3. QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG VỚI CÁC NHTM VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ NHỮNG HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
3.2. Dự phòng rủi ro
Một trong những điểm mới nhất, rất tiến bộ trong việc điều hành hoạt động kinh doanh tín dụng là việc các NHTM nói riêng và TCTD nói chung đã được phép trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro. Việc cho phép các TCTD trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong kinh doanh chứng tỏ sự chấp nhận của các nhà làm luật với những rủi ro trong hoạt động tín dụng ngân hàng, và việc khẳng định sự cần thiết của việc nhà nước cùng chia sẻ những rủi ro trong hoạt động kinh doanh với các TCTD thông qua việc chấp nhận khoản dự chi cho những rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là một khoản chi phí hợp lý của các TCTD.
Theo quyết định số 48/1999/quyết định-NHNN5 thì các TCTD phải thực hiện việc phân loại tài sản “có” và trích lập dự phòng để bù đắp rủi ro mỗi năm một lần trong vòng 25 ngày làm việc đầu tiên của mỗi năm. Quy định này đồng nghĩa với việc quỹ dự phòng rủi ro được trích lập ngay từ đầu năm hiện hành căn cứ vào số dư nợ quá hạn của mỗi năm trước đó. Khoản dự phòng rủi ro phải được hoạch toán vào chi phí hoạt động, trong trường hợp TCTD thu hồi được vốn đã được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi đuợc nay coi là doanh thu của TCTD.
NHNN cũng đã đưa ra những tỷ lệ trích lập khác nhau đối với những khoản tín dụng có nguy cơ rủi ro khác nhau. Nếu khoản tín dụng nào có khả năng thu hồi càng kém thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro càng lớn, chẳng hạn:
Đối với những tài sản gồm khoản cho vay có bảo đảm, cho thuê tài chính, thời gian quá hạn là 360 ngày trở lên, cho vay không có bảo đảm thời gian quá hạn là 180 ngày trở lên, và những khoản chiết khấu, tái chiết khấu và trả thay bảo lãnh từ 90 ngày trở lên thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro sẽ là 100%
Nếu nợ quá hạn trên 180 ngày nhưng dưới 360 ngày thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro là 50%.
Đối với nợ quá hạn dưới 180 ngày nhưng có bảo đảm thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro là 20%.
Việc quỹ dự phòng rủi ro được đưa vào các NHTM là rất cần thiết vì qua đó các NHTM có thể tiến hành xử lý rủi ro tín dụng, tạo điều kiện thu hồi vốn nhanh chóng
Tuy nhiên hoạt động của quỹ dự phòng rủi ro còn có một số hạn chế nhất định: Thứ nhất, Thời điểm trích lập dự phòng rủi ro chưa phù hợp cho hoạt động của các NHTM, việc trích lập dự phòng rủi ro ngay một lần đầu năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuân hàng tháng và có thể dẫn đến một vài NHTM sẽ thường xuyên “bị lỗ”. Tình trạng này gây nên hiện tượng “Lỗ giả - lãi thật” không phản ánh đúng sự thật về kết qủa kinh doanh theo tháng, quý của các NHTM. Mặt khác trích lập 1 lần vào đầu năm sẽ gây nên đột biến lớn trong thu nhập và chi phí của từng NHTM.
Thứ hai, Quy định về tỷ lệ trích lập dự phòng cho tài sản có mặc dù đã gần với thông lệ quốc tế, song vẫn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ theo thống kê cho thấy, tình hình nợ quá hạn tại một số NHTM hiện nay còn khá cao thì mức dự phòng rủi ro có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng (đối với những ngân hàng lớn) và hàng chục tỷ đồng đối với những ngân hàng nhỏ. Trong khi đó lợi nhuân hàng năm của các NHTM khó có thể thể đạt bằng con số mà quỹ dự phòng đã trích lập đầu năm.