Với mong muốn làm thế nào để có thể vận dụng những kiến thức đã học ở trường vào thực tế một cách hài hòa, hợp lý, khoa học nhất. Với những kiến thức đã tiếp thu được tại Công ty TNHH Hansae VN, em xin đưa ra một vài nhận xét, ý kiến về công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành tại Công ty để góp phần nhỏ làm cho công tác kế toán của Công ty ngày càng hiệu qủa hơn nữa.
4.1 Nhận xét
Nhìn chung, bộ máy kế toán của Công ty được phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng. Cộng với điều kiện được trang bị máy vi tính nối mạng giúp cho công việc kế toán được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng hơn và hạn chế được nhiều sai sót, cũng như giúp sự phối hợp của phòng kế toán với các phòng khác thuận lợi, chặt chẽ, hiệu qủa hơn.
Các biểu mẫu chứng từ qui định cũng như qui trình hạch toán về cơ bản theo đúng qui định của Nhà nước.
Bên cạnh hệ thống sổ sách theo qui định, kế toán còn lập ra hệ thống sổ chi tiết trong các khâu. Cách thiết kế sổ khoa học làm cho người đọc dễ nhìn, dễ nắm bắt.
Sự kết hợp giữa sổ sách theo qui định với hệ thống báo biểu, sổ sách do Công ty làm ra rất hợp lý, phản ánh đầy đủ, chính xác kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.
Để tính toán giá thành sản phẩm một cách chính xác, Công ty TNHH Hansae VN đã sử dụng phương pháp tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành theo từng quí và được tính riêng cho từng phân xưởng sản xuất.
Bộ máy kế toán của Công ty luôn thực hiện nghiêm túc về công tác tổ chức kế toán. Cơ cấu bộ máy kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Sự phối hợp năng động giữa các nhân viên trong bộ phận kế toán được thực hiện khá chặt chẽ và nhịp nhàng nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc cung cấp và xử lý số liệu tổng hợp tại Công ty.
Ưu điểm:
Qui trình tổ chức tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành của Công ty TNHH Hansae VN hiện nay có ưu điểm chung là đơn gỉan, dễ tính, giúp nắm bắt được tổng quan tình hình về chi phí, giá thành của Công ty.
Về hạch toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, Công ty giao cho phòng kỷ thuật kinh doanh đảm nhận trách nhiệm trước khi chuyển phiếu đề nghị cung cấp vật tư xuống kho.Vì phòng kỷ thuật kinh doanh nắm bắt được định mức, qui cách nguyên phụ liệu chính xác hơn từ các phân xưởng sản xuất nên các phân xưởng không tự ý mang phiếu xuống kho để nhận nguyên vật liệu xuất dùng. Công việc này nhằm giúp cho việc hạch toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp được chính xác hơn. Đồng thời hàng ngày kế toán nhập số liệu vào máy, cuối tháng in ra báo cáo nhập xuất tồn giúp cho quá trình kiểm tra, đối chiếu với sổ cái, nhật ký chứng từ tốt hơn.
Một ưu điểm khác là việc lập báo cáo qũy vào cuối mỗi ngày. Bởi vì số lượng nghiệp vụ liên quan đến tiền mặt phát sinh rất nhiều. Do đó việc lập báo cáo qũy hàng ngày, rồi từ báo cáo qũy ghi vào nhật ký chứng từ là rất khoa học vừa giúp cho việc hạch toán hợp lý dễ dàng ít nhầm lẫn, vừa giúp cho công tác quản lý, kiểm tra qũy tiền mặt thường xuyên hơn, rõ ràng hơn. Nhất là tiền mặt là một thứ tài sản khó quản lý, dễ mất mát.
Việc tính lương được Công ty giao cho phòng nhân sự đảm trách do đó mà việc quản lý về tiền lương và lực lượng lao động tại Công ty được phối hợp chặt chẽ và đạt hiệu suất cao. Kích thích được quá trình tăng năng suất của công nhân.
Ngoài ra còn có một số ưu điểm khác như vào cuối mỗi tháng, Công ty lập bảng tổng hợp nguyên vật liệu xuất dùng nhằm theo dõi, quan sát thực tế xem có đúng dịnh mức hay không, lãng phí hay tiết kiệm. Đặc biệt trên báo cáo chi phí có cột lũy kế từ đầu năm. Điều này giúp cho việc nắm bắt chi phí nhanh chóng thuận tiện, nhất là báo cáo chi phí cuối năm sẽ cho thấy rõ tình hình chi phí của cả năm.
Nhược điểm:
Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng cũng như mọi hệ thống kế toán khác, không có một hệ thống hoàn hảo như mong muốn. Do đó theo em công tác kế toán tại Công ty TNHH Hansae VN bên cạnh những ưu điểm, còn có một số hạn chế tồn tại như sau:
Quá trình luân chuyển chứng từ nhiều lúc còn chưa theo kịp các hợp đồng làm cho công việc các các kế toán viên lúc thì quá bận rộn, lúc thì không có việc để làm.
Hình thức kế toán được sử dụng phổ biến tại Công ty là hình thức nhật ký chứng từ nhưng trong quá trình làm việc chưa có sự đồng bộ và chặt chẽ. Đặc biệt là việc áp dụng các mẫu biểu của hình thức này vào kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành còn hạn chế, tuỳ vào các doanh nghiệp cụ thể mà có các hình thức lập khác nhau do đó gây khó khăn cho yêu cầu quản lý, kiểm tra của các cơ quan cấp trên.
Kế toán tổng hợp được thực hiện còn thủ công. Việc lập các báo cáo từ các số liệu trong kỳ được tính toán bằng tay sau đó đối chiếu với số liệu của máy chưa có một phần mềm kế toán nào hỗ trợ cho công việc này. Do đó công việc luôn phức tạp và gặp nhiều trở ngại.
Trong quá trình tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm Công ty không chú trọng đến những khoản “thiệt hại trong sản xuất”, điều này không có nghĩa là trong Công ty không có trường hợp sản phẩm bị hỏng hoặc người sử dụng do các yếu tố chủ quan hoặc khách quan. Trong quá trình sản xuất khi có thiệt hại xảy ra phía đối tác sẽ tiến hành huỷ bỏ sản phẩm ngay trên dây chuyền sản xuất, do đó công nhân không có tinh thần trách nhiệm trong việc tiết kiệm nguyên vật liệu.
Các phế liệu trong quá trình sản xuất khi thu hồi lại được Công ty ghi giảm trên tài khoản 642 mà không ghi giảm trên tài khoản 154, do vậy đã không phản ánh chính xác việc tính giá thành trong kỳ.
Việc tập hợp chi phí sản xuất của phân xưởng cơ điện được Công ty tập hợp vào tài khoản 627 “Chi phí sản xuất chung ”, vì phân xưởng cơ điện chủ yếu là đảm bảo sự hoạt động và sản xuất của Công ty diễn ra bình thường, phân xưởng này
không tạo ra các giá trị lao vụ cho sản xuất nên không được xem là sản xuất phụ. Tuy nhiên việc tập hợp các chi phí liên quan đến phân xưởng này cũng chưa đầy đủ như các chi phí về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn … các chi phí này được Công ty đưa vào tài khoản 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp ”. việc hạch toán này làm cho công việc hạch toán kế toán trở nên đơn giản hơn song không phản ánh trung thực tình hình chi phí sản xuất của phân xưởng vì theo nguyên tắc thì tài khoản 627 “Chi phí sản xuất chung ” phải đầy đủ các yếu tố liên quan đến tài khoản này như chi phí nhân viên phân xưởng,chi phí công cụ dụng cụ, chi phí khấu hao …
Về tài sản cố định dùng trong sản xuất kinh doanh tại Công ty, công suất của tài sản cố định chưa được tận dụng hết dẫn đến các phí tổn cố định phân bổ vào giá thành tăng là ảnh hưởng đến giá thành. Ngoài ra tỷ lệ khấu hao không phân theo giá trị từng loại tài sản mà chỉ tính chung cho tât cả các loại tài sản.
4.2 Kiến nghị:
Việc ghi chép theo dõi hệ thống sổ sách tại Công ty hiện nay được kế toán theo dõi trên máy vi tính, nếu có thể thực hiện được Công ty có thể chuyển đổi dần
từ hình thức nhật ký chứng từ sang hình thức nhật ký chung để thuận tiện hơn trong việc theo dõi số liệu nhằm đôn đốc việc thực hiện nhập số liệu của mỗi phần hành kế toán. Vì đặc điểm kinh doanh của Công ty là may mặc sản phẩm xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài theo từng đơn hàng nên kế toán lúc thì không có việc để làm lúc thì công việc rất nhiều, do đó mà việc theo dõi kế toán trên nhật ký chung sẽ dễ dàng hơn cho các kế toán viên vì họ có thể giúp đỡ nhau trong công việc.
Về sổ sách kế toán, Công ty đã mở tương đối đầy đủ tất cả các sổ như: sổ cái, sổ chi tiết… Tuy nhiên, một số sổ chi tiết vật tư hàng hoá trong tháng in ra còn thiếu sót vì vật tư đó rất ít phát sinh nên Công Ty cần chú ý ở điểm này. Cụ thể là kế toán vật tư cuối tháng khi in sổ chi tiết vật tư hàng hoá nên dựa vào bảng kê tổng hợp nhập xuất tồn vật tư, hàng hoá của tháng mà in.
Trong quá trình sản xuất sản phẩm nếu có sản phẩm hư hỏng thì phía đối tác nước ngoài sẽ tiến hành huỷ bỏ sản phẩm ngay, nên khoản thiệt hại này Công ty sẽ không tổ chức theo dõi. Chính vì thế công nhân không thực hiện tốt được tinh thần trách nhiệm của mình. Để giảm bớt những khoản “ thiệt hại trong sản xuất “, Công ty cần tổ chức theo dõi những khoản thiệt hại trong sản xuất, có chế độ thưởng phạt hợp lý, qui trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, có ý thức rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ kỷ thuật cần có phương án khuyến khích tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm tối đa các khoản thiệt hại, quan trọng là không làm ảnh hưởng đến nhịp độ sản xuất .
Phế liệu thu hồi thường được Công ty tích lại nhiều kỳ và bán một lần. Sau đó hạch toán giảm tài khoản 642 một lần ở kỳ bán. Theo em điều này không phản ánh trung thực giá thành và kết quả sản xuất kinh doanh ở các kỳ trước
Để đảm bảo tính chính xác trong việc tập hợp chi phí sản xuất chung tại phân xưởng cơ điện, Công ty nên hoạch toán các khoản chi phí về tiền lương, các khoản bảo hiểm … vào tài khoản 627 “Chi phí sản xuất chung ”, chứ không nên đưa trực tiếp vào tài khoản 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp ” như doanh nghiệp đã hạch toán. Cụ thể như sau:
Trong kỳ khi tập hợp chi phí cho phân xưởng cơ điện, kế toán ghi: Nợ TK 627 Có TK 334 Có TK 3382 Có TK 3383 Có TK 3384
Cuối kỳ phân bổ chi phí này theo tỷ lệ doanh thu tiêu thụ: Nợ TK 154 (K,W )
Có TK 627 (K,W )
Về mặt quản lý lao động Công ty cần phải có kỷ luật chặt chẽ để quản lý công nhân, có những quyết định xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân không thực hiện tốt kỷ luật, bên cạnh đó Công ty cần phải xây dựng tốt hơn nữa các chế độ về tiền lương, tiền thưởng, các chính sách xã hội nhằm thúc đẩy sự
sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo ổn định đời sống. Cần có những chính sách khuyến khích sản xuất tăng sản luơng làm giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.
Trong tình hình hiện nay, thì Công ty chủ yếu sản xuất và xuất khẩu cung cấp chính cho thị trường Mỹ và một số nước khác. Theo em Công ty nên mạnh dạng lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ nội địa nhằm mở rộng thị trường càng sớm càng tốt.
Như vậy để công tác về giá thành tại Công ty đạt được hiệu quả cao thì các bộ phận trong Công ty cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa đặc biệt là phòng nhân sự và phòng kỷ thuật kinh doanh trong Công ty, phòng nhân sự cần có kế hoạch đánh giá và phân tích tình hình lao động, định mức lao động, đơn giá về tiền lương cho công nhân viên … Song song đó phòng kỷ thuật kinh doanh cần phải đề ra và đánh giá về tình hình kế hoạch giá thành sản phẩm để từ đó lập kế hoạch giá thành cho từng kỳ sắp tới một cách chính xác hơn. Nếu có sự phối hợp tốt như vậy thì công tác và chi phí và giá thành tại Công ty sẽ đạt được hiệu quả cao.
Công tác tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành ở Công ty TNHH Hansae VN là rất tốt. Nhưng để công tác tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành ở Công ty hoàn thiện hơn, Công ty cần xem xét lại một số điểm sau:
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp:
Trong chi phí nguyên vật liệu trực tiếp có chi phí phụ tùng thay thế. Thực chất bản chất của phụ tùng thay thế là chỉ phục vụ gián tiếp cho quá trình sản xuất, chứ không cấu thành trực tiếp sản phẩm. Do đó theo em chi phí này nên tập hợp vào chi phí sản xuất chung. Tức là khi xuất kho phụ tùng thay thế dùng cho phân xưởng sản xuất, kế toán ghi:
Nợ TK 6273 (K,W) Có TK1524
Như đã trình bày, vào cuối mỗi tháng kế toán lập bảng tổng hợp nguyên vật liệu xuất dùng trong đó chi tiết cho từng mã hàng. Nên theo em thì kế toán lúc này
nên mở các tài khoản chi tiết tập hợp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp riêng cho từng nhóm hàng (khoản năm nhóm ). Nếu thấy cần thiết có thể mở các tài khoản chi tiết để dễ kiểm soát hơn. Khi xuất dùng nguyên phụ liệu cho các phân xưởng sản xuất, kế toán ghi:
Nợ TK 621D (K,W) ( Cụ thể từng nhóm hàng ) Nợ TK 621J (K,W)
Có TK 152
Ghi chú: D làchữ viết tắt của Dress. J là chữ viết tắt của áo Jacket.
Chi phí nhân công trực tiếp:
Công ty nên thay đổi kết cấu của bảng tổng hợp lương một chút, trên bảng lương tổng hợp nên tách riêng từng bộ phận trực tiếp sản xuất với gián tiếp sản xuất để dễ dàng cho việc theo dõi phân bổ và hạch toán chi phí một cách hợp lý.
Chi phí sản xuất chung:
Tại Công ty TNHH Hansae VN, chi phí sản xuất mang tính chất chung được Công ty tập hợp riêng, sau đó phân bổ cho các phân xưởng theo doanh thu tiêu thụ, theo em để cho giá thành có độ chính xác cao Công ty nên phân bổ các chi phí sản xuất mang tính chất chung dựa theo tiền lương lao động tại các phân xưởng. Cụ thể như sau:
Dựa vào tổng lương của các phân xưởng trong kỳ, ta tiến hành tính tỷ lệ tiền lương của từng phân xưởng. Sau đó tính trị gía cần phân bổ cho TK627 riêng biệt cho từng phân xưởng sản xuất:
Nợ TK 627 (K,W)
Có TK 111,152,153,334,338
Về đánh giá sản phẩm dở dang:
Việc áp dụng phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí nguyên vật liệu chính là hợp lý, vì chi phí nguyên vật liệu chính chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tuy nhiên việc sử dụng số lượng sản phẩm dỡ dang kiểm kê còn nằm ở các bộ phận khác nhau trên dây chuyền sản xuất để tính chi phí sản xuất dỡ dang cuối kỳ là không hợp lý, làm ảnh hưởng cho việc tính giá thành không chính xác. Theo em phải có một tỷ lệ phần trăm cụ thể và thích hợp cho việc qui ra số lượng sản phẩm dỡ dang này ở từng khâu sản xuất.
Về tính giá thành của sản phẩm:
Đối tượng tính giá thành của Công ty là tổng sản phẩm hoàn thành theo từng phân xưởng. Chỉ tiêu tổng giá thành này chỉ cho thấy được tình hình tổng quát giá thành trong kỳ. Theo em để nắm rõ tình hình thực hiện kế hoạch giá thành từng loại sản phẩm và dễ dàng trong việc hạch toán qúa trình nhập xuất thành phẩm cũng như phản ánh chính xác giá vốn hàng tiêu thụ, kết qủa kinh doanh trong kỳ phục vụ cho yêu cầu quản lý, Công ty nên chọn đối tượng tính giá thành là từng nhóm sản phẩm.