Cải cách công tác kiểm soát chi

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp tại Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa (Trang 90)

- Mục tiêu

3.2.4.Cải cách công tác kiểm soát chi

3.2.4.1. Căn cứ của giải pháp

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính Phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đã khẳng định rõ mục tiêu: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ....”; tại Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách nhà nước năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu tất cả các Bộ, ngành và địa phương phải thực hiện tiết kiệm chi NSNN, đảm cân đối ngân sách để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Để thực hiện các giải pháp của Chính phủ và Bộ Tài chính về phát triển kinh tế xã hội và điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, cơ chế kiểm soát chi năm 2013 của KBNN cũng được điều chỉnh phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tại từng thời điểm. Một trong những thành công trong công tác kiểm soát chi NSNN năm 2013 là hệ thống KBNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, chủ động đề xuất, tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện để đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi thường xuyên.

3.2.4.2. Nội dung của giải pháp

Thứ nhất,để đảm bảo triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, KBNN đã xây dựng cơ chế kiểm soát chi và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi theo định hướng: vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tháo

gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư song phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, cấp bách, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và dự phòng ngân sách địa phương đối với một số trường hợp quy định tại Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, cải tiến quy trình kiểm soát chi NSNN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch và thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của các đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chi chặt chẽ đúng quy định; cụ thể: đẩy mạnh thực hiện nguyên tắc “Thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với từng lần thanh toán của công việc, hợp đồng thanh toán nhiều lần, theo đó giảm thời gian thanh toán đối với trường hợp này từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; về hồ sơ, tài liệu thanh toán vốn đầu tư cũng được đơn giản hóa. Bên cạnh đó, KBNN cũng triển khai cơ chế “ một cửa” trong kiểm soát chi NSNN qua đó đáp ứng nhanh hơn, kịp thời hơn yêu cầu thanh toán cho các chủ đầu tư; đồng thời, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN qua KBNN.

Thứ ba, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN, năm 2013 KBNN đã trình cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến giải quyết các vướng mắc như: tạm cấp kinh phí cho các đơn vị sử dụng NSNN khi chưa được giao dự toán đầu năm, vướng mắc trong việc kiểm soát chi quỹ Bảo trì đường bộ; tạm ứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ,... Đồng thời, chủ động tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế hiện hành về chi thường xuyên, dự thảo các văn bản hướng dẫn kiểm soát chi về mua sắm tài sản và điều hành chi NSNN năm 2013 theo Chỉ thị số 09/CT-TTg của Chính phủ,….

Thứ tư, để triển khai kịp thời, thống nhất các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tới KBNN các cấp, trong năm qua KBNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ chỉ đạo KBNN huyện, thành phố triển khai công tác kiểm soát chi NSNN năm 2013 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ, Nghị quyết số 02/NQ-CP và phổ biến quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức KBNN nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/05/2013 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách nhà nước năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả của chủ đầu tư, đơn vị dự toán; đồng thời phối hợp

với chủ đầu tư, đơn vị dự toán, cơ quan Tài chính để xác định thời gian thực hiện và thanh toán của từng dự án cũng như đẩy mạnh công tác thu hồi tạm ứng vốn theo chế độ, tháo gỡ nhiều vướng mắc tại các địa phương, hướng dẫn thực hiện tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013 theo Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ…..

Thứ năm, trong năm 2013 hệ thống KBNN đã chính thức triển khai áp dụng quản lý, kiểm soát cam kết chi theo quy định tại Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính thông qua đó góp phần giúp đơn vị sử dụng NSNN kế hoạch hóa và quản lý các khoản chi tiêu trong phạm vị dự toán được phân bổ trong từng năm tài chính; đối với các cơ quan quản lý, việc thực hiện cam kết chi sẽ góp phần, đảm bảo ngân sách để thanh toán cho khoản đã cam kết; ngoài ra, đây còn là công cụ giúp cho cơ quan tài chính, các đơn vị dự toán xây dựng ngân sách trung hạn, giúp cho KBNN trong việc dự báo luồng tiền và thực hiện quản lý ngân quỹ hiện đại, hiệu quả.

Thứ sáu, để đảm bảo thông tin phục vụ điều hành ngân sách của Chính phủ, Bộ Tài chính; KBNN đã tăng cường chế độ thông tin báo cáo và dự báo điều hành ngân sách nhà nước; với sự cố gắng, quyết tâm nên về cơ bản trong năm 2013, công tác thông tin báo cáo đã đáp ứng được yêu cầu thường xuyên và đột xuất cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý điều hành NSNN.

Thứ bảy, trong năm 2013 KBNN đã tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị thuộc KBNN trong việc thực hiện kiểm soát chi NSNNN. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện, những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN; từ đó, tổng hợp kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế.

Với những giải pháp tích cực, hiệu quả, công tác kiểm soát chi qua hệ thống KBNN năm 2013 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu và các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Công tác kiểm soát chi của KBNN đã đảm bảo được mục tiêu: vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư; đồng thời, phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, cấp bách, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và dự phòng ngân sách địa phương đối với một số trường hợp quy định tại Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,…

Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán . Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện từ chối thanh toán của một số khoản chi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg như: số vốn đầu tư và kinh phí chi thường xuyên đã giao trong dự toán năm 2013 của các cơ quan có thẩm quyền nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định; vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2013 đã phân bổ cho các dự án nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2013 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai quy định. Qua đó đã góp phần thực hành tiêt kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

3.2.4.3. Hiệu quả do giải pháp mang lại

Áp dụng biện pháp trên, góp phần cải cách công tác kiểm soát chi, hoàn thiện và đẩy nhanh thủ tục kiểm soát chi, đem lại sự hài lòng cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước ngành Nông nghiệp đối với Kho bạc Nhà nước.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp tại Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa (Trang 90)