b. Đặc điểm địa hình
2.2.3. Những hạn chế đang tồn tạ
Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng và phát triển các KCN, CCN còn tồn tại những hạn chế, bất cập sau:
– Trong công tác quy hoạch, do thiếu thông tin dự báo về nhu cầu đầu tư nên quy hoạch chưa sát thực tế. Điều đó khiến các địa phương và tỉnh phải đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN, CCN nhiều lần gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quy mô diện tích mỗi lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường nhỏ và công tác triển khai chậm nên bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư.
– Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm và gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân: quy định về mức giá đền bù tài sản, đất đai biến động nhanh; công tác giải quyết kinh phí đền bù cho người bị thu hồi đất không kịp thời; nơi tái định cư được chuẩn bị chưa tốt. Điển hình như KCN Quảng Vinh đã được thành lập từ năm 2009 nhưng chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất đã quy hoạch để sản xuất nông nghiệp.
– Việc khai thác các hạng mục hạ tầng thiết yếu bên ngoài hàng rào như: giao thông, điện, nước sạch, nước thô... cho xây dựng và vận hành các KCN, CCN còn bị phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên ngành nên thiếu sự chủ động, linh hoạt. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng còn hạn chế. Đến nay, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng trong các KCN, CCN chủ yếu từ nguồn ngân sách. Điều đó khiến cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở nhiều KCN, CCN còn chậm hơn tiến độ được duyệt. Điển hình là CCN Hương Hòa thành lập từ năm 2005, KCN La Sơn thành lập từ năm 2006, KCN Phú Đa thành lập từ năm 2009 nhưng chưa có dự án nào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật nên không thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
– Khả năng cạnh tranh của các KCN, CCN của tỉnh Thừa Thiên Huế còn yếu so với các khu kinh tế, KCN lớn các tỉnh lân cận như: Khu kinh tế mở Chu Lai, KCN Tam Hiệp (Quảng Nam); Khu kinh tế Dung Quất, KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú (Quảng Ngãi); Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định); KCN Hòa Khánh,
KCN Liên Chiểu (Đà Nẵng) nên chưa tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các dự án nước ngoài. Điều đó khiến cho tỷ lệ lấp đầy ở một số KCN, CCN còn rất thấp, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
– Việc xây dựng được nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư và chuyên gia làm việc trong KCN, CCN còn chậm. Hiện nay, các KCN và CCN trong tỉnh đều chưa xây dựng được nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư và chuyên gia. Tuy KCN Phú Bài đã quy hoạch chi tiết khu vực nhà ở công nhân nhưng chưa triển khai xây dựng. KCN Phong Điền cũng đã quy hoạch xây dựng làng Scavi bao gồm các hạng mục: nhà ở, dịch vụ ăn uống, giải trí... đáp ứng đủ cho 4.500 lao động và dự kiến vào cuối năm 2012 mới có thể đưa vào hoạt động.
– Việc bảo vệ môi trường các KCN, CCN còn tồn tại nhiều hạn chế. Đến nay, trừ KCN Phú Bài đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 4.000m3/ngày đêm, các KCN và CCN khác đều chưa xây dựng hạng mục này. Bên cạnh đó, chỉ mới 3 KCN và 1 CCN có xây dựng báo cáo tác động môi trường.
– Công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào các KCN, CCN còn hạn chế. Hiện nay, tuy Ban quản lý các CCN – TTCN thành phố Huế và Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Thủy trực tiếp quản lý các CCN nhưng chưa có trang web để quảng bá trực tuyến và kêu gọi đầu tư. Đơn vị duy nhất có trang web là Ban quản lý các KCN tỉnh nhưng đến nay tên miền của trang web này không còn phù hợp (http://phubai–iz.com.vn), thông tin chậm cập nhật, còn nghèo nàn về nội dung và chỉ quảng bá cho các KCN, không quảng bá cho các CCN. Bên cạnh đó, tuy UBND các huyện đều có trang web nhưng không có chuyên mục đăng thông tin quảng bá và kêu gọi đầu tư cho các KCN và CCN trên địa bàn.