Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đồng bằng Nam Bộ và là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam, có diện tích 5.903.940km2, chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ, dân số toàn tỉnh theo số liệu thống kê năm 2009 là 2.483.211 người, mật độ dân số 123,511 người/km2. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm Thành phố Biên Hoà là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh, thị xã Long Khánh và 9 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú.
Đồng Nai là một tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc - Nam, gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI để phát triển KT-XH.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam - kinh tế 2009 - 2010: tính từ 1988 đến 19 - 12 - 2008 vốn FDI đăng ký đạt 17.151,0 triệu USD [34].
Trong 20 năm qua, thu hút FDI ở Đồng Nai đã có tác động tích cực trên các mặt kinh tế - xã hội, đó là cùng với phát huy nội lực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, chính sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp FDI đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tăng cao liên tục trong nhiều năm qua (giai đoạn 1991 - 2007 tăng trưởng bình quân 12,8% năm, riêng 2007 là 15,1%) và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Theo đó nông nghiệp từ một ngành kinh tế chủ đạo ở Đồng Nai (chiếm 50% GDP) đã từng bước giảm dần tỷ trọng. Trong khi tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng ngày càng tăng [35].
Đến năm 2007 tỷ trọng công nghiệp chiếm 7,7% GDP, dịch vụ 30,2% và nông nghiệp chiếm 21,1%. Thu hút FDI đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giai đoạn 1991 - 2007 tăng bình quân khoảng 45%/năm, nếu như kim ngạch xuất khẩu năm 1990 chỉ có 28,65 triệu USD thì đến năm 2007 đạt 5,474 tỷ USD. Năm 2010 đạt 7.100 tỷ USD, trong đó khu vực FDI chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai [48].
Vốn FDI tăng mạnh có tác động vào sự phát triển của các thành phần kinh tế, tạo công ăn việc làm trực tiếp khoảng trên 320.000 lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách và các hoạt động xã hội khác.
Để có được những thành công trong thu hút FDI, tỉnh Đồng Nai đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm sau:
- Nâng cao chất lượng quy hoạch cả về kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành. Trong quy hoạch các khu công nghiệp ưu tiên hình thành các khu công
nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao, khu liên hợp công nông nghiệp, việc bố trí dự án đầu tư sẽ thực hiện đúng quy hoạch.
- Nâng cao chất lượng đầu tư: Với quy mô dự án đã đạt được trong những năm qua, cùng với quỹ đất bố trí dự án đầu tư ngày càng khó khăn, việc nâng cao chất lượng dự án đầu tư là cần thiết, việc mời gọi dự án đầu tư sẽ theo hướng tăng các dự án dịch vụ, công nghệ kỹ thuật cao, giảm dần các loại dự án có công nghệ gây nhiều ô nhiễm, các dự án gia công sử dụng nhiều lao động tại trung tâm đô thị sử dụng hợp lý có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường nước, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, chuyển dần các dự án đầu tư nước ngoài về địa bàn nông thôn.
- Tăng cường cải thiện thủ tục hành chính theo hướng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý một cửa và một cửa liên thông theo phương châm "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tăng cường thực hiện tin học hoá trong quản lý và đối thoại qua mạng tin học với các nhà đầu tư.
- Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng triển khai thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực đã xây dựng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư vào Đồng Nai đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng theo quy hoạch của tỉnh.
- Để có đầu tư trong và ngoài nước các công ty kinh doanh hạ tầng KCN ở Đồng Nai đã phải đầu tư "phải làm tổ cho chim đẻ" với nhiều hình thức đa dạng như: 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước (Biên Hoà 2, Nhơn trạch 1, 2, 3, Tam Phước, Gò Dầu); vốn liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài (Amata, Loteco); vốn tư nhân trong nước (Sông Mây).
Bên cạnh những thành công, Đồng Nai gặp không ít những khó khăn mới trong quá trình thu hút đầu tư như: Đồng Nai nằm trong kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều sản phẩm đầu tư bị trùng lắp như may mặc, điện tử. Do phải cạnh tranh với các sản phẩm trùng lắp và các doanh nghiệp lại chậm thay đổi công nghệ, chủ yếu tập trung vào sản xuất tiêu dùng (đầu tư ít, vốn thu hồi nhanh) không hướng xuất khẩu (đầu tư lớn, thu hồi chậm) có tác động đến cơ cấu đầu tư cũng như cơ cấu kinh tế tỉnh; về lâu dài nền kinh tế phát triển không
bền vững. Công tác quy hoạch cũng không theo kịp nên nhiều KCN gặp nhiều khó khăn trong đền bù và giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư; trong nội bộ các KCN chưa có sự phân chia ngành nghề rõ ràng nên đa số các KCN trở thành KCN đa ngành; công ty kinh doanh nào cũng lo lấp đầy diện tích nên không có sự kén chọn dự án. Chất lượng cơ sở hạ tầng ở mỗi KCN cũng có sự khác nhau do phụ thuộc vào vốn của công ty kinh doanh hạ tầng, do vậy không ít các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải chung; từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cụ thể là Công ty Bột ngọt VEDAN xả chất thải ra sông Thị Vải. Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi. Ngày 13/9/2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty VEDAN đóng tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai xả một loại nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Theo ước tính VEDAN có thể xả nước thải tới 5.000m3/ngày ra sông. Theo nhận định ban đầu, việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của Công ty VEDAN là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngày 06/10/2008, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với VEDAN với tổng tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng [48].