Khi nghiên cứu vấn đề này, luận văn đã thiết kế một mẫu phiếu điều tra tìm hiểu quan điểm của các nhà quản trị về tầm quan trọng của công tác đãi ngộ phi tài chính của công ty (Phiếu số 1/phụ lục). Qua tìm hiểu hai nhà lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp thì đều nhận được ý kiến cho rằng đãi ngộ phi tài chính chưa thực sự có vai trò quan trọng. Chính vì vậy mà từ khâu xây dựng đến triển khai thực hiện đãi ngộ phi tài chính đều được ban giám đốc coi là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người lao động mà thôi. Điều đó đã góp phần làm cho hoạt động này tại công ty thực hiện chưa được hiệu quả.
Dưới đây là một số ý kiến của nhà quản trị trong công ty trong quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện các hoạt động đãi ngộ phi tài chính.
Bảng 3.3. Tổng hợp ý kiến của nhà quản trị về hoạt động đãi ngộ phi tài chính (Đơn vị:%)
STT Chỉ tiêu Có Không
1 Tham khảo ý kiến của nhân viên khi xây dựng chính sách 100 0 2 Sẵn sàng trả lời kiến nghị, thắc mắc của người lao động 100 0 3 Tham gia xây dựng chính sách đãi ngộ phi tài chính 50 50 4 Coi sắp xếp công việc hợp lý là một hình thức đãi ngộ phi
tài chính 100 0
5 Môi trường làm việc tại công ty có tạo điều kiện, thúc đẩy
người lao động làm việc và gắn bó với công ty 100 0
Nguồn: Phiếu điều tra trắc nghiệm
Nhìn vào bảng tổng hợp ta có thể thấy rằng trong quá trình xây dựng các chính sách về đãi ngộ phi tài chính thì công ty cũng có tham khảo ý kiến của nhân viên để họ tham gia đóng góp ý kiến nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về ban lãnh đạo. Mặt khác, Phó giám đốc kinh doanh không tham gia xây dựng chính sách đãi ngộ phi tài chính. Điều đó chứng tỏ mức độ quan tâm của nhà quản trị cấp cao của công ty đến hoạt động đãi ngộ phi tài chính không cao, nhưng một điểm nổi bật ở đây là họ sẵn sàng trả lời những kiến nghị, thắc mắc của người lao động, đồng thời cũng coi trọng việc bố trí nhân viên sao cho phù hợp và cố gắng tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn để kích thích người lao động nhưng trong thực tế thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Thông qua quá trình điều tra và phỏng vấn các nhà lãnh đạo các cấp tại công ty như Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng, Phó phòng ta có thể thấy:
Thứ nhất, việc xây dựng và thực hiện các chính sách đãi ngộ phi tài chính chưa được hiệu quả và chưa tạo động lực cho người lao động làm việc. Nhà lãnh đạo chưa coi trọng hoạt động đãi ngộ phi tài chính trong doanh nghiệp. Họ vẫn cho rằng thu nhập mới chính là nguồn động lực thúc đẩy người lao động làm việc. Chính từ quan điểm này của họ mà việc xây dựng và thực hiện các chính sách về đãi ngộ phi tài chính chưa được chú trọng, họ luôn cố gắng để tăng mức lương cho người lao động và quan tâm tới đời sống vật chất, quan điểm này của ban lãnh đạo cũng có ý đúng mà cũng có ý sai. Đúng ở chỗ là thực tế mức lương hiện tại ở công ty được đánh giá là tương đối hợp lý. Và ban lãnh đạo luôn cố gắng quan tâm hơn nữa tới lương bổng để người lao động có cuộc sống tốt hơn. Nhưng ban giám đốc đã sai ở chỗ con người đôi khi không chỉ sống và làm việc vì
nhu cầu vật chất, họ còn có nhu cầu về đời sống tinh thần và có khi nhu cầu này còn lớn hơn cả ham muốn về vật chất, thỏa mãn được nhu cầu về tinh thần sẽ tạo động lực cho người lao động làm việc, sẽ kích thích họ làm việc hiệu quả. Khi người lao động làm việc với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình sẽ tạo kết quả làm việc cao thì chắc chắn năng suất lao động chung của công ty cũng tăng và chính điều đó gián tiếp giúp người lao động thỏa mãn nhu cầu về vật chất. Quan điểm này của ban lãnh đạo công ty là một hạn chế cần phải khắc phục để giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc.
Thứ hai, một số chính sách đãi ngộ phi tài chính của công ty còn nằm rải rác ở các văn bản, chưa thực sự tập trung lại thành một khối để thực hiện đồng bộ mang lại hiệu quả và phát huy được sức mạnh của hoạt động đãi ngộ phi tài chính. Các chính sách này tập trung chủ yếu trong bộ nội quy – quy chế - thỏa ước lao động như chính sách môi trường, chính sách tham quan, nghỉ mát, quy định về vệ sinh an toàn lao động, các đảm bảo xã hội cho người lao động, quy chế thi đua khen thưởng …
Thứ ba, quá trình thực hiện các chính sách về đãi ngộ phi tài chính cũng gặp khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Đó là do một số nhân viên đã không nghiêm túc thực hiện hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức.
Thứ tư, Phó giám đốc công ty đã cho biết “ Trong thời gian tới chúng tôi cũng chưa có dự định gì lớn trong việc xây dựng và thực hiện hoạt động đãi ngộ phi tài chính tại công ty”.
Như vậy ta có thể thấy ban lãnh đạo của Công ty cổ phần XNK công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng vẫn còn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của chế độ đãi ngộ phi tài chính. Chính điều đó đã chưa kích thích được người lao động làm việc hiệu quả. Do vậy để có thể nâng cao chất lượng đãi ngộ phi tài chính công ty cần có biện pháp nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng của họ.