Những nhà tư bản tình cờ

Một phần của tài liệu bán khống - thảm họa kinh tế đậm chất tài chính nhất trong lịch sử phố wall (Trang 66)

Thứ Eisman tìm thấy thực sự là một mỏ vàng, nhưng không đúng khi nói rằng không ai biết nó. Đến mùa thu năm 2006, Greg Lippmann đã thuyết trình cho khoảng 250 nhà đầu tư lớn, và cho hàng trăm nhà đầu tư khác tại hội nghị bán hàng hoặc các cuộc gọi hội nghị của Deutsche Bank. Đến cuối năm 2006, theo Nghiên cứu cơ sở dữ liệu quỹ phòng hộ PerTrac, có 13.675 quỹ phòng hộ báo cáo kết quả, và hàng nghìn nhà đầu tư tổ chức khác được phép đầu tư vào các hợp đồng hoán đổi nợ xấu. Lời rao hàng của Lippmann dù ở dạng này hay dạng khác cũng đã đến tai được rất nhiều người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 người bám theo thị trường mới dành cho các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Hầu hết những người mua loại bảo hiểm thế chấp dưới chuẩn này không phải nhằm mục đích đánh cược công khai chống lại chúng mà để phòng hộ cho các cuộc đặt cược ngầm của họ dựa trên chúng – các danh mục cổ phiếu hoặc trái phiếu bất động sản của họ ở Mỹ. Một nhóm nhỏ hơn sử dụng các hợp đồng hoán đổi nợ xấu để thực hiện những gì hóa ra là một canh bạc siêu thảm họa dựa trên giá trị tương đối của các trái phiếu thế chấp dưới

chuẩn – mua một trái phiếu thế chấp dưới chuẩn đồng thời bán một trái phiếu khác. Ví dụ, họ sẽ đặt cược rằng các trái phiếu với số lượng lớn các khoản vay được thực hiện ở California sẽ kém hiệu quả hơn các trái phiếu ít liên quan đến California. Hoặc rằng tầng xếp hạng AAA phía trên của một trái phiếu thế chấp dưới chuẩn nào đó sẽ hoạt động hiệu quả hơn tầng xếp hạng BBB thấp hơn. Hay các trái phiếu được phát hành bởi Lehman Brothers hay Goldman Sachs (cả hai đều nổi tiếng với việc đóng gói các khoản vay mua nhà tồi tệ nhất nước Mỹ) sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn các trái phiếu được đóng gói bởi J.P.Morgan hay Wells Fargo (những công ty có vẻ quan tâm một chút đến việc các khoản vay nào được đóng gói thành trái phiếu).

Một nhóm nhỏ hơn gồm khoảng 10 đến 20 người đã thực hiện thẳng một cuộc đặt cược chống lại toàn bộ thị trường thế chấp dưới chuẩn nhiều nghìn tỉ đô-la và, rộng hơn là hệ thống tài chính toàn cầu. Chỉ riêng điều này thôi đã là một thực tế đáng king ngạc: Thảm họa là có thể dự đoán được, nhưng chỉ một số ít nhận thấy. Gồm: quỹ phòng hộ Whitebox ở Minneapolis, quỹ phòng hộ The Baupost Group ở Boston, quỹ phòng hộ Passport Capital ở San Francisco, quỹ phòng hộ Elm Ridge ở New Jersey, và một nhóm quỹ phòng hộ ở New York: Elliott Associates, Cedar Hill Capital Partners, QVT Financial và Harbinger Capital Partners của Philip Falcone. Điểm chung của hầu hết các nhà đầu tư này đó là họ đã nghe, trực tiếp hoặc gián tiếp, lập luận của Greg Lippmann. Ở Dallas, Texas, một cựu nhân viên kinh doanh trái phiếu của Bear Stearns tên là Kyle Bass đã thành lập một quỹ phòng hộ mang tên Hayman Capital vào giữa năm 2006 và ngay sau đó mua các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Bass đã nghe về ý tưởng này từ Alan Fournier của Pennant Capital, ở New Jersey – người được nghe về nó từ Lippmann. Một nhà đầu tư bất động sản giàu có người Mỹ tên là Jeff Greene đã ra ngoài và mua các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn trị giá nhiều tỷ đô-la cho mình sau khi nghe về nó từ John Paulson, nhà quản lý quỹ phòng hộ ở New York. Paulson cũng nghe lời rao hàng của Greg Lippmann – và, khi xây dựng vị thế rất lớn cho các hợp đồng hoán đổi nợ xấu, anh đã coi Lippmann là cố vấn của mình. Một nhân viên giao dịch độc quyền tại Goldman Sachs ở London, người được cho biết rằng một nhân viên giao dịch tại Deutsche Bank ở New York đang đưa ra một lập luận rất mạnh mẽ, đã bay qua Đại Tây Dương để gặp Lippmann và trở về nhà với các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho trái phiếu thế chấp dưới chuẩn trị giá 1 tỉ đô-la. Một nhà đầu tư quỹ phòng hộ Hy Lạp tên là Theo Phanos đã nghe Lippmann giới thiệu về ý tưởng của anh tại một cuộc hội thảo của Deutsche Bank ở Phoenix, Arizona, và ngay lập tức đặt cược cho chính mình. Nếu bạn đánh dấu sự lan truyền của ý tưởng này như đường đi của một loại vi rút thì hầu hết các đường đều nối ngược trở lại với Lippmann. Còn Mike Burry chỉ náu mình trong văn phòng ở San Jose, California và không nói chuyện với bất cứ ai.

Thế giới các nhà đầu tư nhỏ bé này đã thực hiện những vụ đặt cược lớn chống lại trái phiếu thế chấp dưới chuẩn, và bản thân nó cũng bao hàm một thế giới thậm chí còn nhỏ bé hơn: những người bị ám ảnh bởi giao dịch này. Một nhóm nhỏ các nhà đầu tư

đã nhận thức được những gì đang xảy ra không chỉ đối với hệ thống tài chính mà còn với cả xã hội rộng lớn hơn mà nó sinh ra để phục vụ, và họ đã thực hiện các vụ đầu tư chống lại hệ thống đó, một hệ thống quá lớn, so với nguồn vốn của họ, đến mức mà họ từ bỏ việc trở thành những nhà quản lý tiền tệ truyền thống để trở thành một kiểu người khác. John Paulson là người có nhiều tiền nhất để chơi trò chơi này, và vì thế chính là một ví dụ điển hình nhất. 9 tháng sau khi Mike Burry thất bại trong việc gây quỹ chỉ để mua các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn, Paulson đã thành công, bằng cách trình bày nó trước các nhà đầu tư sao cho nó không giống một thảm họa gần như chắc chắn sẽ xảy ra mà như một sự phòng hộ giá rẻ cho một thảm họa còn xa mới bùng nổ. Paulson lớn hơn Burry 15 tuổi, và nổi tiếng ở Phố Wall hơn nhiều, nhưng xét theo một vài khía cạnh, anh vẫn ở ngoài Phố Wall. “Tôi đã gọi cho Goldman Sachs để hỏi họ về Paulson,” một người giàu có mà Paulson đã kêu gọi đầu tư vào khoảng giữa năm 2006 nói. “Họ nói với tôi anh ta là một gã quản lý quỹ phòng hộ hạng ba, kẻ mà chẳng biết mình đang nói về cái gì.” Paulson đã gọi được hàng tỉ đô-la từ các nhà đầu tư coi quỹ của anh như một chính sách bảo hiểm cho các danh mục trái phiếu và cổ phiếu liên quan đến bất động sản của họ. Paul nói, thứ đã giúp anh thấy được những gì đang xảy ra trong thị trường trái phiếu thế chấp chính là sự nghiệp tìm kiếm các trái phiếu được đánh giá quá cao để đặt cược chống lại chúng. “Tôi thích khái niệm bán khống một trái phiếu bởi chiều xuống được giới hạn,” anh nói với tôi. “Đó là một cuộc đặt cược bất cân xứng.” Anh đã bị sốc bởi việc mua được một hợp đồng hoán đổi nợ xấu quá dễ dàng và rẻ mạt so với việc bán khống một trái phiếu tiền mặt thật sự – dù hai vụ đặt cược là như nhau. “Tôi đã cược 500 triệu đô-la. Họ nói, ‘Anh có muốn cược 1 tỉ không?’ Và tôi nói, ‘Sao phải nghĩ?’ Tôi chỉ mất 2 hay 3 ngày để đặt 25 tỉ đô-la.” Paulson chưa bao giờ gặp phải một thị trường nào mà trong đó một nhà đầu tư có thể bán khống 25 tỉ đô-la giá trị cổ phiếu hoặc trái phiếu mà không khiến giá của nó biến động, thậm chí là sụp đổ. “Và chúng ta có thể cược 50 tỉ đô-la nếu muốn.”

Thậm chí cho đến tận cuối mùa hè năm 2006, khi giá nhà đất bắt đầu giảm, thì vẫn phải cần đến một kiểu người nhất định mới có thể nhận ra được những sự thật xấu xí và xử lý chúng – cũng giống như việc phát hiện ra được bộ mặt thật của mụ phù thủy già trong hình hài của một thiếu phụ xinh đẹp. Mỗi người trong số họ kể với bạn một điều về tình trạng của hệ thống tài chính, giống như cách những người sống sót sau một vụ tai nạn máy bay kể cho bạn nghe về vụ tai nạn, và về cả bản chất của những người sống sót sau vụ tai nạn. Theo định nghĩa, tất cả bọn họ đều kỳ lạ nhưng theo những cách đa dạng. John Paulson quan tâm một cách kỳ lạ đến việc đặt cược chống lại các khoản vay trá hình, và có khả năng kỳ lạ trong việc thuyết phục mọi người cùng tham gia với anh. Mike Burry lại kỳ lạ khi chỉ muốn tránh xa dư luận, thậm chí tránh xa cả những giao tiếp với mọi người để tập trung vào các dữ liệu và những động cơ chi phối hành vi tài chính của con người trong tương lai. Steve Eisman thì thể hiện sự kỳ lạ trong lời buộc tội rằng việc lợi dụng tầng lớp trung lưu Mỹ là một sự kiện đồi bại còn riêng thị trường thế chấp dưới chuẩn là một công cụ để bóc lột và, cuối cùng,

là phá hủy. Mỗi người lấp đầy một lỗ hổng; mỗi người mang lại một cái nhìn sâu sắc bị bỏ lỡ, một thái độ đối với rủi ro mà, nếu phổ biến hơn, có thể đã ngăn chặn được thảm họa. Nhưng có ít nhất một lỗ hổng lớn mà không nhà đầu tư chuyên nghiệp thành công nào lấp được. Thay vào đó, nó được khỏa lấp bởi Charlie Ledley.

Charlie Ledley kỳ lạ ở niềm tin rằng cách tốt nhất để kiếm tiền ở Phố Wall chính là tìm kiếm bất cứ điều gì mà Phố Wall tin là có ít khả năng xảy ra nhất, và đánh cược vào khả năng xảy ra của nó. Charlie và cộng sự của mình đã làm điều này đủ thường xuyên, và có đủ thành công, để biết rằng thị trường đã bị sa vào việc đánh giá quá thấp khả năng xảy ra một thay đổi lớn. Dù vậy, vào tháng 9 năm 2006, khi anh lật giở từng trang tài liệu do một người bạn gửi đến, một bài trình bày về việc bán khống các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn của một gã nào đó ở Deutsche Bank tên là Greg

Lippmann, suy nghĩ đầu tiên của Ledley là, Nó tốt đến mức thật khó tin là thật. Anh chưa từng giao dịch trái phiếu thế chấp, hầu như không biết gì về bất động sản, vô cùng hoang mang trước các thuật ngữ về thị trường trái phiếu, và thậm chí không dám chắc Deutsche Bank hay ai khác sẽ để anh mua các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn – bởi đây là một thị trường dành cho các nhà đầu tư tổ chức, còn anh và hai cộng sự của mình, Ben Hockett và Jamie Mai, không thể được coi là một tổ chức. “Nhưng tôi chỉ nhìn nó và nói, ‘Sao điều này có thể xảy ra chứ?’” Anh đã gửi ý tưởng của mình đến các cộng sự cùng với câu hỏi, Tại sao những người có đầu óc hơn chúng ta lại không làm điều này?

Mọi ngành kinh doanh mới đều có vẻ phi lý, nhưng vào đầu năm 2003, ý tưởng của Charlie Ledley và Jamie Mai về một công ty quản lý tiền tệ cũng gần giống như một sự phi lý: 2 người đàn ông 30 tuổi với một tài khoản Schwab 110.000 đô-la đã chiếm dụng cái nhà kho ở phía sau nhà của một người bạn ở Berkeley, California, và tự đặt tên cho mình là Cornwall Capital Management. Cả hai người đều không có bất cứ lý do nào tin rằng anh ta có tài đầu tư. Cả hai đều từng làm việc trong một thời gian ngắn cho một công ty cổ phần tư nhân ở New York tên là Golub Associates như những gã lẩn thẩn bị cột vào bàn làm việc, nhưng cả hai đều chưa từng đưa ra các quyết định đầu tư thực sự nào. Jamie Mai là một anh chàng cao ráo, rất điển trai và vì vậy, theo định nghĩa, sẽ có thiên hướng làm chỉ huy – cho đến khi anh mở miệng và để lộ sự thiếu tự tin vào mọi thứ từ việc mặt trời mọc vào ngày mai cho đến tương lai nhân loại. Jamie có thói quen dừng lại ở giữa câu và nói lắp – “ừ, ừ, ừ” – như thể anh còn đang nghĩ “dở.” Charlie Ledley thậm chí còn tệ hơn: Anh có vẻ xanh xao, nét u buồn của một người làm dịch vụ tang lễ, và cách cư xử của một người thích trì hoãn càng lâu càng tốt. Khi được hỏi một câu hỏi đơn giản nào đó, anh sẽ nhìn chằm chằm vào vô định, gật đầu và chớp mắt như một diễn viên quên mất lời thoại, để đến khi anh ta cất lời, bạn sẽ không thể không giật mình.

Hai người họ đều có ý tưởng liên quan đến thị trường tài chính, một cặp ý tưởng có liên quan đến nhau. Kinh nghiệm của họ trong ngành kinh doanh vốn chủ sở hữu tư nhân – trong đó các doanh nghiệp mua và bán toàn bộ các công ty chưa được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch – khiến họ tin rằng thị trường chứng khoán tư nhân

có thể hiệu quả hơn nhiều so với các thị trường đại chúng. “Trong các giao dịch tư nhân,” Charlie nói, “bạn thường có một cố vấn tinh tường ở cả hai bên. Bạn không có những người mà không biết giá trị của thứ gì. Ở các thị trường đại chúng, bạn có những người tập trung vào các khoản thu nhập hàng quý hơn là nhượng quyền kinh doanh. Bạn có những người làm mọi việc vì những lý do điên rồ.” Hơn nữa, họ tin rằng các thị trường tài chính đại chúng thiếu các nhà đầu tư quan tâm đến bức tranh toàn cảnh. Những gã ở thị trường chứng khoán Mỹ đưa ra quyết định chỉ ở trong thị trường chứng khoán Mỹ; những gã ở thị trường trái phiếu Nhật chỉ đưa ra các quyết định trong phạm vi thị trường trái phiếu Nhật; v.v... “Thực tế, có những người không làm gì ngoài việc đầu tư vào các khoản nợ bảo hiểm y tế có giá trị vốn hóa bậc trung ở châu Âu,” Charlie nói. “Tôi không nghĩ đây là vấn đề của riêng ngành tài chính. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa địa phương rất phổ biến trong cuộc sống trí thức hiện đại. Không có bất cứ nỗ lực hòa nhập nào.” Các thị trường tài chính trả rất hậu cho rất nhiều người có chuyên môn hạn hẹp trong khi lại trả rất ít cho một số ít người có tầm nhìn toàn cầu và lớn lao mà bạn cần phải có nếu muốn phân bổ nguồn vốn trên nhiều thị trường.

Vào đầu năm 2003, Cornwall Capital chỉ vừa mới đi vào hoạt động, nên Jamie và Charlie phải dành nhiều giờ trong ngày hơn cả trước đây để ngồi trong gara ở Berkeley – phòng ngủ của Charlie – và nói chuyện về thị trường. Họ cho rằng,

Cornwall Capital sẽ không chỉ đơn thuần là tìm kiếm sự thiếu hiệu quả của thị trường mà còn tìm kiếm nó trên toàn cầu, trong mọi thị trường: cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa. Với hai tham vọng không hề đơn giản này, họ nhanh chóng bổ sung một tham vọng thứ ba, thậm chí còn lớn lao hơn, khi họ tình cờ có được cơ hội lớn đầu tiên, một công ty thẻ tín dụng tên là Capital One Financial.

Capital One là một ví dụ hiếm hoi về một công ty có vẻ đã tìm ra được một cách thông minh để cho những người Mỹ có điểm tín dụng thấp vay tiền. Mặc dù nó tập trung vào lĩnh vực thẻ tín dụng thay vì các khoản vay mua nhà, nhưng hai lĩnh vực này vẫn nhắm đến cùng một tầng lớp kinh tế xã hội, những người sở hữu các khoản vay mua nhà sẽ kết thúc trong bi thảm chỉ một vài năm sau đó. Suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, công ty tuyên bố, và thị trường tin, rằng nó sở hữu những công cụ tốt hơn các công ty khác trong việc phân tích khả năng thanh toán của người

Một phần của tài liệu bán khống - thảm họa kinh tế đậm chất tài chính nhất trong lịch sử phố wall (Trang 66)