt độ từ 0 – 20oC và lớn hơn 35oC thì rong không phóng. Rong phóng mạnh nhất (840 bào tử/ thỏi) ở ngày đầu tiên ở nhiệt độ 30oC [29].
+ Ánh sáng
Ở rong S. wightii khi được kích thích với chu kì sáng tối là: 24h sáng : 0h tối thì rong phóng bào tử lớn nhất và cực đại ở ngày thứ 2, tiếp theo là chu kì 16h sáng : 8h tối và 20h sáng : 4h tối cũng phóng cao ở ngày thứ 2 và 3 và kết thúc sau 7 ngày thí
nghiệm. Rong phóng nhiều nhất (134 bào tử/thỏi) ở 20 µE/m2/s vào ngày thứ 4 [29]. Kết quả của Rangaiah và cộng sự trên rong S. ilicifolium thì quá trình phóng bào tử cũng bị ảnh hưởng bởi cường độ ánh sáng, trong điều kiện ánh sáng tối rong có phóng bào tử nhưng không cao (2,5.103 bào tử/thỏi/ngày), ánh sáng tối ưu là 9 µE/m2/s (5,8. 103 bào tử/thỏi/ngày), và giảm dần khi tăng cường độ chiếu sáng [25]. Tỉ lệ phóng bào tử của
S. fulvellum không khác nhau ở cường độ ánh sáng 20 – 100 µmol photon/m2/s [16].
Ảnh hưởng của độ mặn lên quá trình phóng bào tử
Độ mặn đã ảnh hưởng lên quá trình phóng bào tử của rong S. ilicifolium, ở 0 ‰, > 60 ‰ thì rong không phóng bào tử. Rong bắt đầu phóng bào tử ở 10 ‰ (1,8. 103 bào tử/thỏi/ngày), độ mặn tăng thì sự phóng bào tử tăng, độ mặn tối ưu là 30 ‰ rong phóng bào tử nhiều nhất (9.103 bào tử/thỏi/ngày) [25]. Rong S. wightii
phóng bào tử từ ngày thứ 3 tới ngày 6 và cao nhất ở độ mặn 30 ‰. Khi độ mặn 20 – 40 ‰ bào tử tìm thấy ở ngày thứ 3, 4. Ngày thứ 5, 6 thì rong phóng bào tử ở độ mặn 30 – 40 ‰. Ngày thứ 3, độ mặn 30 ‰ rong phóng bào tử tối đa (42 bào tử/ thỏi), những ngày sau thì giảm lại [29].
Qua nghiên cứu của các tác giả trên thế giới thấy rằng ảnh hưởng của các yếu tố vật lí như nhiệt độ, ánh sáng, yếu tố hóa học như độ mặn lên quá trình phóng bào tử
của một số loài rong mơ đã được quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên về loài rong
S. polycystum thì chưa được nghiên cứu. Trong sản xuất giống, ngoài việc kích thích cho rong phóng thích bào tử nhiều nhất, chúng ta còn phải quan tâm việc thu được bào tử cao nhất nhằm tăng năng suất nhân giống. Vì thế, ta nên kết hợp cả việc kích thích cho rong phóng bào tử và phương pháp thu bào tử.