3.1.3.1 Hạn chế
Qua phân tích thực trạng tình hình lao động và đào tạo nghề của tỉnh giai đoạn 2008 – 2012, có thể thấy công tác đào tạo nghề của tỉnh Thái Bình vẫn còn một số tồn tại như sau:
Thứ nhất, mặc dù nhu cầu về đào tạo nghề tương đối cao nhưng việc mở rộng mạng lưới dạy nghề gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ quản lý có kinh nghiệm để trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo tại các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, công tác tổ chức dạy nghề và chương trình đào tạo còn rất nhiều hạn chế: quy trình đào tạo chưa được chuẩn hóa, việc xây dựng khung chương trình cho đào tạo nghề chưa được chú trọng dẫn đến các đơn vị dạy nghề vẫn tỏ ra lúng túng, thiếu chuyên nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá và sự gắn kết với các doanh nghiệp chưa cao.
Thứ hai, đa số các giáo viên dạy nghề tuổi đời còn khá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và hướng dẫn thực hành; các cơ sở dạy nghề đa phần mới thành lập, chưa có truyền thống trong quản lý đào tạo nghề vì vậy mà công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn: lao động chưa thực sự cải thiện được tay nghề, khi vào tới doanh nghiệp (cơ sở sản xuất), hầu hết các lao động vẫn phải mất một khoảng thời gian mới thích nghi được quy trình sản xuất.
Thứ ba, nguồn kinh phí cho đào tạo nghề trong những năm vừa qua mặc dù tăng lên và ngân sách trung ương phân bổ cho công tác đào tạo nghề tương đối cao nhưng việc phân bổ tới các đơn vị dạy nghề chậm khiến các đơn vị dạy nghề vẫn khó khăn trong tổ chức đào tạo nghề và đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, sử dụng kinh phí phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia chưa trọng tâm và chưa thực sự hiệu quả (theo đánh giá tổng kết thực hiện đề án 1956 hai năm 2011và 2012 của ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình): số lao động đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn tăng đáng kể nhưng chất lượng lao động ở khu vực này thì vẫn ở mức rất thấp chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, cơ sở vật chất của các đơn vị đào tạo nghề tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều đơn vị đào tạo thiếu hệ thống máy móc, trang thiết bị
hiện đại phục vụ công tác giảng dạy khiến cho giảng dạy gặp khó khăn làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.
Thứ năm, chất lượng đào tạo vẫn là vấn đề trọng tâm đáng bàn. Do tâm lý và thái độ của đa số những người học nghề chưa ổn định, có đối tượng chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học cơ sở (do không có khả năng hoặc không muốn học cấp học cao hơn) chưa định hình được tầm quan trọng của học nghề và lĩnh vực ưa thích. Vì vậy việc học nghề chưa mang tính ứng dụng chỉ mang tính bằng cấp và chưa coi trọng chất lượng. Bên cạnh đó, công tác giảng dạy ở một số cơ sở dạy nghề thiếu còn thiếu chuyên nghiệp, không có giáo dục định hướng công việc cho người học trong tương lai. Do đó, tình trạng lao động thiếu việc làm vẫn tồn tại với số lượng lớn cùng với đó là tay nghề người lao động không đảm bảo yêu cầu của các chủ doanh nghiệp.
3.1.3.2 Nguyên nhân
Những tồn tại kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Tỉnh chưa có chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao, có kinh nghiệm giảng dạy và hướng dẫn thực hành về làm việc tại các cơ sở đào tạo.
- Chậm đổi mới chương trình đào tạo, công tác tổ chức đào tạo; đào tạo và thực tiễn thiếu tính gắn kết.
- Thực hiện phân bổ và sử dụng kinh phí đào tạo nghề của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh còn bất cập, chậm chễ; sử dụng kinh phí chưa đúng mục đích, lãng phí và dàn trải.
- Cơ sở dạy nghề thiếu liên kết với các doanh nghiệp để tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
- Quan điểm và thái độ của xã hội chưa đánh giá cao việc học nghề, các gia đình có con em đến tuổi lao động thường muốn cố gắng cho con em mình theo học bậc học cao hơn, không nắm bắt tâm lý và thái độ của con em mình trong việc định hướng công việc và học nghề.