4.2.1. Phương pháp vô cảm
Trong lô nghiên cứu, gây tê ngoài màng cứng qua khe xương cùng (phương pháp Caudal) kết hợp thuốc mê bốc hơi (Halothan, Forane, Sevoflurane…) qua đường thở được áp dụng 76 ca (56,7%). Phương pháp này tỏ rõ tính ưu việt trong vô cảm để mổ vùng bẹn trẻ em, các bệnh nhi được dùng phương pháp này vô cảm vào buổi sáng, chiều đã tĩnh táo, thời gian phục hồi sinh hoạt ngắn, mức độ đau sau mổ vừa phải và hết đau tương đối sớm [41],[54],[81],[87]. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng qua khe xương cùng làm giảm thiểu những khó chịu như đau đớn sau mổ. Tuy nhiên trong điều kiện tại cơ sở thực hiện nghiên cứu này do có những điều kiện khách quan mà chưa được áp dụng phương pháp này một cách rộng rãi.
50 bệnh nhi được gây mê mask (37,3%). Đây là phương pháp lựa chọn thứ hai sau phương pháp Caudal, vì các bác sĩ gây mê cho rằng, phẫu thuật thoát vị bẹn trẻ em là một phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng, thời gian mổ nhanh, ít mất máu, nên mê mask cũng rất an toàn cho bệnh nhi thoát vị bẹn không cấp cứu.
Có 8 bệnh nhi được gây mê nội khí quản (6%), và đây là các trường hợp bị thoát vị bẹn nghẹt, do nghi ngờ tạng thoát vị có khả năng hoại tử nên các bác sĩ gây mê chưa mạnh dạng áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng qua khe xương cùng mà ngay từ đầu đều chọn gây mê qua nội khí quản để được an toàn hơn, nhất là khi có tạng hoại tử cần phải cắt bỏ.
Dù lựa chọn phương pháp gây mê nào để mổ thoát vị bẹn, nhưng nhìn chung các phương pháp đều an toàn, không có tai biến trong và sau mổ, không ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.