IV.CÁC CHỦ THỂ THAM GIA VÀO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Một phần của tài liệu Các chứng từ tài chính có nguồn gốc chứng khoán (chứng từ phái sinh) (Trang 25)

Trên thị trường chứng khoán có đầy đủ các chủ thể đại diện cho các bộ phận nguồn cung, nguồn cầu, các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan

1.Chủ thể phát hành

Chủ thể phát hành bao gồm Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật

Nhà nước tham gia vào thị trường chứng khoán với tư cách người vay nợ bao gồm Chính phủ trung ương (đại diện là Bộ tài chính và Kho bạc nhà nước), chính quyền địa phương và các tổ chức của chính phủ. Vốn huy động được qua thị trường chứng khoán được sử dụng tài trợ cho các công trình phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục, y tế hoặc bù đắp thiếu hụt ngân sách quốc gia

Trong các loại hình tổ chức doanh nghiệp cơ bản, công ty cổ phần là chủ thể quan trọng nhất phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Tuỳ vào luật pháp các nước mà hình thức và tiêu chuẩn phát hành của các công ty cổ phần là khác nhau.

2.Chủ thể đầu tư

Có hai loại chủ thể đầu tư là nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức đầu tư.

Nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là các cá nhân và hộ gia đình, những người muốn đầu tư số tiền để dành của mình vào chứng khoán nhằm mục đích kiếm lời. Để tối đa hoá lợi nhuận, họ có thể là những người chấp nhận rủi ro (đầu tư ngắn hạn và ăn chênh lệch giá) hoặc là những người không muốn rủi ro, tìm kiếm sự an toàn trong đầu tư (đầu tư nhỏ và dài hạn).

25

Các tổ chức đầu tư là những tổ chức tài chính lớn thu nhận vốn của các nhà đầu tư nhỏ là những khách hàng của họ dưới nhiều hình thức và với nhiều mục đích khác nhau, và sử dụng nguồn vồn nhàn rỗi đó đầu tư vào thị trường chứng khoán. Những tổ chức như vậy bao gồm các công ty bảo hiểm, các quỹ tương trợ, các quỹ trợ cấp, các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán.

3.Các chủ thể trung gian

Các trung gian chứng khoán có vai trò quan trọng trong việc đưa các nguồn cung và nguồn cầu chứng khoán gặp nhau thông qua các hoạt động kinh doanh, môi giới, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư, quản lý quỹ, giao dịch mua bán chịu chứng khoán... Các trung gian này có thể hoạt động với tư cách một thể nhân hoặc một pháp nhân.

4.Người quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán

Cơ quan quản lý, giám sát các hoạt động của thị trường chứng khoán có thể có tên gọi khác nhau, tuỳ theo luật pháp các nước, chẳng hạn là Uỷ ban chứng khoán và giao dịch (Securities and exchange Commission- SEC) ở Mỹ, Uỷ ban chứng khoán và đầu tư (SIB) ở Anh, Uỷ ban các nghiệp vụ chứng khoán (COB) ở Pháp, Hội đồng chứng khoán quốc gia ở Singapo và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ở Việt Nam.

Uỷ ban chứng khoán thường được tổ chức theo hình thức là một cơ quan chuyên trách, có vị trí pháp lý độc lập. Thành viên hội đồng là những quan chức của Bộ tài chính, Ngân hàng trung ương, Bộ thương mại, Bộ tư pháp, đại diện của Sở giao dịch chứng khoán và các chuyên gia...

26

Uỷ ban chứng khoán có vai trò tổ chức xây dựng, quản lý và kiểm soát các thị trường chứng khoán thông qua những nhiệm vụ cụ thể là: Nghiên cứu, vạch kế hoạch và dự thảo các văn bản pháp luật và các thể chế về tổ chức hoạt động của thị trường chứng khoán để trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành; Quản lý và giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, đưa ra các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu đảm bảo thị trường hoạt động tốt; Cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép trong lĩnh vực phát hành và kinh doanh chứng khoán....

5.Các chủ thể khác

Ngoài các chủ thể trên, trên thị trường chứng khoán còn có các tổ chức liên quan đến tổ chức và hoạt động của thị trường như Sở giao dịch chứng khoán; tổ chức thanh toán bù trừ và lưu ký chứng khoán; Hiệp hội các nhà đầu tư; Hiệp hội kinh doanh chứng khoán; công ty tín thác đầu tư chứng khoán; trung tâm đào tạo và các tổ chức cung cấp các dịch vụ kèm theo...

Một phần của tài liệu Các chứng từ tài chính có nguồn gốc chứng khoán (chứng từ phái sinh) (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(123 trang)
w