2.2.2.Toàn Cầu Hóa Tác Động Đến Tự Nhiên

Một phần của tài liệu toàn cầu hóa và môi trường tự nhiên trung quốc và nhật bản (Trang 31 - 36)

Tác động của toàn cầu hoá rất phức tạp, có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, mang lại những cơ hội lớn, đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với mọi quốc gia. Riêng Nhật bản, toàn cầu hóa có một vai trò không nhỏ trong quá trính phát triển và ổn định của đất nước.

2.2.2.1. Tích cực

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra giúp Nhật Bản khắc phục được những điểm yếu về nguồn tài nguyên thiếu hụt, hỗ trợ không nhỏ trong quá trình phát triển một số ngành nghề như chế tạo, lắp ráp,.. Bên cạnh đó quá trình toàn cầu hóa phát triển nhiều công nghệ tiên tiến giúp đất nước Nhật Bản có thể dự báo trước một số trận thiên tai và có thể tránh khỏi những thiệt hại đáng kể.

Khi toàn cầu hóa diễn ra việc trao đổi các giống cây trồng và động vật quý hiếm với nhiều nước đã làm đa dạng các nguồn sinh vật ở Nhật Bản. Đồng thời việc giao lưu, học hỏi cũng giúp cho Nhật Bản trong việc thực hiện bảo vệ và cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, Nhật Bản buộc phải tuân theo các điều luật, quy ước quốc tế về bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm.

Nhờ vào việc du nhập các công nghệ mới trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều vùng đất xấu, cằn cỗi đã được khai thác và sử dụng, vừa mang lại lợi ích cho nền kinh tế vừa tạo ra vẻ cảnh quan thu hút cho đất Nhật Bản.

2.2.2.2. Tiêu cực

Song song với những mặt tích cực mà toàn cầu hóa mang lại thì nó cũng gây ra không ít ảnh hưởng xấu đối với môi trường tự nhiên của Nhật Bản, điều đáng quan tâm nhất đó là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Không chỉ riêng Nhật Bản mà trên toàn thế giới hiện tượng ô nhiễm đất đang có xu hướng tăng. Con người quá lạm dụng các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng trong việc trồng trọt nhằm tăng năng suất, bên cạnh những tác dụng như mong muốn thì các chất hóa học ấy còn có những tác dụng phụ xấu mà con người chưa biết hết. Việc khai thác các khoáng sản phục vụ phát triển công nghiệp bằng chất nổ vừa phá vỡ cấu trúc đất, vừa để lại các chất độc hại ảnh hưởng lâu dài. Tình trạng công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng đã làm tăng nhanh các chất thải công nghiệp, sinh hoạt của con người và súc vật chưa qua xử lý hoặc xử lý không đúng kỹ thuật đưa ra ngoài môi trường làm ô nhiễm môi trường đất nặng nề. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, năm 1995 có tới 722 ha đất ở 13 vùng trong 6 tỉnh bị ô nhiễm, là chủ yếu bởi chất Cadnium và có 10 ha đất ở một tỉnh bị ô nhiễm

bởi chất thạch tín (arsenic). Và một số công trình nghiên cứu khác cũng chỉ ra có tới 7.140 ha đất ở 129 vùng bị phát hiện ô nhiễm trên tiêu chuẩn cho phép. Nhật Bản còn được xem là một trong số các quốc gia rất phát triển về công nghệ hạt nhân. Mặc dù công nghệ kĩ thuật tiên tiến nhưng những chất phóng xạ, chất độc hại từ các hoạt động của những nhà máy hạt nhân này vẫn thải ra môi trường hàng ngày. Những vụ nổ nhà máy hạt nhân do động đất đã ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến môi trường như sự cố rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở Tokaimura, Ibaraki năm 1999, đã làm người dân thật sự thấy lo ngại. Ô nhiễm đất làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, hủy diệt sự sống một số sinh vật trong những khu vực ô nhiễm nặng, đồng thời còn đe dọa đến sức khỏe con người thông qua vật nuôi, cây trồng, thậm chí gây ra những biến dạng sinh thái và biến dạng về di truyền cho hệ sinh vật.

Theo Cục Môi trường thuộc Chính phủ Nhật Bản thì chất lượng nước ở sông, hồ, biển ở Nhật Bản nhiều vùng không đạt tiêu chuẩn cho phép thể hiện qua mức độ ô nhiễm các hợp chất hữu cơ cao. Và theo thống kê thì có tới 30% vùng sông, hồ và biển ở Nhật Bản không đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường nguyên nhân là do các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, việc xử lý ô nhiễm gặp khó khăn bởi ở những nơi đó phế thải sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt thường xuyên thẩm thấu và trực tiếp ảnh hưởng tới môi trường, bên cạnh đó nhiều vùng biển Nhật Bản còn bị ô nhiễm bởi phế thải của tàu, thuyền hoạt động hàng hải và làm điểm tập kết cuối cùng của các loại phế thải từ sông, hồ…Theo thống kê chính thức của Nhật Bản năm 1997, có tới 754 trường hợp gây ô nhiễm môi trường biển do hoạt động hàng hải, trong đó 370 trường hợp là ô nhiễm do dầu (dầu từ tàu), 249 trường hợp liên quan tới chất thải hàng hải, và chất thải công nghiệp khác.

Điều lưu ý là ở Nhật Bản, có tới 70% nguồn cung cấp nước từ sông, hồ mà đây là nguồn cung cấp nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm môi trường, còn 30% nguồn cung cấp nước là “nước ngầm”.

Những hoạt động sản xuất, kinh doanh không được kiểm soát, nhất là của các ngành công nghiệp nặng và hoá chất, các hoạt động vận chuyển của phương tiện giao thông, các hoạt động sinh hoạt gia đình,… đã thải ra những chất độc hại như khí gas, Clo, CO2, Axit Sulphuric , Axit Nitric và một số Axit khác. Đó là thủ phạm làm ô nhiễm

bầu không khí, làm bào mòn và thủng tầng ozon. Năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập 3 chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực tại Sapporo, Yokkaichi và Aichi. Đây là 3 vùng có nguy cơ ô nhiễm không khí cao nhất nước bởi ở đây chính là những vùng tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp nặng và hoá chất. Đô thị hóa nhanh chóng và các ngành nghề sản xuất kinh doanh đòi hỏi nguồn nguyên liệu lấy từ thiên nhiên đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt, suy thoái, nguồn sinh vật. Tình trạng phá rừng cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp có liên quan đến gỗ cũng làm thu hẹp dần diện tích rừng của Nhật Bản, làm cho hệ sinh thái biến đổi, kéo theo việc môi trường sống của các loài sinh vật bị ảnh hưởng. Mật độ che phủ rừng ngày càng thấp dẫn đến tình trạng sạc lở, xói mòn đất, làm nhiệt độ nóng dần lên, xuất hiện các trận mưa axit và hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

2.3. Phản Ứng Của Quốc Gia Trước Toàn Cầu Hóa

Nhận thấy rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là một trong số các hệ quả của quá trình toàn cầu hóa. Đồng thời tình trạng ô nhiễm này cũng ảnh hưởng ngược lại đến quá trình toàn cầu hóa nên Nhật Bản đã nhanh chóng tập trung đưa ra các chính sách nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường, đề ra hàng loạt các chính sách và biện pháp cụ thể để cải thiện từng môi trường bị ô nhiễm.

Chính phủ Nhật Bản đã kiểm soát và ngăn chặn việc thải các hoá chất vào đất, bằng cách yêu cầu các chủ thể kinh doanh có các giải pháp công nghệ xử lý các chất thải hoá chất trước khi đổ ra môi trường và yêu cầu các chủ thể này tuân thủ theo quy định của luật kiểm soát ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước.

Những ngành công nghiệp khai thác có sử dụng chất nổ cần áp dụng các giải pháp chống ô nhiễm do chất nổ gây ra phù hợp với đạo luật an toàn chất nổ. Thực tế cho thấy, ô nhiễm do dùng chất nổ để khai khoáng không chỉ diễn ra khi khai thác mà nó còn để hậu quả cả sau khi ngừng hoạt động, bởi vậy yêu cầu sử dụng nghiêm ngặt các giải pháp cần thiết hạn chế tác hại của mình đối với môi trường đất là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó các hoạt động hỗ trợ để bảo vệ môi trường đất cũng được nhiều công ty quan tâm. Chẳng hạn Tổng công ty khai thác kim loại Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính

cho việc phục hồi và cải thiện môi trường đất ở những vùng mà họ hoạt động, các chương trình nghiên cứu về chống ô nhiễm môi trường đất do sử dụng mìn cũng được chính quyền các địa phương chú trọng. Thực hiện các giải pháp kết hợp công nghệ với sinh học, chính phủ trung ương và địa phương... nhằm cải tạo đất bạc màu do ô nhiễm gây ra.

Từ đầu những năm 1980, khi phát hiện ra ở một số khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo và yêu cầu chính quyền địa phương nơi có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm phải kiểm soát được hiện trạng ô nhiễm và cần thực hiện ngay những giải pháp cần thiết để khắc phục và một khoản ngân sách hàng năm từ chính phủ trung ương được dành cho công tác chống ô nhiễm nguồn nước ngầm. Năm 1989, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật “kiểm soát ô nhiễm nguồn nước". Đạo luật cho phép chính quyền trung ương và chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch thường niên bảo vệ nguồn nước (kể cả nước ngầm) phù hợp tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguồn nước.

Bởi vậy, các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước phải mang tính tổng thể và kết hợp với các giải pháp chống ô nhiễm môi trường nói chung, chẳng hạn kiểm soát việc sử dụng các loại hoá chất phục vụ nông nghiệp, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đối phó với rủi ro đối với các sự cố tràn dầu trên biển và bảo vệ kho chứa dầu, chứa hoá chất của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo đạo luật kiểm soát ô nhiễm nguồn nước sửa đổi năm 1994, tỉnh trưởng các tỉnh có quyền sử dụng các biện pháp đặc biệt và phù hợp với yêu cầu của địa phương mình trong việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Sau đó, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã công bố bản “hướng dẫn bảo vệ nguồn nước ngầm và kiểm soát ô nhiễm". Đây là tài liệu quan trọng mang tính phổ cập để giúp người dân và nhà kinh doanh biết cách khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá đó.

Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các sáng kiến sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm nhất phù hợp với đạo luật “ sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng”, giảm thuế và thực thi chính sách tín dụng mềm đối với các hoạt động kinh doanh đặc biệt. Khuyến khích sử dụng các nguyên liệu tái chế. Nhật Bản khuyến khích các nhà chế tạo ôtô sản xuất các chủng loại ôtô tiết kiệm năng lượng và hạn chế thải CO2 vào môi trường.

Đồng thời xây dựng các chương trình phát triển phương tiện giao thông thay thế ôtô tải như phát triển hệ thống đường sắt sử dụng các loại xe điện siêu tốc chạy bằng điện từ...

Ngoài ra, chính phủ đã đưa các biện pháp đối phó với nhiều hình thức ô nhiễm hoặc có hại đến môi trường như: ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, rác thải, lún đất, các mùi khó chịu, ô nhiễm đất và ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp.

Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề ít sử dụng các nguồn nguyên liệu lấy từ tài nguyên thiên nhiên trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư từ nước ngoài trong các ngành nghề như: cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành lắp ráp, chế tạo linh kiện, điện tử,…

Song song đó, chính phủ Nhật Bản đưa ra các hình thức xử phạt nặng cho những doanh nghiệp không tuân thủ đúng các điều luật về việc bảo vệ và làm ô nhiễm môi trường, đánh mức thuế cao cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan đến các ngành nghề sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên. Đặc biệt nghiêm cấm các ngành nghề khai thác các loại động, thực vật quý hiếm.

Một phần của tài liệu toàn cầu hóa và môi trường tự nhiên trung quốc và nhật bản (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(58 trang)
w