(TG@) - Khi nói đến chụp phong cảnh, chúng ta thường nghĩ đến việc sẽ sử dụng một chiếc ống kính góc rộng (wide) để thu nhận những hình ảnh đó. Thế nhưng vẫn có những bức hình tuyệt đẹp được ghi nhận lại bằng ống kính góc hẹp-xa (tele).
Và đây cũng không phải là chuyện hiếm có bởi khá nhiều nhiếp ảnh gia đang sử dụng ống kính loại này để chụp phong cảnh.
Cửa biển Hàm Thuận
Nhiều người hay quan niệm sai lầm rằng phối cảnh được quyết định bởi tiêu cự, nhưng trong thực tế điều duy nhất quyết định phối cảnh là vị trí bạn đặt máy ảnh. Ít nhất có hai nguyên tắc bạn cần biết. Thứ nhất, càng lại gần đối tượng, kích cỡ đối tượng càng to lên trong khung hình (điều này ai cũng biết). Thứ hai, khi bạn dịch chuyển gần hơn tới cảnh cần chụp, các đối tượng ở gần sẽ tăng kích cỡ nhanh hơn các đối tượng ở xa (điều này không phải ai cũng biết). Chính nguyên tắc thứ hai thường bị người chụp bỏ quên. Do phối cảnh được quyết định chỉ bởi vị trí đặt máy ảnh, bạn có thể thấy rằng phối cảnh dễ chịu nhất thường là cảnh được nhìn ở một khoảng cách rất xa. Để tạo khuôn hình với phối cảnh kiểu như vậy, bạn cần phải zoom lại gần với một ống kính tiêu cự dài. Thông thường, các nhiếp ảnh gia sẽ khuyên bạn nên sử dụng ống kính có tiêu cự 70-200 mm sẽ mang tính cơ động hơn cho những hoạt động ngoài trời.
Nguồn đề tài cho ảnh phong cảnh thường rất phong phú. Cánh đồng mùa gặt, bãi biển ngày nắng, dòng sông trong xanh... là những đối tượng quen thuộc đối với người cầm máy. Thậm chí, nếu biết cách bố trí góc nhìn và thời điểm chụp hợp lý, bạn có thể biến những cảnh tưởng chừng như thô cứng trong thành phố hay trên một cây cầu trở nên đặc biệt hấp dẫn.
Nhiếp ảnh phong cảnh không quá khó và cũng không yêu cầu quá cao về thiết bị nhưng đòi hỏi người chụp tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc bố cục và luôn sáng tạo nhằm đem đến sự mới lạ.
Vịnh Phan Thiết
Với ống kính wide, việc chụp ảnh góc rộng cần dàn trải sẽ tạo nên một bức ảnh phong cảnh tuyệt vời. Thế nhưng nếu chọn một tiêu cự hợp lý của ống kính tele, bạn sẽ có được những chi tiết tuyệt vời,
kèm theo những điểm nhấn mà chúng ta khó có thể có được khi sử dụng ống wide. Do vậy, nếu ở một khung cảnh trải dài và có màu sắc đặc biệt, các nhiếp ảnh gia sẽ chọn ống kính tele để thể hiện nó. Ngoài ra, chụp ảnh phong ảnh chính là nhiếp ảnh ngoài trời, mà nhiếp ảnh ngoài trời phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ánh sáng tự nhiên. Ánh nắng gắt vào tầm trưa giúp đẩy cao màu sắc và độ sáng nhưng có thể khiến ảnh bị xỉn hay nhợt do cân bằng trắng hoạt động kém chính xác. Độ tương phản quá lớn gây bởi ánh sáng mạnh đôi khi cũng khiến việc thể hiện các chi tiết tối trở nên khó khăn. Với ống kính tele, việc thể hiện độ tương phản và sắc nét sẽ tốt hơn ống kính wide, bởi việc thu nhận trường ảnh hẹp sẽ giúp chi tiết nổi bật hơn hẳn.
Nếu bạn đứng trên tầm xa như trên một ngọn núi, đầu một dòng sông hay trước một thảo nguyên bát ngát, hơn ai hết, người chụp sẽ ưu tiên số một bằng chiếc ống kính tele của mình bởi khi ấy, ống kính wide sẽ thiếu đi những chi tiết cần nhấn mà chúng ta muốn thể hiện.