Bối cảnh phát triển nhân lực với công tác đào tạo nghề

Một phần của tài liệu nghiên cứu thống kê tình hình đào tạo nghề tại tỉnh thái bình giai đoạn 2008 – 2012 (Trang 86 - 91)

3.1.1.1. Bối cảnh quốc tế

- Trong xu thế nước ta ngày càng hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới – phát triển chủ yếu dựa vào tri thức, đòi hỏi Việt Nam phải có nhân lực đủ khả năng tham gia và cạnh tranh để phát triển. Phát triển nhân lực của cả nước nói chung và của

Thái Bình nói riêng buộc phải và đang dần tiệm cận với trình độ và chuẩn mực của khu vực và thế giới.

- Trên phạm vi toàn cầu, sự thay đổi nhanh chóng về khoa học - công nghệ với những thành tựu vượt bậc, về tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước và giữa các địa phương trong một nước, đòi hỏi nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng và đủ năng lực tận dụng, gia tăng cơ hội của sự phát triển và giảm thiểu những mặt bất lợi.

- Các nước phát triển đang điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nhiều nước đang phát triển dành ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để tạo lợi thế cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển, tránh thua thiệt trong quan hệ trao đổi quốc tế.

- Trong những năm tới, nhiều quốc gia thiếu lao động (do xu hướng dân số già gia tăng), trong khi Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng lại đang trong thời kỳ dân số vàng, nhu cầu xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài gia tăng. Tuy nhiên, các nước phát triển sẽ đưa ra rào cản để hạn chế việc nhập khẩu lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ở trình độ và chất lượng thấp; để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu lao động buộc phải có chiến lược tiếp thị trong xuất khẩu lao động thích hợp và đầu tư vào công tác tuyển chọn đào tạo nhân lực trước khi đưa đi lao động ở nước ngoài.

3.1.1.2. Bối cảnh trong nước

Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định con đường đổi mới kinh tế - xã hội và mục tiêu của nước ta: “Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ… Tăng nhanh hàm lượng nội địa giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp và cả nền kinh tế”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm.

GDP năm 2020 (giá so sánh) gấp 2,2 lần so với năm 2010, bình quân đầu người (giá thực tế) đạt 3000-3200 USD, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 35%...”10.

Trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 của nước ta cũng nêu rõ "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong ba khâu đột phá chiến lược nhằm đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều này đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Văn bản quy hoạch đã đưa ra các mục tiêu phát triển nhân lực khu vực đồng bằng Sông Hồng: Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 13,0 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 8,0%/năm, đạt khoảng 9 triệu người (tăng 2,6 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 73,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng gần 2 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 3,6 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 3,7 triệu người. Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 15 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 7,0%/năm, đạt khoảng 13 triệu người (tăng 4 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 89,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 3,8 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng là 4,7 triệu người và khu vực dịch vụ là 4,5 triệu người.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của vùng như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; cơ khí chế tạo, điện tử, vật liệu mới, chế biến dược phẩm

và thực phẩm … Đào tạo nghề trình độ cao cho các ngành công nghiệp điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật điện, sản xuất vật liệu, du lịch, viễn thông …

3.1.1.3. Bối cảnh của tỉnh Thái Bình

Thái Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng giảm, các tỉnh sẽ cạnh tranh để thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế. Ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng, có 02 yếu tố mang tính quyết định đến việc thu hút được các nhà đầu tư để phát triển kinh tế, đó là chính sách khuyến khích đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Trong bối cảnh đất nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng đã tác động và đặt ra những vấn đề đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Thái Bình, trong đó vấn đề nhân lực để đáp ứng các mục tiêu phát triển đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong giai đoạn vừa qua, Thái Bình đã cung cấp được một đội ngũ nhân lực đa dạng, có trình độ học vấn, được đào tạo cơ bản góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH không chỉ của Tỉnh mà còn cho các tỉnh lân cận và cả nước. Tuy nhiên, công tác phát triển nhân lực của Tỉnh còn nhiều bất cập: lực lượng lao động mất cân đối giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo; thiếu lao động kỹ thuật lành nghề, thiếu đội ngũ chuyên gia đầu đàn để phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; hệ thống cơ sở đào tạo còn yếu (trừ lĩnh vực đào tạo y tế), nhất là đào tạo chất lượng cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội; một số ngành nghề có nhu cầu nhân lực, song Tỉnh chưa có cơ sở đào tạo hoặc chưa có chương trình đào tạo; hệ thống thông tin lao động, việc làm thiếu đồng bộ và chưa cập nhật, … Một trong số những nguyên nhân rất căn bản của tình trạng này là cho tới nay, Thái Bình chưa có quy hoạch phát triển nhân lực, chưa thực sự nắm bắt được một cách cụ thể nhu cầu về nhân lực (số lượng, cơ cấu, trình độ) ở mỗi lĩnh vực hoạt động kinh tế; giữa đào tạo và sử dụng nhân lực vẫn còn tình trạng chưa ăn khớp, nơi thừa, nơi thiếu; kinh tế của Tỉnh chậm phát triển và chưa thu hút hết lao động, số lao động dôi dư hàng năm di chuyển tự do, tự phát để tìm kiếm việc làm ở các địa phương khác khá phổ biến. Thiếu quy hoạch phát triển nhân lực

đã dẫn đến hậu quả chung là lãng phí nguồn lực và sử dụng lao động chưa hiệu quả, năng suất lao động xã hội chậm được cải thiện.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bao gồm:

+ Phát triển nền kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao một bước chất lượng tăng trưởng. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, hiệu quả cao và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển công nghiệp với nhịp độ tăng trưởng cao; mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

+ Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011- 2015 khoảng 13,5%/năm; trong đó khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng khoảng 4,38%/năm; công nghiệp xây dựng tăng bình quân khoảng 20,8 %/năm và khu vực dịch vụ tăng bình quân khoảng 13,2%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 mức tăng trưởng kinh tế là 13,0%/năm.

+ Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2015 tỷ trọng các ngành nông lâm ngư chiếm khoảng 24,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40,3% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 35%. Đến năm 2020 các tỷ lệ tương đương là 20%, 45% và 35%.

+ Tăng nhanh đầu tư toàn xã hội, thu hút mạnh các nguồn vốn bên ngoài, thời kỳ 2011 - 2015 tổng vốn đầu tư xã hội dự kiến đạt 45% GDP; 2016 - 2020 khoảng 40 - 41% GDP.

+ GDP bình quân đầu người đạt khoảng hơn 41,3 triệu đồng năm 2015 và khoảng 90 triệu đồng năm 2020.

+ Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống 3% vào năm 2015 và 2,5% vào năm 2020.

+ Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số sống ở đô thị đạt khoảng 34%; tỷ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động khoảng 67%.

+ Nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55% (đào tạo nghề đạt 41,5%); đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (đào tạo nghề đạt 51,5%). Đến năm 2015, có ít nhất 80% lao động có việc làm sau khi được đào tạo.

Để thực hiện các mục tiêu trên, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề được xem là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Vì vậy, mục tiêu của phát triển KT-XH vừa đặt ra yêu cầu đào tạo nhân lực, nhưng cũng là điều kiện đảm bảo cho phát triển nhân lực trong giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu nghiên cứu thống kê tình hình đào tạo nghề tại tỉnh thái bình giai đoạn 2008 – 2012 (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w