3.1.1 Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2012- 2020
Mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam giai đạon 2012-2020 là phát triển TCTK cả về quy mô và chất lượng hoạt động nhằm tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam; duy trì trật tự, an toàn, mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường nhằm bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của NĐT, tưng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.
Nội dung định hướng phát triển thị trường chứng khoán bao gồm :
Tăng quy mô, củng cố thanh khoản cho thị trường chứng khoán, phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2015 dự kiến đạt 65-70% GDP và đến năm 2020 quy mô vốn hóa thị trường đạt 90-100% GDP (năm 2010, mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 726.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 39% GDP, 2009 đạt 620.000 tỷ đồng, tương đương mức 38% GDP và tăng gấp 3 lần so với năm 2008). Cấu trúc thị trường được hoàn thiện theo hướng HOSE sẽ là nơi niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp lớn, HNX sẽ là nơi niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp nhỏ, đồng thời phát triển thị trường UPCOM và UPCOM mở rộng.
Tập trung phát triển thị trường trái phiếu, trước hết là trái phiếu chính phủ đẻ huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển.
Tăng số lượng các CP niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung nhằm tăng quy mô về vốn cho các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các công ty niêm yết.
Cũng trong định hướng phát triển thị trường có lộ trình chuyển đổi sở hữu của sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán từ công ty TNHH nhà nước một thành viên trở thành công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng (có niêm yết).
Nâng cao quy mô, năng lực của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, dịch vụ chứng khoán đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán: cần tăng quy mô, chất lượng công ty chứng khoán theo hướng tái cấu trúc (phá sản, thâu tóm, sáp nhập), giảm số lượng công ty chứng khoán từ hơn 100 công ty như hiện nay xuống còn khoảng 50 công ty (bình quân thị phần mỗi công ty chứng khoán là 4 tỷ USD), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, chuyên nghiệp hóa việc tổ chức vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian thị trường, các tổ chức phụ trợ thị trường và của thị trường chứng khoán Việt Nam
Phát triển các định chế tài chính trung gian cho thị trường chứng khoán Việt Nam: Tăng quy mô và pham vi hoạt động nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ của các công ty chứng khoán. Phát triển các công ty chứng khoán theo hai loại hình: Công ty chứng khoán đa nghiệp vụ và công ty chứng khoán chuyên doanh, nhằm tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và khả năng chuyên môn hóa hoạt động nghiệp vụ. Khuyến khích các công ty chứng khoán thành lập các chi nhánh, điểm hỗ trợ giao dịch ở các tỉnh thành phố lớn, các khu vực đông dân trong cả nước. Phát triển các công ty quản ly quỹ đầu tư chứng khoán cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Đa dạng hóa các loại hình sở hữu đối với công ty quản lý quỹ đầu tư. Khuyến khích các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư. Thành lập một số công ty định mức tín nhiệm để đánh giá, xếp loại rủi ro các loại chứng khoán niêm yết và định mức tín nhiệm các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát triển các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân. Thiết lập hệ thống các nhà đầu tư có tổ chức bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, các công ty tài chính, các công ty bảo hiểm, các quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư… tạo điều kiện cho các tổ chức này tham gia thị trường với vai trò là các nhà
đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thực hiện chức năng của nhà tạo lập thị trường.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, theo UBCKNN, phát triển thị trường chứng khoán cả về quy mô và chất lượng hoạt động nhằm tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tu phát triển, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế.